Sau khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành người cộng sản
Việt Nam đầu tiên, một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái
Quốc - Hồ Chí Minh bắt đầu xúc tiến chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức
để thành lập một chính đảng kiểu mới ở Việt Nam. Tháng 11/1924, Người về Quảng
Châu (Trung quốc), mở lớp huấn luyện chính trị, thành lập Hội Việt Nam Cách
mạng thanh niên (6/1925), ra báo Thanh niên (21/6/1925) cùng các tờ báo Công
nông, Lính cách mệnh, Tiền phong... nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào
Việt Nam; làm cho luồng gió cách mạng của thời đại thẩm thấu vào phong trào
công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân ta, tạo nên sự chuyển biến sâu
sắc về chất và lượng.
Những bài giảng của Người ở lớp huấn luyện chính trị tại Quảng
Châu được tập hợp thành cuốn sách “Đường Cách mệnh” (xuất bản năm 1927); trong
đó, Người khẳng định: "Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận
động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản
giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái
có vững thuyền mới chạy” và Đảng phải có hệ tư tưởng tiên tiến, cách mạng
và khoa học dẫn đường, đó là “phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”…
Cùng
với đó, chủ nghĩa Mác - Lênin thông qua phong trào “vô sản hóa” được những
chiến sĩ tiên phong của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên truyền bá về trong
nước, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động. Phong trào công nhân chuyển
mạnh từ đấu tranh tự phát sang tự giác, từ đấu tranh đòi quyền lợi về kinh tế
lên đấu tranh đòi quyền lợi về chính trị; phong trào yêu nước phát triển sâu
rộng theo huynh hướng vô sản, tạo điều kiện chín muồi cho sự ra đời của Đông
Dương Cộng sản Đảng (6/1929), An Nam cộng sản Đảng (10/1929) và Đông Dương Cộng
sản Liên đoàn (1/1930).
Việc xuất hiện ba tổ chức cộng sản biệt lập, cùng ra Tuyên ngôn,
Chính cương và Điều lệ trong nước dẫn đến tình trạng tranh giành ảnh hưởng lẫn
nhau, chia rẽ và phân liệt phong trào đấu tranh cách mạng. Nhận thức sâu sắc
nguy cơ bất lợi cho sự phát triển của phong trào cách mạng Đông Dương, với nhãn
quan chính trị nhạy bén, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ động, kịp thời trên
cương vị “phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề
liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương” gửi thư về nước mời đại diện
của các tổ chức cộng sản sang Hồng Kông bàn việc hợp nhất các tổ chức cộng sản.
Mùa xuân năm 1930, tại Cửu Long, Hồng Kông (từ ngày 6/1/1930 đến
ngày 7/2/1930), Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã được tiến hành dưới
sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Tham dự Hội nghị có Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức
Cảnh (Đông Dương Cộng sản Đảng); Nguyễn Thiệu và Châu Văn Liêm (An Nam Cộng sản
Đảng) và Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn giúp việc Hội nghị. Trên cơ sở bỏ mọi thành
kiến xung đột cũ và đoàn kết, Hội nghị thống nhất đặt tên Đảng là Đảng Cộng sản
Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt, Chương
trình tóm tắt của Đảng do Người dự thảo. Các văn kiện này trở thành Cương lĩnh
chính trị đầu tiên của Đảng; trong đó, Đảng xác định rõ đường lối, mục tiêu,
phương châm của cách mạng Việt Nam là: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ
địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”... Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự
kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu
nước. Đó là đội tiền phong của giai cấp công nhân và dân tộc, “là đạo đức, là
văn minh”, là danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại.
Trong 90 năm qua kể từ khi ra đời vào mùa xuân năm 1930, Đảng
Cộng sản Việt Nam với đường lối chiến lược đúng đắn, sách lược mềm dẻo, luôn vì
nước, vì dân đã tập hợp quần chúng, tổ chức họ, lãnh đạo họ, đưa họ ra đấu
tranh và liên tiếp giành được thành tựu. Thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng
dân tộc (1930-1945); xây dựng chế độ xã hội mới, tiến hành cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp (1945-1954); xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954-1975) và
cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội (1975 - nay), kiên định mục tiêu độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội là minh chứng sinh động khẳng định trên thực tế sự
lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng; đồng thời, 90 năm đó cũng đã tôi
luyện, thử thách để Đảng không ngừng trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm, ngày
càng xứng đáng với vai trò lãnh đạo và sự tin cậy của nhân dân.
Việc tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc xây dựng Đảng: Tập
trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; kỷ
luật nghiêm minh; đoàn kết thống nhất; gắn bó mật thiết với nhân dân, v.v.. và
sự nêu gương mẫu mực về đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên được
thực hiện xuyên suốt và nhất quán trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh đã góp
phần làm nên sức mạnh vô địch của Đảng, sức hấp dẫn của mỗi cán bộ, đảng viên.
Vì thế, không phải ngãu nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định: “Trước
mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu
mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn
nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước… Muốn làm cách mạng,
phải cải cách tính nết mình trước tiên”, yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải
thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng mà còn không ngừng rèn luyện, gương
mẫu về đạo đức cách mạng, thống nhất giữa lời nói với việc làm.
Bản chất cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam khác với các đảng
phái chính trị khác ở chỗ “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”
và cán bộ, đảng viên của Đảng phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ
trung thành của nhân dân. Ngược lại, khi cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá
nhân, lãng phí, quan liêu, tham ô, tham nhũng, vô kỷ luật, coi thường phép
nước, rời xa nhân dân, v.v.. họ sẽ chỉ là “những ông quan phụ mẫu”, những “con
sâu mọt” làm mất uy tín, danh dự của Đảng, làm cho Đảng quan liêu, xa dân, dẫn
đến lxói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng.
Trên
tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và thấu triệt chỉ dẫn
của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một
đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch ra khuyết điểm
đó, vì đâu mà có khuyết điểm, xét rõ hoàn cảnh sinh ra hoàn cảnh đó, rồi tìm
kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó, như vậy là một Đảng tiến bộ, mạnh
dạn, chắc chắn, chân chính”, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn được chú
trọng và đẩy mạnh.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, việc thực hiện Nghị quyết
Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn
chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu
hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với Chỉ thị 05-
CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” sâu rộng, thiết thực, trở
thành nền nếp trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã mang lại những kết quả
tích cực, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của mỗi cấp ủy và
của từng cán bộ, đảng viên. Hằng năm, ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị đều xây
dựng chương trình, kế hoạch, nội dung thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 gắn với
chuẩn mực đạo đức công vụ phù hợp, chủ động phòng, chống và đấu tranh, ngăn
chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội
bộ. Nhiều cách làm mới, sáng tạo trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính;
nâng cao tinh thần và trách nhiệm thực thi công vụ; kiểm điểm tự phê bình và
phê bình của tập thể và cá nhân gắn với nhận diện những biểu hiện suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… được
triển khai trong sinh hoạt chuyên đề tại các chi bộ.
Công tác cán bộ được chú trọng; trong đó, công tác đào tạo, bồi
dưỡng, quy hoạch cán bộ gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là ở các
lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực đã mang lại hiệu quả thiết thực tại
các địa phương, cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, việc phát huy vai trò nêu gương
của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi tổ chức, địa phương,
cơ quan, đơn vị, nhất là trong thực thi công vụ đã góp phần phòng, chống và
ngăn ngừa các biểu hiện suy thoái, tha hóa bởi quyền lực. Việc nghiêm túc, công
tâm sàng lọc và kịp thời đánh giá, kiểm điểm, miễn nhiệm, thay thế những cán bộ
vi phạm kỷ luật Đảng, tham ô, tham nhũng, làm giàu bất chính để mưu lợi ích cho
mình, cho người thân và nhóm lợi ích đã góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương của
Đảng, được nhân dân đồng tình và ủng hộ.
Tuy nhiên, là những hệ lụy của quyền lực, con đẻ của chủ nghĩa
cá nhân: Thói trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo; tệ quan
liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu nhân dân; “chạy chức”, “chạy
quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp”, “chạy quy hoạch”... trong một bộ phận
không nhỏ cán bộ, đảng viên từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra trong những
bài nói, bài viết của mình vẫn còn là những vấn nạn chưa được ngăn chặn, đẩy
lùi triệt để tại các cơ quan Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị. Sự suy thoái
của bộ phận không nhỏ “những con sâu làm rầu nồi canh” đó đã biến “những nghị
quyết và chỉ thị Đảng” thành những “lời nói suông”, biến những “công bộc của
dân”, “đày tớ của nhân dân” trở thành “cha mẹ dân”, gây bức xúc trong nhân dân.
Những việc làm của họ trái với lợi ích của Đảng, trái với 12 điều quy định về
Đảng và những chuẩn mực của người đảng viên cộng sản, làm giảm sút vai trò lãnh
đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với
Đảng, trở thành nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng chỉ rõ thực trạng này
thông qua việc chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ,
đảng viên không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí
phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách
nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không
còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được
giao. Những biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu
kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình;
thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính
đáng của nhân dân và nhất là biểu hiện "tư duy nhiệm kỳ", "cục
bộ", "thân quen", "lợi ích nhóm", mất dân chủ, thiếu
gương mẫu, "nể nang, dễ dãi", "chạy chọt, vận động, tranh thủ
lẫn nhau" trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ... vẫn còn tồn tại ở
không ít không ít cơ quan, địa phương, đơn vị.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thiết thực xây dựng Đảng
trong sạch vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong, các cấp ủy đảng và mỗi
cán bộ, đảng viên phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc xây dựng
Đảng, Điều lệ Đảng; gắn việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa
XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh” với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng,
chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ",
với Quy định về những điều đảng viên không được làm và các Quy định về nêu
gương.
Cùng với việc tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, cấp ủy các
cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nỗ lực rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo
đức cách mạng, phòng, chống và quét sạch chủ nghĩa cá nhân gắn với đẩy mạnh đấu
tranh phòng, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, thực hành “cần kiệm
liêm chính, chí công vô tư”, luôn tự phê bình và phê bình trên cơ sở của tình
thương yêu đồng chí lẫn nhau để đoàn kết thống nhất trong ý chí, hành động.
Đồng thời, gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng vì nhân dân phục vụ và coi
sự giám sát, đánh giá của nhân dân là thước đo, là một tiêu chuẩn đánh giá
những ưu điểm, khuyết điểm của cấp ủy các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên
trong mọi mặt công tác, nhất là trong quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đưa sinh hoạt chi bộ hằng
tháng theo chuyên đề gắn với chuyên đề năm 2020 “Tăng cường khối đại đoàn
kết dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trở thành nền nếp, nhu cầu tự thân
của mỗi tổ chức cơ sở đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao chất lượng
sinh hoạt Đảng, nâng cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong
thực thi công vụ và trong cuộc sống đời thường.
Tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng và chống tham ô, tham
nhũng, lãng phí, quan liêu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng cơ
chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ “lợi ích nhóm”, chống đặc quyền, đặc lợi;
đồng thời, trừng trị nghiêm khắc những kẻ tham ô, tham nhũng, làm giàu bất
chính, xâm phạm lợi ích của nhân dân, bất kể chúng là ai, giữ chức vụ gì và
kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những kẻ tha hóa, biến chất, suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã dùng tiền tài
để mua và “chui lọt” vào những chức vụ, vị trí cao trong các cơ quan Đảng, Nhà
nước chỉ để nhằm “dĩ công vi tư”, mưu cầu cho nhóm lợi ích.
Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kế
thừa và vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm, tận dụng thời cơ và thuận
lợi, khắc phục mọi khó khăn và trở ngại, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân quyết
tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tổ chức thành công đại
hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng.
=Tia chớp=
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét