Tham gia
lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là một chức năng, nhiệm vụ chính trị quan
trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài của quân đội ta; là sự kế thừa truyền
thống của dân tộc và là biểu hiện sinh động của quan điểm kết hợp kinh tế với
quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối
cảnh hiện nay, khi đất nước ta đã hoàn toàn độc lập, toàn Đảng, toàn dân, toàn
quân ta đang ra sức thi đua đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá
đất nước, thì việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của quân đội trong hoạt động
tăng gia sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế càng có ý nghĩa đặc biệt quan
trọng. Nghị quyết 520-NQ/ĐUTW (ngày 25/9/2013) vê “lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây
dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng của Quân đội đến năm 2020” đã chỉ rõ: “Tham
gia sản xuất, xây dựng kinh tế là một nhiệm vụ chiến lược của quân đội nhằm duy
trì năng lực sản xuất quốc phòng, góp phần tăng cường khả năng sẵn sàng chiến
đấu. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, quân đội phải phấn đấu là một trong
những nguồn nội lực của đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá
và là lực lượng nòng cốt giải quyết các vấn đề quốc phòng - an ninh, kinh tế -
xã hội trên các địa bàn chiến lược, nơi biên giới, hải đảo, vùng biển đặc quyền
kinh tế”.
Không phải đến giai đoạn hiện nay Đảng và Nhà
nước mới chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của quân đội trong xây dựng và
phát triển kinh tế mà vấn đề này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chú
trọng đẩy mạnh ngay từ khi quân đội ta mới được thành lập. Mặc dù đánh giặc cứu
nước là nhiệm vụ chủ yếu, song bên cạnh đó, quân đội cần phải tích cực đẩy mạnh
tăng gia sản xuất để đáp ứng phần nào nhu cầu sinh hoạt của mình. Theo Hồ Chí
Minh, đó là việc làm thiết thực nhằm đối phó có hiệu quả với các hoạt động bao
vây, phong toả của kẻ thù đối với nền kinh tế nước nhà; đồng thời, làm giảm bớt
phần nào gánh nặng của nền kinh tế trong việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu về
lương thực, thực phẩm cho bộ đội. Tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất
(năm 1952), Bác chỉ rõ: “Các cơ quan trong
quân đội phải cố sức trồng trọt, chăn nuôi để tự túc phần nào, để giảm bớt gánh
nặng của nhân dân. Tuy công việc chuyên môn vẫn là chính nhưng phải cố sức tăng
gia”[1].
Với tác phong sâu sát, tỉ mỉ, Bác không chỉ yêu cầu các đơn
vị trong quân đội “Phải thực hành tự cấp, tự túc bằng cách thiết thực, bằng
tăng gia sản xuất”[2],
mà Người còn chỉ rõ cách thức tiến hành tăng gia sản xuất, thực hành tự cấp, tự
túc đối với mỗi đối tượng cụ thể, sát với đặc điểm tình hình, tính chất và yêu
cầu nhiệm vụ của mỗi đối tượng. Trong tác phẩm “Đời sống mới”, Bác viết: “Bộ
đội cũng phải tăng gia sản xuất. Cố nhiên những bộ đội ở trước mặt trận, phải
luôn luôn lo việc đánh giặc, không có thì giờ đâu mà làm việc khác. Song, những
bộ đội ở hậu phương thì cần làm, và quyết làm được. Tuỳ theo hoàn cảnh mỗi bộ
đội, hoặc làm vườn, nuôi lợn, hoặc làm giúp dân. Có lúc bộ đội chia phiên nhau,
lớp đánh giặc, lớp làm ruộng làm vườn, để tự cấp tự túc, không phiền đến dân cả
mọi việc”[3].
Tư tưởng đó của Người chính là sự kế thừa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo kế sách
“ngụ binh ư nông”, “động vi binh, tĩnh vi dân” của tổ tiên ta đã đúc kết trong
suốt chiều dài lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc.
Theo Chủ
tịch Hồ Chí Minh, các đơn vị thường xuyên cơ động, nay đây mai đó cũng cần phải
tích cực tăng gia sản xuất. Trong dịp đến thăm đoàn xe đầu tiên của quân đội
(3/1951), Bác căn dặn: “Các chú phải tranh thủ tăng gia để có thêm rau ăn. Dù
nay đây mai đó cũng cần tăng gia. Mình không ăn thì để cho đơn vị khác ăn, nhân
dân ăn. ở đâu và ai cũng làm như thế nhất định có thêm nhiều thức ăn cải thiện”[4].
Và ngay cả các đơn vị đóng quân nơi biên giới, hải đảo cũng cần đẩy mạnh tăng
gia sản xuất. Khi về thăm cán bộ chiến sĩ Hải quân tại căn cứ Vạn Hoa
(13/11/1962), Bác căn dặn: Là chiến sĩ Hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo
như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp,
vừa có lợi cho mình, vừa có ích cho đất nước. Sau khi đi thăm các vườn cây, bãi
cát trên đảo, Bác góp ý với cán bộ chỉ huy ở đây: không nên để lau lách mọc
nhiều như vậy, nên cuốc đất trồng rau, trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, vừa có gỗ
dựng doanh trại, dùng cành cây làm củi đun, lại có bóng mát cho đảo, cho bộ đội
có nơi nghỉ ngơi... Bác khuyên bộ đội cần
học tập ngư dân ở đây tự bắt lấy cá mà ăn, làm bẫy săn bắt thú. Mùa nắng chuẩn
bị cái ăn cho mùa mưa bão, bắt biển cả phục vụ con người.
Tăng gia sản xuất theo quan niệm của Bác bao giờ cũng gắn
liền với tiết kiệm. Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm có mối quan hệ
chặt chẽ với nhau, làm điều kiện, tiền đề cho nhau. Do đó: “Mọi thứ đều phải
tiết kiệm, tăng gia mà không tiết kiệm thì vô ích. Tiết kiệm mà không tăng gia
thì lấy gì mà tiết kiệm”, “sản xuất mà không tiết kiệm thì khác nào gió vào nhà
trống”, “Chỉ trên cơ sở tăng gia và thực hành tiết kiệm mới cải thiện sinh hoạt
cho nhân dân, cán bộ, quân đội”[5].
Theo Bác, mục đích của tiết kiệm “không phải là bớt ăn mà là thêm ăn, làm cho
bộ đội no”[6],
“Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái
nống”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm
không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết
kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng
cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân”[7].
Thực hiện lời dạy đó của Người, các đơn vị trong toàn quân đã và đang dấy lên
phong trào thi đua tăng gia sản xuất sôi nổi, rộng khắp gắn với cuộc vận động
50 về “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm
và an toàn giao thông”. Qua đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần
trách nhiệm trong quản lý, sử dụng các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật được giao
và luôn nhận thức sâu sắc rằng, việc sử dụng tiết kiệm, hợp lý về nhân lực, vật
lực, cơ sở vật chất kỹ thuật và tài chính mà Đảng và Nhà nước giao cho quân đội
quản lý, sẽ tác động tích cực đến sự nghiệp xây dựng nền kinh tế đất nước trên
cả hai bình diện: một mặt, góp phần làm tăng thêm tiềm lực quân sự và sức mạnh
quân sự của đất nước. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để bảo vệ vững chắc nền
hoà bình, an ninh quốc gia, tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và
phát triển kinh tế của đất nước. Mặt khác, sẽ làm giảm mức huy động sức người,
sức của từ nền kinh tế cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội. Nhờ
đó mà tiềm lực mọi mặt của đất nước tập trung được nhiều hơn cho nhiệm vụ phát
triển kinh tế-xã hội.
Quán
triệt tư tưởng của Hồ Chí Minh và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về
quân đội với nhiệm vụ lao động sản xuất, làm kinh tế, 76 năm qua, đặc biệt là
những năm gần đây, trong khi đặt trọng tâm vào nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo
vệ Tổ quốc, quân đội ta đã tích cực tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế và đã
đạt được những thành tích, kết quả quan trọng trên nhiều mặt. Thực hiện nhiệm
vụ làm nòng cốt xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, vừa tham gia phát triển
kinh tế - xã hội, vừa củng cố quốc phòng - an ninh trên các địa bàn chiến lược
(vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo), trong những năm qua, quân đội ta đã
xây dựng được nhiều khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược xung
yếu dọc toàn tuyến biên giới. Các khu KT - QP đã phối hợp với cấp uỷ, chính
quyền địa phương tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp với bố trí lại dân
cư, xây dựng các trạm sản xuất cây giống, con giống phục vụ chương trình khuyến
nông, khuyến lâm; khai hoang trồng rừng; giải quyết việc làm cho người lao động
là người dân tộc thiểu số; thực hiện các chương trình xoá đói, giảm nghèo cho
dân, giúp nhân dân khắc phục thiên tai…từng bước tạo dựng nền kinh tế hàng hoá,
cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng dự án.
Các doanh
nghiệp quân đội - lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất, làm
kinh tế của quân đội tiếp tục được sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt
động. Trình độ quản lý, điều hành hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của
các doanh nghiệp quân đội từng bước được nâng lên. Kết quả hoạt động sản xuất
kinh doanh của các doanh nghiệp quân đội đã góp phần không nhỏ vào việc giữ
gìn, nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của
quân đội và giải quyết một phần nhu cầu chính sách, đời sống của các đơn vị.
Các đơn vị
thường trực sẵn sàng chiến đấu cũng thường xuyên đẩy mạnh tăng gia, trồng trọt,
chăn nuôi, chế biến lương thực, thực phẩm, đánh bắt hải sản và làm một số loại
hình dịch vụ theo quy định. Hầu hết các đơn vị đã tự túc được rau ăn quanh năm,
một số đơn vị còn cải thiện nhu cầu về thịt, cá, đậu phụ trong bữa ăn của bộ
đội. Ngay ở quần đảo Trường Sa, mặc dù điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt
đối với các hoạt động tăng gia, trồng trọt, thế nhưng với tinh thần chủ động,
tích cực các cán bộ, chiến sĩ nơi hải đảo tiền tiêu này đã đẩy mạnh phong trào
tăng gia sản xuất, giải quyết được một phần thực phẩm, rau xanh tại chỗ. Bên
cạnh đó, các cơ sở, trung tâm nghiên cứu khoa học, các học viện, nhà trường,
các bệnh viện quân đội đã phát huy thế mạnh của mình, tổ chức làm dịch vụ
chuyên môn trong phạm vi quy định của Nhà nước và Bộ quốc phòng, hoàn thành tốt
nhiệm vụ chính trị của đơn vị, vừa tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn
cho đội ngũ cán bộ, vừa góp phần ổn định kinh tế - xã hội.
Như vậy, tư
tưởng Hồ Chí Minh về quân đội với nhiệm vụ lao động sản xuất và làm kinh tế đã,
đang và mãi là cơ sở, nền tảng định hướng cho các đơn vị trong toàn quân tiếp
tục thực hiện tốt chức năng của “Đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội
quân lao động sản xuất…”. Những nội dung trên đây tuy chưa thật đầy đủ, song
vẫn chứng tỏ được rằng, quân đội thực sự là một trong những nguồn nội lực của
đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và là lực lượng nòng cốt
giải quyết giải quyết các vấn đề quốc phòng - an ninh, kinh tế - xã hội trên
các địa bàn chiến lược. Trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị trong toàn quân cần
tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tham gia xây dựng kinh tế và lao động sản xuất,
làm ra của cải vật chất cho xã hội và tự giải quyết một phần nhu cầu của quân
đội theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét