Trên thế giới hiện nay vấn đề dân
tộc đang hết sức nóng bỏng và diễn biến phức tạp, mang tính thời sự sâu sắc, là
nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng bất ổn ở một số nước và khu vực. Các thế
lực phản động quốc tế đã và đang triệt để lợi dụng sự trỗi dậy của chủ nghĩa
dân tộc, chủ nghĩa tộc người kích động chia rẽ, ly khai dẫn tới nhiều cuộc xung
đột đẫm máu mang màu sắc dân tộc cực đoan ở một số quốc gia trên thế giới.
Trong nước ta, các thế lực thù địch đã và đang triệt để lợi dụng vấn đề mâu
thuẫn trong nội bộ nhân dân, các vướng mắc trong quan hệ tộc người mà lịch sử
để lại… từ đó kích động gây mất an ninh trật tự xã hội, thậm trí gây bạo loạn ở
một số địa phương.
Việt Nam là một quốc gia có 54 dân
tộc anh em cùng sinh sống, kề vai sát cánh với nhau, “chung lưng đấu cật” trong
suốt quá trình dựng nước và giữ nước, qua hàng ngàn năm lịch sử. Đồng bào các
dân tộc ở nước ta vốn có truyền thống đoàn kết lâu đời, đoàn kết trong đấu
tranh chống thiên tai, địch hoạ và trong xây dựng đất nước. Nhằm phát huy hơn
nữa truyền thống tốt đẹp đó góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh,
"dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", Đảng, Nhà
nước ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc
có vị trí chiến lược quan trọng lâu dài trong sự nghiệp cách mạng ở nước ta.
Trong mỗi giai đoạn cách mạng Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đề ra những chủ
trương, chính sách cụ thể phù hợp để giải quyết tốt các vấn đề dân tộc, nhằm
phát huy cao nhất sức mạnh của cả đại gia đình Việt Nam vào sự nghiệp giải phóng,
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhằm thực hiện
tốt chính sách dân tộc trong thời kỳ mới, Đảng ta đã vạch ra các nhiệm vụ và
giải pháp của công tác dân tộc. Đảng ta dựa trên nền tảng cơ sở lý
luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những luận điểm về vấn đề
dân tộc và thực tiễn tình hình dân tộc, công tác dân tộc thời gian qua đã chỉ ra
một số nhiệm
vụ và giải pháp cơ bản để thực hiện chính sách dân tộc trong thời kỳ
phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước.
Một là, “phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xoá đói,
giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn bản sắc văn hoá, tiếng nói, chữ
viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc”.
Phát triển
kinh tế, trước hết cần tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội,
phát triển sản xuất hàng hoá... Vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã
hội có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc thúc đẩy sự phát triển của nền
kinh tế, phát triển sản xuất hàng hoá để từng bước nâng cao đời sống của nhân
dân và đặc biệt là với vùng dân tộc và vùng miền núi. Trong giai đoạn hiện nay
vùng dân tộc, vùng miền núi nhất là vùng sâu vùng xa kết cấu hạ tầng kinh tế -
xã hội còn hết sức lạc hậu, đó cũng chính là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát
triển kinh tế - xã hội còn chậm chạp, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó
khăn. Đồng thời phải bằng nhiều chủ trương, biện pháp, tiến hành một cách đồng
bộ từ Trung ương xuống địa phương, như khai thác tiềm năng thế mạnh của từng
vùng, thu hút đầu tư...thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Chỉ có sự phát
triển mạnh mẽ, có hiệu quả của kinh tế mới có điều kiện để chăm lo đời sống vật
chất và tinh thần của nhân dân, xoá đói, giảm nghèo.
Mở mang dân trí, giữ gìn làm giàu
và phát huy bản sắc văn hoá, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc
cũng là một nhiệm vụ cấp bách. Hiện nay yêu cầu về nguồn lực con người đặt ra
rất cao nhằm vào phục vụ tốt nhất cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất
nước nói chung, cho phát triển vùng dân tộc và miền núi nói riêng. Trong những
năm qua nền giáo dục của nước ta đã được cải cách và nâng cao chất lượng nhiều
mặt, đã góp phần nâng cao dân trí, tuy nhiên nhìn chung mặt bằng dân trí ở vùng
dân tộc và miền núi còn thấp. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi nước ta đẩy
mạnh phát triển kinh tế - xã hội, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, sự giao lưu
giữa các nền văn hoá gia tăng. Nhu cầu về nguồn lực con người có chất lượng cao
là rất lớn, đòi hỏi phải có các biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đào
tạo. Và cần phải có các biện pháp bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc nếu
không rất dễ bị phôi phai hoặc trở thành thứ văn hoá lai căng lố bịch. Phát
triển kinh tế đồng thời phải hết sức coi trọng bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn
hoá dân tộc, tuyệt đối không coi phát triển kinh tế bằng mọi giá.
Hai là, “qui hoạch phân bổ sắp xếp lại dân cư, gắn phát triển kinh tế với bảo đảm
an ninh, quốc phòng”.
Việt Nam ta hiện nay là một nước có
qui mô dân số lớn, mặt khác sự phân bố không đồng đều gây ảnh hưởng không tốt
tới việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Do vậy Nhà nước cần có chiến lược
về qui hoạch phân bổ sắp xếp lại dân cư cho phù hợp, đưa dân ở những vùng có
mật độ quá đông lên những vùng dân cư còn thưa thớt. Tuy nhiên việc xây dựng và
triển khai thực hiện kế hoạch, qui hoạch phải mang tính khoa học cao, định
hướng ở tầm chiến lược, không chủ quan duy ý chí. Phải tính toán một cách đầy
đủ đến mọi vấn đề, giải quyết được mọi vấn đề xã hội, thúc đẩy phát triển kinh
tế - xã hội, nâng cao mọi mặt đời sống nhân dân, góp phần củng cố và bảo đảm
tăng cường an ninh, quốc phòng.
Gắn phát triển
kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng chính là nói đến mối quan hệ chặt chẽ
giữa hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc. Hai nhiệm vụ này có mối quan hệ chặt chẽ không tách rời, Đảng ta đã khẳng
định: trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta
không một chút lơi lỏng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Phát triển kinh tế chính là
nhằm nâng cao đời sống nhân dân tăng cường tiềm lực, sức mạnh cho đất nước đồng
thời cũng là tăng cường sức mạnh cho quốc phòng an ninh. Ngược lại quốc phòng
an ninh có vững chắc mới tạo điều kiện cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã
hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Quá trình thực hiện chính sách
dân tộc nói riêng, đường lối phát triển kinh tế - xã hội nói chung phải chú ý
gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng. Đồng bào các dân tộc
thường sống ở vùng sâu vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, đời sống còn thiếu
thốn... nhưng những vùng đó lại là những vùng có ý nghĩa to lớn về quốc phòng
và an ninh. Do đó phải coi trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao
mọi mặt đời sống của nhân dân, đồng thời luôn nêu cao cảnh giác tăng cường xây
dựng củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững
chắc.
Ba là, “thực hiện chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trí thức
là người dân tộc thiểu số”.
Tích cực thực hiện chính sách ưu
tiên trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số, đây là
chính sách mang ý nghĩa hiện thực to lớn, đóng góp trực tiếp vào việc nâng cao
chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước. Mặc dù thời gian qua Đảng, Nhà nước đã
có nhiều chủ trương, biện pháp quan tâm hỗ trợ để thúc đẩy giáo dục phát triển
nhưng hiện nay nhìn chung mặt bằng dân trí ở các vùng dân tộc và miền núi còn
rất thấp. Do vậy thời gian tới cùng với nhiều biện pháp mang tính đồng bộ Đảng,
Nhà nước ta tiếp tục tích cực thực hiện chính sách ưu tiên trong việc đào tạo
bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số. Cần phát triển và mở rộng hệ thống trường
dân tộc nội chú, thực hiện chế độ cử tuyển cao đẳng, đại học, cộng điểm trong
thi tuyển cho con em đồng bào dân tộc và học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng gặp
nhiều khó khăn. Trong quá trình đào tạo thực hiện các chính sách ưu tiên về nơi
ăn, ở, học phí, học bổng…đặc biệt chú trọng chất lượng giáo dục đào tạo thực
chất, chú ý quan tâm sắp xếp việc làm tại địa phương cho con em đồng bào sau
khi tốt nghiệp. Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: cán bộ là cái gốc của công
việc, công việc thành công hay thất bại là do cán bộ. Muốn thúc đẩy phát triển
kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc và miền núi, một vấn đề hết sức cần thiết là
phải có đội ngũ cán bộ có đủ đức, đủ tài, phải khắc phục triệt để tình trạng
đội ngũ cán bộ người dân tộc vừa thiếu vừa yếu, như hiện nay.
Bốn là, “cán bộ công tác ở vùng dân tộc
thiểu số và miền núi phải gần gũi, hiểu biết phong tục, tập quán, tiếng nói của
đồng bào dân tộc, làm tốt công tác dân vận.”
Xuất phát từ vai trò to lớn của
quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung và sự nghiệp
xây dựng phát triển kinh tế văn hoá, xã hội vùng dân tộc và miền núi nói riêng.
Công tác vận động quần chúng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đưa
đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, tổ chức thực hiện các
chủ trương của chính quyền địa phương. Người cán bộ ở bất cứ cương vị nào, thực
hiện chức trách nhiệm vụ gì ngoài những phẩm chất và năng lực cần có theo
chuyên ngành công tác đều cần phải có khả năng thực hiện tốt công tác vận động
quần chúng. Đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ công tác ở vùng dân tộc và miền núi
muốn làm tốt công tác vận động quần chúng đòi hỏi phải gần gũi, hiểu biết phong
tục, tập quán, tiếng nói của đồng bào dân tộc. Vùng dân tộc và miền núi có
những đặc điểm mang tính đặc thù, do vậy công tác công tác dân vận cũng mang
tính đặc thù. Gần gũi, hiểu biết phong tục, tập quán, tiếng nói của đồng bào
dân tộc là điều kiện trọng yếu để có thể làm tốt công tác dân vận, đồng thời
các nội dung đó có mối quan hệ chặt chẽ với nhau không tách rời. Hiểu biết
phong tục, tập quán, tiếng nói của đồng bào dân tộc là cơ sở để có thể gần gũi
và tiến hành tuyên truyền vận động với quần chúng nhân dân, đồng thời phải gần
gũi quần chúng nhân dân mới có điều kiện để hiểu biết phong tục tập quán, tiếng
nói của người dân. Muốn làm tốt công tác vận động quần chúng trước hết người
cán bộ phải gần gũi, hiểu biết phong tục, tập quán, tiếng nói của đồng bào dân
tộc, đồng thời học tập và làm theo phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân,
học dân và có trách nhiệm với dân”; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Thực hiện tốt
chính sách dân tộc trong thời kỳ mới, đòi hỏi mỗi người dân đều phải có nhận
thức đúng đắn về vấn đề dân tộc, cần tỉnh táo trước những thông tin xấu độc,
xuyên tạc trên các trang mạng xã hội nhằm gây chia rẽ dân tộc, mất ổn định an
ninh chính trị. Đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, phát huy tinh thần tương thân
tương ái và tích cực đấu tranh trước những âm mưu thủ đoạn gây chia rẽ dân tộc
của các thế lực thù địch.
=Tia chớp=
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét