Pages - Menu

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

Phê phán những luận điệu xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam


Gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện bài viết phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta về vấn đề dân chủ; xuyên tạc các sự kiện lịch sử và hiện tình của đất nước ta, nhằm tạo ra sự hoài nghi, giảm lòng tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo Đảng. Tuy nhiên, sự thật lịch sử và hiện tại của đất nước ta thì không như tuyên truyền, xuyên tạc và bịa đặt.


Từ ngày thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại. Nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Đây là sự thật hiển nhiên đã được cộng đồng quốc tế, bạn bè năm châu và nhân dân ta thừa nhận. Đặc biệt, vai trò lãnh đạo của Đảng đã được hiến định tại Điều 4 Hiến pháp năm 1992 và tiếp tục hiến định tại điều 4 Hiến pháp năm 2013: “ Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Thông qua việc ghi nhận và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp đã hiến định, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đây là ý trí và nguyện vọng của nhân dân ta; uy tín và vai trò của Đảng ta ngày được nâng cao và thừa nhận trên thực tế.
Sau 30 năm đổi mới, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo đã vươn lên trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển. An sinh xã hội được đảm bảo; hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội phát triển khá đồng bộ, đặc biệt là trong vấn đề giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội, chính sách bảo hiểm y tế toàn dân tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về văn hóa, y tế và giáo dục. Thành tựu công cuộc đổi mới đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng với tiến trình cách mạng và tương lai, tiền đồ tươi sáng của đất nước, của dân tộc.
Từ ngày thành lập đến nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn bảo đảm quyền con người và quyền dân chủ của nhân dân. Trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đây, là tư tưởng lớn về quyền con người, các quyền tự do cá nhân được Chủ tịch Hồ Chí Minh mở rộng thành quyền dân tộc, đó là độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quyền dân tộc tự quyết, là tư tưởng và kim chỉ nam để Đảng ta lãnh đạo thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân.
Nền dân chủ của Việt Nam là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Bản chất cốt lõi nhất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của đại đa số Nhân dân. Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lời nói đầu đã khẳng định ba nguyên tắc cơ bản của bản Hiến pháp: 1) Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo; 2) Đảm bảo các quyền tự do, dân chủ; 3) Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”.
Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, đều có sự tham gia ý kiến của nhân dân, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhân dân lao động là chủ thể mọi quyền lực; quyền lợi và nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm, cống hiến và hưởng thụ luôn gắn bó chặt chẽ với nhau.
Những minh chứng trên đã bác bỏ hoàn toàn luận điệu của Kông Kông, kẻ phản động cố tình tuyên truyền, xuyên tạc, bóp méo sự thật. Chúng ta phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, vạch trần những luận điệu sai trái của các phần tử phản động.

TH-KBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét