Pages - Menu

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

NIỀM TIN SẮT SON VỚI ĐẢNG

Chưa có khi nào công cuộc đấu tranh chống tiêu cực lại mạnh mẽ và quyết liệt như giai đoạn hiện nay. Việc ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cho thấy quyết tâm rất lớn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đồng thời thể hiện rõ tính chiến đấu cao của Đảng ta. Vì vậy, đây là Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị của đất nước ta. Kết quả của Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã được thông tin rộng rãi, thực sự trở thành luồng sinh khí mới thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng trong hàng triệu cán bộ, đảng viên, đáp lại lòng mong muốn của các tầng lớp nhân dân. Nghị quyết đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, xác định cụ thể nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhất là sau gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; đồng thời xác định cụ thể hệ thống giải pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.




Trước hết, cần nhận thức một cách sâu sắc rằng, cuộc đấu tranh chống tiêu cực hiện nay phải gắn liền và trực tiếp phục vụ cho công tác xây dựng Đảng, đổi mới hệ thống chính trị, kiện toàn bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, tăng cường đoàn kết nội bộ; phục vụ công cuộc đổi mới sâu sắc, toàn diện nền kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định an ninh chính trị, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đấu tranh chống tiêu cực đã và đang trở thành một nhiệm vụ cấp bách của Đảng, Nhà nước, của toàn quân và  toàn dân ta. Trong những năm gần đây, tình trạng tham nhũng ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực không những chưa có dấu hiệu giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, mức độ nghiêm trọng và tính chất phức tạp hơn. Từ thực tế trong xử lý các vụ án tham nhũng ở nước ta trong thời gian gần đây cho thấy, cơ chế trách nhiệm tập thể Đảng có những vấn đề cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc, thấu đáo. Tình trạng đổ lỗi cho tập thể, cho cơ chế, cho người khác, cơ quan khác để trốn tránh trách nhiệm cá nhân xuất hiện ở hầu hết các vụ tiêu cực, tham nhũng. Một số cán bộ vừa được đề bạt vào những chức vụ cao hơn, ngay sau đó đã bị phát hiện tham nhũng và bị truy tố trước pháp luật.
Với việc ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, kỷ luật nhiều cán bộ, nguyên cán bộ có liên quan những sai phạm vụ Formosa cho thấy, Đảng, Chính phủ đang rất kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, nhân dân tin tưởng vào Đảng và Nhà nước. Rõ ràng, chúng ta ngày càng tiếp cận đến văn hóa xử lý trách nhiệm với người đứng đầu. Người đứng đầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc sai phạm trong ngành, đơn vị mình quản lý gây dư luận không tốt trong xã hội. Bởi thế, nhân dân rất đồng tình ủng hộ và mong chờ quan điểm xử lý nghiêm người đứng đầu sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới đối với những sai phạm xảy ra.
Về quan điểm xử lý cán bộ có sai phạm, Chính phủ và cả hệ thống chính trị khẳng định kiên quyết xử lý cán bộ tham nhũng, tiêu cực; điều đó cho thấy Đảng ta không bao che khuyết điểm, thẳng thắn nhìn vào sự thật, kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu. Trước mắt rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay, có thể nói, nhiệm vụ quan trọng nhất chính là củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Nhiều vụ việc thời gian qua đã làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Sự quyết tâm của Đảng  xử lý nghiêm minh, công khai từng vụ việc, từng cán bộ, đảng viên được nhân dân đồng tình ủng hộ rất cao. Trước bối cảnh phát triển đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhân dân càng kỳ vọng, Đảng sẽ “nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật”, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, xứng đáng là đội tiên phong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Năm 2016 hàng loạt những quyết định thi hành kỷ luật Đảng, cho thấy Đảng đã không còn sợ nói ra khuyết điểm, Đảng đã thẳng thắn nhìn nhận và sửa chữa khuyết điểm. Những việc làm cụ thể của Đảng ta trong thời gian qua đã được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự giác thực hiện. Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn”. Mỗi cán bộ đảng viên và nhân dân luôn giữ vững một niềm tin sắt son với Đảng Cộng sản Việt nam sẽ chèo lái con thuyền cách mạng giành thắng lợi, đưa nước ta hội nhập và phát triển nâng cao vị thế trên trường quốc tế. 
TranDucDiep-KBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét