Pages - Menu

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

MỘT SỐ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VỮNG MẠNH VỀ CHÍNH TRỊ

Để chống mưu đồ "phi chính trị hóa" quân đội của các thế lực thù địch đạt hiệu quả cao, thì trước hết và quan trọng nhất là phải chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội, cốt yếu là nền tảng tư tưởng của Đảng.


Về lực lượng, chúng ta cần có lực lượng đấu tranh rộng rãi là toàn dân và lực lượng nòng cốt được tổ chức thành hệ thống trong các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị, Mặt trận Tổ quốc từ Trung ương đến địa phương …; trong đó, quân đội, công an đóng vai trò xung kích của lực lượng nòng cốt.
Về phương tiện, gồm các phương tiện truyền thông, đấu tranh trên in-tơ-nét, các trang mạng xã hội, blog… kết hợp với các phương thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình và đối tượng. Các cơ quan báo chí trong quân đội phải là lực lượng nòng cốt, xung kích trong đấu tranh chống quan điểm "phi chính trị hóa" quân đội.
Về phương pháp đấu tranh, cần phải chủ động, linh hoạt, tránh thụ động khi có sự việc phức tạp xảy ra mới tổ chức tuyên truyền, đấu tranh. Quá trình thực hiện phải coi trọng đấu tranh trực diện, vạch trần âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động hòng làm phai nhạt bản chất giai cấp, lý tưởng cách mạng, mục tiêu chiến đấu của quân đội, hoặc kích động gây mất đoàn kết nội bộ, chia rẽ giữa quân đội với công an và Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Về chính sách và cơ chế, cần có chính sách, cơ chế hợp lý nhằm động viên, khuyến khích và bảo vệ những người viết bài đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, trong đó có "phi chính trị hóa" quân đội.
Cần quán triệt sâu sắc phương châm: Gắn "xây dựng với bảo vệ", "bảo vệ với xây dựng"; xây dựng là một nội dung của bảo vệ và là biện pháp chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "phi chính trị hóa" quân đội hiệu quả nhất. Như đã đề cập ở trên, mục đích thúc đẩy "phi chính trị hóa" quân đội của các thế lực thù địch hòng làm cho quân đội ta từ bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, phai nhạt bản chất giai cấp, lý tưởng cách mạng, xa rời phương hướng chính trị, mục tiêu chiến đấu và cuối cùng dẫn tới xa rời sự lãnh đạo của Đảng.
Do đó, để xây dựng QĐND vững mạnh về chính trị thì vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là đội ngũ đảng viên và cán bộ chủ chốt các cấp. Quá trình tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng phải coi trọng mọi đối tượng, coi trọng tính toàn diện; nhưng trước hết và quan trọng nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên và nội dung trọng tâm là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục giữ vững bản chất giai cấp công nhân, lý tưởng cách mạng, mục tiêu chiến đấu cho quân đội.
Đây là vấn đề cốt yếu nhất, là cơ sở nền tảng vững chắc đảm bảo cho quân đội bất luận trong hoàn cảnh nào, dù khó khăn phức tạp đến đâu cũng vững vàng, không bị "diễn biến, chuyển hóa", "phi chính trị hóa", luôn trung thành với Đảng, Nhà nước, nhân dân, Tổ quốc XHCN.
Đi đôi với giáo dục chính trị, tư tưởng, cần coi trọng xây dựng về tổ chức, trước hết là tổ chức Đảng các cấp trong sạch, vững mạnh. Các cấp trong quân đội phải thường xuyên quan tâm công tác xây dựng Đảng, coi đó là khâu then chốt, nhằm đảm bảo giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với QĐND. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc và cũng là yêu cầu cấp thiết của nhiệm vụ đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, trong đó có mưu đồ "phi chính trị hóa" quân đội của các thế lực thù địch.
Để nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của tổ chức Đảng các cấp, cần chú trọng kiện toàn cấp ủy gắn với tổ chức chỉ huy đảm bảo chất lượng, số lượng và cơ cấu; gắn xây dựng cấp ủy viên với cán bộ chủ chốt các cấp; chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên cả về phẩm chất, năng lực, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng thời, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát theo phương châm "Giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm", nhất là việc thực hiện Nghị quyết, Điều lệ Đảng, giải quyết kịp thời, minh bạch các đơn thư tố cáo, khiếu nại và xử lý nghiêm các vi phạm; thực hiện nghiêm Quy định 47-QĐ/TW, về những điều đảng viên không được làm của Ban Chấp hành Trung ương.
Cùng với đó, phải thực hiện tốt và gắn chặt các mặt công tác cán bộ, tổ chức, dân vận, chính sách, tư tưởng... Tiếp tục quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay” và Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tổ chức tốt phong trào thi đua Quyết thắng, các cuộc vận động, nhất là Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ", tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp và là nguồn động lực tinh thần to lớn cho toàn quân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.
Tăng cường các biện pháp phòng ngừa những phát sinh phức tạp về tư tưởng trong cán bộ, chiến sĩ; hết sức coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chống việc lộ, lọt thông tin, các hiện tượng móc nối, cài cắm, xâm nhập hoặc thẩm thấu quan điểm xấu từ bên ngoài vào quân đội dưới mọi hình thức; phấn đấu đảm bảo tuyệt đối an toàn về an ninh, chính trị, tư tưởng của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.
Để xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, phải thường xuyên chăm lo kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị các cấp và các tổ chức quần chúng, đoàn thể, hội đồng quân nhân. Bởi, đây là các tổ chức, cá nhân trực tiếp chỉ đạo và tổ chức triển khai các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị - yếu tố quyết định chất lượng xây dựng quân đội về chính trị.
Hiện nay, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN của quân và dân ta được tiến hành trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, nhanh chóng, khó lường; do đó, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, cũng có không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, thách thức gay gắt nổi lên là sự chống phá quyết liệt của CNĐQ và các thế lực thù địch bằng chiến lược "Diễn biến hòa bình".
Với quân đội ta, họ thúc đẩy mạnh mẽ "phi chính trị hóa" bằng những hình thức, thủ đoạn mới tinh vi, thâm độc hơn. Cùng với đó là những diễn biến phức tạp mới ở Biển Đông, trực tiếp đe dọa đến chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trước tình hình trên, chúng ra cần chú trọng thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Đặc biệt, trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, mọi thông tin được chuyển tải nhanh, lan tỏa rộng, thì công tác này lại càng quan trọng, nhưng trong thực hiện cũng có không ít khó khăn, phức tạp. Vì thế, công tác thông tin, tuyên truyền càng cần phải được chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời, chính xác.
Trong đó, phải bảo đảm sự chủ động, giữ vững "trận địa thông tin", làm chủ nguồn tin và độ tin cậy nguồn tin, nhằm tạo dư luận tốt trong xã hội nói chung và trong quân đội nói riêng. Trong khi thông tin, tuyên truyền về những sự kiện nhạy cảm cần gắn với định hướng tư tưởng, giúp cho bộ đội và nhân dân nhận thức đúng và hiểu rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước, trên cơ sở đó không bị kích động bởi những thông tin xấu độc, trái chiều. Trong thời gian qua, nhìn chung, chúng ta thực hiện khá tốt công tác này, nhưng bên cạnh đó cũng còn những hạn chế, vô tình tạo kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.
Một vấn đề không thể thiếu của quá trình xây dựng QĐND vững mạnh về chính trị đó là công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Quân đội ta đã trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đã tiến hành tổng kết, sơ kết, tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, từ đó đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm về công tác Đảng, công tác chính trị, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Mặc dù thực tiễn luôn vận động, phát triển, nhưng phần lớn những bài học kinh nghiệm đó vẫn rất quý báu, còn nguyên giá trị đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị hiện nay.
Xuan Thanh Nguyen - Ktt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét