(giữ trọn lời thề) - Tham
nhũng là một hiện tượng khá phổ biến trên thế giới từ xưa đến nay, gây ra nỗi
bức xúc cho toàn xã hội và tác hại về nhiều mặt kinh tế, chính trị, văn hoá,
đạo đức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của mỗi quốc gia. Hiện nay,
đấu tranh chống tham nhũng là một vấn đề mang tính toàn cầu, nhưng lại khá nhạy
cảm và hết sức phức tạp.
Theo
Quỹ tiền tệ quốc tế, tham nhũng là “lạm dụng quyền lực công để mưu cầu lợi ích
cá nhân”. Tổ chức Minh bạch quốc tế định nghĩa tham nhũng là “hành vi của quan
chức trong khu vực công, dù là quan chức chính trị hay công chức quản lý hành
chính, thông qua việc sử dụng sai những quyền lực mà nhân dân giao phó, làm cho
chính bản thân mình hoặc những người thân của mình giàu lên một cách bất
chính”. Hội nghị Quốc tế chống tham nhũng ở Bắc Kinh (1995) coi tham nhũng là
“lòng tham của con người thông qua quyền lực”. Luật phòng, chống tham nhũng vừa
được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua, xác định:
“Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ,
quyền hạn đó đề vụ lợi”.
Như
vậy, tham nhũng không chỉ là phạm trù kinh tế mà còn là phạm trù chính trị, văn
hóa đạo đức. Có thể khái quát một số đặc
trưng cơ bản của tham nhũng như sau: Chủ thể của hành vi tham nhũng là những
người có chức, có quyền làm việc trong bộ máy công quyền; dấu hiệu tham nhũng
là lợi dụng chức vụ và quyền lực giành lấy đặc quyền, đặc lợi; mục đích tham
nhũng là vì lợi ích cá nhân hoặc của một nhóm người; hậu quả tham nhũng là thất
thoát tiền bạc, tài sản công; gây nhũng nhiễu nội bộ, chia rẽ, bè phái.
Trong lịch sử phát triển của xã
hội loài người, đã có thời kỳ con người không biết đến tham nhũng. Có quan điểm
cho rằng tham nhũng là do lòng tham, là khuyết tật tự nhiên mang tính bản năng,
là một thuộc tính trong bản chất con người, và tất nhiên, không thể loại trừ ra
khỏi đời sống xã hội. Có quan điểm lại cho rằng chế độ công hữu là nguồn gốc đẻ
ra tham nhũng.
Nhìn lại lịch sử ai cũng biết
rằng, chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất đẻ ra nhà nước gắn liền với
các tổ chức quyền lực. Các nhóm người và cá nhân nắm quyền lực lợi dụng địa vị,
quyền lực để mưu cầu lợi riêng, làm xuất hiện hiện tượng tham nhũng. Do vậy,
chừng nào còn chế độ tư hữu, còn nhà nước thì còn cơ sở để phát sinh tham
nhũng. Chủ nghĩa Cộng sản dựa trên chế độ công hữu, ở đó không còn chế độ tư
hữu, không còn giai cấp, do đó không còn nhà nước, không còn tổ chức quyền lực
thì sẽ không còn cơ sở cho tham nhũng tồn tại. Muồn đấu tranh chống tham nhũng
có hiệu quả, cần xem xét nguồn gốc tham nhũng một cách toàn diện cả về mặt kinh
tế, mặt chính trị, đạo đức và mặt văn hoá, xã hội.
1. Về mặt kinh tế: Nguyên nhân trực tiếp của tham
nhũng là mưu cầu lợi ích riêng về vật chất và tinh thần của một cá nhân hoặc
một bộ phận có quyền lực, nhưng nguồn gốc sâu sa bắt nguồn từ cơ sở kinh tế,
gắn liền với Nhà nước dựa trên cơ sở tư hữu về tư liệu sản xuất.
Trong hệ thống các quan hệ sản xuất,
quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất luôn luôn có vai trò quyết định đối với tất
cả các quan hệ xã hội khác. Chính quan hệ sở hữu – quan hệ giữa các tập đoàn
người trong việc chiếm hữu các tư liệu sản xuất đã qui định địa vị của từng tập
đoàn người trong hệ thống tổ chức, quản lý sản xuất xã hội, mà địa vị của từng
tập đoàn người trong hệ thống tổ chức, quản lý sản xuất lại qui định cách thức
của các tập đoàn trong phân phối sản phẩm làm ra. Thực chất, quan hệ sở hữu là
cái quyết định phương thức phân phối sản phẩm của các tập đoàn người theo địa
vị của họ trong hệ thống sản xuất xã hội. Đây là cơ sở kinh tế, là gốc rễ cắt
nghĩa nguồn gốc hình thành, phát triển và mất đi của nạn tham nhũng trong xã
hội.
Lịch sử loài người đã chứng kiến sự
tồn tại của hai chế độ sở hữu cơ bản đối với tư liệu sản xuất: Chế độ công hữu
và chế độ tư hữu. Trong chế độ tư hữu, do tư liệu sản xuất chỉ nằm trong tay
một số ít người nên của cải được phân phối không thuộc về số đông mà thuộc về
số ít người. Các quan hệ xã hội trong xã hội là bất bình đẳng, quan hệ giữa
thống trị và bị trị được pháp luật thừa nhận, đương nhiên các quan hệ xã hội
trở thành đối kháng và đó chính là nguồn gốc của sự bất bình đẳng trong phân
phối các sản phẩm, nguồn gốc sâu xa của những tiêu cực, tệ nạn xã hội và của
tham nhũng. Ngược lại, trong chế độ công hữu, tư liệu sản xuất thuộc về mọi
thành viên trong cộng đồng, vì vậy, về mặt nguyên tắc, các thành viên của
cả cộng đồng có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau trong quản lý, tổ chức lao động
và phân phối sản phẩm. Do tư liệu sản xuất là tài sản chung nên các quan hệ xã
hội trở thành quan hệ bình đẳng, hợp tác, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Chế độ
công hữu là nguồn gốc kinh tế của sự bình đẳng trong phân phối sản phẩm, là
nguồn gốc sâu xa quyết định tiến bộ và
công bằng xã hội, không còn cơ sở kinh tế nảy sinh tham nhũng.
Tuy
nhiên, việc xoá bỏ chế độ tư hữu, thiết lập chế độ công hữu không thể là một
việc làm tuỳ tiện do ý muốn chủ quan quyết định, mà là kết quả của sự phát
triển của lực lượng sản xuất, tuỳ thuộc vào trình độ xã hội hoá sản xuất trong
mỗi giai đoạn lịch sử nhất định quyết định.
Có
thể nói rằng, nguồn gốc sâu xa sinh ra hoặc làm mất đi tham nhũng là chế độ sở
hữu tư liệu sản xuất, và theo đó là lợi ích kinh tế. Trong chế độ tư hữu, các
chủ thể sở hữu tư liệu sản xuất đều muốn chiếm đoạt tối đa lợi ích kinh tế. Đó
là động lực thúc đẩy họ tìm mọi cách để đạt mục đích, trong đó có cả việc hối
lộ, mua chuộc những người có chức, có quyền.
Ở Việt Nam, nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta xác định: “Phát triển nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành
phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành
phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền
kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh
tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không
ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể
ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”[1]. Với
định hướng như vậy, chúng ta đang quyết tâm tạo ra cơ sở kinh tế vững chắc để
từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng.
2. Về mặt chính trị: Chế độ tư hữu là
nguồn gốc sinh ra nhà nước, còn nhà nước là còn chế độ quyền lực, trước hết là
quyền lực chính trị. Đây là nguyên nhân trực tiếp và là điều kiện phát sinh
tham nhũng. Có thể khẳng định rằng, chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và nhà
nước dựa trên chế độ tư hữu đó với nạn tham nhũng có mối quan hệ hữu cơ, là vấn
đề có tính qui luật trong xã hội dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu
sản xuất.
Thực
tế lịch sử xã hội loại người chứng mình rằng, dù được che đậy dưới bất cứ hình
thức tinh vi như thế nào, dù có bị khúc xạ qua những lăng kính phức tạp ra sao,
thì nhà nước trong mọi xã hội có giai cấp đối kháng cũng chỉ là tổ chức chính
trị của giai cấp thống trị về mặt kinh tế, là công cụ bảo vệ lợi ích cơ bản của
giai cấp thống trị, là phương tiện chính trị để giai cấp này thống trị giai cấp
khác. Do đó, nhà nước trong chế độ tư hữu gắn liền với áp bức, bóc lột và tham
nhũng.
Tất nhiên, xét từ góc độ tính chất của quyền lực chính
trị, nhà nước có chức năng thống trị chính trị và chức năng xã hội mà giai cấp
thống trị buộc phải thực hiện, trong đó chức năng thống trị chính trị của nhà
nước dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất giữ vị trí chi phối phương
hướng và mức độ thực hiện chức năng xã hội. Chức năng thống trị chính trị áp
đặt vai trò áp bức, bóc lột, qui định tính chất và mức độ tham nhũng của các cá
nhân nắm giữ quyền lực, còn chức năng xã hội phải phục tùng chức năng thống trị
chính trị, theo quan điểm và giới hạn của giai cấp cầm quyền, là phương thức
điều kiện để nhà nước đó thực hiện được vai trò thống trị giai cấp của mình. Vì
thế mọi thứ “dân chủ”, “tự do”, “nhân quyền” trong các nhà nước đó chỉ có tính
chất hình thức và có giới hạn. Khi xã hội không còn giai cấp thì xã hội cũng
không cần tổ chức nhà nước, những nội dung thuộc chức năng xã hội sẽ do xã hội
tự đảm nhiệm, chế độ tự quản của nhân dân được xác lập và khi đó trong xã hội
sẽ không còn có tham nhũng.
Tham
nhũng là hậu quả của tình trạng xã hội thiếu dân chủ về chính trị, thiếu công
khai minh bạch về chức năng, quyền hạn của bộ máy công quyền tạo ra mội trường
cho tệ nạn tham nhũng phát sinh, phát triển. Trong xã hội có giai cấp, pháp
luật bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị, tạo cơ sở pháp lý để những kẻ có
chức, có quyền lợi dụng chiếm đoạt các giá trị vật chất và tinh thần của xã
hội, của công dân.
Nhà
nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Đó là một nhà nước đặc biệt, “nhà nước không còn nguyên nghĩa”, là nhà nước
“nửa nhà nước”. Chức năng tổ chức xây dựng là chức năng cơ bản nhất của nhà
nước xã hội chủ nghĩa. Nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước được xây dựng trên
chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, đó là nhà nước của dân, do dân, vì dân;
lấy liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí
thức làm nền tảng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trong tổ chức và
hoạt động của mình, quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc thống nhất,
nhưng có phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc
thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhà nước xã hội chủ nghĩa thực
hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Với bản chất như vậy, nhà
nước xã hội chủ nghĩa không có “đất” để tham nhũng tồn tại. Tuy vậy, trong thời
kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do nhà nước xã hội chủ nghĩa đang trong quá
trình hoàn thiện, các cơ sở kinh tế, xã hội của chế độ cũ chưa được xóa bỏ
triệt để nên tham nhũng vẫn còn “đất” để tồn tại. Giải quyết vấn đề tham nhũng
không phải là xoá bỏ nhà nước, làm suy yếu nhà nước đi, mà ngược lại phải tăng
cường xây dựng để hoàn thiện nhà nước xã hội chủ nghĩa, làm cho nhà nước xã hội
chủ nghĩa đủ mạnh, trong sạch để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả. Chỉ đến
khi nào cơ sở kinh tế, xã hội sinh ra nhà nước không còn thì đương nhiên nhà
nước cũng sẽ tự “tiêu vong” và do đó, xã hội sẽ không còn nạn tham nhũng.
Nhận thức rõ điều này, Đảng ta chủ trương “Nghiên cứu xây
dựng, bổ sung các thể chế và cơ chế vận hành cụ thể để bảo đảm nguyên tắc tất
cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân… Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp
luật, cơ chế, chính sách để vận hành có hiệu quả nền kinh tế... Tiếp tục xây
dựng, từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp
trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”.[2] “Nhà
nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền
dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám
sát của nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ
quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân
chủ của công dân;…”[3].
3. Về đạo đức và
văn hóa:
Trong lịch sử phát triển của các xã hội chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất,
hình thức tham nhũng đã nhận được sự bảo trợ của ý thức hệ, của nhà nước, của
tôn giáo, hoặc nó ẩn náu trong lớp vỏ đạo đức, văn hoá nào đó, khi ấy dường như
hành vi tham nhũng được coi là một hiện tượng đạo đức tự nhiên, là văn hóa của
một bộ phận quan chức trong xã hội. Theo một nghĩa nào đấy, tham nhũng đồng
nhất với bóc lột và trở thành tiêu chí đạo đức, văn hoá của các tập đoàn và cá
nhân nắm quyền lực. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hành vi tham nhũng của một bộ
phận không nhỏ cán bộ, đảng viên lại trở nên xa lạ, trái ngược với đạo đức cách
mạng và nền văn hóa mới.
Ở
nước ta, thực tiễn cho thấy sự suy giảm về phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng
viên, là con đường rất ngắn dẫn đến tham nhũng, chúng luôn đồng hành cùng nhau
và là hệ quả của nhau. Đảng ta chỉ rõ: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng
viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số
cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những
biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ,
cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham
nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”[4].
Như
vậy, xét về bản chất chế độ công hữu không phải là nguồn gốc sinh ra tham
nhũng, nguồn gốc sâu xa của tham nhũng là từ cơ sở kinh tế, là chế độ chiếm hữu
tư nhân về tư liệu sản xuất. Nhưng ở nước ta, hành vi tham nhũng vẫn có những
điều kiện nhất định để tồn tại, khi chế độ công hữu chưa được xác lập hoàn toàn
và triệt để, xã hội còn tồn tại quyền lực nhà nước, trong khi cơ chế kinh tế
chưa hoàn thiện, môi trường kinh tế - xã hội không minh bạch, thiếu lành mạnh,
pháp luật có nhiều sơ hở, cơ chế giám sát, kiểm soát còn nhiều hạn chế cùng với
sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ
cán bộ, đảng viên. Do vậy, không thể vì có hiện tượng tham nhũng xảy ra ở khu
vực kinh tế tập thể, kinh tế nhà nước mà vội vàng cho rằng chế độ công hữu đẻ
ra tham nhũng.
Một
thể chế chính trị, kinh tế – xã hội ổn định và dân chủ sẽ tạo ra khả năng ngăn
ngừa, hạn chế tham nhũng. Một nhà nước trong sạch, nghiêm minh, kiên quyết
phòng, chống tham nhũng, một hệ thống luật pháp đầy đủ, có cơ chế quản lý kiểm
soát chặt chẽ, một đội ngũ công chức được giáo dục tốt về đạo đức và văn hoá,
đồng thời có những giải pháp phòng, chống tham nhũng đồng bộ, có hiệu quả, huy
động được sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân sẽ
tạo nên sức mạnh tổng hợp, hạn chế và đẩy lùi tham nhũng.
[1] Đảng Cộng sản
Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG – ST HN,
2011, tr.73,74.
[2] Đảng Cộng sản
Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG – ST, HN,
tr. 247.
[3] Đảng Cộng sản
Việt Nam, Văn kiện Đai hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI,Nxb,CTQG – ST, HN,
2011, tr. 86.
[4] Đảng Cộng sản
Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb
CTQG - ST, HN, 2012, tr. 22.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét