Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh và phức tạp, nhất là bất đồng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung quốc cũng như việc Trung Quốc liên tục có các hành động gây hấn ở Biển Đông Việt Nam. Thời gian gần đây, có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề về khả năng Mỹ - Việt Nam nâng tầm mối quan hệ từ “Đối tác toàn diện” lên thành “Đối tác chiến lược” mặc dù giữa hai nước còn nhiều khác biệt về thể chế chính trị và nhân quyền. Bài viết sẽ phân tích và làm rõ thực chất của các ý kiến, nhận định đó là gì? góp phần nhận diện và đấu tranh phản bác các nội dung sai trái, xuyên tạc, thù địch về khả năng xác lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ. Những quan điểm này đều xoay quanh các nội dung chính sau đây:
1. Nhận diện các quan điểm sai trái
Một là, Mỹ đã “bật đèn xanh” và sẵn sàng ký hiệp định “đối tác chiến lược”
với Việt Nam
Đã một phần tư thế kỷ trôi qua kể
từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt chính
thức tuyên bố bình thường hóa, thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và
Hoa Kỳ (12/7/1995 - 12/7/2020). Vượt qua chập chững ban đầu, với nổ lực của hai
quốc gia, hai dân tộc, sau một phần tư thế kỷ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành
bạn bè, đối tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, với triển vọng mở rộng hợp tác
trong thời gian tới.
Theo như ông Nguyễn Quang Dy, một
nhà ngoại giao đã nghỉ hưu và là Harvard Nieman Fellow (1993), là nhà nghiên cứu
độc lập và nhà báo tự do tại Hà Nội đưa thông tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark
Esper, trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11/2019 đã nói chuyện tại Học viện
Ngoại giao Việt Nam rằng: “Mỹ kiên quyết chống lại sự đe dọa của bất cứ nước
nào đòi chủ quyền lãnh thổ hay vùng biển và kêu gọi chấm dứt sự bắt nạt và các
hành động phi pháp gây tác động tiêu cực đến các nước ASEAN ven biển... Chúng
tôi sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của các nước đồng minh và đối tác, nhất là Việt
Nam, để đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội phát triển kinh tế khu vực”. Thông tin
này đã hàm ý về sự “bật đèn xanh” và sẵn sàng ký “đối tác chiến lược” với Việt
Nam của Mỹ.
Hai là, Việt Nam cần
nhanh chóng xác lập quan hệ “Đối tác chiến lược” với Mỹ để đối phó với những
tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông
Trên tờ Asia Times ngày 28/5/2019, Tiến sĩ về quan hệ
quốc tế Đoàn Xuân Lộc - nhà nghiên cứu tại Viện chính sách toàn cầu (Anh) có
đăng bài: “Việt - Mỹ đã hợp tác chiến lược nhiều mặt, trừ tên gọi”. Trong bài
viết, ông Đoàn Xuân Lộc phân tích: “sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông là
một trong các yếu tố chính để Việt Nam tìm cách thắt chặt quan hệ với Mỹ, đặc
biệt trong an ninh quốc phòng. Mặc dù vẫn có những khác biệt nhất định, đặc biệt
là về các quyền tự do chính trị và nhân quyền, lợi ích chiến lược của Mỹ và Việt
Nam ngày càng phù hợp với nhau. Đối với Việt Nam, mối quan hệ với Mỹ hiện tại về
cơ bản là chiến lược trong nhiều lĩnh vực quan trọng, như an ninh và quốc
phòng, mặc dù về tên gọi nó mới chỉ là quan hệ đối tác toàn diện”.
Trang tin BBC ngày 17/9/2019, có
bài viết: “Việt Nam đã sẵn sàng nâng tầm đối tác chiến lược với Mỹ?”. Tiêu đề
bài viết cũng là nhận định của ông Prashanth Parameswaran, biên tập viên cao cấp
tờ “The Diplomat” (Nhật Bản), tạp chí chuyên về an ninh và chính sách đối ngoại
châu Á - Thái Bình Dương. Theo ông Prashanth Parameswaran: “việc nâng tầm quan
hệ Việt - Mỹ có ý nghĩa lớn với các nhà hoạch định chính sách cả hai nước khi
phản ánh nỗ lực của Washington trong việc mở rộng mạng lưới các đồng minh và đối
tác tại châu Á - Thái Bình Dương và tầm quan trọng của Việt Nam trong mạng lưới
này, đồng thời nhấn mạnh cơ hội và thách thức mà Hà Nội phải cân nhắc”.
Tờ “The Diplomat” ngày 21/9/2019
đăng bài “Việt Nam có thể hướng về Mỹ sau căng thẳng với Trung Quốc” của
Christopher Sharman, chuyên gia nghiên cứu của Viện Hoover, Đại học Stanford,
nguyên Tùy viên Hải quân tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, Có đưa ra dự báo: “Chuyến
thăm Mỹ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam dự kiến vào cuối năm nay sẽ tạo
động lực cho Bộ Quốc phòng Việt Nam thúc đẩy hợp tác quan hệ quốc phòng toàn diện
với Mỹ, trong đó có thể bao gồm các thỏa thuận hợp tác quốc phòng chiến lược mới,
ủng hộ tàu sân bay Mỹ thăm cảng Việt Nam lần thứ hai, hoặc cam kết cử tàu tham
gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) vào năm tới”. Mặc dù dự báo trên
là không hoàn toàn chính xác, nhưng nó chứa dựng thông điệp ám chỉ Việt Nam
đang hướng tới xác lập quan hệ “Đối tác chiến lược” với Hoa Kỳ để đối phó với
những tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Ba là, Việt Nam đã để lỡ cơ hội xác lập “Đối tác chiến lược” với Mỹ
Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc
phòng Australia trong bài: “Việt - Mỹ vì sao chưa là đối tác chiến lược?” đã nhận
định: “Trước khi Tuyên bố chung giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn
Sang được công bố, dư luận rộng rãi thường cho rằng Việt Nam và Mỹ sẽ nâng cấp
quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược, lần đầu tiên được đề xuất bởi
Ngoại trưởng Hillary Clinton trong chuyến thăm Hà Nội hồi năm 2010”. Phân tích
của Giáo sư Carl Thayer Có hàm ý Việt Nam đã để lỡ cơ hội xác lập “đối tác chiến
lược” với Mỹ.
Trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ
và Trung Quốc đang leo thang thời gian qua, Trung tâm Dự báo Chiến lược
(Stratfor - Mỹ) đánh giá: “Chính sách của Hà Nội phù hợp với chiến lược hợp tác
lâu dài với các cường quốc bên ngoài để đối trọng lại Bắc Kinh và tránh né trực
tiếp những thách thức từ nước láng giềng phương Bắc. Nhưng khi Washington quay
trở lại Đông Nam Á và Nhật Bản cũng háo hức theo đuổi một sự hiện diện lớn hơn
trong vùng, thì cái xung lực khu vực của Việt Nam lại đặt đất nước này vào những
đường gạch chéo của Bắc Kinh”. Đánh giá này hàm ý Việt Nam đã để lỡ cơ hội xác
lập “đối tác chiến lược” với Mỹ.
Tóm lại, mặc dù còn những khác biệt
về thể chế chính trị và nhân quyền trong quan hệ Việt Nam - Mỹ và Việt Nam đang
cân nhắc lựa chọn giải pháp ngoại giao “cân bằng trong quan hệ với các nước lớn,
nhưng đã có nhiều quan điểm, nhận định về khả năng hai nước nâng tầm mối quan hệ
từ “Đối tác toàn diện” lên thành “Đối tác chiến lược” được đưa ra như đã nêu.
Những quan điểm này đều xuất phát từ những góc nhìn và mục đích khác nhau,
không thật sự phù hợp với lợi ích của Việt Nam, trái với chủ trương cân bằng
trong quan hệ giữa các nước lớn, nhất là quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc của Đảng
ta.
2. Phản bác các quan điểm sai trái
Trong bối cảnh cuộc đối đầu chiến
lược ngày càng sâu sắc giữa Mỹ với Trung Quốc hiện nay đang đặt Việt Nam vướng
vào những rủi ro, mà nghiêm trọng nhất là có thể làm Việt Nam khó có thể giữ được
thế cân bằng trong quan hệ nước lớn nếu không tìm được những đối sách phù hợp.
Do đó, việc nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc,
thù địch về khả năng xác lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ
là cần thiết, cấp bách. Việt Nam cần phân tích những sai trái của các quan điểm
này:
Thứ nhất, việc xác lập quan hệ “Đối tác chiến lược” với Mỹ có thực sự ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc và giảm áp
lực của nước này với Việt Nam?
Những quan điểm cho rằng, Việt Nam
cần nhanh chóng xác lập quan hệ “Đối tác chiến lược” với Mỹ để đối phó với những
tham vọng của Trung Quốc dựa trên các lập luận chủ yếu là: nếu có được điều đó
Trung Quốc sẽ không dám chèn ép Việt Nam và nếu xung đột, chiến tranh giữa hai
nước thì Mỹ sẽ bảo vệ Việt Nam. Việt Nam cần phải tỉnh táo nhìn nhận, quan điểm
này chỉ là sự suy diễn với mệnh đề “nếu - thì” không có cơ sở bảo đảm. Việt Nam
không nên ảo tưởng rằng, khi có quan hệ “Đối tác chiến lược” với Mỹ, thì Trung
Quốc không dám “làm gì”Việt Nam là do đã có Mỹ bảo vệ. Chắc chắn điều này sẽ
không bao giờ xảy ra.Vì, trong quan hệ quốc tế hiện nay các quốc gia đều để cao
lợi ích của mình, mà lợi ích của Mỹ với Trung Quốc lớn gấp nhiều lần lợi ích với
Việt Nam. Nên lôgic chắc chắn là Mỹ và không bao giờ vì Việt Nam mà đánh mất lợi
ích với Trung Quốc.
Thứ hai, có đúng Mỹ đã “bật đèn xanh” và sẵn sàng ký đối tác chiến lược"
với Việt Nam?
Trong thời gian qua, những thông điệp từ phía
Mỹ gửi đến Việt Nam qua các nhiệm kỳ tổng thống đã có những điều chỉnh. Ví dụ,
tại buổi tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phòng Bầu Dục trong chuyến thăm
Mỹ năm 2015, Cựu Tổng thống Barack Obama đã khẳng định là Mỹ không tìm cách
thay đổi chế độ Việt Nam. Đồng thời trong chuyển đến thăm Việt Nam năm 2016,
ông Obama đã quyết định bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Tổng thống
Donald Trump đã hai lần đến thăm Việt Nam nhưng hầu như không có phát biểu điều
gì chỉ trích về vấn đề nhân quyền, dân chủ như những người tiền nhiệm. Còn Bộ
trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper trong buổi nói chuyện tại Học viện Ngoại giao
(Việt Nam) cũng khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của các nước đồng
minh và đối tác, nhất là Việt Nam, để đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội phát triển
kinh tế khu vực”. Nhưng tất cả những điều này không nói đến việc Mỹ đã sẵn sàng
ký “Đối tác chiến lược” với Việt Nam, mà chỉ phản ảnh là nước này đang lôi kéo
Việt Nam để kiềm chế Trung Quốc.
Tóm lại, mặc dù giữa Mỹ và Việt
Nam vẫn còn có nhiều khác biệt về một số vấn đề chính trị, kinh tế, như về mức
thâm hụt thương mại hay vấn đề nhân quyền, tuy nhiên, những khác biệt này sẽ
không làm chệch hướng mối quan hệ hợp tác đang phát triển mạnh mẽ giữa hai nước.
Điều quan trọng là Việt Nam cần kiên trì thực hiện nguyên tắc và tư tưởng chỉ đạo
chiến lược trong quan hệ với nước lớn, nhất là trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.
Đồng thời Việt Nam cũng cần nhận diện và đấu tranh phản bác các nội dung sai
trái, xuyên tạc, thù địch về mối quan hệ với Hoa Kỳ, cần bình tĩnh, tỉnh táo,
linh hoạt theo đúng phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong đối ngoại. Làm
tốt những điều này cho phép Việt Nam tin tưởng chắc chắn về mối quan hệ đối tác
giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ trong những năm tới sẽ tiến triển tốt đẹp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét