Pages - Menu

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG

Tư tưởng Hồ Chí Minh về ĐĐCM là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề tư tưởng, tình cảm cách mạng, nổi bật là: trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Trong đó, phẩm chất bao trùm của ĐĐCM là trung thành tuyệt đối với Đảng, tận tụy hết lòng vì dân. Người chỉ rõ ĐĐCM “là ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng, hết sức trung thành phục vụ giai cấp và nông dân lao động, tuyệt đối không thể lừng chừng”[1]. Tiếp đến “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là những phẩm chất quan trọng, là những yêu cầu đầu tiên và dấu hiệu đặc trưng của người cách mạng. Người đã giải thích ngắn gọn cụ thể, dễ hiểu: “cần” là siêng năng, là tăng năng suất công tác; “kiệm” là không lãng phí thì giờ, của cải; “liêm” là không tham ô, tôn trọng, giữ gìn của công; “chính” là việc phải thì hết sức làm, việc trái thì dù nhỏ cũng phải tránh.

Có thể khái quát, tư tưởng Hồ Chí Minh về ĐĐCM trên những vấn đề sau:

Trước hết, về ý thức đạo đức. Theo Hồ Chí Minh, giá trị chuẩn mực chung nhất của mọi tư tưởng ĐĐCM là yêu cầu “đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”[2]. Đạo đức là cái “gốc”, là “nền tảng”, là cái “căn bản” của người cách mạng, “không có ĐĐCM thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[3]. Đó còn là thước đo lòng cao thượng của con người, mỗi người có công việc, tài năng, vị trí khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ, nhưng ai giữ được ĐĐCM đều là cao thượng. Có ĐĐCM thì khi gặp khó khăn gian khổ, thất bại cũng không lùi bước, khi gặp thuận lợi, thành công cũng vẫn giữ tinh thần khiêm tốn.

Thứ hai, về ý chí đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, mục đích của ĐĐCM “không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc và loài người”[4]. Thông qua quá trình tích lũy tri thức, quá trình tu dưỡng phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác, lao động sản xuất, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, không ngừng hình thành và nâng cao phẩm chất đạo đức trong sáng. Giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong xã hội, luôn đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Biểu hiện của ý chí vượt lên trên chủ nghĩa vị kỷ, cá nhân là phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Người khẳng định: “một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[5]. Do đó, theo Người: “người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra”[6]. Như vậy, nâng cao ĐĐCM không chỉ bằng nhận thức và ý chí, mà còn là thông qua tình cảm, hình thành những nhu cầu tự thân, những động lực thôi thúc từ bên trong mỗi người.

Thứ ba, về hành vi đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “quyết tâm không phải ở hội trường, ở lời nói, mà phải quyết tâm trong công tác, trong hành động”[7]. Nếu nói nhiều mà làm ít hoặc nói mà không làm, thậm chí nói một đàng làm một nẻo thì không những kém hiệu quả mà còn phản tác dụng. Mặt khác, nói đi đôi với làm phải gắn liền với nêu gương, bởi vì nêu gương có sức cảm hóa to lớn đối với người khác và tập thể. Hồ Chí Minh khẳng định: “trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ yêu mến những người có đủ tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[8]. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã nêu một tấm gương tiêu biểu về ĐĐCM cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân noi theo.

Ngoài ra, Người chỉ rõ muốn xây dựng đạo đức mới, nâng cao ĐĐCM cho toàn dân, không thể không đấu tranh loại bỏ những hiện tượng tiêu cực, thoái hoá, biến chất, nghĩa là “xây” phải gắn liền với “chống”. Hồ Chí Minh nói: “mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”[9]. Theo Người, “xây” là giáo dục những phẩm chất, chuẩn mực đạo đức mới, nêu gương điển hình trong cuộc sống và xây dựng ý thức lành mạnh để mỗi người tự giác thực hiện trách nhiệm đạo đức. “Chống” là đấu tranh, khắc phục loại bỏ cái xấu, cái sai, cái cản trở ĐĐCM phát triển. Để “chống” có hiệu quả Người đòi hỏi cao việc thực hiện tự phê bình và phê bình.

Thứ tư, về quan hệ đạo đức. Theo Hồ Chí Minh, ĐĐCM được coi là đức tính tốt mà mỗi người cách mạng cần phải có và bao gồm 5 điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Cũng theo cách Người giải thích về nội dung từng điều có thể thấy quan hệ ĐĐCM nghĩa là: đối với con người phải Nhân, đối với Đảng phải Nghĩa, đối với bản thân phải Trí, đối với công việc phải Dũng, đối với địa vị phải Liêm.

Trong quan hệ với con người, tình thương yêu con người là cơ sở quan trọng nhất tạo nên cái đẹp của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, điều quan trọng nhất trong quan hệ ĐĐCM là tình thương yêu con người, phải “thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào”, “kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân”, “sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ”, cho nên “không ham giầu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền” và với những người như vậy “thì việc gì là việc phải họ đều làm được”[10].

Trong mối quan hệ với Đảng, Hồ Chí Minh khẳng định, người CBĐV cần phải “ngay thẳng, không có tâm tư, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng”[11]. ĐĐCM có nghĩa là “toàn tâm, toàn ý” vì sự nghiệp cách mạng, vì sự nghiệp của Đảng. Đây là mối quan hệ lớn nhất, giải quyết tốt mối quan hệ này là điều kiện, cơ sở quan trọng thực hiện mối quan hệ khác. Tận trung với Đảng là tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng, sự nghiệp xây dựng đất nước của dân tộc, với con đường đi lên CNXH. Trung thành với Đảng đó cũng là trung với nước, hiếu với dân, suốt đời phục vụ nhân dân và Tổ quốc.

Trong mối quan hệ với bản thân, Hồ Chí Minh đòi hỏi ở mỗi CBĐV “đầu óc trong sạch, sáng suốt”. Để có được sự trong sạch, sáng suốt ấy thì phải “không có việc tư túi nó làm mù quáng”. Đây cũng chính là sự cụ thể hóa tư tưởng lớn của Người về “đức” và “tài” của CBĐV. Đức và tài có mối quan gắn liền với nhau, trong đó, “đức” là yếu tố quyết định, trước hết phải có “đức” mới có đủ “tài” để làm việc. Người cũng nhấn mạnh, có “trí” thì sẽ “biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian”[12]. Cũng như “nhân” và “nghĩa”, “trí” không thể tách rời, không thể đứng một mình, tách khỏi mối quan hệ với các thành tố khác của ĐĐCM.

Trong quan hệ với công việc và địa vị, Hồ Chí Minh kêu gọi mỗi CBĐV phải “dũng cảm, gan góc, gặp việc khó phải có gan làm”. Có nghĩa là, phải dũng cảm không chỉ khi đối mặt với khó khăn, với sự vinh hoa, phú quý không chính đáng, mà còn với những khuyết điểm của chính mình. Người khẳng định: phải liêm khiết, quang minh, chính đại, không bao giờ hủ hóa. Người giải thích “liêm” nghĩa là “không tham địa vị”; “không tham tiền tài”, “không tham sung sướng”; “không ham người tâng bốc mình”. Nhưng cùng với sự liêm khiết, người CBĐV phải “có một thứ ham” là “ham học, ham làm, ham tiến bộ”.

Thứ năm, về nâng cao ĐĐCM thường xuyên, liên tục.

ĐĐCM không phải tự nhiên mà có, nó luôn là kết quả của sự tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ, thường xuyên của mỗi người và toàn xã hội. Người đòi hỏi phải luôn trau dồi ĐĐCM vì “ĐĐCM không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[13]. Điều đó có nghĩa là ĐĐCM không có sẵn, không tự nhiên mà có, nó là đạo đức mới của một giai đoạn phát triển mới. Tu dưỡng, nâng cao ĐĐCM là công việc suốt đời không bao giờ được thỏa mãn, dừng lại, mà phải như công việc rửa mặt hàng ngày của mỗi người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là tấm gương tiêu biểu về ĐĐCM, Người còn là nhà lý luận, nhà tư tưởng lớn về đạo đức. Mặc dù không để lại tác phẩm nào đồ sộ về đạo đức, nhưng những tư tưởng lớn của Người về ĐĐCM đã được chuyển tải và chứa đựng trong những bài viết, bài nói chuyện ngắn ngọn, diễn đạt một cách cô đọng, hàm xúc, gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Những tư tưởng quý giá đó được Người khái quát, đúc kết từ thực tiễn và từ đó trở về cải tạo hiện thực và con người hướng tới cái chân - thiện - mỹ của cuộc sống. Vì vậy, nó có ý nghĩa to lớn trong tiến trình cách mạng Việt Nam, trong rèn luyện, giáo dục và xây dựng con người.

         ĐHQ - H2

[1] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 605

[2] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 603

[3] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 292.

[4] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 292.

[5] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 611

[6] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 292.

[7] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 482

[8] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 16.

[9] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 672

[10] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 292.

[11] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 292.

[12] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 292.

[13] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 605,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét