Pages - Menu

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN SOI SÁNG CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG VIỆT NAM


Tư tưởng vĩ đại của Karl Marx với cách mạng Việt Nam | Báo Công an ...Chúng ta đang sống trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, được mở đầu từ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Suốt hơn 80 năm, chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng soi đường của học thuyết Mác, đã đạt được những thành tựu to lớn về nhiều mặt, góp phần làm thay đổi đời sống các dân tộc trên hành tinh.
Tuy nhiên, hệ thống xã hội chủ nghĩa sau một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đã tạm đi vào thoái trào. Những lực lượng đối địch với chủ nghĩa xã hội, đối địch với chủ nghĩa Mác coi đây là "thời cơ vàng", ra sức bác bỏ chủ nghĩa Mác, bác bỏ chủ nghĩa xã hội. Họ rêu rao "chủ nghĩa Mác đã lỗi thời", "chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không phải là đích mà loài người hướng tới", "nền văn minh tin học không dung nạp chủ nghĩa xã hội", "chủ nghĩa Mác là sản phẩm của nền văn minh cơ khí, nó chỉ thích hợp ở thế kỷ XIX, chứ không phù hợp với thời đại ngày nay", "sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở một mảng lớn trên thế giới, chứng tỏ chủ nghĩa Mác - Lênin là một sai lầm"... Những luận điệu đối địch thiếu căn cứ khoa học ấy của họ đã khiến nhiều người dao động, mất phương hướng, giảm lòng tin vào con đường xã hội chủ nghĩa. Đó chính là thách thức lớn nhất đối với chủ nghĩa Mác hiện nay. Vì thế, việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác là nhiệm vụ quan trọng, bức thiết của chúng ta hiện nay.
Sức sống của học thuyết Mác thể hiện ở nhiều lĩnh vực, nhưng bao trùm ở chỗ nó giải đáp những vấn đề mà tư tưởng tiên tiến của loài người đặt ra, soi sáng các nhiệm vụ lịch sử đã chín muồi của nhân loại, đó là nhiệm vụ giải phóng con người khỏi mọi ách áp bức, bóc lột, khỏi mọi sự tha hóa của con người. Sức sống của học thuyết Mác cũng được thể hiện trong thực tiễn đời sống xã hội hiện đại, mặc dù đời sống xã hội trải qua những thăng trầm, quanh co, khúc khuỷu, song vẫn không ra ngoài những quy luật phổ biến đã được trình bày một cách khoa học, sáng rõ trong học thuyết Mác, mặc cho người ta thừa nhận hay không thừa nhận điều đó. Cho nên, nếu không có học thuyết Mác, sẽ không hiểu được chủ nghĩa tư bản hiện đại, không hiểu được xu hướng biến đổi và phát triển của thời đại ngày nay. Vì vậy, chừng nào chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc còn tồn tại, chừng nào nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới chưa hoàn thành thì chủ nghĩa Mác - lý luận về sự giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp của giai cấp công nhân và nhân dân lao động các dân tộc vẫn còn giá trị lý luận và thực tiễn to lớn.
Tuy nhiên, khoa học và thực tiễn luôn luôn biến đổi, phát triển nên học thuyết Mác cũng không ngừng được bổ sung, phát triển. Chủ nghĩa Mác là một hệ thống "mở", một khoa học phát triển về sự phát triển thế giới và xã hội loài người. Cho nên, không ngừng phát triển chủ nghĩa Mác vừa là yêu cầu của thực tiễn xã hội, vừa là yêu cầu nội tại của bản thân học thuyết Mác. Bởi vậy một cách khách quan có phát triển và thông qua phát triển, chủ nghĩa Mác mới tự bảo vệ và phát huy sức mạnh đối với thời đại. Trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định sự trung thành của mình với chủ nghĩa Mác - Lênin, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Đồng thời đề ra nhiệm vụ phải bảo vệ và phát triển nó một cách sáng tạo.
Để làm được điều đó, chúng ta phải làm sáng tỏ những vấn đề về các đặc điểm chủ yếu, các xu hướng của thời đại và những vấn đề đặt ra đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, những giá trị và yêu cầu phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã thực sự là ngọn đuốc soi đường cho tiến trình cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn thử thách để đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng bọn tay sai của chúng; giành lại độc lập chủ quyền của dân tộc; những thành tựu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam... đã khẳng định tính đúng đắn, sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với con đường cách mạng Việt Nam, khẳng định sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân Cuba, nhân dân Mỹ - Latinh và nhân dân tiến bộ thế giới với nhân dân Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam xác định, đổi mới dựa trên lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới không đổi màu, vẫn kiên trì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đổi mới vẫn giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy nội lực kết hợp với sức mạnh của thời đại. Đổi mới kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.
Đổi mới ở Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Ngay từ đầu, Đảng xác định đổi mới không phải là từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà chính là để có chủ nghĩa xã hội nhiều hơn, từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện lịch sử, xã hội Việt Nam trên cơ sở đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Đổi mới ở Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi lớn, hầu như các nước đều có sự điều chỉnh chính sách của mình. Những kinh nghiệm cải tổ, cải cách của các nước đều là sự gợi mở cho Việt Nam trong việc tìm tòi con đường đổi mới. Vì vậy, những tư duy lý luận đổi mới của Việt Nam được hình thành không chỉ từ việc đúc kết kinh nghiệm của bản thân mình mà còn được đúc kết từ những kinh nghiệm thành công và không thành công của các nước xã hội chủ nghĩa anh em.
Đổi mới ở Việt Nam là quá trình kết hợp biện chứng giữa đổi mới tư duy lý luận và chỉ đạo hoạt động thực tiễn; là sự thống nhất hai chiều "dưới lên" và "trên xuống"; là sự gặp gỡ giữa ý Đảng với lòng dân. Điểm nổi bật của công cuộc đổi mới ở Việt Nam là luôn lấy sự ổn định chính trị - xã hội làm tiền đề, làm điều kiện tiên quyết cho sự nghiệp đổi mới phát triển và chính sự phát triển đã tạo ra sự ổn định mới ở cấp độ cao hơn. Hiện nay, đất nước ta có sự thay đổi cơ bản và toàn diện, kinh tế tăng trưởng khá nhanh, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, tăng cường, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng và an ninh được giữ vững. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn...
Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử đó chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là đúng đắn, thể hiện sự trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam cần khắc phục về sự phát triển kinh tế chưa vững chắc, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế; nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết; tình trạng quan liêu tham nhũng, lãng phí tiêu cực còn khá nặng nề; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần được tăng cường nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong tình hình mới.
Tiếp tục quán triệt chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đại hội XII của Đảng khẳng định toàn Đảng, toàn dân tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ phát triển nhanh, bền vững thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Tăng cường quốc phòng và an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của các đoàn thể nhân dân. Phát huy dân chủ, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Mặc dù lịch sử thế giới đang ở trong một "khúc quanh" phức tạp của sự phát triển, song chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn tỏ rõ sức sống của mình trong đời sống hiện thực. Những giá trị tinh thần, tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin ngày càng được thực tiễn khẳng định về sự đúng đắn, sức sáng tạo của nó. Đối với cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa Mác - Lênin luôn luôn là ngọn đuốc soi đường, là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Đó là nhân tố quyết định, bảo đảm mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Điều quan trọng là việc tiếp thu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin phải với tinh thần sáng tạo, biết kế thừa, phát huy những luận điểm trước đây và hiện nay vẫn đúng; biết sửa chữa những nhận thức sai về các luận điểm đúng; biết vượt qua những luận điểm gì trước đây đúng nhưng nay không còn phù hợp; những luận điểm gì mới cần được bổ sung vào lý luận do thực tiễn mới đặt ra... Tất cả đều phải biết vượt qua lối tư duy máy móc, sáo mòn, rập khuôn một cách cứng nhắc. Đồng thời phải hết sức tránh mọi biểu hiện xa rời, thoát ly chủ nghĩa Mác một cách cực đoan, máy móc dưới danh nghĩa "đổi mới tư duy".
Chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết khoa học và cách mạng, nó trang bị cho chúng ta thế giới quan, phương pháp luận tiến bộ, vì thế, đây là vấn đề luôn luôn mới và việc nhận thức nó không ngừng phải nâng lên ở những tầng bản chất sâu và cao hơn. Thực tiễn sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam đã chứng minh chủ nghĩa Mác - Lênin không thể thiếu được và bao giờ nó cũng là ánh sáng soi đường, là nhân tố quyết định bảo đảm cho thắng lợi cuối cùng. Có thể nói, nếu không có chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì không có con đường giải phóng dân tộc, không có con đường cách mạng đúng đắn của Việt Nam. Điều đó đặt ra cho những người cộng sản chân chính Việt Nam nhiệm vụ không ngừng học tập, nghiên cứu để nắm vững, vận dụng, bảo vệ và phát triển tích cực chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay.
=Tia chớp=

2 nhận xét: