1. Bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa xã hội khoa học được thể hiện tập trung trong cách mạng vô sản
Sự
phát triển lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin kể từ khi
ra đời cho đến nay đều gắn liền với cuộc cách mạng vô sản mà nổi
bật nhất là cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại
- cuộc cách mạng mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ
nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Trong
khi xây dựng và phát triển lý luận khoa học, C.Mác và Ph.Ăngghen đã vận
dụng thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp biện chứng duy
vật để phân tích sâu sắc mâu thuẫn cơ bản của xã hội loài người và
đã vạch ra quy luật phát triển tự nhiên của xã hội. Các ông đã chỉ
ra rằng: xã hội phong kiến thay thế xã hội nô lệ, chủ nghĩa tư bản
thay thế xã hội phong kiến, chủ nghĩa xã hội thay thế chủ nghĩa tư
bản là xu thế tất yếu không thể đảo ngược được của sự phát triển
xã hội. Đồng thời, căn cứ vào quy luật vận động, phát triển của
chủ nghĩa tư bản (trong giai đoạn tự do cạnh tranh), C.Mác và Ph.Ăngghen
đã dự báo, cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể nổ ra và giành
thắng lợi ở những nước tư bản chủ nghĩa tiên tiến nhất. Đồng thời,
các ông cũng lưu ý rằng, do việc cạnh tranh và giao lưu rộng rãi với
các nước công nghiệp phát triển, ở những nước công nghiệp chưa phát
triển sẽ nảy sinh những mâu thuẫn như giữa sức sản xuất với hình
thức giao lưu... và trong điều kiện này thì chúng ta không cần đợi
đến mâu thuẫn phát triển đến mức tột cùng của nó. "Nếu chúng
ta bắt buộc phải đợi, Ph.Ăngghen nhấn mạnh cho đến sau khi sản xuất tư
bản chủ nghĩa phát triển đến cùng, một tiểu nông cuối cùng đều
biến thành vật hy sinh của nền đại sản xuất tư bản chủ nghĩa, thì
mới thực hiện sự cải tạo này, điều đó sẽ quá tồi tệ đối với
chúng ta"[1]. Như vậy, theo
C.Mác và Ph.Ăngghen, ở các nước chậm phát triển cũng có khả năng
xảy ra cuộc cách mạng vô sản khi những điều kiện của cuộc cách mạng
đã chín muồi và chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội này để chờ chủ
nghĩa tư bản "phát triển chín muồi" mới tiến hành cách
mạng.
V.I.Lênin
đã phân tích sâu sắc và toàn diện sự vận động của chủ nghĩa tư bản
trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và chỉ ra rằng: "Sự phát
triển không đều về kinh tế và chính trị là quy luật tuyệt đối của
chủ nghĩa tư bản..."[2] và "do đó
đi đến kết luận tất yếu này: Chủ nghĩa xã hội không thể đồng thời
thắng lợi trong tất cả các nước. Trước hết nó thắng lợi trong một
nước, hoặc một số nước..."[3] - nơi mà ở
đó, các mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản phát triển tập trung và gay
gắt đến tột cùng của nó; và do đó, nó trở thành khâu yếu nhất
trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc. Thực tiễn xã hội đã
xác nhận rằng, khâu yếu ấy đã xuất hiện ở nước Nga (năm 1917) trong
bối cảnh Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Bởi lẽ, tuy sự phát
triển tư bản chủ nghĩa ở Nga chưa đầy đủ, nhưng các mâu thuẫn xã hội
đã phát triển tập trung và gay gắt nhất, đồng thời những điều kiện
khách quan và nhân tố chủ quan của cách mạng đã phát triển chín
muồi. Trong điều kiện này, V.I.Lênin đã kiên quyết lãnh đạo Cách mạng
Tháng Mười Nga năm 1917 giành thắng lợi.
Sau
Chiến tranh thế giới lần thứ hai, một loạt các nước đã phát triển
theo con đường xã hội chủ nghĩa, làm cho chủ nghĩa xã hội đã trở
thành hệ thống trên thế giới. Có thể nói, chủ nghĩa xã hội tuy mới
ra đời và đang trong quá trình thử nghiệm tìm tòi, nhưng đã giữ vai
trò to lớn trong lịch sử phát triển của nhân loại ở thế kỷ XX. Chủ
nghĩa xã hội đã chiến thắng chủ nghĩa phát xít, làm cân bằng thế
lực chiến tranh và bảo vệ hòa bình thế giới, thúc đẩy sự phát
triển của phong trào giải phóng dân tộc, chôn vùi chủ nghĩa thực dân,
đồng thời tạo áp lực buộc chủ nghĩa tư bản phải tự điều chỉnh
thích nghi và cải cách, từ đó mà chủ nghĩa xã hội đã có nhiều
đóng góp to lớn cho nền văn minh thế giới phát triển như ngày hôm nay.
2.
Từ bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa xã hội
khoa học phân tích xã hội hiện đại
Vận
dụng thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng vào phân
tích những sự kiện lớn của xã hội hiện đại, nhất là sự sụp đổ mô
hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu và những thành
công trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam có ý nghĩa lý luận và thực
tiễn to lớn.
Trước
hết, cần khẳng định rằng sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội hiện thực ở
Liên Xô và Đông Âu hoàn toàn không phải là sự sụp đổ của chế độ xã
hội chủ nghĩa với tư cách là một hình thái kinh tế - xã hội thay
thế chủ nghĩa tư bản, càng không phải là sự thất bại của chủ nghĩa
Mác - Lênin, mà chỉ là sự sụp đổ của một mô hình cụ thể về chủ
nghĩa xã hội. Bởi lẽ, với tư cách là một hình thái kinh tế - xã
hội để thay thế chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội mới ra đời và
đang còn là những thử nghiệm ban đầu; vì vậy, nó không tránh khỏi
những đổ vỡ, mất mát, thậm chí cả giai đoạn khủng hoảng trầm trọng
và thất bại tạm thời, nhưng cuối cùng vẫn khẳng định được mình -
đó là biện chứng của lịch sử, là quy luật phát triển tự nhiên của
đời sống xã hội. Sự ra đời mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và
Đông Âu là tất yếu lịch sử, còn sự sụp đổ của nó sau này là có
thể tránh được. Song, cái "có thể tránh được" này lại vẫn
xảy ra - đó là "nghịch lý của lịch sử". Ph.Ăngghen đã từng
nói rằng, mỗi sự kiện lịch sử to lớn đều là kết quả của "hợp
lực". Sự kiện mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp
đổ không phải là một vài nhân tố tác động, mà nó là kết quả của
việc tích tụ lâu dài các mâu thuẫn và nguy cơ ngày càng phát triển
theo chiều hướng xấu ở các nước này đã không được giải quyết; công
cuộc cải tổ chủ nghĩa xã hội diễn ra một cách "duy tâm",
"nửa vời" và theo hướng "phủ định sạch trơn",
"phá tan triệt để" cùng với "diễn biến hòa bình"
của các nước phương Tây... đã đưa đến thảm kịch này.
Thứ
hai, những thử nghiệm về xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XX
đều diễn ra ở các nước có trình độ lạc hậu, điều này đặt ra
"bài toán khó lịch sử cho các đảng cộng sản ở những nước này:
Củng cố thành quả cách mạng như thế nào, xây dựng và phát triển
chủ nghĩa xã hội ra sao với nền kinh tế lạc hậu, trình độ dân trí
thấp và trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản luôn bao vây, đe dọa và đàn
áp..." Có thể nói, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện
này là hoàn toàn mới mẻ và cực kỳ khó khăn. Chúng ta thiếu cả cơ
sở vật chất, kỹ thuật, thiếu cả lý luận và kinh nghiệm thực tiễn.
Điều này đã được V.I.Lênin nhiều lần nhắc nhở: "phải cải tạo
nền kinh tế tiểu nông và người nông dân (sản phẩm của nền kinh tế
đó) một cách kiên trì, lâu dài và trải qua nhiều thế hệ; rằng,
những người cộng sản không được nóng vội, chủ quan, mà phải không
ngừng học tập, rèn luyện, phát huy tính tích cực, sáng tạo, cách
mạng... Bởi lẽ, xây dựng chủ nghĩa xã hội như con người chinh phục
đỉnh núi cao chưa được khám phá, chưa có dấu chân người; vì vậy,
phải sẵn sàng chịu đựng hàng ngàn khó khăn, sẵn sàng thử nghiệm
hàng ngàn lần, hơn nữa, sau khi chúng ta làm thử nghiệm một ngàn lần
rồi, thì sẵn sàng làm thử lần thứ một ngàn lẻ một..."[4].
Vận
dụng bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa xã hội
khoa học vào phân tích cuộc "thử nghiệm" đầu tiên -
"chính sách cộng sản thời chiến" và căn cứ vào tình hình
quốc tế và nước Nga lúc đó, V.I.Lênin đã rút ra kết luận rằng, cần
phải thay đổi căn bản quan niệm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội.
Và ông đã đưa ra và thực hiện một mô hình mới về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở một
nước mà nền kinh tế còn lạc hậu - đó là “Chính sách kinh tế mới”
(NEP). Chỉ sau ba năm thực hiện NEP, nước Nga lúc đó đã khắc phục
được tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, và điều
quan trọng là nó chỉ ra con đường
quá độ "gián tiếp" lên chủ nghĩa xã hội với những nước
chưa có nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển. Tiếc rằng, vì nhiều
lí do khác nhau, Đảng Cộng sản Liên Xô sau đó không áp dụng và phát
triển NEP một cách triệt để, mà áp dụng mô hình khác về chủ nghĩa
xã hội (nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung cao độ với cơ chế quan
liêu, bao cấp) và về sau này nó trở thành "vật cản" cho sự
phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu.
Thứ
ba, dưới ánh sáng khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa Mác
- Lênin, Việt Nam tiến hành đổi mới thành công đã mang lại một sức
sống mới và diện mạo mới cho chủ nghĩa xã hội. Đối với Việt Nam,
đổi mới "không phải là sự thay đổi mục tiêu chủ nghĩa xã hội
mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có kết quả bằng những quan
niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, bằng những hình thức, bước đi
và những biện pháp thích hợp"[5]. Từ một nước
có nền kinh tế lạc hậu, quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ
tư bản chủ nghĩa bằng “đổi mới” là một phát kiến mang tính khoa học
và cách mạng của Việt Nam trong bối cảnh mới. Nó thể hiện sâu sắc
tinh thần khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin
và trở thành xu thế tất yếu của thời đại hiện nay, cùng với sức
sống mới của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI.
Có
thể nói, tấm gương kiên trì mục tiêu xã hội chủ nghĩa với những
thành tựu nổi bật của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam không chỉ là
nguồn cổ vũ lớn lao, mà còn tạo ra xung lực mạnh mẽ cho phong trào
cộng sản và công nhân quốc tế ở thế kỷ XXI.
Thứ
tư, trong xã hội hiện đại, chủ nghĩa tư bản đã có những bước phát
triển mới. Do có sự tự điều chỉnh, cải cách để thích nghi với hoàn
cảnh mới, do vận dụng tối đa những thành tựu mới của cuộc cách
mạng khoa học, công nghệ vào sản xuất và sử dụng chủ nghĩa tư bản
toàn cầu hóa như một công cụ điều tiết vĩ mô, vận hành nền kinh tế
theo quy luật khách quan nên chủ nghĩa tư bản đã đạt được những thành
tựu to lớn về phương diện "kinh tế". Trong những thập kỷ
tới, chủ nghĩa tư bản vẫn có khả năng tự điều chỉnh và thích ứng
với yêu cầu phát triển mới của lực lượng sản xuất; và do vậy, nó
sẽ tiếp tục mang lại những thành quả to lớn về kinh tế cho nhân
loại. "... nhưng về bản chất vẫn là chế độ áp bức, bóc lột và
bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất
là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng
sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những
không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh
tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra"[6].
Chủ nghĩa tư bản càng phát triển thì càng tích tụ thêm nhiều khuyết
tật và làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột vốn có của nó
(bóc lột, đói nghèo, thất học, khủng hoảng môi trường, cạn kiệt tài
nguyên, chiến tranh, tội ác...) mà trong phạm vi của chủ nghĩa tư bản
và với tầm hạn chế của hệ tư tưởng tư sản thì không thể nào giải
quyết được. Trên thực tế, chủ nghĩa tư bản đã và đang chuẩn bị
những tiền đề và điều kiện cần thiết để từng bước thay thế và phủ
định nó bằng những phương thức và biện pháp thích hợp.
3.
Về tương lai của chủ nghĩa xã hội
Mô
hình chủ nghĩa xã hội hiện thực với lịch sử gần 100 năm - đó là
khoảnh khắc ngắn ngủi trong lịch sử nhân loại, hơn nữa nó lại đang
trong giai đoạn mở đầu với những "thử nghiệm". Mặc dù vậy,
chủ nghĩa xã hội đã thể hiện sức sống mãnh liệt trong đời sống
kinh tế, chính trị, tinh thần của nhân loại ở thế kỷ XX và tạo ra
những giá trị nhân văn ở thế kỷ XXI, buộc chủ nghĩa tư bản phải điều
chỉnh thích nghi nếu muốn tồn tại, góp phần thúc đẩy hòa bình,
tiến bộ của nhân loại trên thế giới. Trước đây, trong bầu không khí
"chiến tranh lạnh" người ta thường so sánh: "chủ nghĩa
xã hội tốt" - "chủ nghĩa tư bản xấu", "chủ nghĩa
xã hội mạnh" - "chủ nghĩa tư bản yếu". Sau "chiến
tranh lạnh", người ta lại đưa ra so sánh: "chủ nghĩa tư bản giàu"
- "chủ nghĩa xã hội nghèo", "chủ nghĩa tư bản
mạnh" - "chủ nghĩa xã hội
yếu", "chủ nghĩa tư bản tấn công" - "chủ nghĩa xã
hội phòng thủ"... Vấn đề này được một cha cố người Nicaragoa đã
viết Ghi chép châu Mỹ của Mêhicô rằng: "Giới báo chí dương dương
tự đắc tuyên bố trên toàn thế giới về thất bại của chủ nghĩa xã
hội, nhưng họ lại không nhắc đến thất bại lớn hơn của chủ nghĩa tư
bản. Chủ nghĩa tư bản chỉ giành được thành công trong 10% hoặc 20% dân
số thế giới. Đối với thế giới thứ ba, đối với những người nghèo
chiếm đại đa số mà nói, chủ nghĩa tư bản mang tính tai ương, và thất
bại của chủ nghĩa tư bản còn lớn hơn thất bại của chủ nghĩa xã hội"[7].
Trong
bối cảnh hiện tại - "một thế giới, hai chế độ" - cả chủ
nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản đều "cùng chung sống"
trong khoảng thời gian nhất định. Trong đó tiếp tục cuộc đấu tranh để
giải quyết vấn đề "ai thắng ai" giữa hai con đường: tư bản
chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa; đồng thời tiếp tục cuộc đấu tranh
về ý thức hệ giữa ý thức hệ tư sản và ý thức hệ giai cấp công
nhân cách mạng. Cuộc đấu tranh này ngày càng phức tạp và gay gắt
hơn, khi mà chủ nghĩa xã hội hiện thực chưa ra khỏi cuộc khủng
hoảng, phong trào cách mạng thế giới đang tạm thời lâm vào thoái
trào sau sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và
Đông Âu. Trong cuộc đấu tranh phức tạp, lâu dài, gian khổ, nhất định
chủ nghĩa xã hội sẽ chiến thắng, như Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn
quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định hiện nay:
"Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân
tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn,
thách thức, nhưng sẽ có bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của
lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội"[8].
Như
vậy, gần hai thế kỷ đã đi qua, với bản chất khoa học, cách mạng và
nhân văn của mình, chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, chủ nghĩa xã hội
khoa học nói riêng đã trở thành ngọn cờ cách mạng của phong trào
cộng sản và công nhân quốc tế, chỉ đường cho các cuộc cách mạng vô
sản giành được nhiều thắng lợi. Chủ nghĩa xã hội hiện thực ra đời,
tồn tại đã tỏ rõ tính ưu việt hơn hẳn chủ nghĩa tư bản. Mặc dù
gặp phải tổn thất lớn do sự đổ vỡ của Liên Xô và Đông Âu, song chủ
nghĩa xã hội đang từng bước thể hiện sức sống như ở Trung Quốc,
Việt Nam và trong lòng nhân loại tiến bộ trên thế giới. Bản chất
cách mạng, khoa học và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin mãi tỏa
sáng soi rọi con đường xã hội chủ nghĩa - con đường đưa nhân loại đến
cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc./.
[1]
C.Mác và Ph.Ăngghen, Tuyển tập,
tập 4, tr. 500.
[2]
V.I.Lênin, Toàn tập, tập 26, Nxb
Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr. 447.
[3]
V.I.Lênin, Toàn tập, tập 30, Nxb
Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr. 173.
[4]
V.I.Lênin, Toàn tập, tập 34, Nxb
Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr. 379.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 53.
[6] Đảng
Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,
tr. 68.
[7] Tiêu
Phong, Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa
tư bản: Hai chủ nghĩa một trăm năm, Nxb Thế giới đương đại, Trung
Quốc, tr. 126.
[8] Đảng
Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,
tr. 69.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét