Pages - Menu

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

LỢI DỤNG TRANG MẠNG XÃ HỘI ĐỂ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH ĐỐI VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

 

Internet và mạng xã hội ngày càng phát triển và đây là xu hướng của thế giới. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Mạng xã hội và internet ở Việt Nam hiện nay phát triển rất mạnh. Đây chính là cơ hội và cũng là thách thức của chúng ta. Các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng các trang mạng xã hội đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta. Vậy trang mạng xã hội có nguồn gốc từ đâu? Các thế lực thù địch lợi dụng nó như thế nào? Trách nhiệm, thái độ của chúng ta trong việc nhận thức và đấu tranh chống lại sự lợi dụng đó?

Sự ra đời của trang mạng xã hội: Facebook là một trong những trang mạng xã hội lớn trên mạng Internet (Zalo, OTT, Uber...), ra đời 04/02/2004, tác giả MarkZuckerberg sinh viên năm thứ 2 đại học Harvard, ban đầu chỉ dành cho thành viên thuộc đại học Harvard, sau hơn 1 tháng, 50% sinh viên Harvard sử dụng dịch vụ; sau 10 tháng, 5,5 triệu người đã dùng Facebook. Tháng 1/2011,hơn 600 triệu người trên thế giới có tài khoản Facebook.

Ở Việt Nam hiện có khoảng hơn 30 triệu người sử dụng Internet(chiếm tỉ lệ 34,1% dân số Việt Nam và bằng 1,4% dân số thế giới; đứng thứ 8 trong khu vực Châu Á và thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines) và hơn 100 triệu thuê bao điện thoại di động, khoảng 25 triệu người sử dụng facebook.

Mạng xã hội - một thực tế tất yếu trong xã hội hiện đại: Mạng xã hội là một thực tế không thể chối bỏ trong xã hội hiện tại. Nó giúp các cá nhân bộc lộ cảm xúc, kết nối, chia sẻ với nhau, với cộng đồng thông qua những ứng dụng của internet. Mạng xã hội là một phương tiện cần thiết, phù hợp nếu mỗi người hiểu vàbiếtsử dụng nó đúng cách.Tuy nhiên, sử dụng mạng xã hội thế nào cho đúng cách, không bị các thế lực thù địch lợi dụng là điều mà mỗi người sử dụng mạng xã hội phải thực sự quan tâm.

Thời gian gần đây, nhiều người sử dụng mạng xã hội, đã đưa lên trang cá nhân của mình (blog cá nhân)những điều mà khi đọc, khi xem, phần lớn cộng đồng đều phản đối, thậm chí lên án. Có những người dùng những từ ngữ, xưng hô không phù hợp, kém văn hóa; có người đưa hình ảnh phản cảm, tục tĩu, trái thuần phong mỹ tục; có người nêu ý kiến, quan điểm cực đoan, lạc lõng, gây chia rẽ đoàn kết xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật… Có thể sẽ vẫn tiếp tục có những việc tương tự xảy ra nếu như người dùng facebook không biết tiết chế, điều chỉnh bản thân mình.

Một số thủ đoạn của các thế lực thù địch trên mạng xã hội:

Internet, môi trường tồn tại của mạng xã hội đang xóa nhòa khoảng cách địa lý. Những động thái dù là nhỏ nhất của một quốc gia, thậm chí của một cá nhân, cũng ngay lập tức được cập nhật trên các trang mạng xã hội(facebook, Zalo, OTT, Uber...). Lợi dụng điều này, các tờ báo, trang tin phản động liên tục cập nhật thông tin về những mặt còn tồn tại trong xã hội, “nhào nặn” thông tin với mục đích phá hoại, rồi tung lên các trang mạng xã hội.

Lợi dụng sự phát triển của các trang mạng xã hội, sự cả tin của một số người, tâm lý đám đông của những người sử dụng mạng xã hội, các trang báo, trang tin đã liên tục đổi mới phương thức hoạt động. Dùng mạng xã hội đăng tải bài viết; kết bạn với những người sử dụng mạng xã hội trong nước để đưa thông tin thật, giả lẫn lộn, nhằm tạo ra sự nghi hoặc và kích động người sử dụng mạng xã hội là chiêu trò mà các thế lực thù địch sử dụng để đẩy mạnh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở Việt Nam.

Nhận thức rõ bản chất của các tổ chức, những trang thông tin, những diễn đàn trên mạng khi cố tình xuyên tạc thông tin, là rất cần thiết. Bởi vì, từ khi internet phát triển mạnh ở Việt Nam, các thế lực phản động lợi dụng internet để tán phát,“tung” những thông tin sai trái, bóp méo sự thật không chỉ xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, kỷ luật của quân đội, hạ thấp uy tín, danh dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội,gây mất đoàn kết nội bộ, chia rẽ lòng dân…  mà còn gây nhiễu loạn thông tin, tạo sự phân tâm trong xã hội, gieo rắc sự hoài nghi, bi quan, chán nản, thất vọng, thậm chí mất phương hướng, mơ hồ về chính trị ở một bộ phận cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là những người thường xuyên tiếp cận với phương tiện này.

Những người có dụng ý và hành động như vậy, có thể gọi là tội phạm không gian ảo. Tội phạm không gian ảo là nhóm tội phạm có thể bị xếp vào nhóm những nguy cơ đe dọa an ninh cao với đất nước.

Sự nguy hiểm của những thông tin kiểu “mập mờ đánh lận con đen” của các thế lực thù địch. Tác hại của thông tin sai trái, độc hại là rất lớn; nó không chỉ gây bất lợi cho sự ổn định an ninh chính trị mà còn làm ô nhiễm môi trường thông tin xã hội.

Những cách thức của các thế lực thù địch:

Các thế lực và các nhóm phản động, bất mãn đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tạo dựng các website cá nhân, lập diễn đàn, lập các trang fanpage để tạo nội dung, chia sẻ và trích dẫn ở khắp nơi trong môi trường truyền thông trên internet.

Để thu hút người truy cập, trong giai đoạn đầu, những nhóm quản trị các trang web, các diễn đàn này đã cố gắng tổng hợp, đăng tải các tin tức từ nguồn báo chí chính thống và các nguồn tin từ nước ngoài theo kiểu có vẻ “khách quan”. Khi đã thu hút một số lượng công chúng truy cập thường xuyên, chúng cài dần các thông tin xấu độc, theo tỷ lệ tăng dần cả về số lượng và mức độ bịa đặt, bóp méo sự thật. Luận điệu phản động, sai trái cũng sẽ tăng dần. Chính vì thế, nhiều người truy cập mạng, đặc biệt là giới trẻ, chỉ đọc báo mạng thông qua đường dẫn (link) của bạn bè trên mạng xã hội, dễ dàng “mắc mưu” của các thế lực thù địch, dễ bị dẫn dắt và bị động trong việc tiếp nhận thông tin xấu độc.

Cần nhận rõ những thủ đoạn ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch: Thuê người làm dữ liệu giả (ảnh, video clip, audio hiện trường) để đưa lên mạng xã hội, các diễn đàn. Đây là một thủ đoạn khá thông dụng hiện nay, các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng để xuyên tạc sự thật, cung cấp thông tin sai lệch về các cá nhân,...; dùng kỹ thuật và công nghệ để chỉnh sửa dữ liệu cũ, chỉnh sửa hình ảnh, cắt ghép, tạo bằng chứng và thông tin giả; tự bịa ra các bài phỏng vấn nhân vật, sự kiện, bịa đặt các trang hồ sơ liên quan đến các nhân vật nổi tiếng, các nhà lãnh đạo, thân nhân của họ và kích thích trí tò mò của công chúng bằng “thông tin lề trái, thông tin bí mật”.

Cách thức mà các thế lực phản động sử dụng nhiều nhất trong thời gian gần đây là: Kết bạn với những người dùng facebook, chủ yếu là những người có uy tín, các nhà báo, trí thức, những người có ảnh hưởng trong cộng đồng mạng… tìm chọn trích dẫn những câu nói, phát biểu, bình luận của họ về một vấn đề nào đó, sau đó đưa vào bài phân tích và bóp méo, xuyên tạc sự việc theo ý đồ của họ.

Trách nhiệm của người tham gia mạng xã hội:

Mạng xã hội là một sản phẩm văn minh của công nghệ thông tin, có nhiều tiện ích to lớn trong đời sống hiện đại. Thế nhưng nếu chủ quan, đơn giản, nhiều người sẽ bị “lạc lối” trên mạng xã hội, thậm chí nguy hiểm hơn là vô hình trung gián tiếp tán phát những thông tin xấu độc, hoặc rò rỉ thông tin bí mật Nhà nước, gây hại cho cộng đồng; thậm chí tiếp tay cho các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước…

Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ và Thông tư số 09/2014/BTTTT ngày 19-8-2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Trong đó có nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng mạng xã hội như: Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; giả mạo tổ chức, cá nhân và tán phát thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… Còn không ít người dùng mạng xã hội chưa nắm vững các quy định này nên đã có sai phạm. Đây là vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới.

Với cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, việc sử dụng mạng xã hội không bị cấm như ở nhiều quân đội trên thế giới, nhưng Bộ Quốc phòng cũng đã có Thông tư số 110/BQP quy định cụ thểvề sử dụng mạng xã hội. Trong đó, mỗi quân nhân phải chú ý việc không được sử dụng mạng xã hội với tư cách quân nhân; không đăng tải, tán phát thông tin về hoạt động của các đơn vị quân đội, để lộ thông tin về quân số, vũ khí trang bị, biên chế tổ chức, hoạt động tác chiến, nghiệp vụ… Các quân nhân không được để lộ, lọt thông tin bí mật quân sự, không sử dụng mạng máy tính, thiết bị của cơ quan, đơn vị quân đội truy nhập mạng xã hội…

Mạng xã hội với đặc trưng nổi bật mang tính cá nhân, tính tương tác cộng đồng cao nhưng lại là không gian ảo rất khó kiểm chứng, kiểm soát thông tin và các mối quan hệ. Vì vậy, người sử dụng mạng xã hội phải luôn tỉnh táo, có bản lĩnh vững vàng để không bị “lạc lối”. Đặc biệt, với người dùng là cán bộ, đảng viên, công chức, người tham gia các đoàn thể xã hội thì việc dùng mạng xã hội tuy chỉ là trang cá nhân nhưng có thể gây ảnh hưởng tới uy tín của tập thể, đoàn thể họ đang công tác. Việc đăng tải những thông tin, hình ảnh liên quan đến đơn vị mình hoạt động nếu thiếu cân nhắc có thể gây ra những nguy hại khôn lường.

Người sử dụng mạng xã hội cần nhận diện những trang báo, trang thông tin, những diễn đàn trên mạng xã hội đã và đang hàng ngày liên tục đăng tải những thông tin xấu độc;cần phải thận trọng, cảnh giác, sàng lọc thông tin. Không nên đăng tải, chia sẻ thông tin từ những trang web, trang mạng xã hội không rõ nguồn gốc… vì những thông tin này rất khó kiểm chứng. Chỉ từ một đường link bịa đặt của một đối tượng xấu được đài, báo hải ngoại dẫn lại; không ít trang mạng xã hội trong nước đã chia sẻ, gây dư luận xấu, sự hoang mang trong dư luận.

Mặt khác, việc dẫn nguồn, chia sẻ thông tin từ các trang báo điện tử, mạng xã hội phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Người dùng mạng xã hội không được dùng trang cá nhân chia sẻ, tổng hợp như một trang thông tin điện tử và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời bình luận, những thông tin đi kèm đường link mình chia sẻ; phải tự chắt lọc thông tin cho mình vì mạng xã hội không phải là kênh thông tin chính thống; phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra;phải tự trang bị kiến thức để chống lại những thông tin xấu, độc hại trên mạng, không để thông tin xấu lung lạc.

 Thời gian qua, còn một số cán bộ, đảng viên vi phạm; chưa nhận thức đúng tính chất nguy hiểm của “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ; thậm chí có người còn phụ họa theo những quan điểm sai trái. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên, cần gương mẫu chấp hành nguyên tắc, điều lệ của Đảng, nhất là quán triệt và chấp hành nghiêm 19 điều đảng viên không được làm.

V.I. Lênin từng căn dặn chúng ta rằng: “Không có kẻ thù nào, dù là hung bạo nhất có thể chiến thắng được những người cộng sản, ngoại trừ chính họ tự tan rã, chính những lỗi lầm của họ và họ không kịp sửa chữa”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XI) cũng nhấn mạnh: “Chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng”. Những biểu hiện sai lệch trên mạng xã hội cần được cảnh báo và xử lý.

Lợi dụng trang mạng xã hội để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng nước ta, với những âm mưu, thủ đoạn và cách thức không có gì mới, nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi. Do đó,sử dụng mạng xã hội thế nào cho đúng cách, không bị các thế lực thù địch lợi dụng, đòi hỏi mỗi người phải luôn tỉnh táo, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng internet nói chung, các trang mạng xã hội nói riêng.

Vấn đề: Lợi dụng trang mạng xã hội để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam là vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn nữa để chúng ta có đủ cơ sở ngăn chặn, đánh thắng sự lợi dụng, chống phá của các thế lực thù địch.

P.T.H-H2

1 nhận xét: