Pages - Menu

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2020

TÊN GỌI THÂN THƯƠNG "BỘ ĐỘI CỤ HỒ"


Cách đây hơn bảy mươi năm, ngày 22-12-1944, trước yêu cầu của cách mạng Việt Nam, thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Ra đời và lớn lên trong phong trào cách mạng, dưới sự lãnh đạo, giáo dục của Đảng và Bác Hồ, sự đùm bọc nuôi dưỡng của nhân dân, quân đội ta không ngừng phát triển lớn mạnh, cùng dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên những mốc son chói lọi ở thế kỷ XX.


          Lật lại những trang sử oanh liệt và hào hùng của dân tộc, hình tượng người lính với nhiều tên gọi khác nhau: anh vệ quốc quân, anh bộ đội, anh giải phóng quân… nhưng tựu trung đều là người lính từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân sẵn sàng hy sinh… Tất cả hội tụ, kết tinh thành danh hiệu cao quý “Bộ đội cụ Hồ”. Danh hiệu ấy vừa hết sức giản dị, vừa gần gũi thân thương, trở thành biểu tượng cao đẹp trong lòng nhân dân Việt Nam về một mẫu người, một nhân cách văn hóa Việt Nam

Hiếm có dân tộc nào trên thế giới mà cả nước đều là “đồng bào”, gọi lãnh tụ của mình là Bác, gọi Đại tướng Tổng Tư lệnh của mình là “người anh Cả” và gọi lực lượng vũ trang của mình là “Bộ đội Cụ Hồ”. Đó là niềm tự hào, là giá trị độc đáo và biểu tượng thiêng liêng của dân tộc.

Tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” do nhân dân trìu mến gọi hàm ý biết bao sâu sắc. Danh xưng đó đã khiến những người lính Cụ Hồ mãi giữ được tuổi thanh xuân. Đó còn là niềm vinh dự cho Tổ quốc Việt Nam đối với toàn thế giới bởi lẽ tên gọi thân thương ấy đã nói đầy đủ được ý nghĩa của một đội quân “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh”. Sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam khiến không một thế lực thù địch nào ngăn cản nổi cũng từ đó mà ra.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng tiết lộ, thời gian trước Cách mạng Tháng Tám, đồng bào ta vẫn gọi các đơn vị vũ trang là “Bộ đội Ông Ké”, "Bộ đội Ông Cụ”. Nhưng sau này khi biết tên Ông Cụ là Chủ tịch Hồ Chí Minh nên nhân dân ta đã chuyển cách gọi “Bộ đội Ông Cụ” thành “Bộ đội Cụ Hồ”. Cứ như vậy, tên gọi thân thương đó từ chiến khu Việt Bắc đã lan rộng ra cả nước từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Lý giải về xuất xứ của tên gọi ý nghĩa này, Đại tướng chỉ rõ:

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vô cùng kính mến của dân tộc và của Đảng ta. Người là hình ảnh tiêu biểu cho tất cả những giá trị cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Những gì gắn bó với cuộc đời Người, được Người chăm lo đều có ý nghĩa cao quý vô cùng. Vì vậy, nhân dân ta muốn gọi quân đội của mình phải là “Bộ đội Cụ Hồ”.

Thứ hai, đó là sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của quân đội ta. Người là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Người đã khai sinh ra quân đội ta với “Bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”. Người chăm lo từng bước đi lên của quân đội, giáo dục chiến sĩ, khuyên bảo cán bộ. Thương bộ đội chiến đấu gian khổ mà Người thức trắng đêm… Mỗi bước trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta đều gắn với sự giáo dục và rèn luyện của Người nên nhân dân gọi “Bộ đội Cụ Hồ” cũng là điều rất tự nhiên.

Thứ ba, do chính bản thân các chiến sĩ quân đội ta, ngay từ đầu mới thành lập, cho đến những năm tháng chiến đấu và trưởng thành đã luôn tỏ ra xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng, của nhân dân. Cán bộ và chiến sĩ đã thực hiện tốt những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu thương và quý trọng đồng bào, chiến đấu dũng cảm gắn bó mật thiết với nhân dân, nêu cao đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

Hình ảnh “Anh bộ đội Cụ Hồ” trở thành một mẫu hình về con người mới xã hội chủ nghĩa, có lý tưởng cao đẹp, có đạo đức trong sáng. Khắp các nẻo đường của Tổ quốc, hành quân và chiến đấu, đi tới bất cứ đâu bộ đội ta đều được đồng bào tin yêu, đùm bọc và giúp đỡ. Bộ đội ta đã trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, luôn luôn làm theo lời Bác dạy nên được đồng bào trìu mến gọi là “Anh bộ đội Cụ Hồ”.

Tại cuộc họp mặt đầu tiên của cán bộ, chiến sỹ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân còn sống và đang cư trú tại Hà Nội năm 1994, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp vẫn được gọi bằng cái tên trìu mến “Anh Văn”, đã nói những lời rất xúc động: “Đến đây, tôi cứ mải nhìn các anh, các chị. Ừ, sao bây giờ chúng mình tuổi đã cao cả mà vẫn cứ là các anh, các chị, không gọi là các cụ ông, cụ bà? Bé Hồng ngày đánh Phai Khắt năm 1944 mới 13 tuổi, nay đã ngoại 60 mà vẫn cứ là Bé Hồng. Đây là cách gọi rất hay, hễ đi làm cách mạng là mọi người giữ được mãi tuổi thanh xuân”.

Những nét đặc trưng cơ bản của “Bộ đội Cụ Hồ” được gói gọn trong lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-1964) là: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

76 năm qua, quân đội ta có sự thay đổi về tên gọi từ “Giải phóng quân”, tới “Vệ quốc đoàn” rồi đến “Quân đội quốc gia” và đến giờ vẫn là “Quân đội nhân dân Việt Nam”, thế nhưng những người lính vẫn luôn được nhân dân ta gọi bằng cái tên trìu mến “Bộ đội cụ Hồ”. Đó thực sự là điều kỳ diệu, có thể nói danh xưng “Bộ đội cụ Hồ” đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân và đi vào những trang sử hào hùng nhất và là niềm tự hào của mỗi người chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình, phát triển quân đội không vì mục đích gây chiến tranh hay xâm lược, chúng ta xây dựng và phát triển quân đội theo đường lối “tự vệ, phòng ngừa”. Điều này đã được lịch sử và thế giới ghi nhận. Vì vậy, trong thời gian tới, lực lượng quân đội cần được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư và hiện đại hóa một cách toàn diện. Trong đó, cần đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa Hải quân và Không quân nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng quân đội. Có như vậy, Quân đội nhân dân Việt Nam mới đủ sức nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cách mạng do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó để tiếp tục xứng đáng với tên gọi gần gũi mà cao quý là “Bộ đội cụ Hồ” mà nhân dân Việt Nam đã trao tặng.

ST: C-Đ-T

1 nhận xét: