Pages - Menu

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU NĂM 2018 CỦA VIỆT NAM

Kết quả hình ảnh cho 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU NĂM 2018 CỦA VIỆT NAM
Năm 2018 ghi nhận những dấu ấn nổi bật của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; trong đó có những kết quả tốt nhất trong 10 năm qua. Kết quả đó không chỉ thúc đẩy kinh tế-xã hội của đất nước phát triển, mà còn góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Báo Quân đội nhân dân lựa chọn 10 sự kiện tiêu biểu nhất trong năm qua.
1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước: Ngày 23-10-2018, tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021, với 476/477 đại biểu tán thành (tỷ lệ 99,79%). 
2. Tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua: Việt Nam tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu kinh tế-xã hội do Quốc hội đề ra. Tăng trưởng GDP năm 2018 đạt hơn 7,08%, mức cao nhất kể từ năm 2008; xuất siêu đạt mức kỷ lục hơn 7,2 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư nước ngoài 19,1 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; 131.300 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017); cả nước đón gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 19,9% so với năm 2017)... Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với năm 2017. Các chính sách tài khóa, tiền tệ được điều hành linh hoạt, đáp ứng yêu cầu về vốn của nền kinh tế.
3. Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định CPTPP: Ngày 12-11-2018, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan đã được phê chuẩn tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV. CPTPP được coi là hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba thế giới hiện nay và sẽ có hiệu lực thực thi đối với Việt Nam từ ngày 14-1-2019. Hiệp định sẽ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, cải cách chính sách theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn.
4. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước ra đời: Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam có một cơ quan chuyên trách trong việc thực hiện chức năng nhằm quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. 19 tập đoàn, tổng công ty từ các bộ, ngành được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Việc ra đời của ủy ban này là dấu mốc quan trọng để phân biệt rõ và tách bạch chức năng quản lý Nhà nước của các bộ, ngành với chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
5. Thực hiện lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ: Năm 2018, từ Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội đến HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tiến hành lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ. Tại Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban Bí thư. Tại Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, thành phố bầu hoặc phê chuẩn.
6. Quyết liệt thực hiện tinh gọn bộ máy hành chính: Năm 2018 đánh dấu những bước chuyển quan trọng trong đổi mới, sắp xếp lại bộ máy chính trị, tạo chuyển biến bước đầu theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW được triển khai sâu rộng, tạo những bước đột phá quan trọng. 
7. Năm thành công nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam: Với những kỳ tích vang dội trên đấu trường khu vực: Vô địch Giải bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup); Á quân Giải vô địch bóng đá U.23 châu Á; lần đầu tiên vào đến vòng bán kết môn bóng đá nam tại Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), bóng đá Việt Nam đã tạo ra một cơn sốt đối với người hâm mộ cả nước trong năm qua, khơi dậy niềm tự hào và tinh thần đoàn kết dân tộc. 
8. Tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN: Với sự tham dự của lãnh đạo các nền kinh tế thế giới và gần 1.000 đại biểu đến từ các tập đoàn đa quốc gia, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) là hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất trong năm 2018 do Việt Nam tổ chức. Hội nghị diễn ra từ ngày 11 đến 13-9-2018, với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0” đã có 60 phiên thảo luận rất sôi nổi và thực chất về các xu hướng phát triển không chỉ có ý nghĩa với ASEAN mà với toàn thế giới. Trong thời gian diễn ra hội nghị, Việt Nam đã trở thành tâm điểm của các nhà hoạch định và quan sát chính sách kinh tế trên thế giới. 
9. Bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc: Ngày 1-10-2018, Việt Nam triển khai một đơn vị độc lập-Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 với 63 thành viên, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Trước đó, 29 lượt sĩ quan của Việt Nam cũng đã thực thi các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Việc làm này thể hiện sự chủ động và trách nhiệm tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Liên hợp quốc.
10. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở: Năm 2018, nhiều vụ tham nhũng quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực dầu khí, ngân hàng, quản lý đất đai, công sản cùng nhiều vụ tiêu cực ở một số ngành, địa phương đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Điều này khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy và củng cố niềm tin trong nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét