Pages - Menu

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018

HÃY ĐỂ LÒNG YÊU NƯỚC KHÔNG BỊ LỢI DỤNG


Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý Dự án Luật theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm. Đồng thời, để tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội cho phép xem xét, thông qua Dự án Luật này tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV theo quy trình xem xét, thông qua dự án Luật tại ba kỳ họp.


Dự Luật Đặc khu đã được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng 3 đặc khu kinh tế, tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, có sức lan tỏa lớn. Dự Luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 5.
Chính phủ đánh giá, việc lùi thông qua Dự Luật vào kỳ họp thứ 6 là để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm dự án Luật đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.
Tuy nhiên lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân phản động nhanh chóng chớp cơ hội để xuyên tạc, đổi trắng thay đen. Họ dựng ngược câu chuyện, coi đây là “điều khoản dành cho Trung Quốc”, “cho Trung Quốc thuê đất 99 năm để làm khu tự trị”, biến nội dung Quốc hội đang thảo luận, bàn bạc tại Hội trường thành “đất bán rồi”, tung tin “đặc khu được thành lập quân đội và công an riêng, cấm người Việt lai vãng”... làm lạc hướng, thao túng dư luận trên internet. Luận điệu xuyên tạc này kết hợp với vô số hình ảnh cắt ghép, tài liệu ngụy tạo đã tác động tiêu cực đến không ít người nhận thức còn mơ hồ hoặc thiếu thông tin, kiểm chứng, rồi chỉ vì tin vào sự xuyên tạc mà dấy lên làn sóng phản đối, quy kết Quốc hội, Chính phủ “bán nước”? Có một thực tế là số người thực sự đã đọc toàn bộ văn bản Dự án Luật với 85 Điều trình bày qua 29.440 chữ để nắm bắt thấu đáo, hoàn chỉnh một dự án luật của quốc gia để từ đó có ý kiến riêng không nhiều. Mà phần lớn với sự cảm tính, hoặc chịu ảnh hưởng của luận điệu xuyên tạc phát tán trên internet, tác động của hội chứng đám đông mà bức xúc, hùa theo. Đó chính là cơ hội để các tổ chức phản động của người Việt ở nước ngoài, một số phần tử chống đối và cơ hội đã mạo nhận, nhân danh lòng yêu nước để kêu gọi biểu tình. Và khi lòng yêu nước không đặt đúng chỗ, suy nghĩ cảm tính bị kích động, tinh thần dân tộc bị đẩy tới mức cực đoan, nhiều người dân đã thiếu tỉnh táo, thiếu bình tĩnh không xem xét đúng sai, không quan tâm tới hệ lụy có thể xảy ra từ hành vi tiêu cực, tự biến mình thành công cụ của kẻ xấu.
Đó là sự thật không thể chối cãi. Bởi theo lôgic thông thường, khi Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, lùi việc thông qua Dự án Luật từ Kỳ họp thứ năm sang Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện và Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Tôi nghĩ rằng cần lắng nghe ý kiến này, sẽ điều chỉnh lại vấn đề thời gian thuê đất một cách hợp lý, phù hợp với nguyện vọng mà nhân dân đã phản ánh với chúng ta”, nếu thực sự chín chắn, có ý thức, trách nhiệm thì cần bình tâm xem xét. Nhưng không, một số người vẫn tiến hành biểu tình bất hợp pháp tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ở một số địa phương, mà đỉnh điểm là gây bạo loạn tại Bình Thuận. Qua đó có thể thấy, vấn đề của Dự án chỉ là cái “cớ”, mục đích của những kẻ chủ mưu là tiến công vào chế độ, trực tiếp là Quốc hội, Chính phủ. Đề cập các nguyên nhân đẩy tới sự kiện, cũng cần đặt câu hỏi về sự vô tình hay cố tình của một số trang mạng trong nước và nước ngoài, trang cá nhân... khi tập trung khoét sâu vấn đề qua một số ý kiến phản biện, hoặc hời hợt, thậm chí bỏ qua ý kiến có tính chất xây dựng; đồng thời đăng tải ý kiến suy diễn của cá nhân khi cho rằng cho thuê đất 99 năm “thực chất là hình thức nhượng địa”, “chẳng khác gì sự cầm cố”...
Đáng tiếc là sau khi những hoạt động trái phép trên xảy ra, thay vì phải nhìn thẳng vào sự thật, thay vì cất lên tiếng nói có tính chất cảnh báo, xây dựng, lại là việc biện hộ cho các ý kiến thiếu tinh thần xây dựng, cho các hành vi vi phạm pháp luật vừa qua. Tại một số ý kiến trên mạng xã hội xuất hiện xu hướng coi đây là thể hiện lòng yêu nước, không bị xúi bẩy, kích động. Đó là sự biện hộ vô trách nhiệm. Vì người có trách nhiệm sẽ không a dua theo số đông để hùng hổ thể hiện lòng yêu nước. Không lý do nào có thể biện hộ cho việc dựa vào luận điệu xuyên tạc để biểu tình bất hợp pháp. Càng không lý do nào có thể biện hộ cho hành vi sử dụng gạch đá, bom xăng, thuốc nổ tiến công trụ sở cơ quan Nhà nước, tiến công, bắt giữ nhân viên công vụ, đốt phá nhà cửa, đốt phá phương tiện giao thông, làm ách tắc đường sá. Đó là hành vi phạm pháp nghiêm trọng mà chính quyền ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng sẽ không dung thứ. Để thỏa mãn đòi hỏi cá nhân ích kỷ, thỏa mãn toan tính đen tối, nhiều đối tượng tham gia biểu tình bất hợp pháp, gây bạo loạn vừa qua hoàn toàn không đếm xỉa tới hệ lụy cực kỳ nguy hiểm từ hành vi của họ. Hệ lụy đó không chỉ làm rối loạn đời sống xã hội, mà trực tiếp đe dọa cuộc sống của chính họ, của người thân, của cộng đồng. Đối với đất nước chúng ta, một trong những yêu cầu tiên quyết để phát triển là xã hội ổn định trên mọi lĩnh vực. Những năm qua, Quốc hội cùng Chính phủ đã rất nỗ lực cùng toàn dân xây dựng sự ổn định đó. Một mặt là tạo điều kiện giúp nhân dân yên tâm phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, được thỏa mãn nhu cầu vật chất, tinh thần đang ngày càng tăng cao; mặt khác là tạo niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hợp tác lâu dài, du khách trên thế giới coi Việt Nam là điểm đến lý tưởng... Bằng hành động “tự cầm dao đâm vào tim mình”, những người tham gia biểu tình bất hợp pháp, gây bạo loạn vừa qua đã cố tình hoặc vô tình tự tước bỏ lợi ích của chính mình và tước đoạt lợi ích của người khác. Họ không quan tâm đến hệ lụy nguy hại trực tiếp là cuộc sống tại địa phương bị rối loạn, hoạt động sản xuất và kinh doanh bị ngưng trệ, hàng hóa không thể lưu thông, công nhân bị đe dọa sa thải vì đi biểu tình mà vi phạm thời gian lao động, nhà đầu tư nước ngoài có thể không tiếp tục đầu tư, các nước khuyến cáo công dân không du lịch tới Việt Nam và hàng chục nghìn người đang mưu sinh qua dịch vụ du lịch sẽ bị mất việc làm, Việt Nam tụt hạng trong bảng xếp hạng những quốc gia an toàn và có an ninh trật tự tốt, uy tín đất nước suy giảm trên trường quốc tế... Hành động phá hoại, bất chấp luật pháp của không ít người vừa qua phần nào có thể khẳng định là vô lương tâm, gây hại quá lớn cho đất nước, cho nhân dân.
Mỗi người dân đều phải sống theo Hiến pháp và Pháp luật. Luật Biểu tình đang được các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu để trình Quốc hội ở thời điểm thích hợp, khi chưa có luật này thì những hành vi biểu tình, kêu gọi biểu tình đều bị coi là trái phép. Vì thế ứng xử phù hợp khi người dân có vấn đề bức xúc, cách tốt nhất là thông qua đơn, thư gửi cho các cấp có thẩm quyền. Thứ hai là gặp gỡ người có trách nhiệm tại địa phương, đơn vị để bày tỏ. Thứ ba là có thể thông qua hệ thống tiếp nhận ý kiến mà hiện nay các cơ quan Trung ương hay địa phương đều có.
Trong lịch sử của dân tộc, cha, ông chúng ta luôn thể hiện lòng yêu nước trên cơ sở nguyên tắc duy nhất là bảo vệ chủ quyền, giành lại chủ quyền và xây dựng đất nước ổn định, phát triển. Mọi hành động đi ngược nguyên tắc này là phản nước, hại dân, bị người đời lên án.Ngày nay cũng vậy, dù lịch sử có nhiều thay đổi khác trước thì nguyên tắc đó vẫn giữ nguyên giá trị. Mọi việc làm đều phải lấy ích nước, lợi dân làm mục đích tối cao. Yêu nước phải biết kết hợp hài hòa giữa lòng yêu nước với suy nghĩ, hành động thiết thực vì lợi ích của đất nước, bản thân và gia đình, dân tộc, đồng thời tỉnh táo, không để bị mê hoặc, lôi kéo, mà thận trọng nhận chân luận điệu xuyên tạc, mị dân. Khi kẻ xấu cố tình sử dụng mọi mưu ma chước quỷ để phá vỡ khối đoàn kết dân tộc, làm đất nước suy yếu và thừa cơ lật đổ chế độ, xóa bỏ thành tựu chúng ta đã đạt được thì mọi người dân phải hết sức tỉnh táo. Mặt khác, cần nhận thức rõ rằng: nước có quốc pháp, mọi hành vi vượt quá giới hạn sẽ bị xử lý theo pháp luật. Yêu nước, trước hết hãy là một công dân có trách nhiệm. Khi có nguyện vọng góp ý, phản biện các quyết sách quan trọng của đất nước, mỗi người cần phải xuất phát từ tư cách công dân chân chính và trong khuôn khổ pháp luật./.
V.X.Phương 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét