Những tiếng hô vang “Việt Nam vô địch” và
dòng người tràn ra đường diễu hành suốt đêm trên khắp cả nước sau mỗi trận đấu
của đội tuyển bóng đá Việt Nam trong thời gian qua đã thể hiện tình yêu cuồng
nhiệt của người hâm mô dành cho bóng đá Việt Nam. Những chiến thắng của đội tuyển
U23 tại giải bóng đá U23 Châu á, đội tuyển Olympic tại Asiad và gần đây là AFF
Suzuki cup 2018 đã làm hàng triệu trái
tim người Việt Nam vỡ ào trong niềm vui sướng tột cùng. Tình yêu bóng đá đã khiến
hàng triệu người hâm mộ như xích lại gần nhau hơn, chẳng cần biết họ là ai, họ
làm công việc gì, họ đến từ đâu, chỉ cần họ là người hâm mộ, là người yêu bóng
đá, và cùng nhau xuống đường để ăn mừng chiến thắng của đội Việt Nam thì giữa họ
chẳng còn xa lạ nữa. Có thể thấy tình yêu bóng đá với tình yêu Tổ quốc hòa trộn,
thăng hoa đã khơi dậy trong mỗi người con đất Việt một niềm cảm xúc, ý chí vươn
lên mãnh liệt mà không ai có thể phủ nhận. Ấy vậy mà trong thời gian qua đã có
những vụ việc, hình ảnh lợi dụng sự cuồng nhiệt với bóng đá đã chà đạp lên
chính sách nhân văn của bóng đá Việt Nam, làm hoen ố hình ảnh đáng kính trọng của
các thương binh bằng những hình ảnh vô văn hóa trước cổng VFF.
Sức nóng từ trận chung kết lượt về AFF
Cup giữa Việt Nam và Malaysia khiến những tấm vé bị thổi phồng giá trị quá cao
so với giá gốc. Trên mạng xã hội, nhiều phe vé rao bán 8 đến 10 triệu đồng/ cặp
ngay khi đăng ký thành công. Do đó, vé xem trận chung kết giờ trở thành “miếng
mồi ngon” để những kẻ cơ hội quyết tâm có được nhằm trục lợi trên tình yêu của
khán giả dành cho bóng đá Việt Nam. Tại trụ sở VFF đã có hành trăm người trèo
qua cánh cổng, hò nhau hất văng cửa chính rồi đỗ xe làm ngay trong sảnh của cơ
ban cao nhất bóng đá Việt Nam khiến người ta bị ám ảnh. Những kẻ quá khích đã
mang danh (hoặc mạo danh) thương binh sử dụng vũ lực để đạp lên luật lệ, ra yêu
sách đòi hỏi bán vé một cách vô lý bằng cách tạo ra cảnh tượng như thời chiến
tranh. Những kẻ vô văn hóa lợi dụng chính sách ưu tiên bán vé cho thương binh để
“ăn vạ” trước cổng VFF không phải là lần đầu tiên, điều này đã xảy ra trước cuộc
so tài giữa Việt Nam và Malaysia ở vòng bảng. Điều đáng quan tâm nhất của người
hâm mộ là trong hàng trăm kẻ “làm loạn” tại VFF vừa qua có bao nhiêu người là
thương binh thật, có bao nhiêu người muốn vé để vào sân thật, hay chỉ muốn sở hữu
tấm giấy thông hành để bán đi kiếm lời? Dù thế nào, hành động bất chấp luật
pháp, kỷ cương để biến VFF thành “chiến trường” cũng là hành động quá khích,
không thể chấp nhận trong xã hội hiện đại.
Hình động vô văn hóa của những kẻ quá
khích không chỉ khiến hình ảnh thương binh hoen ố, mà còn khiến hình ảnh chung
của cộng đồng cổ động viên bị nhếch nhác, méo mó theo. Nhiều cổ động viên từng
xếp hành trước cửa trụ sở VFF khi không thể sở hữu tấm vé thông qua hình
thức bán trực tuyến. Họ yêu cầu ban tổ chức phải... bán vé tại quầy trở lại để
được đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, vấn đề không phải bán vé trực tuyến hay không
trực tuyến, mà là sức chứa của sân Mỹ Đình chỉ có giới hạn với 40.000 chỗ ngồi,
trong khi nhu cầu tới sân thưởng thương bóng đá của cả xã hội lớn hơn hàng
trăm, hàng nghìn lần. Theo thống kê của ban tổ chức, có tới 4,8 triệu lượt truy
cập trong đợt mở bán vé trực tuyến sáng nay, khiến mạng nhanh chóng bị nghẽn và
chỉ số ít người may mắn xếp hàng có được. Ở đợt mở bán vé trận bán kết lượt về
giữa Việt Nam và Philippines, số lượt truy cập cũng lên đến hàng triệu lượt. Ở
Malaysia, hơn 80.000 vé tại sân Bukit Jalil cũng bán hết veo chỉ trong gần một
giờ đồng hồ, khiến nhiều người phải chịu cảnh "trắng tay" dẫu đã chờ
đợi mua vé từ đêm hôm trước. Ai cũng muốn có vé, song không phải ai cũng được
đáp ứng nguyện vọng.
Thay
vì bỏ ra nỗ lực chân chính để có vé, số ít người "đội lốt" thương
binh lại tự cho mình quyền được đứng trên luật pháp, quyết gây sức ép với ban
tổ chức bằng những cách vô văn hóa và đáng lên án nhất. Không có lý do nào hợp
lý để bao biện cho "cơn thịnh nộ" đậm chất đám đông này. Cộng đồng
bóng đá văn minh không thể để liên đoàn bóng đá bị cổ động viên "kéo
sập" và lao vào chửi bới một cách bát nháo như hiện nay. Sự có mặt của lực
lượng an ninh ở VFF chỉ giúp dẹp bỏ "bề nổi của tảng băng chìm".
Những cổ động viên vô văn hóa chỉ có thể bị cô lập nếu cộng đồng bóng đá cùng
tẩy chay, đẩy lui cái xấu, giống như cách người hâm mộ đã chung tay nói không
với vấn nạn pháo sáng. Những "Chí Phèo" trong bóng đá hiện đại, xin
hãy dẹp bỏ cái tôi để học cách hành xử văn minh hơn. Nhìn đội tuyển đang
"đổ mồ hôi, sôi nước mắt" trên đất Kuala Lumpur để mang vinh quang về
cho bóng đá nước nhà, các bác, các chú liệu có thấy xấu hổ vì những hành động
thiếu kiềm chế của mình hay không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét