Pages - Menu

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

CẢNH GIÁC VÀ KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH BÁC BỎ THÔNG TIN XẤU, ĐỘC TRÊN MẠNG INTERNET

Xuyên tạc, bịa đặt vốn là thủ đoạn của các thế lực thù địch và bọn phản động thường dùng để chống phá nước ta. Những thủ đoạn đó đã và đang được “tiếp sức” bởi in-tơ-nét, mạng xã hội nên càng nguy hiểm hơn.

Một trong những “dụng cụ”  để xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch và bọn phản động trên mạng Internet là tiếp tục tập trung xuyên tạc Nghị quyết Đại hội Đảng XII và các nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XII để dựng chuyện, bịa đặt, bôi nhọ Đảng và đội ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước ta.
Những luận điệu xảo trá đó nhằm mục đích gì? Chắc chắn không phải vì lý do xây dựng mà nhằm mưu đồ sâu xa là chống Đảng Cộng sản Việt Nam và mưu toan xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Nhưng nhân dân ta - cả đồng bào trong nước và kiều bào nước ngoài - hiểu rõ bản chất của Đảng và những thành tựu của công cuộc đổi mới, nhất là trong những năm gần đây, không ai tin điều đó. Hơn thế, còn hiểu thấu lòng dạ của những kẻ nhân danh “dân chủ, nhân quyền” để rắp tâm phá hoại công cuộc xây dựng đất nước. Chẳng phải, chúng đã từng “phán” rằng: hiện nay Đảng không còn đủ tư cách lãnh đạo đất nước vì trong Đảng có nhiều người tham nhũng, thoái hóa, biến chất, và “yêu cầu” Đảng phải mạnh tay làm sạch nội bộ, loại bỏ những người đó ra khỏi Đảng đó sao? Thế mà, khi Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) ra Nghị quyết 04 thì họ lại lu loa châm chọc, công kích, phản bác và cho rằng, Đảng chỉ “giả vờ” như vậy, chứ “mọi quan chức của Đảng đều tham tiền”, thì làm sao chống được tham nhũng! Đúng là luận điệu rẻ tiền, đầy mâu thuẫn và nực cười! Họ đã nghiên cứu kỹ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và theo dõi tình hình thực hiện Nghị quyết đó trong những tháng qua, nhưng làm như không biết, thậm chí lấp liếm, nói bừa. Trong khi đó, Đảng ta không ngại chỉ rõ những yếu kém, khuyết điểm, thẳng thắn chỉ ra 27 biểu hiện của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và cho việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, nhất là một số người có chức, có quyền là rất nghiêm trọng. Đồng thời, khẳng định quyết tâm chính trị: “phải kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), với trọng tâm là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng tiên phong lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Không phủ nhận rằng, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay vẫn còn khó khăn và chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tham nhũng, “lợi ích nhóm” đã hình thành từ lâu; những kẻ tham nhũng rất “ranh mãnh” và “lọc lõi”. Bởi vậy, chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” là cả một quá trình phức tạp, không thể kết thúc trong “một sớm, một chiều”. Muốn vạch mặt những kẻ tham nhũng, “lợi ích nhóm”, phải điều tra, xem xét nhiều yếu tố, mọi khía cạnh các mối quan hệ phức tạp. Trong quá trình thực hiện, phải căn cứ vào các quy định pháp luật để điều tra kỹ lưỡng từng sự kiện, vụ việc, nếu có dấu hiệu vi phạm quy định hành chính hay pháp lý thì chuyển sang các cơ quan tư pháp xem xét về mặt hình sự. Công việc này đòi hỏi thời gian, sự thận trọng và kiên trì. Nhưng với phương châm chỉ đạo “không có vùng cấm” và sự quyết tâm cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, cùng với sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, cuộc đấu tranh cam go này đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Và, chúng ta tin tưởng rằng, đó là cơ sở cho những thành quả trong thời gian tới. Vì thế, chúng ta không cho phép bất cứ ai, kẻ chống đối nào bịa đặt, xuyên tạc ý nghĩa và kết quả cuộc đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Bên cạnh đó, hiện nay trên các trang mạng xã hội đang xuất hiện hàng loạt các website, blog giả danh các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và một số báo điện tử có uy tín. Đây thực sự là trò lừa đảo, giăng những “cái bẫy” vô cùng nguy hiểm để đầu độc, lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin. Trên các trang mạng giả danh, thoạt đầu họ đăng tải một số thông tin có vẻ “chân thật”, “chính danh”, các thông tin liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tiếp đó là xen lẫn các bài viết mập mờ theo lối “rộng đường dư luân” và những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, chế độ ta, từ đó kích động tư tưởng chống đối chính quyền các cấp. Bằng cách lập lờ “đen - trắng” lẫn lộn như vậy, họ rắp tâm đưa thông tin của các trang mạng cực đoan, hoặc bài viết của những kẻ chống đối núp dưới chiêu bài "tự do, dân chủ, nhân quyền",… đến với công chúng. Thủ đoạn này hết sức thâm độc, xảo quyệt bởi họ biết, những website mang tên các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước thường dễ thu hút sự chú ý của nhiều bạn đọc. Đặc biệt, các báo điện tử có uy tín là những địa chỉ đáng tin cậy, mỗi khi tìm hiểu tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, nhân dân ta thường truy cập vào. Những thủ đoạn đó, nếu không bị vạch mặt và ngăn chặn kịp thời, sẽ để lại hậu quả khôn lường.

Trong “thế giới phẳng” hiện nay, sự lợi dụng mạng thông tin toàn cầu của những kẻ xấu để hô hào, cổ súy cho các quan điểm phản động, sai trái chống phá đất nước, chống phá chế độ là rất nguy hiểm đối với an ninh chính trị, tư tưởng, văn hóa và lợi ích quốc gia, dân tộc, thậm chí còn liên quan đến sự mất còn của chế độ, đất nước. Vì thế, cùng với việc tích cực, chủ động đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái thù địch, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ thông tin trên mạng. Việt Nam, cũng như các quốc gia khác có chủ quyền trên thế giới, không cho phép bất cứ ai xâm phạm, xâm hại chủ quyền, lãnh thổ của mình, kể cả lợi dụng việc cung cấp và sử dụng in-tơ-nét để chống phá đất nước và chế độ.
Đình Trần Kha - KTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét