Với mục tiêu xuyên suốt
không thay đổi của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch là xóa bỏ vai trò
lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN). Thời gian gần
đây, nhất là khi chúng ta đang chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến
tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chúng càng đẩy mạnh thực
hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
một cách toàn diện, trong đó tập trung vào các lĩnh vực tư tưởng chính trị,
kinh tế, pháp luật, quốc phòng, an ninh, nguyên tắc tổ chức, cán bộ, công tác
nhân sự đại hội…
Có thể nói, chủ nghĩa
đế quốc là lực lượng đi đầu thúc đẩy chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam rất
quyết liệt, nhưng không ra mặt trực diện, mà hoạt động ngấm ngầm thông qua lôi
kéo, liên kết, hợp tác để từng bước “thẩm thấu, chuyển hóa” (hợp tác để chuyển
hóa), sử dụng thế lực phản động ngoài nước câu kết với nhóm phản động và những
kẻ cơ hội trong nước để chống phá cách mạng Việt Nam. Ngoài ra, một số đảng
viên thoái hóa, biến chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
cũng hùa theo các luận điệu của các thế lực thù địch, phản động, hòng làm cho
tình hình an ninh chính trị ở Việt Nam trở nên phức tạp.
Hiện nay, họ đang sử dụng
thủ đoạn là tập trung tác động vào nhận thức, tâm lý, tình cảm, niềm tin của
nhân dân đối với Đảng và chế độ XHCN; xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước; bôi đen hình ảnh, thành tựu của đất nước,
hình ảnh lãnh tụ. Họ thường lợi dụng những hạn chế, thiếu sót của ta để “chính
trị hóa” các vấn đề về kinh tế-xã hội, từ đó tác động, làm thay đổi nhận thức về
chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Một mặt, họ ra
sức kêu gọi thúc đẩy “dân chủ đa nguyên”, thay đổi thể chế chính trị, đổi tên Đảng,
tên nước, sửa cương lĩnh, hiến pháp, “phi chính trị hóa” quân đội, công an; thực
hiện “tam quyền phân lập” ở Việt Nam. Thúc đẩy, kích động phong trào “bất tuân
dân sự”, tuần hành, biểu tình, bạo động, khiếu kiện, gây điểm nóng về an ninh
chính trị, trật tự, an toàn xã hội; mặc cả, đối kháng chính quyền, coi đây là sự
“tập dượt” cho “cách mạng màu”. Thời gian qua, họ luôn cho rằng, các vấn đề tín
ngưỡng, tôn giáo, an sinh xã hội, đất đai, cơ sở thờ tự, môi trường, giao
thông, giáo dục, Biển Đông… là những vấn đề nhạy cảm có thể lợi dụng để chống
phá. Hiện nay, họ triệt để lợi dụng công tác phòng, chống tham nhũng, xây
dựng, chỉnh đốn Đảng, các sự kiện chính trị, các vấn đề phức tạp, nhạy cảm về
an ninh chính trị để phân hóa, chia rẽ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” trong nội bộ, hòng làm cho đảng viên và nhân dân hiểu sai lệch, hoài nghi,
thiếu niềm tin vào bản chất, vai trò lãnh đạo của Đảng. Họ cũng tìm cách thẩm
thấu, cấy sâu vào trong xã hội Việt Nam tư tưởng chia rẽ đường lối đối ngoại của
Đảng, nhất là trong quan hệ với các nước lớn, nước láng giềng, khu vực. Về
phương tiện, họ triệt để lợi dụng công cụ truyền thông, báo chí, không
gian mạng và coi đây là ưu thế, mũi nhọn, phương tiện, chất xúc tác để chuyển
hóa, gây rối loạn nhận thức tư tưởng, thúc đẩy nhanh “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa”, dẫn dắt phong trào “bất tuân dân sự” chống Đảng, chống Nhà nước XHCN…
Đấu tranh phản bác các
quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy,
tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.
Chính vì vậy, đấu tranh phản
bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
trước việc chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của
Đảng là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, là trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng,
của hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên. Để công tác đấu tranh phản bác
các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
có hiệu quả, các cấp ủy đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một
số nội dung cơ bản sau đây:
Một là, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò của cấp
ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, ban chỉ đạo, cơ quan chức năng các cấp, nhất
là vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; quan tâm lãnh đạo toàn
diện lý luận chính trị, tư tưởng, văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí; tích cực
đấu tranh trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội; quản lý chặt chẽ tình
hình chính trị nội bộ, nắm, dự báo, xử lý kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy
sinh. Tức là phải phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu
cơ quan, đơn vị trong xây dựng lực lượng đấu tranh nòng cốt chuyên sâu, nhất là
cơ quan nghiên cứu, cơ quan báo chí, các học viện, nhà trường, đội ngũ chuyên
gia, cộng tác viên. Duy trì, tổ chức thực hiện tốt việc đấu tranh trên các
phương tiện thông tin đại chúng, lấy các cơ quan báo chí làm nòng cốt để vạch
trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, đồng
thời định hướng dư luận xã hội. Đồng thời, thiết lập các trang, nhóm, tài
khoản mạng xã hội nhằm tiếp cận, chia sẻ thông tin tham gia đấu tranh phản bác
trên internet, mạng xã hội với các hình thức, phương pháp linh hoạt; chú trọng
chia sẻ thông tin tích cực, bài viết chuyên sâu của các cơ quan báo chí, học viện,
nhà trường tạo “dòng chủ lưu” thực hiện phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”,
“lấy thông tin tích cực đẩy lùi thông tin tiêu cực”.
Hai là, thường xuyên bám sát các vấn đề, sự kiện, cung cấp
thông tin, định hướng tư tưởng, tạo thế chủ động trong mặt trận đấu tranh trên
internet, mạng xã hội.Với phương châm chỉ đạo công tác tư tưởng phải đi trước,
đón đầu; không để “khoảng trống” thông tin để các thế lực thù địch lợi dụng,
xuyên tạc chống phá, Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 35 các cấp cần quan
tâm biên soạn các tài liệu chuyên khảo, tham khảo, xây dựng ngân hàng comment
làm tài liệu phục vụ tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng đấu
tranh cho các lực lượng. Thực hiện tốt việc cung cấp thông tin cho cán bộ theo
định kỳ, gặp mặt các đồng chí cán bộ nghỉ hưu, nghỉ công tác hằng năm; chủ động
gặp các cán bộ có quan điểm khác với chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước để cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, tạo sự
đồng thuận về nhận thức và hành động.
Ba là, thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm, trao đổi kinh
nghiệm giữa các lực lượng chức năng, lực lượng nòng cốt chuyên sâu, các hội nghị
rút kinh nghiệm và các cuộc “diễn tập” đấu tranh phản bác các quan điểm sai
trái, thù địch. Với phương châm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, cấp ủy, tổ
chức đảng cơ quan, đơn vị cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức các cuộc
tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, hội nghị rút kinh nghiệm theo hướng thiết thực,
hiệu quả, “cầm tay, chỉ việc”. Chú trọng tổ chức một số cuộc “diễn tập” đấu
tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội làm
cơ sở cho các lực lượng hoàn thiện, phát triển kỹ năng đấu tranh. Lực lượng đấu
tranh nòng cốt chuyên sâu phải thường xuyên được trau dồi kiến thức, nâng cao
trình độ lý luận, bổ sung kinh nghiệm thực tiễn. Các thông tin đấu tranh phải
trung thực, khách quan, vì lợi ích lâu dài của dân tộc, của đất nước, mang tính
Đảng, tính khoa học, tính xây dựng cao.
Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo,
quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị điện tử phục vụ nhiệm vụ đấu
tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội. Ở
tầm vĩ mô: Nhà nước cần xây dựng hệ thống thông tin phong phú, hiện đại, có khả
năng tiếp cận, xử lý và khuếch tán vào dòng thông tin truyền thống quốc tế với
lượng thông tin đủ lớn, đủ mạnh để tạo sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt
Nam với nhân dân các nước trên thế giới.
Ở tầm vi mô: Cần tăng cường
và đổi mới cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo đảm phát huy tính hiệu quả của các cơ
quan báo chí truyền thông, hòa nhập vào trình độ kỹ thuật thông tin thế giới.
Các bộ, ngành chức năng, các cơ quan, đơn vị liên quan cần nghiên cứu, tổ
chức triển khai hệ thống giải pháp kỹ thuật phù hợp với điều kiện Việt Nam và
thông lệ quốc tế để phục vụ việc đấu tranh ngăn chặn, xử lý các nguồn tán phát
thông tin tiêu cực, xấu độc, sai sự thật, nhằm tạo môi trường thông tin trung
thực, khách quan.
Đấu tranh phản bác các
quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy,
tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên cần được triển
khai đồng bộ, có hệ thống các chủ trương, giải pháp. Thực hiện tốt những vấn đề
cơ bản trên sẽ góp phần ngăn chặn hữu hiệu, giảm tác hại từ những luận điệu
xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động trên internet, mạng xã
hội và các phương tiện truyền thông, nhất là khi Đảng ta chuẩn bị tổ chức Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.
=Tia chớp=
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét