QĐND - Nghị quyết
Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy
lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đang nhận được sự hưởng ứng tích cực
của đông đảo nhân dân. Đề cập đến vấn đề này, Trung tướng Phùng Khắc Đăng,
nguyên Phó chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nguyên Phó chủ nhiệm
Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, cho rằng: Để
phòng, chống, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ thì cần hết
sức coi trọng việc xây dựng niềm tin cho thế hệ hôm nay...
Xây dựng niềm tin phải thường xuyên, liên tục
Phóng viên (PV): Thưa Trung tướng Phùng Khắc Đăng, đồng chí
nghĩ sao về vấn đề xây dựng niềm tin, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho cán bộ,
chiến sĩ và nhân dân; ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa”
trong nội bộ hiện nay?
Trung tướng Phùng Khắc Đăng: Vấn đề xây dựng lòng tin để tạo nên sức đề
kháng về mặt tư tưởng cho cả hệ thống chính trị nói chung, trong đó có quân đội
nói riêng, là điều phải được quan tâm thường xuyên, liên tục, không thể lơ là.
Tôi cho rằng, trong mỗi con người, diễn biến tư tưởng, tình cảm, thái độ cũng
có lúc thế này, lúc thế khác. Do đó, cần phải có sự tác động, nâng cao nhận
thức, nhất là nhận thức về chính trị, lập trường, quan điểm đúng đắn cho họ.
Thực ra, vấn đề này không phải là mới, nhưng vẫn rất cần được quan tâm. Nếu
không quan tâm tới vấn đề xây dựng lòng tin, nâng cao nhận thức chính trị cho
cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong đó có LLVT, thì dễ dẫn đến những hệ lụy
không tốt. Ngay cả đối với những người đã từng được rèn luyện, thử thách, nhưng
do một số nguyên nhân, cũng có lúc bị tác động. Nhất là tác động từ mặt trái
của kinh tế thị trường đến từng con người, từng gia đình, ảnh hưởng trực tiếp
tới cuộc sống của họ. Đây là vấn đề đáng để chúng ta suy nghĩ.
PV: Vừa rồi đồng chí có đề cập tới việc, có những
người đã từng được rèn luyện, thử thách nhưng có lúc vẫn bị tác động theo chiều
hướng tiêu cực. Vậy đâu là nguyên nhân?
Trung tướng Phùng Khắc Đăng: Có những đồng chí cán bộ cao cấp, đảng viên
trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, rất trung kiên với Đảng, vậy mà trong công
cuộc xây dựng CNXH hiện nay lại có lúc băn khoăn, dao động... Tôi nghĩ do nhiều
nguyên nhân, có thể do thiếu thông tin một cách chính thống, do đời sống kinh
tế gia đình quá khó khăn, dần dần từ niềm tin theo đuổi trước kia, giờ cảm thấy
hẫng hụt... Cũng có thể do những vấn đề về cơ chế, chính sách còn bộc lộ hạn
chế, chưa được quan tâm đúng mức. Có người nảy sinh suy nghĩ rằng, thế hệ sau
đôi khi lại vô tình, hờ hững với thế hệ trước, làm người ta chạnh lòng. Trong
thực tế cuộc sống, những người có công với cách mạng mức lương còn thấp. Nhiều
lần Quốc hội cũng đã bàn chuyện phải tăng chế độ ưu đãi, nâng lương cho những
người về hưu từ năm 1993 trở về trước…
PV: Những biểu hiện chưa thuận lòng, thậm chí có
những ý kiến trái chiều của một số cán bộ đã nghỉ hưu, có thể do ý thức chính
trị hay bản lĩnh“có vấn đề” không, thưa đồng chí?
Trung tướng Phùng Khắc Đăng: Tôi cho rằng, dù thực tế có những người có
lúc chưa đồng thuận, thì mình cũng không nên trách họ về ý thức chính trị, về
bản lĩnh. Như tôi đã nói, có thể do bị tác động bởi “miếng cơm manh áo” buộc
người ta phải suy nghĩ, so sánh... Thực tế hiện nay, đúng là có những cán bộ
cuộc sống ở mức cao hơn so với mặt bằng chung của xã hội, nên hay bị đem ra so
sánh. Người đã nghỉ hưu làm chủ được mình thì nghĩ, cuộc sống con cháu khá hơn
mình thì mình phấn khởi, mừng cho xã hội. Tuy nhiên, cũng có người lại cho
rằng, đó là sự thiếu công bằng, từ đấy dẫn đến suy giảm lòng
tin.
PV: Đồng chí có đề cập tới nguyên nhân một phần do
mặt trái của kinh tế thị trường, vậy có lẽ vấn đề cốt lõi chính là chúng ta
phải điều hòa lợi ích?
Trung tướng Phùng Khắc Đăng: Điều này thì chúng ta vẫn nói tới nhiều.
Trong quá trình xây dựng CNXH, Đảng ta lãnh đạo đất nước và nhân dân thực hiện
cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Tuy nhiên,
nhận thức về vấn đề này còn đang lúng túng, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện,
phải có cách điều hòa lợi ích... Về mặt lý luận, theo tôi, chúng ta phải giải
quyết thông được vấn đề này, nếu không sẽ là cơ hội để các thế lực thù địch lợi
dụng, chống phá.
PV: Hội Cựu chiến binh Việt Nam là một tổ chức
chính trị xã hội có uy tín, nhưng ở các địa phương, không phải hội viên nào cũng còn giữ được uy
tín ấy bởi những phát ngôn, hành vi thiếu kiểm soát. Đồng chí nghĩ sao về điều
này?
Trung tướng Phùng Khắc Đăng: Thực tế có những vụ việc, vấn đề một số cựu
chiến binh rất bức xúc, thậm chí có hội viên đã ký tên kiến nghị vào một số nội
dung cụ thể. Tôi cho rằng, nhìn chung, họ vẫn có bản lĩnh chính trị rất rõ ràng
khi nói về vấn đề đấu tranh giai cấp. Đối với những phải trái, đúng sai trong
xã hội, thái độ của họ rất rõ ràng và đối với những biểu hiện tiêu cực ở địa
phương sinh sống, họ cũng góp ý mang tính xây dựng. Tuy nhiên, có những trường
hợp cá biệt do tiếp nhận thông tin không đầy đủ, hầu hết là những mặt trái của
xã hội, lại không được kiểm chứng, khiến họ chệch choạc. Mặt khác, một phần là
do chúng ta chưa chủ động cung cấp thông tin đầy đủ cho họ.
Chủ động cung cấp thông tin mang tính định
hướng
PV: Một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực
tới các tầng lớp trong xã hội, nhất là giới trẻ, là do các luồng thông tin
không chính thống. Theo đồng chí, chúng ta phải phòng ngừa những thông tin xấu
độc như thế nào, đặc biệt là trên mạng internet?
Trung tướng Phùng Khắc Đăng: So với trước đây, thông tin tại Việt Nam
hiện cởi mở hơn nhiều, internet có tốc độ phát triển rộng rãi hơn so với các
nước trong khu vực. Thông qua các trang mạng xã hội, người ta được quyền thể
hiện dân chủ, nhưng cũng có người đọc quá nhiều thông tin trên mạng rồi ngấm
dần, dẫn đến cảm giác xã hội cái gì cũng xấu. Chúng ta cần chủ động tuyên truyền,
giáo dục, hướng dẫn việc sử dụng mạng internet sao cho có lợi. Hiện nay, các
thế lực thù địch đang lợi dụng phương tiện truyền thông cá nhân để truyền bá
những thông tin xấu độc, phản động nhằm chống phá Đảng và Nhà nước. Do đó, tôi
nghĩ rằng, một trong những biện pháp quan trọng là lãnh đạo, chỉ huy các cơ
quan, đơn vị cần chủ động, nhanh nhạy, linh hoạt trong công tác quản lý con
người; phải thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao ý thức tự giác, bản lĩnh
chính trị, để mỗi cá nhân biết cách lựa chọn thông tin và tiếp nhận một cách
phù hợp…
PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về tính công khai, minh bạch, dân
chủ của báo chí trong việc cung cấp thông tin cho người dân hiện nay?
Trung tướng Phùng Khắc Đăng: Báo chí trong nước hiện có nhiều ưu điểm,
nhưng cũng có những nhược điểm. Chẳng hạn như cùng một sự kiện, vụ việc, vấn
đề… mà mỗi báo đưa tin một cách khác nhau, dẫn đến độc giả không biết tin trên
báo nào là chính xác. Báo thì rất nhiều nhưng không phủ khắp, nhất là khu vực
nông thôn vẫn còn “đói” báo lắm...
Việc cung cấp thông tin, có những vấn đề có
thể nói được, nhưng cơ quan chức năng không nói. Có những tài liệu không đáng
là mật nhưng vẫn đóng dấu “mật”. Vì vậy, chế độ cung cấp thông tin cho báo chí
của các cơ quan chức năng cần minh bạch, chính thống, nhanh nhạy hơn, không để
người ta lợi dụng suy diễn trước khi thông tin chính thống đưa ra. Nói tóm lại,
các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp thông tin mang tính định hướng cho
nhân dân càng sớm càng tốt.
Bồi dưỡng tinh thần yêu nước cho lớp trẻ
PV: Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, để đối phó, phòng ngừa từ xa
các hoạt động chống phá từ bên ngoài, chúng ta nên làm gì, thưa đồng chí?
Trung tướng Phùng Khắc Đăng: Trước hết, về mặt kỹ thuật, cần giải quyết
rào cản ngôn ngữ, tức là yêu cầu về công tác con người. Trong quan hệ với các
nước, chúng ta phải thông thạo ngoại ngữ, phải giúp bạn bè, đối tác quốc tế
hiểu một cách đúng đắn, khách quan về tình hình Việt Nam. Thông qua hợp tác
kinh tế, những nhà hoạch định chính sách phải nói rõ những quy định của pháp
luật Việt Nam; đồng thời nên có sự ràng buộc với các đối tác ở những yêu cầu cụ
thể như: Không được nói xấu nhau, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh
thổ của nhau...
PV: Hiện nay, các thế lực thù địch luôn tìm mọi âm mưu, thủ đoạn để
chống phá Đảng và Nhà nước, đòi “phi chính trị hóa” Quân đội. Vậy theo đồng
chí, chúng ta phải làm gì để tăng cường bản lĩnh chính trị cho thế hệ trẻ, giúp
họ có khả năng “tự phòng vệ” trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù
địch?
Trung tướng Phùng Khắc Đăng: Trước hết, chúng ta phải quan tâm xây dựng
niềm tin cho thế hệ hôm nay; đồng thời, cũng có niềm tin vào họ, bởi đó là
những người có trình độ, kiến thức cao. Tuy nhiên, họ còn trẻ, nhận thức về mặt
chính trị còn hạn chế, đòi hỏi trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy phải bồi
dưỡng tinh thần yêu nước, truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội
nhân dân Việt Nam; xây dựng niềm tự hào, từ tự hào dẫn đến tự trọng, qua đó xây
dựng niềm tin cho họ. Cùng với đó, Đảng và Nhà nước cần có chủ trương, chính
sách cụ thể để tôn vinh Người lính, vì bất cứ thời điểm nào, trong mọi tình
huống, họ đều sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Bản thân mỗi cán bộ, chiến sĩ trong
quân đội cũng phải luôn biết tự rèn luyện, phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”,
xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguồn: qdnd.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét