Tuyên truyền xuyên
tạc, bôi nhọ thân thế, sự nghiệp của lãnh tụ Hồ Chí Minh là một trong những
chiêu trò của các thế lực thù địch, phản động đối với Việt Nam, trong đó, chúng
đặc biệt tập trung xuyên tạc tư tưởng của Người về mục tiêu độc lập dân tộc gắn
với chủ nghĩa xã hội (CNXH). Tuy nhiên, sự thật lịch sử đã bác bỏ hoàn toàn
những luận điệu, động cơ và mục đích đen tối đó
Trên không gian mạng, các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc,
bịa đặt rằng Hồ Chí Minh không vì lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân dân mà
chỉ vì “lợi ích của Đảng”, của “ý thức hệ”… Động cơ của chúng không có gì khác
là nhằm hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào
Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận thành quả và con đường đi lên CNXH của dân tộc
ta.
Luận điệu trên không mới nhưng chúng “nhai đi nhai lại” theo kiểu
“mưa dầm thấm lâu” với toan tính: dù là thông tin giả nhưng nói mãi người nghe
sẽ tin là thật, không có nhưng nghe nhiều sẽ cho là có. Chiêu trò này không
phải bây giờ mới xuất hiện, ngay từ đại chiến thế giới thứ nhất, trùm phát xít
Hitler đã đưa ra “Thuyết nói dối” với câu nói mà nhân loại không
thể quên là: “Khi bạn nói dối đủ lớn và đủ nhiều thì đám đông tin đó
là sự thật”. Tất cả những chiêu trò ấy dù tinh vi đến đâu cũng không
thể lừa bịp được nhân dân Việt Nam.
Quyết định làm phụ bếp trên chiếc tàu của Pháp ở bến cảng Nhà Rồng
khởi đầu cuộc hành trình ra đi tìm con đường cứu nước, cứu dân không chỉ mang ý
nghĩa sâu sắc trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Tất Thành mà còn là
dấu mốc lịch sử của dân tộc Việt Nam. Cần khẳng định rằng Nguyễn Tất Thành ra
đi không phải vì lợi ích cho riêng mình hay lợi ích cho nhóm người nào. Động
cơ, mục đích không gì khác là tìm con đường giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu
dân.
Những năm bôn ba ở nước ngoài từ Á sang Âu, Phi, Mỹ đã giúp Nguyễn
Tất Thành dần tìm ra lời giải cho một câu hỏi lớn: Lựa chọn con đường nào để
giành độc lập dân tộc, cứu nước, cứu dân? Với hành trình tới nhiều quốc gia,
Nguyễn Tất Thành đã nhận thức và khám phá được nhiều điều mới mẻ, đặc biệt là
về cách mạng tư sản (CMTS) và bản chất của chủ nghĩa tư bản (CNTB). Đó là cuộc
cách mạng tuy có tiến bộ nhưng chưa triệt để, vì sau CMTS, quần
chúng nhân dân vẫn bị áp bức, bóc lột, cuộc sống vẫn đói khổ và vẫn muốn làm
cuộc cách mạng mới. Điều này, chứng tỏ lúc đó Nguyễn Tất Thành đã suy nghĩ về
một cuộc cách mạng kiểu mới bỏ qua chế độ TBCN tiến thẳng lên một chế độ mới mà
ở đó độc lập dân tộc được bảo đảm, người dân không còn bị áp bức, bóc lột, cuộc
sống ấm no, tự do và hạnh phúc.
Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc. Các nước thắng trận và
bại trận họp Hội nghị tại Versailles (Pháp) ngày 28-6-1919 để ký kết các hòa
ước và phân chia quyền lợi. Khi hoạt động tại Pháp, Nguyễn Tất Thành tham
gia tổ chức Hội những người Việt Nam yêu nước. Đại diện cho tổ chức này, Nguyễn
Tất Thành tới dự Hội nghị Versailles và gửi các đại biểu Bản yêu sách
của nhân dân An Nam gồm 8 điểm do chính Người lấy tên là Nguyễn
Ái Quốc soạn thảo. Mặc dù không được xem xét nhưng Bản yêu sách đã gây xôn xao
dư luận Pháp ở chính quốc và Đông Dương. Từ đây, người ta bắt đầu biết đến và
theo dõi hoạt động của Nguyễn Ái Quốc.
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công, mở ra một thời kỳ
mới trong lịch sử loài người - thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm
vi thế giới. Vào tháng 7-1920, qua Báo Nhân đạo của Đảng Xã
hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã được nghiên cứu tác phẩm Sơ thảo lần thứ nhất
những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của
V. I. Lênin. Đây là một dấu mốc rất quan trọng trong hành trình tìm đường cứu
nước của Nguyễn Ái Quốc. Luận cương của Lênin đã tạo ra một sự chuyển
biến căn bản trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc - từ nhận thức của người yêu
nước, chuyển sang nhận thức của người cộng sản.
Gần 6 năm hoạt động tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã để lại những ấn
tượng rất sâu sắc về một thanh niên Việt Nam luôn đau đáu nghĩ đến dân tộc,
nghĩ đến nhân dân. Qua những bài báo viết vào giai đoạn này đã thể hiện
rõ quan điểm về độc lập dân tộc, xây dựng một chế độ xã hội mới của Nguyễn Ái
Quốc. Cuối năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đến đất nước Xô Viết - quê hương của Cách
mạng Tháng Mười. Đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra chân
lý thời đại: Chỉ có CNXH, CNCS mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và
những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.
Có thể thấy dù đã manh nha trong tư duy nhưng đến những năm 20 của
thế kỷ XX, tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH mới chính
thức hình thành và phát triển. Sau sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
ngày 3-2-1930, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền
với CNXH bắt đầu được thể hiện rõ nét vào điều kiện cụ thể Việt Nam. Tư tưởng
ấy đã trở thành ngọn cờ dẫn dắt dân tộc Việt Nam liên tục giành những thắng lợi
to lớn trong suốt hơn 90 năm qua.
Quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí
Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn bám sát và thể hiện rõ tư tưởng độc lập dân
tộc gắn liền với CNXH. Trên cơ sở tiếp thu lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, ngay trong
những văn kiện đầu tiên, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã thống nhất tính chất cách
mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản, gắn giải
phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, giải phóng nhân dân lao động, với toàn
thể dân tộc bị nô lệ. Trong Chánh cương của Đảng do Hồ Chí Minh khởi thảo cũng
xác định nhiệm vụ, mục tiêu của cách mạng Việt Nam “chủ trương làm tư
sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.
Nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là của Đảng là: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp
và bọn phong kiến. Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”. Điều
đó, toát lên tư tưởng lớn là cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam tất yếu đi tới
cách mạng XHCN, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tổ chức vào tháng 5-1941, Chủ
tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn
hết thảy”. Khi thời cơ tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đến, Hồ Chí
Minh khẳng định: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết
giành cho được độc lập”. Lời Người đã thể hiện ý chí sắt đá của
Đảng, quyết tâm của cả dân tộc Việt Nam.
Trong Tuyên ngôn độc lập công bố ngày 2-9-1945,
Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự
thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất
cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc
lập ấy”. Và Người khẳng định: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, hoàn cảnh đất nước
như “ngàn cân treo sợi tóc”. Nguy hiểm nhất là giặc ngoại xâm, nội phản rình
rập, đặc biệt là thực dân Pháp ngày càng lộ rõ ý đồ trở lại xâm chiếm Việt Nam,
Đảng ta đề ra đường lối “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Thực
chất đó là sự cụ thể hóa tư tưởng của Người về độc lập dân tộc gắn với CNXH vào
hoàn cảnh cụ thể. Đường lối ấy là phù hợp với quy luật phát triển lịch sử dân
tộc: dựng nước đi đôi với giữ nước, vừa bảo vệ nền độc lập mới giành được, vừa
từng bước xây dựng chế độ xã hội mới.
Sau những nỗ lực đàm phán không thành, năm 1946 cả dân tộc Việt
Nam tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong Lời kêu gọi
toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố:
“Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định
không chịu làm nô lệ”. Tư tưởng đó của Người đã tạo nên chân lý có giá trị lớn
nhất cho mọi thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.
Trên cơ sở nắm chắc tình hình đất nước, quy luật và xu thế phát
triển của dân tộc, của thời đại, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc gắn với
CNXH, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vững vàng chèo lái đưa con
thuyền cách mạng Việt Nam vượt thác ghềnh đến bến bờ thắng lợi. Việt Nam đã kết
thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bằng chiến dịch lịch sử Điện
Biên Phủ.
Sau Hiệp định Giơnevơ (20-7-1954), đất nước Việt Nam tạm thời chia
cắt thành hai miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Nhưng với quyết
tâm giành độc lập dân tộc mà Hồ Chí Minh đã khẳng định với nhân dân Việt Nam,
với lương tri thế giới: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt
Việt Nam”, “Đồng bào Nam Bộ là dân tộc nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có
thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi(3) Dân tộc Việt
Nam lại bước vào thời kỳ lịch sử mới, thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến
lược: Độc lập dân tộc và CNXH. Điều này được khẳng định rõ trong lời kêu gọi
của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 17-7-1966: “Chiến
tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa,... song nhân dân
Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Theo Hồ Chí Minh, độc lập phải đảm bảo cho mọi người dân cơm no,
áo ấm, hạnh phúc. Ước mơ, hoài bão, lý tưởng và ham muốn tột bậc của Người là
đấu tranh cho dân tộc được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ai cũng có
cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết,
là nền tảng để đi lên CNXH. Khát vọng độc lập dân tộc đã hun đúc thành chủ
nghĩa dân tộc chân chính của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta
xem đó là động lực to lớn của đất nước. Sức mạnh của yếu tố dân tộc không chỉ
là sức mạnh tự có mà còn phụ thuộc vào sự kết hợp với CNXH. Vì thế, suốt cuộc
đời hoạt động của mình, Người luôn phấn đấu cho hoài bão, lý tưởng ấy. Sự kết
hợp giữa độc lập dân tộc với CNXH có ý nghĩa quyết định thành công của cách
mạng Việt Nam. CNXH là mục tiêu hướng tới, là cơ sở đảm bảo cho sự vững chắc
của độc lập dân tộc. Theo đó, sau khi giành được độc lập, cách mạng giải phóng
dân tộc phải phát triển thành cách mạng XHCN thì mới giành được thắng lợi hoàn
toàn. Bởi lẽ có tiến lên CNXH thì nhân dân mới ngày càng ấm no, Tổ quốc mỗi
ngày một giàu mạnh.
Dưới góc nhìn một chế độ hoàn chỉnh, Hồ Chí Minh cho rằng CNXH là
làm cho nhân dân thoát khỏi nạn bần cùng, mọi người ai cũng có công ăn việc
làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc. Mục tiêu của CNXH là giải phóng nhân
dân lao động khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Còn dưới góc nhìn từng mặt cụ thể thì
nhiệm vụ quan trọng nhất của CNXH theo Người là phát triển sản xuất. Trong suốt
quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn nhắc Đảng và Chính phủ phải quan
tâm đến hoạt động sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất,
tinh thần của nhân dân. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc thiêng
liêng, Người còn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế
và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Nhìn một cách khái quát, Hồ Chí Minh nhấn mạnh CNXH trên các
phương diện là một chế độ chính trị do nhân dân lao động là chủ và làm chủ; là
một chế độ có nền kinh tế phát triển cao, gắn liền với sự phát triển của khoa
học - kỹ thuật; không còn chế độ người bóc lột người; xã hội phát triển cao về
văn hóa và đạo đức; có quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước trên thế
giới.
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, bám sát tình hình thực
tiễn đất nước, xác định rõ vai trò, vị trí của cách mạng mỗi miền, Đảng ta đứng
đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết tốt mối quan hệ giữa hậu phương lớn
miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Thực chất đây chính là sự cụ thể hóa mối
quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa nhiệm vụ dân tộc, dân chủ với CNXH.
Có thể nói, trong kháng chiến, Hồ Chí Minh là hiện thân cho ý chí,
quyết tâm cao độ của toàn dân tộc trong việc bảo vệ giá trị thiêng liêng, bất
khả xâm phạm. Không chỉ xác định chủ trương, đường lối, Người còn có những chỉ
dẫn hết sức khoa học về từng bước đi để thực hiện đường lối tiến hành đồng thời
hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH ở miền Bắc Việt Nam và tiến hành cách
mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Tin tưởng tuyệt đối, quán triệt sâu sắc, vận
dụng sáng tạo những quan điểm, tư tưởng ấy, sau khi Người qua đời (2-9-1969),
với lòng tiếc thương vô hạn, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã biến đau
thương thành hành động cách mạng giành nhiều thắng lợi to lớn trong xây dựng
CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam. Bằng cuộc tổng tấn công và nổi
dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta đã
giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước bước vào kỷ
nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và CNXH.
Một trong những nhân tố rất quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc
Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đó là khát vọng cháy bỏng về độc
lập dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước, cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc
của cả dân tộc Việt Nam. Chính khát vọng thiêng liêng ấy là chất keo kết dính
tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sau khi nước nhà thống nhất, cả dân tộc ta
bước vào thực hiện hai nhiệm vụ
chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tại Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Đảng
ta khẳng định: “Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, khi cả
nước làm một nhiệm vụ chiến lược hoặc làm hai nhiệm vụ chiến lược, Đảng ta từ
khi ra đời đến nay vẫn luôn luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội, đó là đường lối, là sức mạnh, là nguồn gốc mọi thắng lợi của cách
mạng Việt Nam”. Trước những chuyển biến mới của tình hình thế
giới và yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, Đảng ta xác
định: “Toàn Đảng, toàn dân tiếp tục nắm vững ngọn cờ độc lập, dân tộc và chủ
nghĩa xã hội, ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ
hôm nay và thế hệ mai sau”.
Trong gần 35 năm đổi mới, chúng ta đã
đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng
CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế
được nâng cao. Những thành tựu to lớn đó tiếp tục khẳng định bản chất cách
mạng, khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng về độc lập dân
tộc gắn liền với CNXH nói riêng; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng
đắn, sáng tạo. Những thành quả ấy là tiền đề quan trọng, tạo nguồn động lực
mạnh mẽ để chúng ta tiếp tục đổi mới, đưa đất nước phát triển.
Trong điều kiện mới, tư tưởng Hồ Chí Minh về
độc lập dân tộc gắn liền với CNXH đang bị chi phối, tác động bởi nhiều yếu tố.
Nhưng Đảng ta luôn trung thành và vận dụng đúng đắn, sáng tạo Chủ nghĩa Mác-
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền
với CNXH; tận dụng triệt để những thời cơ và vận hội, bằng kinh nghiệm thực
tiễn lãnh đạo cách mạnh hơn 90 năm qua để vững vàng chèo lái đưa con thuyền
cách mạng Việt Nam tiến lên tiếp tục giành nhiều thắng lợi to lớn.. Các thế lực
thù địch, phản động dù có dùng âm mưu, thủ đoạn và chiêu trò gì đi chăng nữa
cũng không thể phủ nhận được bản chất con đường độc lập dân tộc gắn với CNXH.
Nhân dân Việt Nam kiên quyết đấu tranh phản bác những giọng điệu lạc lõng hòng
bôi xấu lãnh tụ Hồ Chí Minh, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam. Trong bất luận hoàn cảnh nào, độc lập dân tộc đi lên CNXH vẫn là nhu
cầu sống còn, là sự lựa chọn duy nhất đúng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt
Nam.
=Tia chớp=
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét