Pages - Menu

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

 


Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, không chỉ khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc.

Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo ngay giữa lòng Hà Nội, tại số nhà 48 phố Hàng Ngang của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ - một doanh nhân buôn tơ lụa nổi tiếng giàu có. Văn kiện quan trọng này được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi, lấy ý kiến đóng góp của các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng, các thành viên Chính phủ lâm thời, trong quần chúng nhân dân và ý kiến tham khảo của A. Patti - đại diện cho quân Đồng minh. Tuyên ngôn Độc lập có 1.120 chữ, được sắp xếp trong 49 câu. Đây là một văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý ngắn gọn, chặt chẽ, sắc bén, chứa đựng những nội dung cốt lõi, có cơ sở pháp lý vững chắc để không chỉ khẳng định chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước thế giới mà còn mở ra một thời kỳ mới của dân tộc ta, nhân dân ta trên con đường xây dựng và phát triển, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuyên ngôn Độc lập không chỉ kết tinh các giá trị truyền thống anh hùng, bất khuất, tinh thần và ý chí đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập, tự do mà còn khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới; đồng thời khích lệ nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc đứng lên chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc. Vì thế, Tuyên ngôn Độc lập không chỉ gắn liền với Hồ Chí Minh mà còn mở ra thời đại Hồ Chí Minh lịch sử gắn liền với hành trình nhân dân Việt Nam kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Tuyên ngôn Độc lập cũng khẳng định rõ vai trò, sức mạnh của khối toàn dân đoàn kết trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do. Trong hành trình gian khó ấy, có Đảng lãnh đạo, với một đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tranh thủ và phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại, dân tộc ta đã thủ tiêu toàn bộ chế độ thực dân, phong kiến, “lấy lại tên trên bản đồ thế giới”. Vì thế, Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là một mốc son chói lọi, góp phần làm rạng rỡ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta mà còn làm cho nền văn hiến Việt Nam: “Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững; Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa; Trong và thật, sáng hai bờ suy tưởng; Sống hiên ngang mà nhân ái, chan hòa” được khẳng định và lan tỏa cùng thời đại.

Với Tuyên ngôn Độc lập, một nước Việt Nam hồi sinh sau bao mất mát, hy sinh tiếp tục hướng đến tương lai tươi sáng, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong hành trình ấy, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng” trong Tuyên ngôn Độc lập; về điều mong muốn cuối cùng "toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới" trong Di chúc gắn với “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc”, coi lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng, là mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất, có nghĩa định hướng hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực, Việt Nam đã luôn kiên định và sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước, kể cả các nước có quá khứ là thù địch nhưng công nhận nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đó chính là truyền thống bao dung, nhân ái Việt Nam, là xóa bỏ hận thù và gác lại quá khứ để cùng nhau hướng đến tương lai.

Đặc biệt, trong 34 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, cùng với những thành tựu về mọi mặt, Việt Nam đã và đang ngày càng chủ động và tham gia tích cực tại Liên hợp quốc về quyền con người, đóng góp tích cực trong các Ủy ban ASEAN về phụ nữ và trẻ em, về lao động di cư… Ở trong nước, quyền con người đã được thực thi, được hiến định. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền công dân được triển khai xuyên suốt, đồng bộ thông qua các chương trình xây dựng luật, pháp luật của Quốc hội. Trong quá trình xây dựng và sửa đổi Hiến pháp, quyền con người và quyền công dân luôn là một vấn đề căn cốt của các bản Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013. Trong Hiến pháp 2013, lần đầu tiên các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân đã được Quy định trong chương II. Đặc biệt, có thể nói, mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” chính là quá trình hiện thực hóa “quyền sung sướng” “dân giàu” và “quyền tự do” “dân chủ”, quyền là chủ, quyền làm chủ của nhân dân quyền con người được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, phù hợp luật pháp quốc tế về quyền con người, bảo vệ quyền con người.

75 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, đặc biệt là sau 34 năm đất nước đổi mới, mỗi người dân Việt Nam càng thấy thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do; ý nghĩa lớn lao và sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và quyền của mỗi dân tộc. Đó cũng là mục tiêu, lý tưởng mà mọi dân tộc, quốc gia trên thế giới đều hướng đến.

Bản Tuyên ngôn Độc lập là tư tưởng, là tâm nguyện và kết quả của hành trình tìm đường cứu nước, thực tế đấu tranh cách mạng và tư duy khoa học sắc sảo, độc đáo của lãnh tụ Hồ Chí Minh; đồng thời, cũng là hiện thân sinh động sự gặp gỡ lịch sử giữa dân tộc Việt Nam giàu truyền thống và văn hiến, luôn khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, hữu nghị với một thời đại hòa bình, hợp tác, thân thiện và phát triển, luôn tôn trọng luật pháp quốc tế.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường, quan hệ quốc tế vừa có những thuận lợi vừa có nhiều thách thức hiện nay, trên cơ sở xác định mục tiêu tối thượng là bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền biển, đảo gắn liền với bảo đảm quyền con người, cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục kiên trì đường lối, chủ trương độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị với các nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"./.

=Tia chớp=

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét