CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2022

VẬN DỤNG TƯ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG ĐẤU TRANH, PHÊ PHÁN MỘT SỐ NHẬN THỨC SAI LẦM VỀ TÍNH KHOA HỌC CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN

 

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991; bổ sung, phát triển năm 2011) cùng một số văn kiện khác của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: "Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động".

Đó là một quan điểm hoàn toàn đúng đắn. Thế nhưng vẫn còn có những ý kiến sai trái, phản bác lại quan điểm này, mà xét cho kỹ là do không nắm vững phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Trong "Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) ngày 7/9/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin, học lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin để vận dụng vào tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế chúng ta mới có thể dần dần biết được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta. Không phải học để thuộc lòng từng câu, từng chữ. Khi vận dụng thì bổ sung, làm phong phú thêm lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn cách mạng của ta. Do không thấm nhuần lời căn dặn trên đây, nên đã có một số ý kiến sai lầm như sau:

Một là, Chủ nghĩa Mác là sản phẩm của Tây Âu. Mác và Ăng-ghen sống ở Đức, Pháp, Anh; các ông đã kế thừa có phê phán các luồng tư tưởng của phương Tây (Triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị tư sản cổ điển Anh, chủ nghĩa xã hội Pháp) để xây dựng học thuyết của mình. Các ông chưa hiểu về phương Đông, châu Phi, Mỹ la-tinh, nên học thuyết của các ông chỉ phù hợp với phương Tây, không phù hợp với các nơi khác trong đó có Việt Nam, vì Việt Nam có điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tư tưởng.... khác với Tây Âu. Mác và Ăng-ghen đã mắc sai lầm lấy cái bộ phận (Tây Âu) làm trung tâm để xem xét cái toàn thể (cả thế giới). Không phải Mác và Ăng-ghen lấy cái bộ phận (Tây Âu) để xem xét cái toàn thể (cả thế giới) mà theo nguyên tắc "thống nhất giữa lý luận và thực tiễn" và "nghiên cứu một cơ thể đã phát triển thì dễ hơn là nghiên cứu tế bào của cơ thể đó"; nên khi nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, các ông đã chọn nước Anh là nước điển hình cho sự phát triển của phương thức sản xuất này và đã đạt tới trình độ cao hơn các nước khác vào thời điểm đó, để minh họa chủ yếu cho sự trình bày lý luận của mình. Tuy vậy, ngay cả ở nước Anh khi ấy cũng chưa có chủ nghĩa tư bản thuần khiết mà vẫn còn những tàn dư của các phương thức sản xuất trước, như kinh tế tự nhiên tự cung tự cấp, sản xuất hàng hóa nhỏ... Vì vậy, để tìm ra các quy luật vận động của xã hội hiện đại, tức là xã hội tư bản chủ nghĩa, Mác đã áp dụng phương pháp trừu tượng hóa khoa học, gạt bỏ những tàn dư nói trên, nêu lên những giả định: Một là, nền sản xuất xã hội đã hoàn toàn bị phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chi phối, mọi của cải đều biểu hiện dưới hình thái hàng hóa, kể cả sức lao động. Hai là, khi nghiên cứu công nghiệp và dịch vụ chỉ xét quan hệ giữa hai chủ thể là công nhân làm thuê và nhà tư bản; khi nghiên cứu nông nghiệp và địa tô tư bản chủ nghĩa mới xét quan hệ giữa ba giai cấp cấu thành bộ xương sống của xã hội hiện đại: công nhân làm thuê, nhà tư bản đầu tư vào nông nghiệp và chủ sở hữu ruộng đất. Nhưng không xét từng người cụ thể mà xét họ trong chừng mực là hiện thân của những phạm trù kinh tế, là đại biểu cho những quan hệ và những lợi ích giai cấp nhất định.

Bởi vậy, khi vận dụng lý luận vào thực tiễn phải đặt mối nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Nếu bối cảnh phù hợp với những giả định đã nêu thì sẽ vận dụng trực tiếp, không kể là ở phương Tây hay phương Đông, không kể là châu Phi hay Mỹ la-tinh. Nếu bối cảnh lịch sử có những nét đặc thù, thì phải tính tới những nét đặc thù đó. Chẳng hạn, trong một nền kinh tế đang quá độ từ chủ nghĩa phong kiến lên chủ nghĩa tư bản hay đang quá độ từ tiểu nông lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, thì chỉ có thể vận dụng lý luận về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vào hoạch định chính sách phát triển bộ phận (hay thành phần) kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế tư bản nhà nước, không thể vận dụng vào sản xuất hàng hóa nhỏ hay kinh tế tự nhiên.

Hai là, Mác và Ăng-ghen mới nghiên cứu chủ nghĩa tư bản sơ kỳ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, chưa bộc lộ hết những đặc trưng và xu hướng phát triển của nó, nên còn nhiều nhận xét và dự báo không phù hợp với chủ nghĩa tư bản hiện đại, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Dĩ nhiên là Mác và Ăng-ghen phải dựa vào thực tiễn của cách mạng công nghiệp lần thứ nhất để nghiên cứu chủ nghĩa tư bản nhưng các ông cũng đã phát hiện nhiều xu hướng phát triển tất yếu của đại công nghiệp.

Trong "Lời bạt viết cho lần xuất bản thứ hai quyển I "Tư bản", Mác đã trích dẫn bài bình luận về phương pháp của tác phẩm "Tư bản" đăng trên tạp chí "Người truyền tin châu Âu" ở Pe-téc-bua mà Mác cho là đúng: "Đối với Mác, chỉ có điều này là quan trọng: tìm ra quy luật của những hiện tượng mà ông nghiên cứu. Hơn nữa, điều quan trọng đối với ông không phải chỉ là cái quy luật chi phối những hiện tượng ấy trong lúc chúng đang ở dưới một hình thái nhất định và đang nằm trong mối quan hệ qua lại mà ông quan sát được trong một lúc nhất định. Đối với ông điều quan trọng hơn cả là quy luật biến hóa của các hiện tượng, quy luật phát triển của chúng, tức là sự chuyển hóa từ một hình thái này sang một hình thái khác, từ một trật tự quan hệ qua lại này sang một trật tự quan hệ qua lại khác..."

"Muốn thế, chỉ cần là khi chứng minh tính tất yếu của trật tự hiện thời ông chứng minh luôn cả tính tất yếu của một trật tự khác mà trật tự hiện thời nhất thiết phải chuyển sang, dù người ta có nghĩ đến hay không nghĩ đến điều đó, dù người ta có ý thức hay không có ý thức về điều đó. Ông coi sự vận động xã hội như là một quá trình lịch sử tự nhiên".

Khi phân tích vai trò của tư liệu lao động trong quá trình sản xuất, Mác đã nhấn mạnh: "Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào"[3]. Các tư liệu lao động không những là thước đo sự phát triển sức lao động của con người, mà còn là một chỉ tiêu của những quan hệ xã hội trong đó lao động được tiến hành. Cơ sở kỹ thuật của công nghiệp hiện đại có tính chất cách mạng, nhờ dùng máy móc, nhờ các quá trình hóa học và các phương pháp khác nền công nghiệp hiện đại không ngừng đảo lộn những cơ sở vật chất của nền sản xuất và cùng với chúng là những chức năng của công nhân và những sự kết hợp xã hội của quá trình lao động.

Chúng ta không thể kỳ vọng Mác và Ăng-ghen chỉ ra một cách cụ thể những giải đoạn kế tiếp sau cách mạng công nghiệp lần thứ nhất sản xuất bằng công nghệ nào, với những tư liệu lao động nào, nhưng theo phương pháp đã dẫn ra ở trên, các ông đã dự báo rất đúng nhiều xu hướng phát triển của đại công nghiệp. Thí dụ: Theo đà phát triển của đại công nghiệp, máy móc sẽ từng bước thay thế lao động giản đơn, quá trình sản xuất từ chỗ là một quá trình lao động giản đơn sẽ trở thành một quá trình khoa học. Lao động trực tiếp về mặt lượng được quy vào một phần nhỏ hơn, về mặt chất được chuyển hóa thành một yếu tố nào đó, tuy cần thiết nhưng là thứ yếu so với lao động khoa học phổ biến, so với sự áp dụng khoa học tự nhiên vào công nghệ. Như vậy, việc tạo ra của cải thực sự trở nên lệ thuộc ít hơn vào thời gian lao động và số lượng lao động đã chi phí, và phụ thuộc nhiều hơn vào trình độ chung của khoa học và vào sự tiến bộ của kỹ thuật, hay là phụ thuộc vào sự ứng dụng khoa học vào sản xuất. Tính chất của lao động cũng thay đổi, lao động không phải chủ yếu là lao động được nhập vào quá trình sản xuất mà chủ yếu là loại lao động trong đó con người, trái lại, là người kiểm soát và điều tiết bản thân quá trình sản xuất; thay vì làm tác nhân chủ yếu của quá trình sản xuất công nhân lại đứng bên cạnh quá trình ấy.

Tri thức, khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Phát minh trở thành một nghề đặc biệt, và đối với nghề này thì việc vận dụng khoa học vào nền sản xuất trực tiếp tự nó trở thành một trong những yếu tố có tính chất quyết định và kích thích. Đại công nghiệp đòi hỏi giáo dục bách khoa và những con người phát triển toàn diện.

Những dự báo khoa học sẽ phải được kiểm nghiệm trong thực tiễn, không nên mặc nhiên coi là những nguyên lý, mặc dù hầu hết các dự báo của Mác, Ăng-ghen và Lê-nin đều đúng. Chính các ông cũng thường xuyên kiểm lại các quan điểm của mình khi tình hình thực tiến biến đổi. Thí dụ: Trong "Lời tựa viết cho bản tiếng Đức "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" xuất bản năm 1872, Mác và Ăng-ghen đã viết: "Xét về đại thể những nguyên lý tổng quát trình bày trong Tuyên ngôn này vẫn hoàn toàn đúng. Ở đôi chỗ có một vài chi tiết cần phải xem lại. Chính ngay Tuyên ngôn cũng đã giải thích rõ rằng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đó, không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II. Đoạn này ngày nay mà viết lại thì về nhiều mặt cũng phải viết khác đi, vì đại công nghiệp đã có những bước tiến hết sức lớn, trong hai mươi lăm năm qua và giai cấp công nhân cũng đạt được những tiến bộ song song trong việc tự tổ chức thành chính đảng"...

Tóm lại, vẫn có thể vận dụng phương pháp nghiên cứu của Mác và Ăng-ghen về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vào xem xét sự vận động của xã hội tư bản hiện đại./.

PVĐ-H4

0 nhận xét: