Pages - Menu

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Góc nhìn thẳng về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiện nay

Một trí thức đã “tự chuyển hóa” tới mức độ công khai “sáng lập” ra tổ chức được đặt cái tên mỹ miều là “xã hội dân sự” để “thúc đẩy quá trình dân chủ hóa Việt Nam”; một người “trở cờ” từng là cán bộ giữ chức vụ cao trong hệ thống chính trị nước ta, đều nằng nặc cho rằng, việc họ “tự chuyển hóa” là đúng đắn, họ đang làm hết mình vì sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Đó cũng là tâm lý chung của những người “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá thật khách quan, khoa học thì mới giải thích được căn nguyên và có giải pháp thấu đáo khắc phục tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.


Những người “ngộ nhận yêu nước”
Có hai điều mà những người “tự chuyển hóa” luôn khẳng định: Một là chối bỏ mọi mối liên hệ của họ với chiến lược “Diễn biến hòa bình” do các thế lực thù địch, phản động tiến hành nhằm vào Việt Nam. Hai là, họ thường tự cho mình là người có đạo đức và luôn thể hiện sự cuồng tín về mục tiêu khi đấu tranh phủ nhận vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhiều người trong số họ thậm chí sẵn sàng là những kẻ “tử vì đạo”, không sợ tù đày, giam cầm, sẵn sàng thực hiện các hành động rất cực đoan như tự thiêu, tuyệt thực... Chúng ta thấy họ mắc sai lầm nghiêm trọng trong nhận thức, nhưng họ lại ngộ nhận đó là chân lý, là lẽ phải, là đang chiến đấu vì dân, vì nước, tìm đường đi mới đúng đắn hơn cho dân tộc. Họ mặc định quan điểm rằng, nếu không thay đổi chế độ thì đất nước sẽ lụn bại, không phát triển được, thậm chí loạn lạc, bị diệt vong. Thực tế, thời gian gần đây, các làn sóng chống đối ta về mặt tư tưởng chính trị lại rộ lên, có lúc dồn dập. Các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chắc mẩm đây là cơ hội để họ dấn tới tác động, làm chuyển hóa tình hình, thay đổi đường lối ở nước ta, cho nên họ hoạt động rất điên cuồng với nhiều thủ đoạn và sách lược mới; vừa dùng các lực lượng, phương tiện từ bên ngoài, vừa tận dụng phát triển lực lượng ở trong nước ta để tạo ra sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", chống đối từ nội bộ Đảng ta, xã hội ta, hòng phá ta từ bên trong, làm cho "cộng sản tự diệt cộng sản", "cộng sản con diệt cộng sản bố". Họ đang cố tìm ra và dựng lên những "ngọn cờ" để chống ta. Một số người cơ hội chính trị, bất mãn cũng lợi dụng các diễn đàn, các mối quan hệ để truyền bá những quan điểm sai trái của mình, liên tiếp viết đơn, thư, tài liệu vu cáo, đả kích chế độ ta, tác động vào nhân dân, nhất là thanh niên, sinh viên, văn nghệ sĩ, trí thức.
Vấn đề nêu trên cho thấy tính chất hết sức phức tạp và đặc biệt nguy hiểm của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nó liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ, nó là âm mưu “làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong”. Không thể đơn giản hóa, xem nhẹ, e ngại, “sợ phạm húy” hay thiếu khách quan khi nhìn nhận về hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đại tá, PGS, TS Lê Duy Chương (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng) cho rằng: Những người đã lộ mặt “tự chuyển hóa” luôn chối bỏ quan hệ của họ với các thế lực phản động bên ngoài nhưng trong thực tế, cả hai có mối quan hệ rất chặt chẽ. Cả hai đều nhằm đến mục tiêu phủ định Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm chệch hướng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Tất nhiên, chủ thể của “Diễn biến hòa bình” là địch, còn chủ thể của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là ta. Địch có thể thực hiện được âm mưu, thủ đoạn của chúng hay không, chính lại do ta quyết định. Vì vậy, xét về hành vi của chủ thể thì cả “Diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều là ta cả. Tuy nhiên, cơ chế hình thành của loại hành vi do “Diễn biến hòa bình” gây ra khác về căn bản so với cơ chế hình thành của loại hành vi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Hành vi do “Diễn biến hòa bình” gây ra được hình thành chủ yếu theo cơ chế thụ động, dưới sự tác động mang tính quyết định của các nhân tố bên ngoài, là loại hành vi bị “sai khiến”, bị “thôi miên”, bị “ám thị”, bị “nhồi sọ”, bị “kích động”, bị “mua chuộc” bởi các thế lực bên ngoài. Vì thế, chủ thể của hành vi do “Diễn biến hòa bình” gây ra thiếu tính tự nguyện, tự giác, không có được sự thanh thản về lương tâm, đạo đức khi thực hiện hành vi này. Còn hành vi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được hình thành mang tính chủ động, tự quyết, tự nguyện, tự giác, dưới sự tác động mang tính quyết định của các yếu tố bên trong như tư duy, nhận thức, lương tâm, đạo đức của chính bản thân chủ thể.
Căn nguyên sâu xa nhất của hành vi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chính là tư duy sai lầm, ngộ nhận. Ngộ nhận trái thành phải, sai thành đúng, ác thành thiện, hại dân, hại nước thành “ích nước, lợi dân”. Chúng ta, những người quan sát từ bên ngoài, nhìn vào những người có hành vi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì thấy rất rõ rằng, các hành vi đó thể hiện sự tự suy thoái, sự tự tan rã, sự chuyển biến từ tốt thành xấu, từ yêu nước thành phản động, nhưng những người trong cuộc, những người có hành vi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì lại nghĩ khác, nghĩ ngược lại (do ngộ nhận), thậm chí còn tin tưởng “sắt đá” rằng, chân lý, lẽ phải là thuộc về họ, chính họ mới là những người yêu nước chân chính, yêu nước thực sự.
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hưởng (Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quân sự, Bộ Quốc phòng) lý giải rằng: Có hai nguyên nhân chính của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần quan tâm là: Thứ nhất, “Diễn biến hòa bình” là nguyên nhân quan trọng trực tiếp thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và mức độ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” lại là sự phản ánh kết quả cụ thể, trực tiếp của “Diễn biến hòa bình”. Do đó, đấu tranh ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” phải gắn chặt với đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Tuy nhiên, không phải mọi vấn đề đều “đổ lỗi” cho các thế lực thù địch với “Diễn biến hòa bình”. Thứ hai, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên cũng là nguyên nhân rất nguy hại dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn là kết quả lô-gích từ sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống. Từ sự suy thoái, thậm chí chỉ suy thoái về lối sống cũng có thể dẫn đến biến chất về chính trị, trở thành kẻ phản động, chống lại Đảng và chế độ. Điều đó không phải là khoảng cách quá xa và không phải là không thể xảy ra. Đối với những đảng viên có chức, có quyền, đặc biệt là cán bộ cấp cao, nếu diễn ra, thì tính chất nguy hại càng trở nên trầm trọng.
Bản chất vẫn là “những con rắn nước”
Nghiên cứu toàn bộ những quan điểm, tư tưởng hay “cương lĩnh” của các tổ chức hội, đoàn “độc lập” của những người “tự chuyển hóa” thì thấy họ đích thị vẫn chỉ là “con cháu” của những người cơ hội, xét lại, hay còn có thể gọi là chủ nghĩa cơ hội, xét lại trong thời kỳ Đổi mới. GS, TS Phạm Ngọc Hiền (Bộ Công an) cho biết, chủ nghĩa cơ hội, đối tượng cơ hội chính trị đã xuất hiện trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế từ cuối thế kỷ 19. Các phái theo khuynh hướng tư tưởng đối lập nhau như: Phái Lát-xan, phái Công Liên, phái Blông-xki, phái Bru-đông, phái Ba-cu-nin… Những phần tử thuộc các trường phái đó không những không đi theo, không ủng hộ mà còn công khai, quyết liệt chống lại Học thuyết Mác về chủ nghĩa xã hội khoa học. Đó là những người cộng sản đã bị biến chất, thoái hóa về tư tưởng chính trị, họ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và trở thành những "con chiên ngoan đạo" của "chủ nghĩa cơ hội tả khuynh" hay "chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh".
Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trước đây trong quá trình phát triển đều phải tiến hành cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa cơ hội. Ngay trong thời kỳ đầu của nước Nga Xô-viết, Lê-nin đã lấy hình ảnh con rắn nước để so sánh với những người cơ hội trong Đảng. Đó là những người ban đầu không tỏ rõ chính kiến, lúc ủng hộ bên này, lúc ủng hộ bên kia, thực chất họ không phải là những người cộng sản mà mục đích của họ là quyền lực. Việc Khơ-rút-xốp và sau này là Goóc-ba-chốp được bầu làm Tổng Bí thư, đại diện của chủ nghĩa cơ hội đã “chui sâu, leo cao” lên đến vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng trong Đảng Cộng sản Liên Xô. Tháng 4-1989, Goóc-ba-chốp kêu gọi các ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã “tuổi cao, sức yếu” hãy nghỉ hưu. 115 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã viết đơn xin nghỉ hưu vì tin lời Goóc-ba-chốp, mong muốn đất nước phát triển hơn với đội ngũ được trẻ hóa. Đây chính là bi kịch của những người cộng sản chân chính trong Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong ba năm 1987-1989 có khoảng 50% cán bộ cơ quan chiến lược của quân đội, hơn 100 cán bộ chính trị cấp chiến dịch-chiến lược và 30% tướng lĩnh bị cách chức hoặc cho ra quân với lý do “tư tưởng bảo thủ, không ủng hộ cải tổ”, thay thế họ là những phần tử “cấp tiến”. Từ năm 1986 đến 1988, một loạt cán bộ chủ chốt của các tờ báo có ảnh hưởng lớn tại Liên Xô được thay thế bởi những người ủng hộ chủ trương “Tây hóa” của Goóc-ba-chốp, từ đó các tờ báo này đã “quạt gió châm lửa” khuynh đảo dư luận, làm cho nhiều người ngộ nhận, say đắm và ảo tưởng vào phương Tây...
Ở Việt Nam, từ ngày ra đời cho đến nay, Đảng ta luôn quan tâm đến việc giữ gìn bản chất cách mạng, giữ gìn nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình trong suốt quá trình phát triển nên chủ nghĩa cơ hội, xét lại ít có điều kiện hoành hành, “chui sâu, leo cao” như các đảng cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô. Đặc biệt, khi tiến hành công cuộc Đổi mới, Đảng ta sớm ban hành nguyên tắc của Đổi mới, nhờ thế mà các thế lực cơ hội, thực dụng càng ít có điều kiện “chui sâu, leo cao”. Tuy nhiên, cũng đã có một số cán bộ cấp cao, giữ những trọng trách trong hệ thống chính trị ngả nghiêng, dao động hoặc sa vào vũng bùn “tự chuyển hóa” hoàn toàn, như Bùi Tín, Hoàng Minh Chính trước đây hoặc một số nhân vật đứng ra lập những “hội”, “đoàn”, “câu lạc bộ” độc lập hiện nay. Theo GS, TS Phạm Ngọc Hiền, tuy trí trá, ngụy trang bằng những ngôn từ hiện đại, nhưng những nhân vật “tự chuyển hóa” ở nước ta vẫn “hiện nguyên hình” thông qua những tôn chỉ, mục đích hoạt động của các “hội”, “đoàn”, “câu lạc bộ”. Nội dung các quan điểm của họ vẫn là những luận điệu lâu nay các nhà tư tưởng chống cộng đã từng nói và đã từng nhiều lần bị chúng ta phê phán, bác bỏ. Đại thể vẫn là phủ nhận thành tựu của cách mạng; thổi phồng khuyết điểm, tồn tại của chúng ta, "bôi đen" hiện thực, gieo rắc hoài nghi, phá rã niềm tin của nhân dân và cán bộ, quy kết là do đường lối sai, sự lãnh đạo, quản lý yếu kém của Đảng và Nhà nước. Phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ định con đường xã hội chủ nghĩa, định hướng xã hội chủ nghĩa; hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, phê phán, đổ lỗi cho Đảng, đòi đa nguyên, đa đảng. Kích động chia rẽ nội bộ, tung ra những luận điệu trong Đảng, trong Trung ương, Bộ Chính trị có phe này, phái kia; bịa đặt, xuyên tạc lịch sử; vu cáo, bôi nhọ một số đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, kể cả Bác Hồ, tìm mọi cách "hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh".
Theo báo cáo tổng kết của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong nhiệm kỳ Đại hội XI, số đảng viên bị kỷ luật là 73.325; trong đó, có 11 người do Trung ương quản lý, 754 người do cấp tỉnh và tương đương quản lý, 10.743 người do cấp huyện và tương đương quản lý, 62.389 người do cấp cơ sở quản lý. Việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập của cán bộ còn hình thức. Trong giai đoạn 2005-2015, chỉ xử lý được 17 người trong tổng số 4.859 trường hợp kê khai tài sản không trung thực... Như vậy, con số kỷ luật trong Đảng còn khá khiêm tốn so với thực tế. Thậm chí, ở nhiều tổ chức Đảng, một số sai phạm là khá rõ nhưng chưa làm rõ được trách nhiệm của tập thể, cá nhân, chưa xử lý kỷ luật được hoặc xử lý kỷ luật còn nương nhẹ. Có trường hợp cán bộ “tự chuyển hóa” bị tổ chức Đảng xử lý kỷ luật, nhưng chính quyền không thi hành, hoặc được điều động sang công tác khác hoặc cho nghỉ hưu. Có cán bộ bị xử lý kỷ luật ở cấp dưới lại được bố trí một chức vụ tương đương ở cấp trên. Trong xử lý kỷ luật còn tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới”, đảng viên có chức vụ thì xử lý nhẹ, đảng viên không giữ chức vụ thì xử lý nặng, gây bức xúc trong dư luận, làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân... Đó là những nguyên nhân chính làm phát sinh đơn, thư tố cáo, khiếu nại trong chính nội bộ Đảng; gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong hàng ngũ; ảnh hưởng đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng.

 Theo qdnd.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét