Việt Nam và Campuchia
là hai nước nước láng giềng,
trên cùng bán đảo Đông Dương có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết
cùng chống kẻ thù chung. Tuy nhiên, từ những năm cuối của cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước (1970-1975) cho đến năm 1979, tập đoàn Pol Pot đã phản bội
nhân dân Campuchia và phá hoại truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa Việt
Nam-Campuchia. Trong nước, Pol Pot thực hiện chính sách diệt chủng; đồng thời
chúng thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam. Thực
hiện quyền tự vệ chính đáng, Quân tình nguyện Việt Nam đã bất chấp mọi hy sinh,
gian khổ, phối hợp với lực lượng vũ trang (LLVT) Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu
nước Campuchia mở cuộc tổng tiến công giải phóng thủ đô Phnom Penh (7-1-1979)
và toàn bộ đất nước Campuchia (17-1-1979).
Vừa qua,
trong khi hai dân tộc Việt Nam-Campuchia vui mừng, phấn khởi kỷ niệm 40 năm
Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Việt Nam và cùng
quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng, thì đây đó trên internet
và mạng xã hội vẫn có những tiếng nói lạc lõng xuyên tạc cuộc chiến tranh này.
Họ tán phát luận điệu cũ rích: “Cuộc tấn công của quân đội Việt Nam (giải phóng
Campuchia) là cuộc chiến tranh xâm lược”; Việt Nam đã “lấn chiếm Campuchia cả
trên đất liền và biển, đảo”...
Ngày nay,
nhìn lại cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, chúng ta
rút ra nhiều ý nghĩa cao cả:
Trước
hết, bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ luôn là mục
tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của quân dân ta. Trong bất cứ tình huống nào, quan hệ
quốc tế nào, chúng ta cũng không được thiếu cảnh giác trong sứ mệnh bảo vệ Tổ
quốc. Ngày nay, giải thích sự kiện quân dân ta không giáng trả ngay bè
lũ Pol Pot, nhiều đồng bào, cựu chiến binh ta nói rằng: Khi đó chúng ta
nghĩ rằng không có chuyện quân đội Campuchia lại tấn công Việt Nam. Mặc dù tình
hình quốc tế và khu vực đã có những chuyển biến khác với thời kỳ "Chiến
tranh lạnh" (1945-1991), tuy nhiên Việt Nam và Biển Đông là một trong
những vị trí địa chính trị quan trọng trong khu vực. Cuộc cạnh tranh giữa các
nước lớn ở khu vực này có thể dùng các phương thức khác nhau để giành giật quan
hệ quốc tế… Điều này có thể dẫn đến những xung đột giữa các nước nhỏ trong khu
vực. Đây là một thực tế đã diễn ra trong lịch sử mà Việt Nam không thể không
quan tâm.
Thứ hai, các
sự kiện diễn ra trong cuộc chiến tranh này đã hoàn toàn bác bỏ mọi luận điệu
xuyên tạc của các thế lực thù địch trong và ngoài nước về cuộc chiến tranh,
nhất là luận điệu “Việt Nam xâm lược, xâm lấn Campuchia”. Thực tế cho thấy,
cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam là một cuộc chiến tranh bảo vệ sự toàn vẹn
lãnh thổ của dân tộc ta. Đồng thời cũng là cuộc chiến đấu bảo vệ sinh
mạng-quyền con người của cả hai dân tộc Campuchia và Việt Nam; là cuộc chiến
tranh chính nghĩa-cuộc chiến tranh tự vệ chính đáng, giáng trả kẻ thù xâm lược,
ngoài ra không có mục tiêu nào khác.Về nguyên nhân quân đội Việt Nam không rút
về nước ngay trong năm 1979, Thủ tướng Hun Sen kể rằng: “Sau chiến thắng ngày
7-1-1979, nếu như theo kế hoạch ban đầu, bộ đội Việt Nam sẽ rút quân khỏi
Campuchia ngay trong năm 1979. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Campuchia chưa đủ
sức chống lại Pol Pot và cần thời gian để củng cố lực lượng cũng như khôi phục
nền kinh tế của mình. Nếu Việt Nam rút quân và Pol Pot quay trở lại được thì sẽ
càng nhiều người Campuchia bị giết”, “Chính phủ Việt Nam không muốn để
quân ở lại. Phía chúng tôi đã yêu cầu họ như thế...”.
Thứ ba, về
quan hệ Việt Nam-Campuchia, cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền của quân dân ta
đã đồng thời giáng đòn quyết định đánh sập chế độ diệt chủng ở Campuchia, ngoài
ra không có mục tiêu nào khác. Chiến thắng của quân dân ta cũng có thể nói là
chiến thắng của tình đoàn kết hữu nghị truyền thống Việt Nam-Campuchia, khôi
phục lại tình đoàn kết hữu nghị vốn có giữa hai Đảng và nhân dân hai nước. Thủ
tướng Hun Sen từng kể rằng: Trước tình hình đó (nạn diệt chủng), ông đã
quyết định chạy sang Việt Nam đề nghị giúp đỡ tổ chức phong trào kháng chiến
giải phóng đất nước. Khi ấy, ông được biết thông tin một số người dân Campuchia
cũng đã rời quê hương sang Việt Nam lánh nạn. Ông tin Việt Nam, vì đây là nước
láng giềng đã từng đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh với Campuchia trong cuộc
đấu tranh chống kẻ thù chung giành độc lập. Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây,
ông nói: “Nếu không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày
nay”.Thủ tướng Hun Sen còn khẳng định: “Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới
này, có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi
chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay lại của chúng? Câu trả lời chính
là nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhân dân Campuchia có niềm tin, chỉ
có tiên, có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng.
Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên,
Phật tới cứu thì Bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính
là đội quân nhà Phật”.
Chế độ
diệt chủng Pol Pot không chỉ là một thảm họa với dân tộc Campuchia mà còn
là một nguy cơ lớn đối với dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, giúp nhân dân Campuchia giải
phóng "cũng là mình tự giúp mình”. Với mọi kẻ thù xâm lược, cuộc
chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ là
một thông điệp đanh thép của nhân dân Việt Nam. Bất cứ kẻ thù nào, nếu có dã
tâm xâm lược Việt Nam, chúng sẽ bị giáng trả với toàn bộ sức mạnh tinh thần,
trí tuệ và vật chất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét