QĐND – Đảng Cộng sản Việt Nam
là tổ chức duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, là người dẫn dắt dân tộc Việt
Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nếu Đảng “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” thì sẽ dẫn tới sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó, vấn đề cấp
bách hiện nay là phải tăng cường các giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi nguy cơ “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Để góp phần đấu tranh phòng, chống
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, chúng ta cần thực hiện tốt
một số giải pháp sau đây.
Một là, phát huy vai trò của
cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa”.
Giữ vững và phát huy vai trò lãnh
đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần giữ
vững và phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện các lĩnh vực kinh tế, chính
trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Hoạt động lãnh đạo
của tổ chức đảng cần được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm giáo dục,
tạo sự chuyển biến sâu sắc về mọi mặt đối với nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Kịp thời phát
hiện những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của cán
bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là nhu cầu về lợi ích kinh tế, chính
trị, văn hóa, xã hội của từng đối tượng để xác định đúng, trúng những nội dung,
biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của
từng cơ quan, đơn vị.
Hai là, nâng cao chất lượng
công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên về đấu tranh phòng, chống “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đổi mới nội dung, hình thức, biện
pháp tuyên truyền, giáo dục chính trị về đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong nội bộ; tạo sự hấp dẫn và nhu cầu tự tìm hiểu, nhận thức
về những chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về
đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nắm chắc
tình hình thực tiễn để xác định nội dung, biện pháp tuyên truyền, giáo dục cho
phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Bên cạnh đó, cần lắng nghe những thông tin
ngược chiều, thông tin phản hồi từ cán bộ, đảng viên và nhân dân; nắm bắt dư
luận xã hội về những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, mối quan hệ giữa nhân
dân với Đảng; nhu cầu đòi hỏi, những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn cần phải giải
quyết để kịp thời điều chỉnh nội dung, hình thức, phương pháp của công tác
tuyên truyền, giáo dục; không để xảy ra các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” trong nội bộ cơ quan, đơn vị.
Ba là, tăng cường công tác quản
lý đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tốt công tác bảo vệ nội bộ.
Chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đạo
đức cách mạng, phong cách Hồ Chí Minh đối với mọi cán bộ, đảng viên, nhất là
với những cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Cần kết
hợp chặt chẽ giữa tăng cường giáo dục đạo đức trong Đảng với tinh thần tự tu
dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên. Tăng cường kỷ luật, pháp luật, công
khai, minh bạch, dân chủ trong quy hoạch, đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ;
tạo môi trường xã hội, thể chế kinh tế lành mạnh, văn minh để cán bộ, công chức
không có điều kiện sa vào những tiêu cực, vi phạm đạo đức. Chủ động tiến hành
công tác kiểm tra, giám sát nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi tình trạng quan liêu, tham
nhũng, lãng phí. Nhận diện rõ một bộ phận đảng viên suy thoái về tư tưởng chính
trị, phẩm chất đạo đức và những phần tử cơ hội, nhất là những kẻ cơ hội chính
trị nằm trong nội bộ Đảng. Kiên quyết khắc phục tình trạng buông lỏng nguyên
tắc tổ chức của Đảng, tự phê bình và phê bình, nâng cao tính chiến đấu của tổ
chức đảng, đảng viên. Duy trì nền nếp chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh
hoạt Đảng. Giữ gìn, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Bốn là, kiên quyết vạch trần,
đấu tranh loại bỏ những kẻ cơ hội về chính trị, tham vọng về quyền lực trong
nội bộ Đảng.
Tổ chức đảng các cấp phải đấu tranh
với những kẻ cơ hội về chính trị, tham vọng về quyền lực, độc đoán, phe cánh,
“lợi ích nhóm”, mị dân và kiên quyết loại trừ những đối tượng này ra khỏi hàng
ngũ của Đảng. Chủ động phát hiện và kiên quyết không để lọt vào tổ chức đảng
những người có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường
lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá
nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, “lợi ích nhóm”, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ
phải; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; độc đoán, trù dập người thẳng thắn
đấu tranh, phê bình; mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng; tham nhũng, tiêu cực;
không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói
không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo; ý thức kỷ luật kém, không chấp
hành sự điều động, phân công của tổ chức; kê khai tài sản không trung thực, có
biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải
trình rõ được nguồn gốc, bản thân và người thân trong gia đình có lối sống
thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.
Năm là, đẩy mạnh đấu tranh
chống các quan điểm sai trái, thù địch trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” trong nội bộ.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho
cán bộ, đảng viên về tác hại của các quan điểm sai trái, thù địch, “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đổi mới hình thức đấu tranh phòng, chống
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sao cho đa dạng, phong phú, dễ hiểu, dễ làm, dễ
thực hiện. Tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học trong nước và quốc tế, viết các
bài chuyên luận sắc bén, thuyết phục để phản bác các quan điểm sai trái trên
các phương tiện truyền thông và internet. Coi trọng xây dựng lực lượng nòng cốt
và tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng của Đảng, Nhà nước với các đoàn
thể chính trị-xã hội, hình thành thế trận đấu tranh chung, vững chắc trong xã
hội, đủ sức tổ chức các cuộc tấn công, phản công làm thất bại mọi sự chống phá
của kẻ thù. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của đội ngũ nhà khoa học, các
viện nghiên cứu, các học viện, nhà trường, cơ quan báo chí, truyền thông. Đây
là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, phản
động, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Sáu là, phát huy vai trò của
cán bộ, đảng viên trong học tập nâng cao trình độ, xây dựng bản lĩnh chính trị
và tự rèn luyện đạo đức, lối sống.
Bác Hồ từng nói rằng, cán bộ là cái
gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ
tốt hay kém. Do đó, cán bộ, đảng viên phải là những chủ thể tích cực trong
phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kịp thời phát hiện, ngăn
ngừa những biểu hiện hành vi sai trái trong xã hội; phòng, chống xâm nhập,
chuyển hóa của những hành vi và biểu hiện sai trái ngay từ bên trong và phòng,
chống tác động xấu xâm nhập từ bên ngoài. Sức cảm hóa, tuyên truyền của
cán bộ, đảng viên là bằng sự gương mẫu của từng người trong vận
động nhân dân thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, đảng viên là người đi đầu trong phát
hiện những vấn đề, vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn, kịp thời cùng
với tổ chức đảng giải quyết những vướng mắc ngay từ cơ sở, không để
những bức xúc lâu ngày của nhân dân không được giải quyết sẽ dẫn đến những
“điểm nóng” về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. Cán bộ,
đảng viên cần phát huy vai trò gương mẫu trong đấu tranh phòng, chống “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa”; không để mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ; đồng thời
giữ vững mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét