Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân là một trong những nội dung cơ bản trong hệ thống quan điểm của Người về cách mạng Việt Nam; là kết quả của quá trình vận dụng và phát triển sáng tạo những quan điểm, tư tưởng quân sự của chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa và phát triển những di sản văn hoá quân sự đặc sắc của dân tộc, tiếp thu chọn lọc tinh hoa quân sự thế giới. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc và toàn diện hệ thống quan điểm của Người, trên cơ sở đó quán triệt và thực hiện thắng lợi đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Theo quan điểm của Lênin: “Một cuộc
cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”[1],
“Hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của nước ta và của Hồng quân ta như chăm
lo đến con ngươi trong mắt mình…”[2].
Truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc đã thể hiện: khi chiến tranh thì
“tận dân vi binh”, trong thời bình thì “ngụ
binh ư nông”, “khoan thư sức dân để làm kế rễ
sâu bền gốc đó là thượng sách giữ nước”; “lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy”.
Thấm nhuần những quan điểm của chủ
nghĩa Mác-Lênin về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, từ thực tiễn lịch sử dân
tộc và cách mạng Việt Nam Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta phải ra sức bảo vệ Tổ
quốc, bảo vệ hoà bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng”[3].
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nền quốc
phòng của nước ta là nền quốc phòng toàn dân, do toàn dân xây dựng, dựa vào sức
mạnh tổng hợp của toàn thể nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong Tuyên
ngôn
Độc lập, Người đã khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập,
và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem
tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc
lập ấy”[4].
Đồng thời, theo Người chỉ khi nào động viên, tổ chức đông đảo quần chúng tham
gia thì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc mới trở nên vững chắc. Người khẳng định:
“Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh
của toàn thể một dân tộc”[5].
Điều đó có nghĩa là sức mạnh giữ nước vô địch chính là sức mạnh của toàn thể
quần chúng nhân dân, của các mặt cả quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá… chứ không chỉ đơn thuần là sức mạnh quân sự, sức
mạnh của các lực lượng vũ trang.
Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng nền
quốc phòng không chỉ thực sự của dân, do dân, mà còn vì dân. Đó là nền quốc
phòng mang bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, của nhà nước dân chủ
nhân dân. Nền quốc phòng đó không chỉ bảo vệ Tổ quốc mà còn bảo vệ chế độ xã
hội chủ nghĩa; không chỉ chống giặc ngoài mà còn chống cả thù trong, nhằm bảo
vệ lợi ích và phục vụ lý tưởng cao cả của nhân dân ta là hoà bình, độc lập,
thống nhất và chủ nghĩa xã hội. Do đó, mỗi người dân đều phải có trách nhiệm
tham gia xây dựng, củng cố quốc phòng. Muốn vậy, phải hết sức chú trọng công
tác giáo dục tuyên truyền, làm cho quần chúng thấm nhuần đường lối chủ trương
chính sách của Đảng và Chính phủ, nhận rõ âm mưu thâm độc của kẻ thù, thực hiện
sự thống nhất về tư tưởng chính trị, trách nhiệm mỗi người dân trong sự nghiệp
xây dựng, củng cố quốc phòng.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh nền quốc
phòng toàn dân phải gắn với với sức mạnh toàn diện của đất nước, phát huy được
sức mạnh tổng hợp của tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá,
khoa học, kỹ thuật…Trong sức mạnh toàn diện, sức mạnh về quân sự quyết định trực
tiếp đến sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân. Sức mạnh đó được biểu hiện ở khả
năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ
quân; khả năng đề phòng và ngăn ngừa chiến tranh; khả năng chuyển trạng thái
sẵn sàng chiến đấu; khả năng tạo ưu thế về so sánh lực lượng trong chiến tranh.
Mục đích của xây dựng nền quốc phòng toàn dân là chuẩn bị sức mạnh cho cuộc
chiến trong tương lai. Cuộc chiến tranh ấy vẫn là cuộc chiến tranh nhân dân, do
vậy vẫn phải quán triệt quan điểm toàn dân đánh giặc trong đó lực lượng vũ
trang là nòng cốt. Tăng cường sức mạnh quân sự phải phát triển vũ khí trang bị
kỹ thuật, khoa học và nghệ thuật quân sự. Quan tâm xây dựng và phát huy vai trò
nhân tố chính trị tinh thần trong lực lượng vũ trang. Bên cạnh việc chăm lo xây
dựng lực lượng chủ lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất chăm lo đến xây dựng lực
lượng hậu bị, phát triển dân quân, tự vệ rộng khắp mọi nơi.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân
theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách
mạng, chủ động ngăn ngừa, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của chủ nghĩa đế
quốc và các thế lực thù địch. Theo Người “Ngày nào còn bọn đế quốc thì nguy cơ
chiến tranh vẫn còn”[6].
Cho nên chúng ta phải luôn luôn cảnh giác, đề phòng, quyết không chủ quan khinh
địch.
Xây dựng
nền quốc phòng toàn
dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phải
biết phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, xây dựng thế trận quốc
phòng toàn dân ngày càng vững chắc. Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân
tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đề cao tinh thần độc lập tự chủ, tự
cường của nhân dân. Người khẳng định: “Độc lập của Việt Nam luôn nhờ lực lượng
của Việt Nam”, “Trước đây, nhân dân ta đã nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh,
trường kỳ kháng chiến, thì ngày nay chúng ta càng phải nêu cao
tinh
thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng nước nhà”[7]..
Như vậy, xây dựng nền quốc phòng toàn dân theo
tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là toàn dân xây dựng sức mạnh của một hệ
thống, bao gồm tổng thể các tiềm lực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá, khoa
học - kỹ thuật…, một nền quốc phòng ngày càng hiện đại, thế trận quốc phòng
vững chắc, trong đó lực lượng vũ trang giữ vai trò nòng cốt.
Ngày nay,
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực; quán triệt sâu
sắc tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng của Người về xây dựng nền quốc
phòng toàn dân nói riêng, Đảng ta luôn chăm lo, xây dựng nền quốc phòng toàn
dân vững mạnh. Tại Đại
hội XII, Đảng ta đã xác định yêu cầu mới về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là: “Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập, chủ
quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân
dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc dổi mới,sự nghiệp công nghiệp
hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích Quốc gia, dân tộc; giữ vững môi trường hòa
bình, ổn địnhchính trị, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”[8].
Trước yêu cầu mới về Bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi Đảng phải chú trọng xây dựng tiềm
lực kinh tế, quốc phòng vững mạnh; đầu tư thích đáng cho việc phát triển quốc
phòng, từng bước hiện đại hoá quân đội. Đồng thời cũng hết sức tranh thủ những
điều kiện quốc tế thuận lợi tạo môi trường an ninh cho củng cố và tăng cường
quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Chủ động dự báo chính xác các tình huống chiến
lược, thống nhất đánh giá đối tác, đối tượng trong xây dựng nền quốc phòng toàn
dân. Để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc theo tư tưởng Hồ Chí Minh
trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của
Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc
phòng, đồng thời chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quốc
phòng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn
dân trong xây dựng đất nước, củng cố tăng cường quốc phòng. Thường xuyên coi
trọng giáo dục quốc phòng làm cho toàn dân và toàn Đảng, toàn bộ hệ thống chính
trị thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm đối với sự nghiệp quốc phòng
toàn dân, bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp của
đất nước để xây dựng tiềm lực quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh bảo vệ Tổ
quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính
trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại,
sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh và lực
lượng của thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và
an ninh, quốc phòng và an ninh với kinh tế trong các chiến lược, qui hoạch và
kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Phối hợp hoạt động quốc phòng và an ninh
với hoạt động đối ngoại.
Ba
là, coi trọng xây
dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Trong đó, chú ý xây dựng cơ sở hạ
tầng, xây dựng các công trình kinh tế - xã hội phải gắn với quốc phòng để tạo
thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc; gắn thế trận quốc phòng toàn dân với
thế trận an ninh nhân dân. Chú trọng xây dựng thế trận phòng thủ trên các địa
bàn chiến lược quan trọng.
Bốn
là, thường xuyên
chăm lo xây dựng các lực lượng vũ trang, trước hết là quân đội nhân dân theo
hướng “cách mạng chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Xây dựng lực lượng
vũ trang ba thứ quân có trình độ và sức chiến đấu cao. Đồng thời có cơ chế và
chính sách để huy động sức mạnh của cả nước và toàn dân khi phải đối phó với
các tình huống chiến tranh. Trong đó quân đội có số lượng thường trực hợp lý,
chất lượng cao, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, được tổ chức, quản lý và
huấn luyện tốt, có kế hoạch sẵn sàng động viên khi cần thiết. Bộ đội địa phương
và bộ đội Biên phòng được tổ chức phù hợp với đặc điểm tình hình và nhiệm vụ
quốc phòng của từng địa phương, quan tâm thích đáng đến các vùng biên giới,
rừng núi, ven biển, hải đảo. Dân quân tự vệ được tổ chức phù hợp với các thành
phần kinh tế, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các đơn vị hành chính sự nghiệp và
các cơ sở làng, xã (phố, phường). Tăng
cường công tác nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ quân sự, nghệ thuật
quân sự đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.
Năm là, tổ chức tốt sự phối hợp tất cả
các lực lượng, cảnh giác ngăn ngừa, đối phó mọi tình huống có hiệu quả; chủ
động tạo môi trường quốc tế hoà bình, ổn định, tạo thế có lợi cho sự nghiệp bảo
vệ Tổ quốc. Nâng cao hiệu quả hợp tác
quốc tế nhằm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo thế và lực mới
cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Trong
thời kỳ phát triển mới, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn
dân không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn giữ nguyên giá trị và tiếp tục là
ngọn đèn soi sáng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trên
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ta,
trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thuận lợi nhưng cũng còn tiềm ẩn
nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ bất ổn. Để tăng cường sức mạnh quốc phòng
bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống cần nắm vững và
vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng
toàn dân hiện nay.
N.X.T-H1
[1] V.I.Lênin: Toàn tập, tâpp37, Nxb.
Tiến bộ, Matxcơva. 1978, tr.145.
[2] V.I.Lênin: Toàn tập, tâpp44, Nxb. Tiến bộ,
Matxcơva. 1978, tr.368.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.226
[4]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4,
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.3
[5]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4,
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.89
[6]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12,
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.675
[7]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14,
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.28
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, H.2016- Tr.147,148
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét