QĐND - Xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi phải có những
nguyên tắc nghiêm ngặt để bảo vệ bí mật quân sự, bí mật quốc gia. Đó là vấn đề
có tính quy luật không chỉ ở Việt Nam mà ở mọi quốc gia trên thế giới. Thế
nhưng, thời gian gần đây, có những người vì nhiều lý do đã có những kiến nghị
thể hiện tư duy đơn giản, đi ngược với những nguyên tắc ấy.
Bảo vệ bí mật quân sự - đòi hỏi tất yếu để bảo vệ Tổ quốc - Ảnh QĐND |
Danh tướng Trần Hưng Đạo, bằng kinh nghiệm xương máu lấy ít địch
nhiều, lấy yếu thắng mạnh viết trong “Binh thư yếu lược” đã đúc kết: “Biến động
là nguồn gốc của kỳ chính, gặp việc chẳng hé môi, dùng binh chẳng nói
năng. Cho nên khi có việc, không gì hơn được trước, khi động không gì
hơn kín lặng, khi dùng không gì hơn bất ngờ, khi lập mưu không gì bằng đừng
cho ai biết”. Thực tiễn nhà Trần khi xã tắc bao phen “chồn ngựa đá” đã dựa
vào dân mở hội nghị Diên Hồng nhưng khi dùng binh, với bao cuộc lui quân vườn
không nhà trống, bao trận tập kích bất ngờ hẳn phải “kín lặng”, đâu thể công
khai mọi chỗ, mọi nơi?
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra Nhà nước và Quân đội ta
đã căn dặn từ năm 1947: “Giữ bí mật, tức là đã nắm chắc một phần thắng lợi
trong tay ta”; “Giữ bí mật của Nhà nước là một bộ phận trong cuộc đấu tranh với
địch”. “Chúng ta phải tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu thấu, để nhân
dân giúp sức vào công việc này”. Người yêu cầu mỗi người dân phải coi việc giữ
bí mật là một nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc, đối với Chính phủ.
Chúng ta có hàng nghìn, hàng vạn dẫn chứng về bảo vệ bí mật quân
sự, bí mật quốc gia ở tầm cao chiến lược để đi đến chiến thắng. Trong Chiến
dịch Điện Biên Phủ, kéo pháo vào đã khó, kéo pháo ra còn khó gấp vạn lần, nhiều
người không hiểu, ban đầu bất bình, phản đối nhưng đã nghiêm chỉnh thực hiện
quân lệnh, dù không hiểu tại sao. Cách đây ít ngày, chúng ta vừa kỷ niệm 55 năm
Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Có một câu chuyện được ghi lại rằng, các
thủy thủ tàu không số sau khi chở vũ khí vào Nam ra Hải Phòng, để tàu bớt chông
chênh, họ đã chất lên tàu những cây dừa nước mang về bến Bính, gần căn cứ Đoàn
125 thì quẳng đi. Ít lâu sau, cây dừa sinh sôi, thành một vùng dừa nước bạt
ngàn. Có anh công nhân đóng tàu là người miền Nam tập kết bữa nọ tình cờ nhìn
thấy những trái dừa nước bập bềnh trên sông bỗng da diết nhớ nhà, đi dọc bờ, tìm
ra bãi dừa nước. Anh xúc động lân la gặp thủy thủ dò hỏi: Có phải các anh đã
vào tận quê tôi mang ra giống dừa nước này không? Chuyện nhỏ thế nhưng được báo
cáo lên tận Bộ Quốc phòng, lên Trung ương. Đoàn 125 bị kiểm điểm nghiêm khắc,
bãi dừa nước bị phá sạch và anh công nhân có tình yêu quê hương sâu nặng kia bị
theo dõi từng bước đi... Không có những sự bảo vệ bí mật nghiêm ngặt từ những
điều nhỏ nhất như vậy, sẽ lộ ra một tuyến vận tải quân sự chiến lược.
Nhìn từ kinh nghiệm nước ngoài
Nhưng thực tiễn lịch sử cũng chứng minh, hoạt động quân sự dù là
việc cơ mật, quốc gia đại sự nhưng không tách rời hoạt động kinh tế-xã hội của
đất nước. Quản lý Nhà nước không tách rời quản lý hoạt động quân sự song nội
dung, phương thức quản lý có tính đặc thù. Nếu không nắm vững được nguyên tắc
đặc thù ấy, có thể dẫn đến những tác hại khôn lường.
Câu chuyện xung quanh các sự cố tai nạn máy bay gần đây và những
luồng ý kiến trên mạng xã hội cùng những kiến nghị quân đội phải cung cấp bí
mật quân sự, phải công khai các thông tin về quốc phòng… cho thấy những suy
nghĩ đơn giản, chưa phù hợp các nguyên tắc quản lý xã hội. Xin được dẫn chứng
một ví dụ về cách giải quyết sự việc của nước Mỹ. Vào năm 1996, chuyến bay mang
số hiệu 800 của hãng Trans World Airlines (TWA) phát nổ ngoài khơi bờ biển New
York, lấy đi sinh mạng của 230 người. Các nhân chứng ở hiện trường đều cho
rằng, có một vệt sáng bay tới phía chiếc máy bay trước khi nó bị nổ, nghi vấn
máy bay bị trúng tên lửa làm nóng dư luận. Một cuộc điều tra kỹ lưỡng đến mức
các cơ quan chức năng đã thu gom gần như toàn bộ các mảnh vỡ của chiếc máy bay
và phục dựng lại 97% nguyên bản với sự hỗ trợ của hàng trăm kỹ sư, chuyên gia
đầu ngành về hàng không vũ trụ. Sau 4 năm, các chuyên gia kết luận không có sự
tấn công quân sự nào mà chỉ do thùng dầu ở cánh máy bay đã phát nổ. Nhưng với
các tai nạn máy bay quân sự, nước Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác, đều không
công khai, công bố thông tin tỉ mỉ vì nó chứa đựng bí mật quốc gia. Cách đây
vài tháng, một máy bay chiến đấu thuộc đội bay biểu diễn Thunderbird của Không
lực Mỹ đang biểu diễn nhân lễ tốt nghiệp của Học viện Không quân Mỹ khi bay qua
đám đông đang tập trung để nghe Tổng thống Ô-ba-ma phát biểu đã bất ngờ gặp sự
cố lao thẳng xuống đất. Ông Ô-ba-ma đã chia sẻ trước tai nạn này, đề cao sự rèn
luyện, cống hiến của những phi công và dư luận cũng không có gì quá ồn ào hay
phê phán, đòi “công khai”.
Theo tài liệu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước ta, khi xây
dựng Luật Tiếp cận thông tin thì các quốc gia trên thế giới đều có những chính
sách chặt chẽ để bảo vệ bí mật quân sự. Năm 2013, Nhật Bản thông qua Luật Bí
mật và năm 2014 nước này tiếp tục thông qua Luật Bảo vệ bí mật đặc biệt trong
đó xác định loại tài liệu bí mật để bảo đảm an ninh quốc gia. Theo quy định của
luật này thì 382 loại thông tin được xác định là mật và do đó ước tính có
khoảng 460.000 tài liệu mật mà công chúng không thể tiếp cận. Thái Lan tuy chưa
có Luật Bí mật nhà nước nhưng có Quy tắc về giữ bí mật nhà nước được ban hành
năm 2001. Luật An toàn 2015 của nước này cùng với Luật Hình sự có quy định
rằng: Cán bộ gìn giữ hòa bình có thể ngăn chặn sự tuyên truyền bất kỳ tin tức,
phân phát sách báo, ấn phẩm hoặc bất kỳ tài liệu nào khác có chứa các thông tin
sai lệch có thể gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng và gây
hoang mang trong dư luận xã hội. Ở Hàn Quốc, Luật An ninh quốc gia năm 1948 quy
định hình phạt tử hình cho hành vi tiếp cận, thu thập, tuyên truyền, rò rỉ
thông tin làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Bảo
vệ bí mật quân sự - phải tuân thủ đúng pháp luật
Hiện nay, đã có nhiều chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, Quân
đội về quản lý, giữ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự như: Chỉ thị 48-CT/TW, ngày
14-2-2005 của Bộ Chính trị về “Bảo vệ bí mật của Đảng trong phát ngôn và sử
dụng, bảo quản thông tin, tài liệu trong tình hình mới”; Pháp lệnh số
30/2000/PL-UBTVQH10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa X) về “Bảo vệ bí mật
Nhà nước”; Chỉ thị 13/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường bảo vệ
bí mật Nhà nước trong tình hình mới”; Chỉ thị 197-CT/ĐUQSTW ngày 22-10-1998 của
Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Tăng cường
công tác bảo vệ bí mật quân sự, bí mật quốc gia, chống điều tra thu thập tình
báo, bảo vệ chính trị nội bộ Quân đội”…
Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH10 quy định phạm vi bí mật nhà
nước được chia làm ba mức độ: Tuyệt mật, tối mật và mật. Trong đó, liên quan
tới quân đội, phạm vi tuyệt mật bao gồm: Chiến lược an ninh quốc gia; kế hoạch
phòng thủ đất nước; kế hoạch động viên đối phó với chiến tranh; các loại vũ
khí, phương tiện có ý nghĩa quyết định khả năng phòng thủ đất nước. Các chủ
trương, chính sách về đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước không công bố
hoặc chưa công bố. Số liệu dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước về những lĩnh
vực chưa công bố; tin, tài liệu khác... Trong phạm vi tối mật có tổ chức hoạt
động, trang bị, phương án tác chiến của các đơn vị vũ trang nhân dân, công
trình quan trọng phòng thủ biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo...
Căn cứ vào những nội dung quy định trên thì có rất nhiều vấn đề
thuộc phạm vi tuyệt mật, tối mật… không thể công khai như những suy nghĩ, kiến
nghị chủ quan, đơn giản. Về lâu dài, trong thời gian tới, Quốc hội sẽ xây dựng
Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước để “luật hóa” những vấn đề này.
Niềm tin và trách nhiệm
Trên thực tế, để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về quốc phòng,
Quân đội ta luôn chấp hành và thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác
công khai, công bố thông tin, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, phòng,
chống tham nhũng, lãng phí... Từ năm 1998 đến nay, Nhà nước ta đã nhiều lần
công bố “Sách Trắng về Quốc phòng Việt Nam”. Đây là tài liệu quan trọng để nâng
cao hiểu biết về quốc phòng của đất nước cho công dân Việt Nam, góp phần làm
cho mọi công dân, cơ quan, đơn vị và tổ chức xã hội hiểu rõ hơn quyền lợi và
trách nhiệm của mình trong tham gia công cuộc củng cố quốc phòng vì sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Các kế hoạch thanh tra, kiểm toán
hằng năm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đều có phần thanh tra,
kiểm toán các đơn vị, dự án của quân đội.
Từ thực tiễn quản lý nguồn ngân sách hàng nghìn tỷ đồng làm
đường tuần tra biên giới, Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền cho
biết: “Ngân sách quốc phòng mang tính đặc thù nhưng không vì thế mà buông lỏng
quản lý hay sử dụng tùy tiện. Các đơn vị quân đội đều nêu cao tinh thần trách
nhiệm trong sử dụng ngân sách. Tất nhiên cũng có chỗ này chỗ kia có sai phạm
nhưng chỉ là cá biệt. Khi tôi làm giám đốc Ban quản lý dự án đường tuần tra
biên giới, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Quốc phòng căn dặn con
đường phải “tốt, bền, đẹp” và không có tiêu cực. Còn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
thì dặn đi dặn lại: “Làm cho thật chắc, đừng để điều tiếng gì ảnh hưởng tới uy
tín Quân đội nhân dân Việt Nam”. Chúng tôi đã triển khai rất nghiêm túc, chặt
chẽ. Kết thúc giai đoạn 1, giá thành giảm hơn so với suất đầu tư của Bộ Xây
dựng 15%”.
Quân đội ta luôn sử dụng nghiêm túc, hiệu quả nguồn vốn ngân
sách, phối hợp với các cơ quan khác thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám
sát, kiểm toán... Qua đó, các cơ quan chức năng hiểu “đồng tiền bát gạo” của
quốc gia đã được sử dụng hiệu quả và cũng thêm hiểu, thêm tin yêu, sẻ chia với
sự khó khăn, vất vả của người lính. Niềm tin ở các đại biểu Quốc hội dành cho
quân đội nói chung, các dự án quốc phòng nói riêng luôn được khẳng định ở mỗi
kỳ họp Quốc hội, nhất là việc đầu tư cho các công trình trọng yếu nơi biên
cương, biển đảo. Còn nhớ cách đây ít lâu, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bàn
về việc xử lý bổ sung nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội nêu
phương án cắt kinh phí đầu tư cho dự án luồng sông Hậu hay cắt đầu tư của dự án
đường tuần tra biên giới và đường Trường Sơn Đông thì 100% các đại biểu dự họp
đã nhanh chóng đề nghị ưu tiên đường tuần tra biên giới và nhất trí chuyển 500
tỷ đồng cho Bộ Quốc phòng hoàn thiện dự án.
TS Trần Văn, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của
Quốc hội tâm sự: “Cùng đoàn công tác gồm 5 đại biểu Quốc hội, thành viên của Ủy
ban đi giám sát thực tế làm đường tuần tra biên giới khu vực Tây Nguyên, những
gì chứng kiến nơi tuyến đường mang dáng hình đất nước đã gây cho tôi ấn tượng
đẹp về Bộ đội Cụ Hồ thời bình. Đoàn công tác đều có chung quan điểm, Chính phủ
cần sớm xây dựng thành một đề án tổng thể để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc
hội, Quốc hội để có chủ trương và cơ chế, chính sách lâu dài và bố trí nguồn
vốn thích hợp thực hiện”.
Niềm tin ấy thêm một lần minh chứng bài học trong công tác quản
lý Nhà nước về quốc phòng. Quân đội luôn quản lý tốt, công khai, minh bạch
thông tin, chấp hành nghiêm túc mọi hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán
nhưng cũng phải giữ gìn thật tốt bí mật quân sự, bí mật quốc gia, tạo nên sức
mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu
thắng lợi khi có tình huống xảy ra.
http://www.qdnd.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét