Pages - Menu

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2019

VẮC XIN ĐẶC TRỊ CHỐNG "CHẠY CHỨC, CHẠY QUYỀN"


Kết quả hình ảnh cho VẮC XIN ĐẶC TRỊ CHỐNG "CHẠY CHỨC, CHẠY QUYỀN"Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, vì “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” và Người cũng nhấn mạnh rằng, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Thấm nhuần những chỉ dẫn của Người, trong 89 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng công tác cán bộ, xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có đức có tài, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân.
Tuy nhiên, thực tế công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung, công tác cán bộ nói riêng (bao gồm lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo...) đã cho thấy, một trong những vấn nạn nhức nhối, nổi cộm hiện nay, được đề cập trong các văn kiện Đại hội của Đảng, trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng chính là “chạy chức, chạy quyền”. Thông qua “chạy”, những kẻ cơ hội, đầu cơ chính trị đã chui sâu, leo cao vào các vị trí chủ chốt trong tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.
Những năm gần đây, thông tin về việc những quan chức lạm dụng chức vụ/quyền hạn được giao đã kéo bè, kéo cánh, đưa người thân, cánh hẩu vào giữ các vị trí tại các cơ quan công quyền, tạo tiền đề hình thành “nhóm lợi ích” cho thấy, câu chuyện cả nhà làm quan, cả họ làm quan như vưa, như chúa ở mỗi địa phương đã không còn là hiện tượng đơn lẻ. Vấn nạn này xảy ra, trải dài từ Bắc vào Nam: Hà Giang, Mỹ Đức (Hà Nội), An Dương (Hải Phòng), Kim Thành (Hải Dương), Bắc Ninh, Quảng Trạch (Quảng Bình), Hiệp Đức (Quảng Nam), Bình Định, Cần Thơ,v.v.. dẫn đến tình trạng một gia đình, một dòng họ “cát cứ”, “thao túng”, “chi phối” công tác cán bộ nói riêng, quyền lực chính trị, kinh tế của địa phương nói chung, gây bức xúc trong nhân dân.
Có thể nói, “chạy chức, chạy quyền” là "điển hình phản cảm" của việc vi phạm các chuẩn mực đạo đức của người cách mạng, đe dọa trật tự kỷ cương, luật pháp, để lại những hệ lụy tiêu cực về kinh tế, chính trị, xã hội nặng nề; làm băng hoại cả nền tảng đạo đức xã hội. Việc “sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi” trong công tác cán bộ là những biểu hiện cụ thể, phản ánh sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của những người “chạy” và cả người được “chạy”. Một mặt, “chạy chức, chạy quyền" là sự tha hóa quyền lực, tạo ra lỗ hổng, khiếm khuyết trong công tác cán bộ, gây mất đoàn kết nội bộ, làm triệt tiêu động lực phấn đấu của những người chính trực, gây tâm tư trong công tác tư tưởng, công tác cán bộ; mặt khác, tạo “hiệu ứng cần chạy, phải chạy” trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương để được lên chức ở Trung ương và địa phương.
Soi rọi theo 23 điều Hồ Chí Minh yêu cầu về “Tư cách người cách mệnh” (tác phẩm Đường Cách mệnh, năm 1927), có thể thấy, những người tham gia “chạy chức, chạy quyền” và những người giúp cho việc vận hành “chạy chức, chạy quyền” được hanh thông chính là những người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cả tư tưởng và hành động. Đó là những người đã không rèn luyện đạo đức cách mạng theo đúng những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, không làm trọn lời thề đảng viên, không phụng Tổ quốc và nhân dân như khi tuyên thệ.
Cụ thể: 1) Họ đã không “tự mình phải: Cần kiệm. Hoà mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại. Chịu khó. Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất. Bí mật". Bởi vì “chạy”, cho nên họ không phải trải qua quá trình rèn luyện đạo đức cách mạng, không phải bền gan phấn đấu, tu dưỡng mà đã được sớm cất nhắc, bổ nhiệm. Bởi vì sớm có được chức vụ/quyền hạn dễ dàng nên họ đã "dương dương tự đắc", tự cao, tự đại, tự mãn với những gì mình đang có, để rồi sa vào cá nhân chủ nghĩa, tiếp tục tạo điều kiện, tiếp tay cho những kẻ “như mình, giống mình” chạy tiếp vào các vị trí khác.
2) Họ đã không “đối người phải: “Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người”, vì, chức vụ/quyền hạn hiện có là do được nâng đỡ, cất nhắc bởi “chạy”, nên phần thì họ không đủ năng lực, trình độ đảm đương công việc; phần thì do “mặc chiếc áo quá rộng”, có chức, có quyền quá dễ dàng nên không thể nghiêm cẩn trong công việc, càng không thể “có lòng bày vẽ cho người”. Vì năng lực có hạn, lại lộng quyền, lạm quyền nên trong thực thi công vụ thì quan liêu, tham ô, tham nhũng, vòi vĩnh, gây bức xúc trong xã hội và trong quan hệ ứng xử với đồng nghiệp thì “nịnh trên, nạt dưới”, làm mất lòng tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ, vào công tác cán bộ.
3) Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và cả tổ chức thực hiện, những kẻ do “chạy” được chức, quyền cũng không có tinh thần và phương pháp “làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”. Đó là những người không chỉ coi thường tổ chức, Điều lệ Đảng, pháp luật, công khai vi phạm các nguyên tắc tổ chức, làm suy yếu tổ chức đảng, mất uy tín của tập thể, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ mà còn trở thành nhân tố gây ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, dẫn đến thao túng bộ máy lãnh đạo, thao túng công tác cán bộ. Với họ, những kẻ cơ hội, chăm lo đầu tư quan hệ để lấy lòng cấp trên, a dua theo bất cứ điều gì cấp trên nói, làm theo chỉ đạo của cấp trên... thì sẽ được cất nhắc, bổ nhiệm; còn những người có năng lực và đạo đức, nhưng liêm chính, không chịu cúi luồn, không cùng phe cánh “sẽ trượt từ vòng quy hoạch”.
Tệ nạn này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo rất sớm, trong một số bài viết ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và sau này. Tuy nhiên, ung nhọt này dường như chưa có “kháng sinh” đặc trị. Cùng với thời gian Đảng cầm quyền, vấn nạn này ngày càng “lở loét”, “lan nhanh” dẫn đến tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên “là con đẻ” của “chạy chức, chạy quyền” đã mặc nhiên coi “chạy” là con đường tiến thân hiệu quả nhất, để rồi “lan vòi bạch tuộc” của mình, tiếp tục dung dưỡng, bảo kê cho những người có “nhu cầu chạy” đến được với những người “cần phải chạy”, để tạo thành đường dây, phong trào “chạy chức, chạy quyền”. Sự “chạy” này vừa vô tình, vừa hữu ý đã làm cho bệnh cậy quyền, ỷ thế, độc đoán, chuyên quyền, tham lam, địa phương chủ nghĩa, tư túng, kéo bè kéo cánh, nể nang, óc hẹp hòi… trong đội ngũ cán bộ chủ chốt không bị ngăn chặn, kiểm soát kịp thời; làm cho công tác cán bộ trở nên bị động, bị vô hiệu hóa, hình thức; làm cho trong nội bộ thì "im ắng", bên ngoài thì "thậm thà thậm thụt"... Hệ quả của nó là, nạn “chạy chức, chạy quyền” diễn ra trong tất cả các khâu của công tác cán bộ: chạy tuổi, chạy vào quy hoạch, chạy để được bổ nhiệm, chạy để được luân chuyển, v.v.., tạo thành một “làn sóng” khi trầm khi bổng, nhưng rõ nét nhất, sôi động nhất là trước mỗi kỳ đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.  
“Chạy chức, chạy quyền” không chỉ tạo ra một tiền lệ xấu trong công tác cán bộ, làm cho những người làm việc nghiêm túc, nỗ lực trau dồi về mọi mặt và thành tâm phấn đấu cũng dần tự ti vào năng lực bản thân, rồi “nhìn gương” đó để phát sinh tính láu cá, cơ hội, đầu cơ chính trị... mà còn làm mất uy tín của Đảng, suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, đe dọa sự tồn vong của Đảng cầm quyền và chế độ. Ung nhọt và căn bệnh trầm kha này đã được Đại hội XII của Đảng chỉ ra: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trăn trở, nhấn mạnh tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành tổ chức xây dựng Đảng ngày 19/1/2018: “Chạy chức, chạy quyền, tệ tham nhũng đã chi phối tới nhiều khâu trong công tác cán bộ, từ lựa chọn đối tượng đưa đi đào tạo, bồi dưỡng, đến quy hoạch, luân chuyển, đánh giá, bổ nhiệm, nên mới “có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?”.
Để phòng và chống “chạy chức, chạy quyền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải chú trọng, thường xuyên, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát trong mọi mặt công tác, để ngăn ngừa, phòng và chống các biểu hiện, các căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân, lợi dụng chức vụ/quyền hạn được giao để mưu cầu lợi ích cá nhân... Đồng thời, Người cũng nhấn mạnh: Trong công tác cán bộ, cả người làm công tác cán bộ và việc lựa chọn cán bộ để bổ nhiệm cũng cần “phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các Ủy ban đó”. Đó phải là những người thường xuyên, “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, phải luôn đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, trước hết lợi ích của cá nhân mình, dòng họ mình, địa phương mình…
Trong thực tế, việc “tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương” theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã được triển khai thực hiện. Đi liền cùng đó, “các cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm”đặc biệt, theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, 7 khóa XII, thì việc “xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm” cho thấy vấn đề chống “chạy chức, chạy quyền” đã được chú trọng thực hiện tương đối đồng bộ và toàn diện.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa như mong đợi. "Chạy chức, chạy quyền" vẫn âm ỉ ở nhiều nơi và hệ lụy của nó là “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên lên chức do “chạy” đã không đáp ứng được yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ được giao phó. Tự coi mình là những “ông vua con”, “cha mẹ dân”, những con sâu mọt đó đã luôn "nịnh trên, nạt dưới", không chỉ coi thường tổ chức, kỷ luật, pháp luật mà còn luôn lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền để cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu cấp dưới, vòi vĩnh của dân... Sự hư hỏng bởi ham hư danh, mong muốn được “vinh thân phì gia” của những kẻ “chạy” và sự tha hóa bởi những đặc quyền, đặc lợi của những cán bộ, đảng viên suy thoái “được nhờ chạy” cho thấy việc phải tìm ra vắc xin đặc hiệu để phòng và chữa “chủng bệnh” này là yêu cầu có tính cấp bách và thường xuyên. 
Để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cán bộ, trong một số nghị quyết chuyên đề, Đảng cũng đề ra nhiệm vụ “hoàn thiện các quy định, quy chế; đồng thời, cương quyết đấu tranh, xử lý kịp thời, nghiêm minh những sai phạm, không có “vùng cấm”. Cụ thể, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã khẳng định quyết tâm: 1) Thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết thành các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ; 2) Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; kiên quyết xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên; 3) Đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; 4) Hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm và rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… nhằm khắc phục hữu hiệu, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng "chạy chức, chạy quyền" và những tiêu cực trong công tác cán bộ.
Tiếp đó, để đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống và quét sạch chủ nghĩa cá nhân, chống các biểu hiện tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về "Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương" và chuẩn bị và tổ chức thật tốt Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về “Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 205-QÐ/TW ngày 23/9/2019 “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” (Quy định 205), khẳng định quyết tâm cao độ của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
Quy định 205 gồm 15 điều; trong đó: 1) Quy định chung gồm (điều 1 và điều 2); 2) Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ gồm (điều 3 đến điều 9); 3) Chống chạy chức, chạy quyền gồm (điều 10 đến điều 13); 4) Điều khoản thi hành gồm (điều 14 và điều 15). Nội dung 15 điều của Quy định 205 một lần nữa cho thấy công tác cán bộ đã được Đảng Cộng sản Việt Nam đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, khẳng định chủ trương của Đảng về kiểm soát để phòng và chống sự tha hóa quyền lực là: Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và mọi quyền hạn đều phải được ràng buộc bằng trách nhiệm.
Cụ thể, theo Quy định 205: “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ”. Trong đó, việc đầu tiên là phải loại trừ nạn “chạy chức, chạy quyền” của những kẻ cơ hội - một ung nhọt đang được cả xã hội quan tâm và loại trừ sự cấu kết của những kẻ cơ hội đang nắm quyền lực chính trị để lũng đoạn, trục lợi - một di chứng của công tác cán bộ đang gây bức xúc trong nhân dân, nhằm không để lọt vào cấp ủy khoá mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm.
Quy định nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành chức năng ở Trung ương và địa phương; của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo của địa phương, cơ quan, đơn vị trong tổ chức quán triệt và cụ thể hoá theo thẩm quyền để thực hiện nghiêm Quy định này; đồng thời, yêu cầu Ủy ban kiểm tra của cấp ủy các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định; xử lý kỷ luật theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật những tập thể, cá nhân vi phạm; thường xuyên kiểm tra, giám sát và hằng năm báo cáo cấp trên trực tiếp kết quả thực hiện Quy định 205.
Theo đó, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ và đột xuất; cấp trên tăng cường kiểm tra cấp dưới, cấp dưới giám sát cấp trên, thực hiện giám sát dọc, giám sát ngang gắn liền với việc thực hiện công khai, minh bạch tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự trong từng tổ chức Đảng,v.v.. Tạo mọi điều kiện và phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát cán bộ và công tác cán bộ trên tinh thần “cán bộ, đảng viên có trách nhiệm phát hiện và lắng nghe ý kiến của nhân dân để phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền về hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền”…
Có thể nói, việc thực thi giải pháp “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền”, chống các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng... trong công tác cán bộ theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 và Quy định 205 ngày 23/9/2019 sẽ là bước đột phá sâu sắc, là liều vắc xin đặc trị trong công tác cán bộ nói chung, phòng và chống “chạy chức, chạy quyền” nói riêng, thiết thực xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh.
=Tia chớp=


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét