Ngày nay không gian mạng
đang phát triển sôi động hơn tất cả những gì đang diễn ra trong thực tiễn bởi sự
hỗ trợ trực tiếp của công nghệ thông tin hiện đại. Thế giới được kết nối, liên
kết, truyền dẫn rất nhanh chóng các loại thông tin vừa đa diện, vừa đa chiều; cả
thế giới giường như đang được thu nhỏ trong chiếc smartphone, làm cho khoảng
cách về mặt địa lý giữa người với người xích lại gần hơn. Việc giao lưu giữa
các quốc gia, dân tộc, các nền văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội được tiến
hành nhanh chóng đã làm cho các nước, các dân tộc hội nhập với nhau một cách mạnh
mẽ, nhưng chính nó cũng đang có những tác động tiêu cực đến các mặt của đời sống
chính trị, xã hội của tất cả các nước, trong đó nước ta không phải là một ngoại
lệ. Trước tình hình đó, để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc yêu cầu các học viện,
Nhà trường, đặc biệt là đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý luận Mác -
Lênin cần nâng cao chất lượng giảng dạy, gắn giảng dạy lý luận Mác - Lênin với
việc phê phán văn hóa độc hại trên không gian mạng, đấu tranh chống lại những
quan điểm, tư tưởng sai trái, xấu độc nhằm nâng cao lý tưởng cách mạng cho đội
ngũ cán bộ, học viên ở Nhà trường.
Văn hóa có vai trò đặc
biệt quan trọng đối với đời sống xã hội, nó là những giá trị cốt lõi, có chức
năng định hướng, chi phối mọi hoạt động của các chủ thể trên tất cả mọi lĩnh vực
kinh tế - xã hội; là cơ sở để xác lập các giá trị đạo đức, lối sống, nhân văn,
nhân ái, tôn trọng quyền con người, quyền công dân; tạo động lực nội sinh cho sự
phát triển trường tồn của mỗi quốc gia, dân tộc. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc
lần thứ XII Đảng ta đã nhận thức rõ vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của
đất nước: “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội,
là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững
chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[1]. Mặc dù vậy, hiện
nay văn hóa Việt Nam đang chịu những tác động rất mạnh từ bên trong và bên
ngoài làm cho những giá trị văn hóa bị tha hóa vì những tác động của cái xấu và
cái ác. Những yếu tố tác động mạnh nhất đến văn hóa chính là những tệ nạn từ kinh
tế - chính trị - xã hội. Trên không gian mạng nhiều bài viết đã phản ánh nền
kinh tế Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc; tỷ lệ nợ công
cao; sự chuyển đổi mô hình phát triển vẫn rất lúng túng và chậm trễ, tình trạng
tham nhũng, tham ô, hối lộ dù đã được đấu tranh nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng
lại; các hiểm họa từ môi trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên vẫn chưa được
kiểm soát; giáo dục, y tế đã và đang để lại nhiều vấn đề làm cho nhân dân chưa
hài lòng... Những vấn đề đó đang thực sự làm nhiễu loạn thông tin, gây ra sự
hoang mang trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, chiến sỹ, nhân dân.
Đối với đội ngũ cán bộ,
học viên các Học viện, Nhà trường Quân đội, đứng trước sự tác động từ sự phát
triển của không gian mạng tất cả những gì mà xã hội thu nhận được nó cũng tác động
trực tiếp đến đội ngũ cán bộ, học viên, chiến sỹ, nhân viên. Trước tình hình
đó, để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng về công tác văn hóa yêu
cầu phải có sự tham gia của đông đảo đội ngũ Đảng ủy, Ban giám hiệu, các cơ
quan chức năng, các Khoa... trong đó, đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý
luận Mác - Lênin phải là lực lượng tiên phong, đi đầu trong quá trình thực hiện
nhiệm vụ này; phải lên mạng khai thác thông tin, nắm bắt tình hình, vừa qua các
bài giảng, vừa tham gia vào lực lượng 47 đấu tranh, phản bác các quan điểm xấu,
độc đối với văn hóa truyền thống của nước ta. Để làm được điều đó, yêu cầu đội
ngũ cán bộ, giảng viên giảng dạy các môn lý luận Mác - Lênin phải thực hiện tốt
một số yêu cầu sau:
Một là, phải nắm vững và
đánh giá đúng tác động của không gian mạng đến vấn đề văn hóa ở nước ta hiện
nay. Không gian mạng đang trở nên hấp dẫn độc giả và chiếm ưu thế so với các loại
phương tiện lưu giữ, truyền dẫn thông tin khác. Bởi vì, các trang mạng đều tận
dụng triệt để tiện ích của nó là: nhanh, rẻ, tiện lợi; cập nhật thông tin liên
tục và sử dụng nhiều hiệu ứng đồ họa bắt mắt, tập trung sự chú ý; giật tít gây
sự chú ý, tò mò của độc giả... những vấn đề đó đã lôi cuốn người đọc đi theo
các trang mạng và dần dần trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của
độc giả và buộc họ phải lệ thuộc vào các trang mạng đó.
Với đặc thù của không
gian mạng như trên, văn hóa truyền thống Việt Nam đang bị tác động rất mạnh,
làm xói mòn, biến tướng, ngoại lai. Trong đời sống hằng ngày ngôn ngữ bị lai
căng; các mối quan hệ, trật tự xã hội bị đảo lộn; ăn, mặc, ở đều có xu hướng
theo đồ ngoại; phim, nhạc ngoại tràn lan... Vì vậy, để chống lại những tác động
tiêu cực đó, phải bắt đầu từ môi trường giáo dục mà trước hết là từ không gian
mạng. Điều đó, đòi hỏi đội ngũ giảng viên các Học viện, Nhà trường Quân đội phải
chủ động đi đầu, tích cực thông qua không gian mạng đưa bài giảng, đưa những
quan điểm đúng đắn, khoa học, phù hợp với đường lối, chính sách văn hóa của Đảng,
Hiến pháp, Pháp luật của Nhà nước lên các trang thông tin như mạng wesite, mạng
LAN, trang của lực lượng 47... qua đó, kích thích người đọc, học viên hứng thú
với các giá trị văn hóa truyền thống, thấy trân trọng, muốn giữ gìn, bảo vệ,
phát triển.
Hai là, thông qua không
gian mạng giúp cho người học nhận diện được các quan điểm sai trái, các thông
tin xấu độc đối với văn hóa truyền thống dân tộc.
Các quan điểm sai trái,
các thông tin xấu độc về văn hóa thường được ngụy trang, đi kèm những thông tin
đã được xác nhận qua thực tiễn, hoặc đó là những thông tin chưa rõ ràng, được
giải thích bằng phương pháp ngụy biện; có thể trực tiếp phản ánh sai lệch,
xuyên tạc một số việc làm, một số chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp,
Pháp luật của Nhà nước về văn hóa, cũng có thể chỉ bàn đến một mặt, một yếu tố
nào đó của đời sống xã hội, phải qua khâu trung gian mới nhận thấy mức độ nguy
hiểm của nó đang phá hoại văn hóa dân tộc, phá hoại nền tảng tư tưởng, chính trị
của toàn Đảng, toàn dân ta. Cho nên quá trình giảng dạy các môn lý luận Mác -
Lênin, giảng viên phải giúp cho người học nhận diện được đâu là quan điểm sai
trái, đâu là quan điểm, thông tin xấu, độc; đâu là thủ đoạn sử dụng các phương
pháp ngụy biện để minh chứng cho các thông tin của họ... Thông thường, những
thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc đều rất dễ nhận diện bởi mục đích của
các thế lực thù địch là nhằm chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, Pháp luật của Nhà nước, phá vỡ
khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng thường bắt đầu từ việc ly gián Đảng với dân,
quân với dân, Quân đội với Công an; nói xấu, hạ thấp uy tín của cán bộ lãnh đạo
của Đảng; từ một vài cá nhân vi phạm pháp luật, vi phạm về văn hóa, lối sống, đạo
đức, họ quy chụp cho cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, chúng còn trực tiếp
đưa ra những nét văn hóa đồi trụy, cổ xúy cho những thói hư, tật xấu, ăn chơi
sa đọa của một bộ phận những người có tiền để họ khoe khoang, thể hiện đẳng cấp.
Điều đó gây ảnh hưởng, tổn thương đến đến suy nghĩ, tình cảm của nhân dân lao động
vất vả, nó cũng tác động rất xấu đến truyền thống văn hóa của người dân Việt
Nam vốn chịu thương, chịu khó. Vấn đề này cần được phê phán một cách trực tiếp,
đó là kiểu văn hóa chụp dật, sống không biết ngày mai, do mặt trái của kinh tế
thị trường mang lại và có một số kẻ đang bám vào đó để trục lợi.
Ba là, khai thác, lựa chọn
thông tin đưa vào bài giảng phải là thông tin xác thực, mang tính thời sự cao.
Giảng dạy các môn lý luận
Mác - Lênin phải gắn với những vấn đề chính trị - xã hội, văn hóa đang diễn ra
sôi động trong thực tiễn; giảng viên phải thường xuyên quan tâm đến những vấn đề
đang diễn ra trong thực tiễn và lấy thực tiễn là ví dụ minh họa cho bài giảng
sinh động và thuyết phục học viên. Trên các trang mạng phản ánh nhanh nhất, đầy
đủ nhất các mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, thông tin trên các trang mạng
thường rất đa dạng, có những thông tin vô bổ, có những thông tin hữu ích, có
thông tin sai trái, xấu độc... Do đó, yêu cầu giảng viên giảng dạy các môn lý
luận Mác - Lênin phải biết lựa chọn và khai thác thông tin có giá trị để bài giảng
có sức thuyết phục, nâng cao tính khoa học, tính chiến đấu.
Để khai thác thông tin
trên các không gian mạng phục vụ giảng dạy có hiệu quả, cần lựa chọn kỹ lưỡng
những thông tin nổi bật, những thông tin nóng về văn hóa, tư tưởng, chính trị;
những thành tựu khoa học mới nhất; trong đó vừa chọn thông tin chính thống,
khoa học đã được kiểm chứng, vừa lựa chọn các thông tin sai trái, xấu độc để so
sánh, đối chứng. Bằng kỹ năng và phương pháp sư phạm, giảng viên sử dụng thông
tin, thành tựu khoa học mới để chứng minh cho tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm nổi bật tính ưu việt của đường lối, quan điểm
toàn Đảng, toàn dân ta đang thực hiện; làm nổi bật những nét văn hóa nhân văn của
dân tộc đang góp phần định hướng cho đất nước phát triển ngày một tốt đẹp hơn.
Bên cạnh đó, khi lựa chọn và sử dụng thông tin trên mạng minh họa cho bài giảng,
phải thể hiện rõ lập trường, quan điểm mácxít, tránh hiểu nhầm hoặc tuyên truyền
cho kẻ địch. Trong các bài giảng cần nhấn mạnh yếu tố văn hóa truyền thống đặc
thù, lấy đó làm điểm chung, điểm tự hào của dân tộc, biến nó trở thành nền tảng,
thành động lực thúc đẩy các mặt kinh tế, chính trị, xã hội phát triển.
Trong bối cảnh không
gian mạng đang phát triển mạnh mẽ và tác động ngày càng gay gắt đến văn hóa, tư
tưởng, chính trị, an ninh, trật tự của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta như hiện
nay, yêu cầu phải nâng cao chất lượng giảng dạy, tính khoa học, kỹ năng sư phạm
và thường xuyên cập nhật tri thức mới vào bài giảng; thường xuyên lên mạng theo
dõi, phản bác các thông tin xấu độc; đồng thời phải gắn giảng dạy với bồi dưỡng
người học có khả năng nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, các
thông tin xấu độc, phản văn hóa phá hoại văn hóa, truyền thống dân tộc, chống
phá Đảng, Nhà nước ta trên không gian mạng, góp phần làm thất bại chiến lược
“diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết toàn
dân tộc Việt Nam, phá bỏ đường lối độc lập dân tộc gắn với xây dựng chủ nghĩa
xã hội ở nước ta hiện nay.
Trịnh Anh Tuấn - BMAV2
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam
(2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, HN,
tr.126.
học tập để nâng cao cảnh giác với chiêu trò của các thế lực thù địch
Trả lờiXóaGiảng dạy gắn với đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, phản động!
Trả lờiXóa