Pages - Menu

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2020

THẾ HỆ TRẺ HIỆN NAY CẦN TỈNH TÁO TRƯỚC NHỮNG ÂM MƯU CHỐNG PHÁ CỦA KẺ THÙ

 


Trước sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, đã tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của con người nói chung và thế hệ trẻ nói riêng. Đây chính là cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng công nghệ truyền thông và mạng xã hội tác động lên tâm lý hòng lôi kéo, kích động, làm phai nhạt lý tưởng cách mạng của thế hệ trẻ. Chúng đăng tải nhiều tài liệu có nội dung phản động, thông tin lập lờ, suy diễn, không đúng bản chất, với dụng ý xấu, như: phủ nhận những thành quả của đất nước, dân tộc, bôi nhọ lãnh tụ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng…, tạo ra các diễn đàn trên mạng để nhiều người trẻ truy cập và định hướng bình luận theo hướng tiêu cực, nhằm gieo rắc sự hoài nghi, chán nản, dẫn tới mất phương hướng chính trị. Phát tán các ấn phẩm đồi trụy, bạo lực, cổ súy cho lối sống thực dụng làm tha hóa con người, khơi dậy ham muốn bản năng, chạy theo hưởng lạc, không chịu học tập, làm việc và cống hiến. Căn bệnh “nhạt Đảng, khô Đoàn, chán chính trị” đang là hiện trạng có thật của một số ít người trẻ tuổi. Khi sự ham muốn bản năng trở thành mục đích duy nhất thì tất yếu dẫn đến sao nhãng quá trình học tập và rèn luyện; sự bồng bột, thiếu thực tế, dễ dao động, dễ bị lôi kéo, ảnh hưởng của lối sống đua đòi, dẫn đến một bộ phận giới trẻ coi trọng lối sống vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần. Họ bàng quang, vô cảm, không đấu tranh chống cái sai và cũng không ủng hộ, bảo vệ cái đúng; không ít thanh niên chưa thực sự vững tin vào tương lai phát triển của đất nước, giảm sút ý chí phấn đấu vươn lên, ngại khó khăn, gian khổ, lệch lạc trong suy nghĩ và hành động.

Bên cạnh đó, họ đưa lên các thông tin hạ thấp, bôi nhọ danh dự cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước; khoét sâu vào những vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong xã hội để hướng luồng dư luận và kích động lớp trẻ tỏ thái độ bất mãn với cái mà chúng gọi là “thảm kịch của đất nước”. Đặc biệt ở những địa bàn nhạy cảm, trước các sự kiện chính trị, xã hội lớn, như: các ngày kỷ niệm, trước thềm đại hội Đảng các cấp,... các thế lực thù địch tăng cường tuyên truyền, xúi giục thanh niên chống đối chính trị, hoặc tham gia các hoạt động gây rối, làm mất an ninh trật tự.

Đáng tiếc, thời gian gần đây đã xuất hiện một số trí thức trẻ, học sinh, sinh viên cũng bị ảnh hưởng bởi những chiêu trò ấy. Họ chưa hiểu được bản chất của vấn đề nhưng do bị kích động nên bức xúc và đăng lên các bình luận, hùa theo tư tưởng phản động, nói xấu chế độ, đề cao cái gọi là “xã hội dân sự”, “tự do ngôn luận”,... mà không biết đã mắc bẫy các thế lực thù địch. Hậu quả là, vì một phút nông nổi, kém hiểu biết mà một số bạn trẻ vô tình “nối giáo cho giặc” trở thành người hại nước, hại dân và đã bị xử lý theo quy định nghiêm minh của pháp luật.

Đối với sinh viên và đội ngũ trí thức, các thế lực thù địch tăng cường móc nối, lôi kéo một số du học sinh, nghiên cứu sinh đang học tập, công tác ở nước ngoài để mua chuộc, lợi dụng, tuyên truyền phản động: phủ định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nói xấu Đảng, nói xấu chế độ…. Đồng thời, chúng đẩy mạnh tăng học bổng, hỗ trợ kinh phí, liên kết đào tạo, thẩm thấu những “giá trị” xã hội tư bản một cách tự nhiên, nhưng rất thâm độc, nhằm nuôi dưỡng đội ngũ này với âm mưu làm thay đổi chế độ ở Việt Nam trong tương lai. Họ gieo rắc vào giới trẻ khái niệm “cấp tiến”, “tự do”, “dân chủ” vô tổ chức, bất chấp luật pháp, tung hô những ý kiến “phản biện” ảo tưởng, xa rời thực tiễn.

Hậu quả là một số bạn trẻ đã “sập bẫy”, hoài nghi, phủ nhận quan điểm, đường lối của Đảng và thành quả cách mạng; tự đề cao cái tôi cá nhân, lối sống vị kỷ, cá biệt có trường hợp tha hóa về nhân cách, trở thành công cụ đắc lực cho các thế lực thù địch. Với những thay đổi tinh vi cả về thủ đoạn và sách lược của các thế lực thù địch nhằm “tẩy não” làm chuyển hóa tư tưởng, dẫn tới quá trình “tự diễn biến” ở lớp người đang là rường cột, tương lai của đất nước, nếu thanh niên không được trang bị lý luận, nhận thức đúng để đủ sức “đề kháng” sẽ gây hậu quả khó lường.

KLL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét