Nhà xuất bản Văn Học đã phát hành cuốn sách
“Gạc Ma - vòng tròn bất tử” do Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng LLVTND chủ
biên với các bài viết của nhiều tác giả. Cuốn
sách này được thực hiện từ năm 2014, kể lại việc 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam
bị thảm sát vào rạng sáng 14-3-1988 trên bãi đá san hô Gạc Ma, thuộc quần đảo
Trường Sa (Việt Nam) bởi quân đội Trung Quốc. Cuốn sách được thực hiện
trong 4 năm, với sự tham gia biên soạn của 68 người, trong đó có một số nhà
nghiên cứu, sĩ quan, cựu chiến binh. Cuốn
sách viết về Gạc Ma để cho các thế hệ mai sau hiểu và quyết tâm bảo vệ chủ
quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là một việc làm cần thiết. Song, do nội dung cuốn sách đề cập sự kiện lịch sử, trong khi tư liệu
được viết dưới dạng lời kể, chưa có cơ sở thẩm định khoa học, các tài liệu kiểm
chứng nên ngay từ giai đoạn bản thảo, cuốn sách đã vấp phải phản ứng từ người
trong cuộc. Bên cạnh đó, những người viết bài hầu hết chưa trải qua Hải
quân, chỉ mới hiểu tác chiến trên bộ, chưa hiểu tác chiến trên biển, chưa hiểu
tương quan lực lượng Hải quân Việt Nam và Trung Quốc khi ấy.
Khi
được xuất bản, cuốn sách gặp rất nhiều sự phản ứng, trong đó nội dung của cuốn sách có những nội dung nhạy cảm, dễ gây hiểu sai
lệch vấn đề, bản chất lịch sử. Như bài viết của thiếu tướng Hoàng Kiền đã khẳng
định: Việc nói về có lệnh của cấp trên "không được nổ súng"
chèn vào trong cuốn sách là một ý đồ xấu, xuyên tạc sự thật lịch sử, làm cho
nhân dân ta nhất là thế hệ trẻ mất niềm tin về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển
đảo của Tổ quốc. Và: Họ gọi sự kiện Gạc Ma là cuộc chiến tranh trên biển là
hoàn toàn sai, gọi là cuộc chiến Gạc Ma cũng chưa đúng hoàn toàn, gọi là cuộc
xung đột vũ trang trên biển cũng là chưa chính xác. Phải nói là Sự kiện Gạc Ma,
Trung Quốc dùng vũ lực đơn phương sát hại 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân
Việt Nam, bắn chìm hai tàu vận tải HQ 604, HQ 605, bắn cháy tầu đổ bộ HQ 505,
chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma của Việt Nam. Không có trận chiến, cuộc chiến
nào cả. Hoặc là: Chỉ có lệnh "không được nổ súng trước" là hoàn toàn
đúng đắn. Thể hiện đối sách của Đảng và nhà nước ta giải quyết tranh chấp bằng
biện pháp hoà bình, coi trọng mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc,
không mắc mưu khiêu khích của đối phương, sẽ là cái cớ cho họ lấn tới… Còn rất
nhiều điều chưa thực sự chính xác, dễ gây sai lệch về nhận thức của độc giả
trong nội dung cuốn sách.
Căn cứ vào Khoản 4, Điều 35, Luật Xuất bản
quy định: “Khi phát hiện xuất bản phẩm có nội dung vi phạm quy định tại khoản 1
Điều 10 của Luật này thì cơ sở in phải dừng việc in và báo cáo với cơ quan quản
lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời thông báo với nhà xuất bản, cơ quan, tổ
chức, cá nhân đặt in”. Cuối tháng 8 vừa qua, Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và
Truyền thông) đã có công văn gửi Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành
phố đề nghị kiểm tra, rà soát và thu hồi cuốn sách “Gạc Ma - vòng tròn bất
tử”. Đây là việc làm cần thiết khi cuốn sách này có những lỗi về
nội dung và câu chữ.
Tuy nhiên, lợi dụng sự quan tâm
từ người đọc, các thế lực xấu tiếp tục tìm cách xuyên tạc bản chất sự việc, đưa
ra những thông tin nhằm miệt thị chế độ. Nhiều trang mạng nước ngoài suy diễn
rằng, do đây là vấn đề nhạy cảm mà “cộng sản đang tìm cách bưng bít, che đậy”
nên đã cấm đoán, thu hồi cuốn sách. Cụ thể: Công văn của Cục Xuất bản, in và
phát hành bị suy diễn thành “công văn bịt mồm”, ngăn cản tự do ngôn luận, tự do
tiếp cận thông tin. Về nội dung cuốn các thế lực thù địch xuyên tạc rằng, cuốn
“Gạc Ma - vòng tròn bất tử” không phải là cuốn sách hay nhất và duy nhất “vạch
trần thực chất chế độ CSVN”,... Một trang mạng nước ngoài đả kích rằng,
cuốn sách “Gạc Ma – vòng tròn bất tử” bị cấm phát hành vì “các tướng tranh luận
thô bạo, mạt sát lẫn nhau, chỉ vì một chữ “trước” có hay không có trong câu
“không được nổ súng” hay “không được nổ súng trước”. Các đối tượng tìm cách liệt kê, xâu chuỗi một số sự kiện trong
chiến tranh biên giới Việt – Trung cũng như diễn biến tại Hoàng Sa, Trường Sa
trong thế kỷ trước, mượn lời của một số đối tượng phản động lấy danh nghĩa
“nghiên cứu lịch sử”, từ đó cải sửa, đưa đẩy vấn đề sai lệch bản chất rồi nhằm
vào cá nhân lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời kỳ đó để đả kích, nguyền rủa.
Chiêu bài này rất nguy hiểm vì
nếu người đọc thiếu hiểu biết, thiếu nhận thức sẽ bị các đối tượng đẩy vấn đề
từ sai lệch bản chất vụ việc ở Gạc Ma đến kích động quan điểm, tư tưởng thù hận
chế độ dưới danh nghĩa “kêu gọi lòng tự tôn dân tộc, lòng xả thân vì Tổ
quốc”. Rõ ràng, việc mượn cớ những sự kiện lịch sử để xuyên tạc sự thật
rồi phê phán, miệt thị cá nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chỉ trích,
nguyền rủa chế độ là một trong những thủ đoạn mà các thế lực thù địch đã, đang
tìm cách lợi dụng chống phá nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Do
đó, cùng việc kịp thời đưa ra những thông tin cụ thể, rõ ràng từ cơ quan quản
lý Nhà nước thì việc nêu cao ý thức cảnh giác cho mọi người là hết sức cần thiết./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét