Thành công của Hội nghị
Trung ương 7 là minh chứng sinh động, luận cứ thuyết phục, vạch trần toàn bộ âm
mưu, thủ đoạn xuyên tạc thâm độc, bịa đặt trắng trợn của các thế lực phản động,
chống phá cách mạng Việt Nam.
Trước khi Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII diễn ra, trên các trang mạng
tung ra nhiều tin đồn, suy đoán rằng tại Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII của
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có biến cố, xáo trộn về nhân sự ở vị trí "tứ
trụ". Tác giả của những bài viết cho rằng sự xáo trộn ấy sẽ ảnh hưởng đến
an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là gây mất đoàn kết trong Đảng,
do các phe cánh bày mưu tính kế, hạ bệ lẫn nhau... Và sự bịa đặt trắng trợn ấy
ngay lập tức bị giội thẳng "gáo nước lạnh", khi mà kỳ họp lần này của
Trung ương diễn ra thành công tốt đẹp. Thực tế, Trung ương chỉ bầu bổ sung hai
Ủy viên Ban Bí thư, kiện toàn chức danh lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương,
nhằm mục đích tăng cường kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh kiểm tra giám sát, góp
phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng trong sạch, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ
trong giai đoạn mới. Kết quả biểu quyết và bầu nhân sự cũng rất tập trung với
số phiếu cao, cho thấy sự đồng thuận, thống nhất, đoàn kết trong tập thể Ban
Chấp hành Trung ương.
Trước thềm Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII, các luận điệu còn tung hô:
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ bưng bít thông tin về hội nghị lần này, bởi tính nhạy
cảm về nội dung mà hội nghị thảo luận. Thế nhưng, thực tế trước, trong và sau
khi hội nghị diễn ra hoàn toàn không phải vậy!
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII, Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã quyết
định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng Đề án "Tập trung xây
dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và
uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" thực hiện nhiệm vụ khảo sát, xin ý kiến các
tầng lớp xã hội, tổ chức, cơ quan, đơn vị để hoàn thiện các dự thảo văn kiện
trình HNTƯ 7, khóa XII xem xét, quyết nghị. Và suốt thời gian chuẩn bị, nhiều
cuộc hội thảo, cuộc họp ở nhiều khu vực do Ban Chỉ đạo tổ chức, cùng nhiều hội
nghị cấp đảng bộ trực thuộc Trung ương bàn về công tác cán bộ được công khai
rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Cùng với đó, cơ quan tư vấn cho
Trung ương là Hội đồng Lý luận Trung ương cùng đội ngũ trí thức nước nhà đã tổ
chức nhiều diễn đàn khoa học, tiến hành khảo sát thực tế ở nhiều địa phương,
tạo ra nhiều kênh thông tin đa chiều, phong phú nhằm huy động sự đóng góp của
toàn dân cho dự thảo đề án công tác cán bộ và các dự thảo văn kiện khác... Với
cách làm đó nên tinh thần của Trung ương lần này được đến với dân rất sớm, rất
đầy đủ, công khai. Trước ngày hội nghị khai mạc khoảng 2 tháng, nhiều cơ quan
báo chí Trung ương và địa phương đã mở chuyên trang,
chuyên đề tuyên truyền sâu rộng về tinh thần, nội dung sẽ được Hội nghị Trung
ương 7, Khóa XII xem xét, quyết nghị. Việc tuyên truyền được tiến hành với tinh
thần thẳng thắn, công khai, bảo đảm tính thời sự và đúng sự thật. Nhiều cơ quan
báo chí còn chủ động tổ chức viết bài phân tích sâu về hạn chế, yếu kém trong
công tác cán bộ của Đảng thời gian qua; tạo dấu ấn lớn trong dư luận, khích lệ
tinh thần trách nhiệm cán bộ, đảng viên, quần chúng, huy động ý kiến đa chiều
của nhiều giai tầng, tạo nên diễn đàn chính trị sâu rộng trong toàn xã hội...
Với nội dung các văn kiện vừa được quyết nghị tại Hội nghị Trung ương 7, Khóa
XII cho thấy Ban Chấp hành Trung ương Đảng rất cầu thị, trân trọng ý dân, chủ
động lĩnh hội, tiếp thu đóng góp của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương để bổ
sung, hoàn thiện 3 đề án quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với sự
nghiệp cách mạng.
Trong các ngày diễn ra hội nghị, phóng viên các cơ quan báo chí đều có
mặt tại các phiên thảo luận để phản ánh trung thực những diễn biến hội nghị.
Sau mỗi lần hoàn thành đầu việc chương trình, sau mỗi quyết định của Trung ương
các báo đều nhất loạt đăng tải tin, bài, cung cấp đến toàn dân cái nhìn đa
chiều, toàn diện về diễn biến và kết quả của hội nghị. Đó là sự thật hiển nhiên
có thể thấy được; là tinh thần, nội dung chủ lưu trong dòng chảy thông tin báo
chí, dư luận xã hội, cũng như trên không gian mạng Việt Nam những ngày qua. Hơn
thế, tự thân sự thật đó đã bóc mẽ, hạ bệ, vạch trần lối xuyên tạc bịa đặt trắng
trợn, suy diễn về việc "cố tình bưng bít thông tin" của Đảng Cộng sản
Việt Nam.
Tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm càng được thể hiện rõ nét ở việc Trung ương
cho ý kiến vào Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí
thư năm 2017. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đã không ngần ngại, cả nể
hay nói tránh, mà thẳng thắn "điểm mặt, chỉ việc", tách bạch giữa
thành quả và hạn chế, giữa ưu và khuyết, giữa được và chưa được trong công tác
lãnh đạo, chỉ đạo để tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp thu, đúc rút kinh
nghiệm, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ Ban Chấp hành Trung ương giao phó.
Trên cơ sở những đóng góp đó, tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã cầu thị lắng
nghe, tự phê bình sâu sắc.
Không chỉ mạnh mẽ chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm, Trung
ương còn thống nhất ban hành các giải pháp "rất mạnh tay" trong rèn
luyện cán bộ, quản lý và kỷ luật cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược.
Trong 8 nhóm giải pháp lớn của công tác cán bộ được Hội nghị Trung ương xác
định đều có điểm chung và rất hay ở chỗ: Đã đặt lợi ích của nhân dân, của tập
thể lên trên lợi ích cán bộ; buộc cán bộ phải biết cách hy sinh, chấp nhận hy
sinh vì lợi ích chung của sự nghiệp cách mạng.
Bởi thế, ngay sau khi bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7, Khóa
XII, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được công khai rộng rãi, dư luận xã hội
bày tỏ sự đồng thuận, phấn khởi trước chủ trương phải "nhốt" quyền
lực vào lồng cơ chế, pháp luật. Người dân cho rằng, Trung ương quyết liệt như
vậy là rất quý và đáng kính; thể hiện ý chí quyết tâm cao của những người đứng
đầu đất nước. Bởi lẽ, tập thể Trung ương Đảng gồm phần lớn là cán bộ chủ chốt,
chủ trì ở các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương lại đi quyết định một
chủ trương để khống chế, kèm cặp, ràng buộc
chính mình. Nhiều người lật ngược vấn đề: Tại sao không để quyền lực tự do, tự
tại để mỗi cán bộ Trung ương có điều kiện lợi dụng những kẽ hở hòng tư lợi cá
nhân? Tại sao phải chống "chạy chức, chạy quyền", trong khi nếu vấn
nạn này tiếp diễn thì có lợi cho những người đứng đầu tổ chức? Họ sẽ có thêm
"lộc lá", quà cáp biếu xén và nhiều thứ lợi ích riêng tư khác cho bản
thân, người thân, gia đình và lợi ích nhóm...? Và như vậy, chắc chắn, những
quyết định của Trung ương lần này là vì lợi ích chung, để "ích nước, lợi
nhà". Đó là bằng chứng sống, thuyết phục về tinh thần trách nhiệm vì dân,
vì nước mà gạt bỏ mưu cầu cá nhân của đội ngũ các đồng chí Ủy viên Trung ương
Đảng khóa XII. Như vậy, tinh thần thẳng thắn, quyết liệt của Trung ương là khác
xa, thậm chí trái ngược với những luận điệu ngụy biện, bịa đặt của các thế lực
thù địch chống phá, rằng Trung ương đang "lợi ích nhóm trên nghị
trường", cấu kết nhau để dò dẫm tìm cách mị dân, đề ra những quyết sách có
lợi cho bộ phận tầng trên của hệ thống cầm quyền.
Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII, thành công tốt đẹp, toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân ta càng thêm vững tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Tin tưởng rằng,
sắp tới, những nghị quyết chiến lược khi được ban hành sẽ trở thành những ngọn
đèn pha soi sáng để Đảng vững tay chèo, đưa con thuyền cách mạng cập bến những
thành công mới. Và những nghị quyết chiến lược ấy sẽ soi rọi mọi ngõ ngách đời
sống thực tiễn xã hội, để những kẻ xuyên tạc, chống phá không còn bóng tối để
núp bóng, ẩn mình.
N.X.Thanh-TT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét