Pages - Menu

Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Tại sao phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng?

 

Một là, xuất phát từ vị trí, vai trò nền tảng tư tưởng của Đảng

Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam còn chưa ra đời, năm 1927, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh, “phải giữ chủ nghĩa cho vững”, “Đảng phải có chủ nghĩa làm cốt” và “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[1]. Nếu không giữ vững chủ nghĩa thì không thể có phương hướng chính trị đúng, không thể vạch rõ đường lối và phương pháp cách mạng, chiến lược và sách lược cách mạng để tập hợp lực lượng, gây dựng phong trào, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên và quần chúng trong đấu tranh thực hiện lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản ở nước ta. Điều đó đã khẳng định vai trò quan trọng của nền tảng tư tưởng của một Đảng cách mạng chân chính. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề hệ trọng đầu tiên để giữ vững bản chất của một Đảng cách mạng chân chính, liên quan trực tiếp, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự sáng tạo độc đáo của Hồ Chí Minh. Người đã thành công trong vận dụng, sáng tạo học thuyết Mác – Lênin về quy luật ra đời của đảng cộng sản: “Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930”[2]. Trải qua các kỳ Đại hội từ Đại hội I đến Đại hội VI, Đảng ta luôn khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng ta là chủ nghĩa Mác - Lênin. Đến Đại hội VII (6/1991), Đảng bổ sung điểm mới: “Nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh”[3]; đồng thời khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam và tư tưởng của Người đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc ta. Từ đây, chủ nghĩa Mác - Lênin cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh chính thức được xác định là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

Với những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của hơn 35 đổi mới đất nước, tại Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta vẫn tiếp tục khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh là “kim chỉ nam” cho mọi hành động của Đảng. Đại hội XIII đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo quá trình đổi mới và phát triển ở Việt Nam. Đó là: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đây được coi là một trong những vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”[4].

Hai là, xuất phát từ bản chất cách mạng, khoa học và giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ thống quan điểm và học thuyết khoa học về con đường giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động khỏi chế độ áp bức, bóc lột bất công, tiến tới thực hiện sự nghiệp giải phóng con người. Học thuyết này được sáng lập bởi C.Mác, Ph.Ăngghen, sau đó được V.I.Lênin vận dụng và phát triển trong thực tiễn. Trên phạm vi thế giới, chỉ có chủ nghĩa Mác-Lênin phân tích đúng bản chất, phê phán chủ nghĩa tư bản sâu sắc nhất, triệt để nhất. Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa cộng sản, ánh sáng chân lý của mọi thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy ở hệ lý luận mácxít con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng nhân loại, xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công - Đây là mong muốn của Nhân dân Việt Nam từ ngàn đời nay: đấu tranh giải phóng dân tộc và nguyện vọng được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Chính vì vậy, từ Đại hội II của Đảng ta đã từng bước đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào làm nền tảng tư tưởng của Đảng. Đặc biệt, tại Đại hội VII, Đảng ta đã chính thức đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Và tại Đại hội IX đã đưa ra khái niệm “tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển của các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”[5].

Như vậy, Đảng ta đã từng bước một đã khẳng định bản chất cách mạng, khoa học và giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính những thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua hơn 93 năm dưới lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã khẳng định tính đúng đắn đó.

Ba là, xuất phát từ âm mưu, thủ đoạn và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch

Ngay từ khi ba tổ chức Cộng sản ở Việt Nam ra đời, nhận thấy nguy cơ phân liệt, tan rã về chính trị, tư tưởng và tổ chức, từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ tính tất yếu và luôn chủ động đề ra chủ trương phải bảo vệ đảng. Vì vậy, sau Hội nghị thống nhất ba tổ chức để thành lập một chính đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Văn kiện chính thức: Phong trào công nhân (Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương), tháng 10/1930, Đảng ta và Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Giải thích cho công nhân mục đích và đường lối của Đảng Cộng sản trong các vấn đề liên quan đến cuộc sống của công nhân và thái độ đối với các sự kiện lớn diễn ra trong nước. Giải thích cho họ rằng, Đảng Cộng sản là Đảng của họ, vì vậy họ cần phải bảo vệ Đảng”[6].

Trong thời kỳ lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc (1930-1945), Đảng hoạt động giữa vòng vây của kẻ thù, nhiều thế lực phản cách mạng tập trung đánh phá quyết liệt, Đảng còn non trẻ nhưng đã thể hiện bản lĩnh của một đảng cách mạng có bản lĩnh chính trị vững vàng. Đảng đã đấu tranh không khoan nhượng với những phần tử theo Trotskyt. Tổng Bí thư Hà Huy Tập (bút danh Thanh Hương) viết tác phẩm Trotskyt và phản cách mạng; Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ viết “Tự chỉ trích” nhằm đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái của phái Trotskyt, tạo sự thống nhất về nhận thức về tư tưởng, chính trị và hành động trong toàn Đảng. Qua cuộc đấu tranh về tư tưởng, Đảng được xây dựng, trưởng thành, giữ vững vai trò lãnh đạo, phát động toàn dân tộc làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945.



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.289.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.406.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự Thật, H, 1991, tr.127.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.33.

[5] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.83-83.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tâp 2, tr.181

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét