Cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại thành công và sự ra đời Nhà nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở ra một trang vàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám không những giúp nhân dân Việt Nam chấm dứt
kiếp nô lệ, lầm than mà còn mang lại độc lập, tự do; xác lập vị thế mới để đất
nước tiếp tục vượt qua những thách thức thời đại, ngày càng phát triển như hôm
nay. Thế mà, bằng những luận điệu xét lại lịch sử, 74 năm trôi qua, đây đó vẫn
có những kẻ cơ hội chính trị muốn xuyên tạc, đổi trắng thay đen hòng xóa bỏ chế
độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam.
Họ lu loa rằng: Cách mạng Tháng Tám thành công thực chất là “cuộc
đảo chính của cộng sản Việt Nam” hoặc hằn học cho rằng thắng lợi đó chỉ là “sự
ăn may”(!). Vậy, sự thật có phải như họ xuyên tạc không? Họ tỏ ra thông thái,
phân tích lại thời cuộc, rằng: “Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam không phát động
Cách mạng Tháng Tám và Toàn quốc kháng chiến thì chúng ta sẽ tránh được cuộc
chiến tranh, tại sao không theo cách của nhiều nước sau này vẫn giành được
độc lập, ít hao tổn xương máu!”.
Họ phủ nhận, xúc phạm sự hy sinh xương máu của bao thế hệ, lập lờ
rằng: Từ sau cuộc đảo chính của Nhật (ngày 9/3/1945), Đông Dương nói chung và
Việt Nam nói riêng không còn là thuộc địa của Pháp, mà là thuộc địa của Nhật.
Trong khi đó, phát xít Nhật đã bị quân Đồng minh đánh cho tơi tả, phải chịu
thất bại thảm hại và tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Như vậy, ở Đông Dương xuất
hiện “khoảng trống quyền lực”, cho nên cách mạng chỉ cần nổ ra là giành thắng
lợi và “Cách mạng Tháng Tám là một sự ăn may”.
Đặc biệt, gần đây, trước những diễn biến phức tạp của tình hình
thế giới và khu vực, những người có tâm địa không tốt tiếp tục bóp méo, nhào
nặn thông tin “rượu cũ” trong chiếc “bình mới”, xuyên tạc đường lối, quan điểm
và thực tế bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Họ xuyên
tạc, cho rằng Việt Nam nhu nhược, thiếu đường lối chiến lược. Họ khuyến nghị
phải xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, liên minh, liên kết với các
cường quốc, thực hiện đa đảng thì mới phát huy được sức mạnh toàn dân tộc và
sức mạnh quốc tế để đủ sức bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, họ kêu gọi phải thực hiện các
cuộc tổng biểu tình, tiến hành cách mạng đường phố để “làm một cuộc Cách mạng
Tháng Tám lần thứ hai” đi tới lật đổ chế độ XHCN.
Luận điệu "Cách mạng Tháng Tám là cuộc đảo chính của
cộng sản Việt Nam" chỉ là sự “nhai lại” những lời gian trá cũ rích từ
74 năm trước, khi Cách mạng Tháng Tám mới thành công của các thế lực thù địch
lúc bấy giờ. Theo Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam xuất bản năm 1995:
“Đảo chính là thủ đoạn tranh giành quyền lực thống trị bằng sử dụng áp lực quân
sự hoặc các áp lực khác trái với thể chế pháp luật hiện hành, lật đổ chính quyền
đương nhiệm một cách bất thường và thiết lập chính quyền nhà nước khác trong
khuôn khổ chế độ xã hội cũ”. Việc coi Cách mạng Tháng Tám là “cuộc đảo chính”
hòng xuyên tạc trắng trợn bản chất của một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân
dân. Trong Nghị quyết tại Hội nghị cán bộ Bắc Kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương,
ngày 10 và 11/9/1945, Đảng ta khẳng định: Nhật đầu hàng, điều kiện khách
quan và chủ quan đầy đủ cho một cuộc cách mạng chín muồi (nền móng của phát xít
hoàn toàn tan rã, đại đa số quần chúng đã nghiêng về cách mạng, đội tiền phong
cương quyết và hy sinh).
Cuộc khởi nghĩa hoàn toàn thắng lợi là do kết quả của bao cuộc đấu
tranh trong nhiều thập niên đổ máu, chứ không phải một cuộc đảo chính đơn giản.
Những luận điệu xuyên tạc trên như lớp phẩm màu dối trá không thể xóa nhòa được
lịch sử đấu tranh khốc liệt đã được cả dân tộc Việt Nam viết nên bằng
máu.
Về luận điệu không cần chiến tranh, có thể dùng biện pháp khéo léo
tránh chiến tranh mà vẫn giữ được độc lập, phát triển thì chính các nhà nghiên
cứu nước ngoài cũng nhiều lần bác bỏ. Nhà sử học Pháp Philip
Deville đã nhận định: “Trong khi máy bay, xe tăng và binh lính Pháp ùn ùn
kéo đến Việt Nam để chuẩn bị xâm lược thì chỉ có một dân tộc cam chịu để mình
bị cắt cổ, chỉ có một dân tộc ươn hèn, thực sự phản bội dân tộc mình mới không
chuẩn bị gì, không hành động gì để chống lại”.
Hiện thực và bài học lịch sử chứng minh, không thể giành độc lập
bằng cách ngồi chờ giặc rủ lòng thương. Trong điều kiện dân tộc Việt Nam
bị đọa đày, đau khổ dưới ách áp bức thống trị của chế độ thực dân, phong
kiến, các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp diễn ra sôi nổi, từ lập
trường Cần Vương đến xu hướng tư sản, tiểu tư sản, qua khảo nghiệm của lịch
sử đều lần lượt thất bại. Chỉ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, bằng
cương lĩnh, đường lối đúng đắn, phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế
lúc bấy giờ, cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới.
Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có đánh giá hết sức khách quan:
“Suốt trong 80 năm nước ta bị Pháp chiếm, nhân dân ta từ Nam đến Bắc đã nhiều
lần nổi dậy chống giặc ngoại xâm. Nhưng vì bọn vua quan hèn mạt, câu kết với
địch, phản nước hại dân, cho nên các cuộc khởi nghĩa đều thất bại. Cách mạng
Nga thành công đã thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, dạy cho họ cách tổ chức, đấu
tranh và giành thắng lợi. Nhờ vậy mà ta có Đảng tiên phong, có Mặt trận dân tộc
thống nhất, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân, kiên quyết đấu tranh cho độc lập tự
do, làm Cách mạng Tháng Tám thắng lợi”.
Cách đây ít ngày, Nguyễn Linh-một bạn trẻ ham thích dùng mạng xã
hội vừa viết bài phê phán các hiện tượng nhận thức lệch lạc vừa quảng bá bán
sản phẩm mật ong rừng của quê hương Hà Tĩnh đã có chuyến đi về Bình Dương. Linh
bắt gặp hình ảnh trụ sở của một doanh nghiệp bề thế nay chỉ là ngôi nhà hoang
nằm chỏng chơ, tường đen sì-dấu tích cuộc đốt phá của những người
biểu tình nhân danh “yêu nước” vào mùa hè cách đây 5 năm. 5 năm đã trôi qua mà
công ty này vẫn chẳng thể quay lại hoạt động bình thường, tòa nhà bề thế cũng
chưa được sửa sang lại.
Đó chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy thiệt hại, sự nguy hiểm của những
âm mưu kích động, phá hoại. Ngày nay, chúng ta đang thừa hưởng giá trị của hòa
bình-độc lập thực sự là thành quả vĩ đại do Cách mạng Tháng Tám và các cuộc
kháng chiến bảo vệ Tổ quốc đem lại. Đó là khát vọng, là thành quả của dân tộc
Việt Nam mà chúng ta phải kiên trì bảo vệ, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khi
trả lời phỏng vấn nhà báo người Anh Phê-lích Gơ-rin ngày 18/11/1965
đã khẳng định: “Nhân dân Việt Nam rất muốn có hòa bình để xây dựng đất nước.
Nhưng muốn có hòa bình thật sự thì phải có độc lập thật sự”; và đấu tranh cho
độc lập dân tộc tức là đấu tranh bảo vệ hòa bình. Sự đấu tranh ấy là thường
xuyên, liên tục, là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt nhưng
phải đặt trong con đường, mục tiêu, cách thức chung của đất nước, cộng đồng,
trong sách lược và chiến lược của Đảng, Nhà nước. Yêu nước mà thiếu sự tỉnh
táo, sa bẫy lôi kéo của các thế lực phản động, cơ hội thì chẳng khác gì rút
lông ngỗng trên con đường phát triển của đất nước.
Những lời kêu gọi “một cuộc Cách mạng Tháng Tám lần thứ hai” cho
thấy những âm mưu phá hoại nền hòa bình, độc lập vĩ đại của đất nước ta vẫn
luôn được kẻ thù rắp tâm thực hiện. Nhưng nó chỉ đánh lừa, gây dao động một bộ
phận rất ít người suy nghĩ non nớt, lệch lạc.
Dân tộc này, đất nước này đã
trải qua biết bao hy sinh, biết bao máu và nước mắt để có nền hòa bình, độc lập
hôm nay. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà kỳ nghỉ 2/9 hằng năm giờ đây được nhiều
nơi gọi là Tết Độc lập. Từ “Tết” tự thân nó khiến người ta nghĩ đến cái Tết cổ
truyền của cả dân tộc. Giá trị độc lập trở thành thiêng liêng, vĩnh hằng, niềm
vui độc lập sau 74 năm như lắng sâu hơn, để những người đang sống hôm nay coi
như một cái Tết thứ hai của mỗi người dân đất Việt. Theo đó, những kẻ cơ hội
chắc sẽ thấy xấu hổ vì nếu họ phát động cái gọi là "cuộc Cách mạng Tháng
Tám lần thứ hai" thì mục tiêu của cuộc “cách mạng” ấy là gì, phục vụ ai,
đem lại lợi ích cho ai, do ai lãnh đạo? Ai đủ tâm, tầm, trí hơn Đảng Cộng sản
Việt Nam-tổ chức của bao triệu người đã hy sinh, phấn đấu vì dân, vì nước từ
khi ra đời đến nay?
Cách đây ít lâu, trả lời báo chí, một đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc
phòng khẳng định: Chúng ta đã chiến đấu và chiến thắng để giành lại độc
lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Chúng ta đánh để có hòa bình, cho nên chúng ta
rất coi trọng những yếu tố, nhân tố để có được hòa bình. Thứ nhất, chúng ta giữ
hòa bình, hữu nghị với những nước bạn bè. Thứ hai, hòa bình, hữu nghị để tranh
thủ nhận được sự ủng hộ của các quốc gia khác trên thế giới đối với sự nghiệp
xây dựng đất nước của chúng ta. Thứ ba, kể cả đối với đối tượng đối nghịch,
chúng ta bao giờ cũng sẵn sàng hòa bình nếu họ tôn trọng độc lập, chủ quyền của
Việt Nam, từ bỏ ý chí xâm lược nước ta. Chủ trương nhất quán của Quân ủy Trung
ương và Bộ Quốc phòng xác định nhiệm vụ chung là bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ độc
lập, bảo vệ chủ quyền của đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc, trong đó
tập trung bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân; bảo vệ hòa bình bền
vững cho đất nước. Đây là 3 mục tiêu chung của bảo vệ Tổ quốc và là nhiệm vụ
của Bộ Quốc phòng, của quân đội.
Có lẽ, đó cũng chính là tinh thần “Toàn thể dân tộc
Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của
cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” như lời quả quyết của Bác Hồ
trong bản Tuyên ngôn Độc lập.
Trong một bài viết về Toàn quốc kháng chiến gần đây, Đại
tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ
trưởng Bộ Quốc phòng cũng chỉ rõ: Chúng ta luôn "quyết tâm bảo vệ Tổ quốc từ
sớm, từ xa", “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền,
thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định
để phát triển đất nước”; "... hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách
về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc và đối sách xử lý hiệu quả các tình
huống và trong quan hệ đối ngoại; bảo đảm không bị động, bất ngờ về chiến lược,
góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa".
Nhận thức sâu sắc những bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Tám và
các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, Quân đội ta đã và
đang thực hiện “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong bảo vệ Tổ quốc.
“Dĩ bất biến” trong kiên định
đường lối, mục tiêu độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, môi
trường hòa bình và “ứng vạn biến” bằng sách lược mềm dẻo, phương thức linh
hoạt, đối phó hiệu quả với sự biến động phức tạp của tình hình; sự đan xen,
chuyển hóa phức tạp giữa đối tác và đối tượng; với mọi âm mưu, thủ đoạn, tình
huống của các thế lực thù địch, phản động, nhằm đạt mục tiêu cao nhất.
Chúng ta cũng xác định vừa hợp tác, vừa đấu tranh, theo tinh
thần thêm bạn, bớt thù; giữ cân bằng, tận dụng tối đa quan hệ với các nước lớn,
tranh thủ sự ủng hộ quốc tế rộng rãi. Lấy đối ngoại quốc phòng làm công cụ quan
trọng giải quyết tranh chấp, bất đồng, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia; tạo
lợi thế chính trị trong mọi biến động của tình hình, đóng góp cho hòa bình, ổn
định của khu vực.
Chúng ta cũng kiên quyết, kiên trì đấu tranh trên cơ sở nắm
vững, tận dụng luật pháp quốc tế, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, không để xảy ra
xung đột, chiến tranh; không để bạo loạn kéo dài, lan rộng; không sử dụng lực
lượng vũ trang giải quyết mâu thuẫn nội bộ nhân dân, mắc mưu khiêu khích, tạo
cớ cho thế lực thù địch can thiệp quân sự; không để thế lực có tham vọng lãnh
thổ lợi dụng hoặc thỏa hiệp với thế lực thù địch…/.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét