C.Mác một thiên tài vĩ đại - người thầy của giai cấp vô sản và
toàn thể loài người tiến bộ nói chung, của cách mạng Việt Nam nói riêng. Tư
tưởng và sự nghiệp của Người đã vượt qua mọi thử thách của thời gian, được
nhiều thế hệ nhắc đến với tất cả sự khâm phục, ngưỡng mộ và tôn vinh. Tuy
nhiên, cục diện cách mạng vô sản thế giới ngày nay đã có nhiều biến đổi sâu
sắc, nhiều điểm khác nhau về con đường và xu thế phát triển của từng dân tộc
cũng như nhân loại, song con đường mà C.Mác đã vạch ra cho sự nghiệp giải phóng
các dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người mãi mãi là chân lý.
Vào giữa thế kỷ XIX chủ nghĩa Mác ra đời, trong giai
đoạn chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh và ở đó các mâu thuẫn của chủ nghĩa tư
bản đã trở nên gay gắt, phơi bày tất cả bản chất giai cấp của nó và sự bóc lột
người lao động đến cùng cực. C.Mác và Ph.Ăngghen kế thừa thành tựu nghiên cứu
của các nhà khoa học đi trước, tiếp thu có phê phán các tư tưởng nhân loại và
với tài năng của mình, C.Mác và Ph.Ăngghen đã xây dựng nên trường phái kinh tế chính trị Mácxít và sau này được Lênin bảo vệ và phát triển. Theo đánh giá
của Lênin, Học thuyết giá trị thặng dư là “hòn đá tảng” trong toàn bộ học
thuyết kinh tế của C.Mác, nhờ có học thuyết
này mà toàn bộ bí mật của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa được vạch trần, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa
được nêu ra một cách chính xác, mà trong đó hai phương pháp sản xuất chính là phương
pháp sản xuất giá trị thặng dư tương đối và phương pháp sản xuất giá trị thặng
dư tuyệt đối được áp dụng rộng rãi nhất, nhờ đó, mà tư bản được tích luỹ và tái sản xuất mở rộng khôi phục không
ngừng.
Mỗi phương pháp đại diện cho một trình độ khác nhau
của giai cấp tư sản, cũng như những giai đoạn lịch sử khác nhau của xã hội.
Phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối, đây là phương pháp được áp dụng
ở giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản, thời kỳ công trường thủ công. Thực chất
của phương pháp này là việc kéo dài ngày lao động vượt quá thời gian lao động
tất yếu, trong khi năng suất lao động, giá trị sức lao động và thời gian lao động
tất yếu là không thay đổi. Cái lợi ở đây là nhà tư bản không cần ứng thêm tư bản
để
thuê thêm sức lao động của công nhân và mua thêm máy móc
thiết bị, mà đồng thời khi sử dụng phương pháp này máy
móc sẽ được khấu hao nhanh hơn, hao mòn và chi phí bảo quản giảm đi nhiều, thời
gian thu lợi nhuận sẽ dài hơn. Vì vậy, nhà tư bản luôn tìm cách kéo dài ngày
công lao động của người công nhân làm thuê, nhưng thực tế thì giới hạn sinh lý
của con người chỉ trong một thời gian nhất định, người công nhân họ cần phải có
thời gian ăn, ngủ, nghỉ ngơi,
giải trí nhằm hồi phục sức khoẻ. Cho nên giai cấp tư bản vấp phải cuộc đấu
tranh của công nhân.
Để khắc phục những vấn đề mà phương
pháp sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối gặp phải thì nhà tư bản đã áp dụng
phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tương đối vào sản xuất. Phương pháp này
có tiến bộ vượt bậc so với phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối, thể
hiện ở trình độ sản xuất cũng như trình độ xã hội đã được nâng lên một tầm cao
hơn. Phương pháp sản xuất
giá trị thặng dư tương đối là giá trị thặng dư thu được do rút ngắn
thời gian lao động tất yếu bằng cách hạ thấp giá trị sức lao động, nhờ đó tăng
thời gian lao động thặng dư lên ngay trong điều kiện độ dài ngày lao động vẫn
như cũ. Phương pháp này là phương pháp sản xuất theo chiều sâu, lao động phức tạp
tăng lên và thay thế cho lao động giản đơn. Để có lợi cho mình các nhà tư bản
buộc phải chú trọng đến khả năng sáng tạo của lao động làm thuê. Điều đó đã chứng
minh rằng lao động trí óc, lao động có trình độ kỹ thuật cao ngày càng có vai
trò quyết định tới việc sản xuất giá trị thặng dư và tầng lớp công nhân này có
mức sống tương đối cao. Chính những điều đó đã làm cho một số người lao động nhầm
tưởng rằng họ không bị bóc lột sức lao động, sức lao động của họ được trả một
cách thoả đáng, họ an tâm làm việc mà không hề biết rằng một khối lượng lớn giá
trị mới do sức lao động của mình tạo ra đã bị nhà tư bản chiếm đoạt. Hơn nữa, với
tốc độ phát triển chóng mặt của máy móc công nghệ, tác hại của sóng điện từ từ
những thiết bị tin học hiện đại làm cho người lao động bị hao phí rất nhiều sức
lực, phát sinh nhiều bệnh nghề nghiệp, các bệnh này có thể phát sinh ngay trong
quá trình còn đang lao động của người công nhân, nhưng cũng có thể để lại di chứng
sau một thời gian dài.
Bên
cạnh đó, một dạng của giá trị thặng dư tương đối là giá trị thặng dư siêu ngạch,
đây là cái đích hướng tới của các nhà tư bản. Giá trị thặng dư siêu ngạch là
giá trị thặng dư thu được do áp dụng công nghệ mới làm cho giá trị cá biệt của
hàng hoá thấp hơn giá trị xã hội của nó. Theo đuổi giá trị thặng dư siêu ngạch
là kỳ vọng của nhà tư bản và là động lực mạnh nhất thúc đẩy các nhà tư bản cải
tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, tăng năng suất lao động, làm cho năng suất
xã hội tăng lên nhanh chóng. Bởi vậy C.Mác gọi giá trị thặng dư siêu ngạch
là biến tướng của giá trị thặng dư tương đối.
Thực ra, hai phương pháp sản xuất giá trị thặng
dư đó không hề bị tách rời nhau, mà chỉ trong mỗi thời kỳ khác
nhau sự vận dụng hai phương pháp là nhiều hay ít mà thôi, trong thời kỳ đầu của
chủ nghĩa tư bản thì phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối được sử dụng
nhiều hơn so với phương pháp sản xuất giá trị thặng
dư tương đối, còn trong thời kỳ sau của chủ nghĩa tư bản thì ngược lại. Trong
xã hội hiện đại ngày nay, việc nhà tư bản kết hợp tốt hai phương pháp sản xuất
giá trị thặng dư đã tạo ra ngày càng nhiều giá trị thặng dư cho nhà tư bản, bằng
cách tăng cường các phương tiện kỹ thuật và quản lý để bóc lột ngày càng nhiều
sức lao động làm thuê. Máy móc hiện đại được áp dụng, các lao động chân tay bị
cắt giảm nhưng điều đó không đi đôi với giảm nhẹ cường độ lao động của người
công nhân, mà trái lại do việc áp dụng máy móc không đồng bộ nên khi máy móc chạy
với tốc độ cao, liên tục buộc người công nhân phải chạy theo tốc độ vận hành của
máy làm cho cường độ lao động tăng lên, năng suất lao động tăng, ngoài ra nền sản
xuất hiện đại áp dụng tự động hoá cao, cường độ lao động người công nhân tăng
lên với hình thức mới đó là cường độ lao động tri thức thay thế cho cường độ lao
động cơ bắp, tạo ra sản phẩm chứa nhiều chất xám có giá trị lớn. Nên sản xuất
tư bản chủ nghĩa trong điều kiện hiện đại là sự kết hợp tinh
vi của hai phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối và tương đối.
Việc nghiên cứu 2 phương pháp nói trên, khi gạt bỏ
mục đích và tính chất của chủ nghĩa tư bản thì các phương pháp sản xuất giá trị
thặng dư, nhất là phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tương đối và giá trị thặng
dư siêu ngạch, có thể vận dụng trong các danh nghệp ở nước ta nhằm kích thích sản
xuất, tăng năng suất lao động xã hội, sử dụng kỹ thuật mới, cải tiến tổ chức quản
lý, tiết kiệm chi phí sản xuất. Đối với quá trình phát triển nền kinh tế quốc
dân của nước ta, việc nghiên cứu sản xuất giá trị thặng dư gợi mở cho các nhà
hoạch định chính sách phương thức làm tăng của cải, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong điều kiện điểm xuất phát của nước ta còn thấp, để thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế, cần tận dụng triệt để các nguồn lực, nhất là lao động và sản xuất kinh
doanh. Về cơ bản lâu dài, cần phải coi trọng việc tăng năng suất lao động xã hội,
coi đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế quốc dân là là giải pháp
cơ bản để tăng năng suất lao động xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sau ngày đất nước giành được độc lập, Đảng và Nhà nước ta đã nhận định rằng: con đường duy nhất để đưa nước
ta phát triển là đưa nước ta trở thành một nước có nền kinh tế hiện đại, để làm
được điều đó trước hết chúng ta phải tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá
thì mới từng bước đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Trước thời
kỳ đổi mới năm 1986 do vận dụng không hợp lý những nguyên tắc trong từng thời kỳ
khác nhau của đất nước, nên chúng ta đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình
xây dựng đất nước. Nhưng từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, bắt đầu từ Đại
hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI và đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng ta đã có quan điểm: “mở rộng
và tăng cường hợp tác phát triển với các nước, các tổ chức quốc tế cho phép
chúng ta đẩy tới một bước công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhằm tạo thêm công ăn việc làm
cho người lao động, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời
sống vật chất tinh thần của nhân dân. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là con đường
thoát khỏi tụt hậu xa hơn so với các nước xung quanh, giữ được ổn định chính trị
và xã hội, bảo vệ được độc lập, chủ quyền và định hướng phát triển xã hội chủ
nghĩa”.
Đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta chỉ rõ: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa gắn với phát triển nền kinh tế tri thức, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở
thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Và gần đây, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày
22/3/2018 về định hướng xây
dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030. Đảng ta xác định: Đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục
tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng
hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một
số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị
toàn cầu.
Tầm nhìn đến năm 2045, Việt
Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn
với việc nghiên cứu hai
phương pháp sản xuất giá trị thặng dư của C.Mác có ý nghĩa lý luận và thực tiễn vô cùng to lớn.
Giá trị thặng dư là do lao động
không công của công nhân lao động làm thuê tạo ra, là mục đích, kết quả hoạt động
của tư bản, của giai cấp tư sản. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, việc bóc lột sức
lao động không công của người công nhân không còn nữa, nhưng không có nghĩa là
giá trị thặng dư không tồn tại, mà giá trị thặng dư được sử dụng vào mục đích
khác không giống như giai cấp tư sản, đó là giá trị thặng dư thu được là cơ sở,
tiền đề để xây dựng đất nước, xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, vì
mục đích phát triển xã hội chủ nghĩa, vì con người. Không tách
ra khỏi xu hướng của xã hội, Việt Nam vận dụng các phương pháp sản xuất giá trị
thặng dư vào trong công cuộc xây dựng đất nước, trong đó tiến hành công nghiệp
hoá, hiện đại hoá là một nhiệm vụ hàng đầu, đây cũng là một quy luật đặc biệt của
quá trình phát triển kinh tế mỗi quốc gia.
Bước sang thế kỷ XXI, nhân loại chứng kiến bao sự thay đổi
cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu ở các nước tư bản, ngày nay đã bước sang giai
đoạn thứ tư “cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” - đổi mới trên nhiều lĩnh vực của
cuộc sống, trong đó tập trung chủ yếu vào sản
xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công
nghệ sinh học, công nghệ nano, làm cho xã hội loài người có nhiều thay đổi. Nhưng những tư tưởng
có tính chất vạch thời đại của C.Mác vẫn sống mãi, có giá trị và sức sống
trường tồn. Tư tưởng, lý luận ấy của C.Mác và chủ nghĩa Mác là một kho tàng vô
giá, mãi mãi cần phải khám phá, hiểu biết, vận dụng và phát triển.
Kỷ
niệm 200 năm ngày sinh của Người, bằng tất cả những gì mà thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế
giới đã diễn ra trong những thế kỷ qua, cùng những thăng trầm lịch sử chính là
điều tưởng nhớ công lao to lớn mà C.Mác đã dành suốt cuộc đời cống hiến cho sự
nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng
con người.
Đình Bốn
hay!!!
Trả lờiXóa