Pages - Menu

Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

Nhận thức đúng về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ trên lĩnh vực kinh tế

Có thể khẳng định, quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực kinh tế là quan hệ căn bản, bao trùm nhất, có vị trí, vai trò rất quan trọng. Việc nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ này sẽ quyết định chất lượng, hiệu quả trong giải quyết những mối quan hệ cụ thể khác. Điều này được quy định bởi vị trí, vai trò quan trọng của nền kinh tế trong đời sống xã hội, của kinh tế với các lĩnh vực khác. Đặc biệt, kinh tế luôn là yếu tố quyết định tiềm lực quốc phòng, quyết định tính định hướng XHCN. Sự phát triển bền vững của kinh tế là tiền đề cơ bản và chủ yếu cho sự ổn định về chính trị và các lĩnh vực xã hội khác.


Nội dung mối quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực kinh tế bao gồm cả việc xây dựng và bảo vệ lực lượng sản xuất, những cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; cả xây dựng và bảo vệ quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, nhất là đấu tranh giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, được thể hiện rõ trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định những quan điểm cơ bản trong nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên lĩnh vực kinh tế với những nội dung chủ yếu như:
Phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội: Đây là nội dung cơ bản trong giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong linh vực kinh tế. Đảng ta nêu rõ chủ trương: “tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”[1]. Quan tâm phát triển kinh tế tri thức, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ của các ngành, lĩnh vực; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển nhanh, bền vững.
Xây dựng, củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất: Đại hội XII khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch trong quản lý kinh tế, năng lực quản lý của Nhà nước và năng lực quản trị doanh nghiệp”[2]. Đồng thời chỉ rõ, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bố có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.
Xây dựng và bảo vệ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Xây dựng và bảo vệ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nội dung đặc biệt quan trọng trong xây dựng và bảo vệ trên lĩnh vực kinh tế của nước ta trong tình hình mới. Đại hội XII của Đảng đã dành một phần lớn để nêu rõ những quan điểm cơ bản về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong đó, đã xác định rõ những vấn đề chủ yếu như: giữ vững định hướng phát triển của nền kinh tế; tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế...
Vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ trên lĩnh vực kinh tế: Để bảo đảm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế, Đảng ta khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong xây dựng và phát triển kinh tế. Đảng ta nhấn mạnh: “Nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng; tăng cường lãnh đạo việc thể chế hóa và việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội”[3]. Đảng ta cũng chỉ rõ: “Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển”[4].




[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 90.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 77.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 111-112.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr. 103.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét