Pages - Menu

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

VŨ XUÂN THIỀU – PHI CÔNG ANH HÙNG HY SINH TRẬN CUỐI CÙNG TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG (12/1972)

 


21 giờ 58 phút, sau khi đạt được hướng bay 90 độ, đồng chí Thiều phát hiện bên trái, phía trước một dãy đèn nhấp nháy đang bay vào, đó là đèn tín hiệu của B-52. Anh báo cáo:

- 046 phát hiện quạ đen bên trái 90 độ, 10 km.

Và anh ép độ nghiêng, lao về phía địch.

Ta chủ trương: khi phi công tiếp cận, ngắm bắn, không mở ra-đa trên máy bay để B-52 không phát hiện được MiG bám đuôi. Đồng chí Thiều bám sát và xác định cự li phóng tên lửa bằng quan sát mắt theo đèn tín hiệu của máy bay B-52.

Nhận được báo cáo của đồng chí Thiều cả Sở chỉ huy ai nấy đều cảm thấy phấn khởi. Đồng chí Trần Mạnh nhắc Thiều:

- 046, bật công tắc bắn loạt, kiên quyết tiêu diệt địch!

- Nghe rõ! - Thiều trả lời.

Một phút sau, Sở chỉ huy BI hỏi đồng chí Thiều:

- 046, công tác tốt không?

Không nghe Thiều trả lời. Sở chỉ huy lại gọi tiếp:

- Sông Mã gọi 046! Sông Mã gọi 046!

Nhưng đều không liên lạc được. Mọi cán bộ, chiến sĩ tại Sở chỉ huy tim như ngừng đập. Đồng chí Trần Mạnh nét mặt trầm lại, với kinh nghiêm của người đã từng chỉ huy gần trăm trận đánh, ông hiểu điều gì đó có thể đã xảy ra. Ông chỉ thị cho ra-đa tăng cường sục sạo phát hiện máy bay ta và lệnh cho sĩ quan Tác chiến báo về sở chỉ huy Binh chủng.

Tại Sở chỉ huy Binh chủng, đồng chí Trần Hanh chỉ thị cho các đơn vị mở ra-đa theo dõi, nhưng đều không thấy. Đồng chí Trần Hanh nói chuyện với đồng chí Trần Mạnh và thống nhất nhận định rằng phi công Vũ Xuân Thiều đã bắn B-52 ở cự li gần, do tốc độ quá lớn không kịp thoát li, anh dã lao thẳng vào đội hình B-52 và đã anh dũng hy sinh".

Trận chiến giữa trời đêm diễn ra thật nhanh, thật ngắn ngủi. Và Vũ Xuân Thiều đã làm nên điều phi thường, đã là tấm gương sáng ngời của Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng.

Sáng hôm sau, khi Công Huy bay chuyển từ sân cơ động về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc với tâm trạng còn đang phấn khích về chiến công của Phạm Tuân đêm hôm trước thì sau khi hạ cánh xong, nhận được ngay tin Vũ Xuân Thiều hy sinh. Đứng ở ngoài sân bay, tay giữ phong thư của Thiều mà nước mắt Huy cứ trào ra, ướt đẫm khuôn mặt vốn đã hốc hác trong thời gian tham gia chiến dịch nay trông lại càng hốc hác hơn. Vậy là bức thư đã không bao giờ đến được tay người nhận nữa. Vậy là mọi chuyện bỗng chốc chỉ còn là kỷ niệm. Mới đây thôi, hai anh em còn cùng trong một Trung đội bay đêm, rồi Huy sang Đại đội đánh ngày, Thiều ở lại Đại đội đánh đêm. Cùng một trung đoàn mà đã thấy cách biệt khi người thì hoạt động ban ngày, người lại hoạt động ban đêm. Mới hôm rồi Thiều còn gửi lại cho Huy chiếc áo len của Huy hôm Huy đưa cho Thiều mặc cho đỡ rét, và Thiều cũng mới viết cho Huy xong, tế nhị "thúc giục" chuyện Huy gắn bó với cô sơn nữ. Vậy mà những dòng chữ kia bỗng nhiên đã là những dòng chữ cuối cùng... Vậy mà bây giờ đã âm dương cách biệt...

Thư của người yêu Thiều gửi về, Thiều không bao giờ được đọc nữa và người yêu của Thiều cũng vĩnh viễn không bao giờ nhận được thư Thiều nữa.

Sững, sờ đứng ngoài sân bay với nước mắt giàn giụa trên mặt, Huy không thốt lên được một lời nào cả. Sự mất mát đến đột ngột quá. Và rồi, khi trở về căn cứ, Huy đã lẳng lặng ghi vào đằng sau chiếc phong bì:

Chiều chiều mây phủ Sơn La

Nhớ thương bạn, nước mắt và lộn cơm!

Một ngày sau, anh Phạm Ngọc Lan đã được cử đi Sơn La. Khi đến xã Tạ Khoa, huyện Yên Châu - Sơn La, anh đã gặp anh Phạm Đức Thuận , đại úy - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn bộ binh đang đóng quân ở Cò Nòi. Các anh đã đến tận hiện trường xem xét và tìm cách bảo vệ hiện trường. Phía bên kia đồi là xác của B-52 với những mảnh vỡ cháy xám đen. Phía bên này đồi là MiG-21. Anh Phạm Ngọc Lan đã bàn giao cho anh Thuận mọi công việc và đề nghị anh Thuận cho quân bảo vệ hiện trường và quay về báo cáo Binh chủng.

Anh Phạm Ngọc Lan đã nhận xét và đến tận bây giờ anh vẫn nói: "Thiều đã "húc" vào B-52!". Thiều đã vào trận đánh với tinh thần cảm tử, quyết tiêu diệt bằng được B-52 mới thôi. Một vết thương sâu ở phía sau gáy Xuân Thiều do mảnh của chiếc B-52 văng vào bởi anh bắn quá gần để chắc chắn tiêu diệt được kẻ thù đã làm anh không kịp thoát ra sau công kích.

Xuân Thiều đã thể hiện ý chí sẵn sàng hi sinh thân mình, quyết bắn rơi tại chỗ bằng được "pháo đài bay" của đế quốc Mỹ bằng tinh thần cảm tử và quyết tử để lấy lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân, độc lập thống nhất cho Tổ quốc, và Vũ Xuân Thiều cũng đã làm rạng danh cho dòng tộc họ Vũ cùng quê hương Hải An.

Trong "Lời tuyên dương công trạng của nhà nước với Vũ Xuân Thiều (ở trang 440, cuốn Anh hung lực lượng vũ trang nhân dân - tập 6) có ghi:

"Chiến công của Vũ Xuân Thiều bắn rơi B-52 đã khích lệ tinh thần chiến đấu của toàn Quân chủng, góp phần làm phong phú thêm cách đánh B- 52 của đế quốc Mỹ - có lực lượng yểm hộ mạnh - của Không quân ta. Đồng thời là một kinh nghiệm về cách chỉ huy, dẫn đường máy bay ta đánh đêm. Ghi thêm một chiến công vào trang sử chiến đấu của bộ đội Không quân.

Chiến công của Vũ Xuân Thiều đã góp phần làm thất bại hoàn toàn đợt tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay chiến lược B-52 vào Hà Nội và Hải Phòng... kéo dài 12 ngày đêm, buộc chúng phải ký kết Hiệp định Pa-ri về Việt Nam".

Vũ Xuân Thiều đã hành động giống như các Anh hùng phi công Liên Xô: Gax-te-lô, Ta-la-li-khin... trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại - cảm tử và quyết tử.

Xuân Thiều đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

N.X.C-H1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét