Một trong những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong nội bộ mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ ra là: Nói, viết, làm trái
quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước.
Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà
nước; hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ
trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đã được các thế lực thù địch, phần tử cơ hội,
phản động chống phá cách mạng trong, ngoài nước thực hiện dưới nhiều hình thức,
quy mô khác nhau như: Lợi dụng và sử dụng triệt để các phương tiện thông tin,
truyền thông, mạng xã hội, con đường ngoại giao, từ thiện, viện trợ nhân đạo;
các loại hình văn hóa nghệ thuật, kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ và quốc
phòng - an ninh. Thế nên, để phòng, chống sự kích động, lôi kéo từ bên ngoài,
nâng cao "sức đề kháng", để không bị cuốn vào vòng xoáy và "miễn
dịch" trước “cơn bão” thông tin cùng những vi rút độc hại thì rất cần những
giải pháp hữu hiệu. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần hết sức tỉnh táo để
phát hiện, góp tiếng nói đấu tranh, ngăn chặn.
Từ khi mạng xã hội phát triển, vấn đề tung “thông tin xấu”,
“thông tin đen” với mục đích nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm hạ
thấp uy tín của Đảng ngày càng được các đối tượng đẩy mạnh, tiến hành bài bản,
có hệ thống, khiến nhiều người lầm tưởng là có giá trị lý luận và thực tiễn
cao. Ở các thời điểm nhạy cảm về chính trị của đất nước, những cơ quan ngôn luận
thù địch, có định kiến xấu với Việt Nam liên tục đưa các bài viết, phân tích,
phỏng vấn... khoét sâu mâu thuẫn trong các vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền
và những tiêu cực xuống cấp về đạo đức cán bộ, nhằm lôi kéo người dân đấu tranh,
tiến tới chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam.
Hàng năm, cứ vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám 1945, Đại thắng
mùa xuân 30/4 thống nhất đất nước , trên các trang mạng, các thế lực thù địch lại
tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc bằng cách đưa ra những nguồn “sử liệu” không
có kiểm chứng, chúng nhào nặn một cách chủ ý để phủ nhận những thành quả cách mạng
to lớn của dân tộc ta. Chúng tuyên truyền rằng: Cách mạng Tháng Tám 1945 với việc
lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng
cầm quyền chỉ là sự "ăn may" khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh...,
hay chiến tranh Việt Nam là cuộc “nội chiến” huynh đệ tương tàn giữa hai miền
Nam - Bắc do sự khác biệt về lý tưởng cộng sản…
Nhưng sự thật đã khẳng định rằng, Cách mạng Tháng Tám 1945
thành công bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là
Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ sức mạnh của khối đại đoàn kết và truyền thống đoàn kết,
yêu nước của dân tộc Việt Nam được hun đúc từ hàng nghìn năm lịch sử và khi thời
cơ đến, đã bùng lên mạnh mẽ đấu tranh giành chính quyền cách mạng. Hơn nữa, lịch
sử quá rõ để khẳng định: Về bản chất, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của
nhân dân Việt Nam là cuộc đối đầu giữa nhân dân Việt Nam chống lại đế quốc Mỹ
xâm lược và tay sai nhằm giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đó hoàn toàn không
phải là cuộc “nội chiến” giữa hai miền Nam - Bắc do xung đột về ý thức hệ như
những luận điệu xuyên tạc lịch sử tuyên truyền.
Như vậy, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều bắt nguồn
từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, từ truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần
quyết tâm đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, nhưng có bài viết đăng trên
trang mạng nêu lên những luận điệu xuyên tạc về lòng yêu nước, tinh thần, ý chí
chiến đấu kiên cường của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, luận điệu này không dễ
thuyết phục người dân bởi với dân tộc Việt Nam, truyền thống yêu nước đã thấm
sâu vào máu, trở thành động lực to lớn để mỗi người dân Việt Nam cảm nhận và
chuyển hóa thành hành động, việc làm cụ thể, qua đó giành những thắng lợi rực rỡ
trong lịch sử dựng nước và giữ nước…
Trước sự xuyên tạc lịch sử dân tộc của các thế lực thù địch
nhằm đẩy mạnh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, hơn lúc nào hết
chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc tới
mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ trong lực lượng vũ trang.
Trước hết, chỉ huy các cấp, các đơn vị và tổ chức đảng các cấp
cần phải đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống lịch sử; tuyên truyền sâu rộng
về ý nghĩa, vai trò, sự cần thiết của công tác giáo dục truyền thống lịch sử
cho cán bộ, giảng viên, đặc biệt là học viên. Chỉ có làm cho mỗi cán bộ, giảng
viên, đặc biệt là thế hệ trẻ trong lực lượng vũ trang hiểu sâu sắc được lịch sử
dân tộc thì mới ngăn chặn được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên
tạc lịch sử dân tộc. Đó cũng là biện pháp để ngăn chặn biểu hiện “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Bên cạnh đó, hiện nay đất nước đang đứng trước những vận hội
và thử thách mới, phải không ngừng phát triển để nâng cao sức mạnh toàn diện,
trong đó lịch sử là cội nguồn của sức sống, của sự trường tồn của dân tộc và là
nền tảng tinh thần cực kỳ quan trọng cho sự phát triển bền vững. Mỗi cán bộ, giảng
viên, học viên phải không ngừng nâng cao trình độ lý luận và phương pháp luận,
phát huy cao trách nhiệm và nhiệt huyết được hun đúc từ truyền thống hàng nghìn
năm lịch sử của dân tộc, phải là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận phòng, chống “Diễn biến hòa bình” của
các thế lực thù địch, chống biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội
bộ, đặc biệt là biểu hiện xuyên tạc lịch sử dân tộc, qua đó để những trang vàng
lịch sử dân tộc Việt Nam tiếp tục được viết tiếp, được lưu truyền cho con cháu
muôn đời mai sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét