Pages - Menu

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM LÃNH ĐẠO MỞ RỘNG QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI, CHỦ ĐỘNG VÀ TÍCH CỰC HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ TRONG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI HIỆN NAY

 


Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là một trong những bài học thành công của cách mạng Việt Nam. Chính việc Đảng ta luôn biết phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong quá trình lãnh đạo cách mạng, từ đó đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bài học thành công đó đã được Đảng ta tổng kết tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, trong các kỳ đại hội tiếp theo quán triệt và Đến Đại hội XII, Đảng ta một lần nữa tiếp tục khẳng định: “ thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế ”[1]. Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, để đưa cách mạng Việt Nam phát triển theo đường lối, phương hướng đã được xác định, nhằm xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa(XHCN), Đảng luôn quán triệt và vận dụng sáng tạo bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế.

Đảng luôn phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trên tất cả các lĩnh vực, muốn vậy, Đảng phải tăng cường hoạt động đối ngoại, mở rộng quan hệ quốc tế, đồng thời tích cực tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có tính chất quyết định đến sự phát triển của đất nước. Kinh tế có ổn định và phát triển, mới bảo đảm cho chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, mới xây dựng được một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để đảm bảo cho kinh tế phát triển vững chắc, Đảng ta quán triệt sâu sắc bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, từ đó chúng ta ra sức tranh thủ mọi nguồn lực trong nước như lao động, tài nguyên, sức sản xuất...Đồng thời, Đảng chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Trên cơ sở đó, vừa tranh thủ, tận dụng được sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế về vốn, công nghệ, trình độ quản lý...đồng thời qua đó giữ vững ổn định chính trị-xã hội, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia.

Việc Đảng ta chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế là một tất yếu khách quan, một đòi hỏi của công cuộc đổi mới đất nước. Điều đó được thể hiện, Đảng đã quán triệt sâu sắc quan điểm chủ nghĩa Mác- Lênin về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Về vấn đề này, khi nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản, chỉ ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, Mác đã đưa ra khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”. Ông khẳng định, cách mạng vô sản muốn thành công, các nước phải đoàn kết lại, giai cấp vô sản mỗi nước phải tự vươn lên trở thành giai cấp dân tộc. Lênin kế tục sự nghiệp cách mạng của Mác, trong điều kiện chủ nghĩa tư bản đã phát triển thành chủ nghĩa đế quốc, Lênin khẳng định: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”, có như vậy giai cấp vô sản mới có tạo ra sức mạnh, mới có khả năng chiến thắng chủ nghĩa tư bản. Là học trò xuất sắc của Mác, Ăngghen và Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình tìm đường cứu nước, đã tìm thấy con đường cứu nước duy nhất đúng cho cách mạng Việt Nam-con đường cách mạng vô sản. Người khẳng định: “Cách mạng Việt Nam là một bộ phận trong cách mạng thế giới, ai làm cách mạng trên thế giới đều là đồng chí của dân Việt Nam cả ”. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường trong đấu tranh, xây dựng đất nước. Người nói: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”.[2] Tuy nhiên, Người cũng chỉ rõ cách mạng Việt Nam muốn giành thắng lợi phải biết đoàn kết, tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế. Trong tác phẩm Đường cách mạng, Người nói: “Cách mạng trước hết phải có Đảng cách mạng, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”.[3]

Thực tiến cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo cho thấy, Đảng luôn biết phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Từ đó, chúng ta đã làm nên thắng lợi của cách mạng tháng Tám, đánh thắng hai tên đế quốc to là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta đứng trước những thời cơ, vận hội mới của điều kiện quốc tế, đó là cách mạng khoa học công nghệ trên thế giới phát triển như vũ bão, xu thế hội nhập kinh tế, toàn cầu hoá ngày càng gia tăng, chúng ta đã tạo ra thế và lực mới, từng bước xoá bỏ sự cô lập về kinh tế, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế một cách có hiệu quả.

Thực tế cho thấy, nếu ta không biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, không kịp thời mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác kinh tế trong giai đoạn cách mạng hiện nay, khi đó cách mạng Việt Nam sẽ đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức, thậm chí thất bại. Khi đó, chúng ta sẽ không xoá bỏ được sự bao vây cấm vận của Mỹ và các nước thù địch với ta trước đây, không tạo được môi trường hoà bình, không tranh thủ được các điều kiện thuận lợi của quốc tế để phát triển đất nước. Điều đó đã được chứng minh, trong những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, chúng ta chưa mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, còn dựa vào sự viện trợ, giúp đỡ của các nước XHCN. Khi CNXH trên thế giới bước vào khủng hoảng kinh tế- chính trị, khi đó cách mạng nước ta phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức, có những khó khăn, thách thức tưởng trừng không thể vượt qua.

Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, Đảng đã chủ động và tích cực tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực như: văn hoá, giáo dục, y tế, đối ngoại... Với phương châm mà Đại hội XII đã đề ra: “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”.[4] Từ đó, chúng ta đã giữ vững môi trường hoà bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Để đưa công cuộc đổi mới đi đến thắng lợi, Đảng đã mở rộng quan hệ đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập trong những năm qua đi vào chiều sâu, mang tính ổn định, bền vững. Việt Nam sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao, là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước, các vùng lãnh thổ trên thế giới và các tổ chức quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, chúng ta không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại, thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 nước trên thế giới, tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới WTO, hợp tác kinh tế với các nước ASEAN, các nước châu Á- Thái Bình Dương...củng cố và phát triển quan hệ hợp tác song phương tin cậy với các đối tác chiến lược, với bạn bè truyền thống như: Nga, các nước SNG, các nước trong khu vực Đông Nam Châu Á... Đồng thời, chúng ta từng bước đổi mới thể chế kinh tế, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, đồng bộ nhằm thu hút công nghệ, vốn đầu tư nước ngoài. Tất cả các hoạt động ngoại giao nói trên đều nhằm tranh thủ ngoại lực để phát triển kinh tế đất nước, đồng thời góp phần củng cố hoà bình, giữ vững an ninh quốc gia. Chính những nỗ lực trong chính sách ngoại giao, trong chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, trong những năm qua quan hệ kinh tế giữa nước ta với các nước và các tổ chức quốc tế được mở rộng; việc thực hiện các cam kết về Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thực hiện các hiệp định hợp tác đa phương, song phương khác, đã góp phần tạo bước phát triển mới rất quan trọng về kinh tế đối ngoại. Tuy nhiên, Đảng cũng xác định phải giữ vững nguyên tắc trong quan hệ đối ngoại đó là: “Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực; giải quyết các bất đồng và tranh chấp thông qua thương lượng hoà bình; tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi”. Chúng ta tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi của quốc tế để phát triển đất nước, nhưng phải giữ vững mục tiêu, con đường XHCN mà Đảng, nhân dân đã lựa chọn. Chính những nguyên tắc trong quan hệ đối ngoại đã giúp cho chúng ta vừa tranh thủ được sự ủng hộ giúp đỡ của bạn bè thế giới trong việc phát triển kinh tế đất nước, vừa giữ vững ổn định chính trị, tạo dựng được thế và lực mới, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được tăng lên.

Để thực hiện được mục tiêu đó, Đảng ta chủ trương: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường”. Đồng thời phải thống nhất các quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo trong quá trình hội nhập đó là:

Hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, trong quá trình hội nhập cần phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế của toàn xã hội, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vừa có nhiều cơ hội, nhưng cũng không tránh khỏi những khó khăn, thách thức, do đó cần tỉnh táo, khôn khéo, linh hoạt trong xử lý hai mặt của quá trình hội nhập, để tranh thủ thời cơ, thuận lợi, đồng thời đẩy lùi nguy cơ, khó khăn thách thức.

Phải nhận thức đầy đủ đặc điểm, thực trạng nền kinh tế nước ta, để từ đó đề ra kế hoạch và lộ trình hợp lý, vừa phù hợp với trình độ phát triển của đất nước, vừa đáp ứng các qui định của tổ chức kinh tế quốc tế mà nước ta đang tham gia; tranh thủ những ưu đãi mà thế giới giành cho các nước đang phát triển.

Kết hợp chặt chẽ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với yêu cầu giữ vững quốc phòng và an ninh, thông qua hội nhập để tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia, nhằm củng cố chủ quyền và an ninh đất nước, luôn cảnh giác với những mưu toan thông qua hội nhập để thực hiện ý đồ “diễn biến hoà bình” đối với nước ta.

Để đạt được mục tiêu, quan điểm hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta cần thực hiện tốt các nhiệm vụ đó là:

Phải tiến hành rộng rãi công tác tư tưởng, tuyên truyền, giải thích cho mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức kinh tế, chính trị- xã hội, để nhận thức sâu sắc, tham gia có hiệu quả vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thấy được chủ trương hội nhập của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, tin tưởng vào thắng lợi của quá trình hội nhập.

Tích cực tạo dựng sự đồng bộ về thể chế, pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho quá trình hội nhập đạt kết quả nhanh và bền vững, từ khâu ban hành pháp luật về đầu tư, hợp tác cho đến các văn bản pháp qui, môi trường...đều thể hiện tính đồng bộ, hợp lý, từ đó thu hút đầu tư của các đối tác.

Kết hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm giữ vững đường lối độc lập tự chủ, thực hiện đa phương hoá thị trường và đối tác, tham gia rộng rãi các tổ chức quốc tế. Hoạt động đối ngoại nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo môi trường hoà bình cho quá trình hội nhập. Ngược lại, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc, tạo điều kiện xây dựng đường lối ngoại giao thân thiện giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Gắn quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, từ khâu hình thành kế hoạch, xây dựng lộ trình cũng như việc tổ chức thực hiện, nhằm làm cho quá trình hội nhập không ảnh hưởng tiêu cực tới nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và an toàn xã hội. Chính việc chúng ta tham gia hội nhập kinh tế quốc tế sẽ góp phần củng cố quốc phòng cho đất nước, ngược lại, chúng ta củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc sẽ tạo môi trường thuận lợi cho quá trình hội nhập.

Quá trình mở rộng quan hệ đối ngoại, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đồng thời tranh thủ mọi khả năng đoàn kết, giúp đỡ của quốc tế. Đây là vấn đề thuộc về nguyên tắc của Đảng, nếu không thực hiện nguyên tắc đó, chúng ta sẽ bị chi phối bởi các nước lớn, bị lệ thuộc về kinh tế, dẫn đến lệ thuộc về chính trị. Do đó, trong quá trình hội nhập, Đảng luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường để giữ vững ổn định và phát triển đất nước. Chúng ta luôn khẳng định vai trò to lớn của ngoại lực, sự giúp đỡ của quốc tế, đó là điều kiện để chúng ta vượt qua khó khăn, thử thách. Nhưng không có nghĩa là chỉ có ngoại lực mới đưa đất nước phát triển, mà yếu tố cơ bản, quyết định cho cách mạng Việt Nam phát triển, đó chính là tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, là tinh thần yêu nước, tính sáng tạo, ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn của dân tộc ta. Đó là những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta trong lịch sử, đặc biệt đối với cách mạng nước ta từ khi có Đảng lãnh đạo, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường càng được phát huy hơn bao giờ hết, chính vì thế, cách mạng nước ta luôn vượt qua những khó khăn thử thách tưởng trừng không thể vượt qua. Tuy nhiên, chúng ta cần giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực, nhằm tranh thủ mọi thời cơ, vận hội, đẩy lùi mọi nguy cơ, thách thức, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đưa đất nước phát triển một cách vững chắc trên con đường đổi mới.

Trong việc mở rộng quan hệ đối ngoại, Đảng ta chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhằm giữ vững và củng cố môi trường hoà bình, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới đi đến thắng lợi. Chúng ta nhất quán trong việc giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng thương lượng hoà bình, không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực với các nước trên thế giới. Đồng thời, chúng ta tích cực đấu tranh cho mục tiêu hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chúng ta thiết lập quan hệ với tất cả các nước, các tổ chức trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị- xã hội, từng bước cải thiện quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và các nước Tây Âu, nhằm xoá bỏ thế bao vây, cấm vận, tạo môi trường hoà bình, đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước.

Chúng ta chủ trương phát triển công tác đối ngoại nhân dân, động viên sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, mọi tổ chức trong hoạt động đối ngoại, với phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả”. Thông qua các tổ chức chính trị- xã hội, thông qua vai trò của mỗi cá nhân, từ việc mở rộng giao lưu, hợp tác, đầu tư, viện trợ...để quảng bá cho thế giới biết đến Việt Nam với một thiện chí, một mong muốn hoà bình, hợp tác để phát triển đất nước. Chúng ta tăng cường hợp tác đa phương, song phương, không nhất thiết chỉ diễn ra giữa Chính phủ nước ta với các nước, mà ngay cả giữa các tổ chức, cá nhân với nhau, phát huy vai trò chủ thể và tính năng động của các doanh nghiệp, thuộc mọi thành phần kinh tế trong hội nhập kinh tế quốc tế. Khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài và mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài. Mục đích cuối cùng là tranh thủ vốn, đầu tư của nước ngoài, đồng thời mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương, lấy phục vụ lợi ích cho đất nước làm mục tiêu cao nhất. Mọi hoạt động đối ngoại phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thống nhất của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước với đối ngoại của nhân dân; kết hợp giữa chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại; đối ngoại với quốc phòng và an ninh. Trên cơ sở đó, hoạt động đối ngoại thực sự đem lại hiệu quả trong việc giữ vững ổn định chính trị đất nước, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, tạo môi trường hoà bình, hợp tác để phát triển kinh tế đất nước, kể cả trước mắt cũng như lâu dài, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình và phát triển.

Mở rộng quan hệ ngoại giao, tích cực tham gia hội nhập kinh tế quốc tế trong công cuộc đổi mới là một chủ trương đúng đắn của Đảng, nhằm phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Chính vì sự đúng đắn đó, Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành thắng lợi to lớn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế tăng trưởng khá cao và vững chắc, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, công cuộc đổi mới ở nước ta ngày càng thu được những thành tựu to lớn, con đường đi lên CNXH ngày càng sáng tỏ hơn. Để trong những năm tiếp theo chúng ta tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc đổi mới, chúng ta tiếp tục quán triệt và thực hiện bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, trong đó Đảng chủ trương tiếp tục chính sách đối ngoại rộng mở, chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, tạo thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam.

Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, để củng cố nền hoà bình, tạo môi trường thuận lợi cho mở rộng quan hệ đối ngoại, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta phải tăng cường hơn nữa sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nói chung, của Quân đội nói riêng. Quân đội phải luôn  nêu cao bản lĩnh chính trị trước những khó khăn, thử thách của tình hình thế giới, trong nước; thường xuyên giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; luôn trung thành với lý luận chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với chế độ XHCN trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc mọi thành quả cách mạng.

Quân đội thực sự làm nòng cốt cùng toàn dân kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch hòng lợi dụng chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng, để tiến hành các hoạt động chống phá cách mạng nước ta.

Đồng thời, Quân đội tích cực tham gia lao động sản xuất, làm kinh tế, vừa góp phần cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội, vừa tạo điều kiện cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc trước bối cảnh hội nhập.

Quân đội cần mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, công nghệ, vốn, tích cực, chủ động liên doanh, liên kết, hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong và ngoài nước, xây dựng các doanh nghiệp Quân đội có vốn đủ mạnh, góp phần tăng cường vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tích cực tham gia thẩm định, đánh giá các dự án của các chủ đầu tư, kể cả trong và ngoài nước. Xây dựng các khu vực phòng thủ vững chắc, vừa tạo dựng môi trường thuận lợi cho quá trình hợp tác kinh tế, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng, an ninh với kinh tế, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, Quân đội ta đang thực hiện tốt nhiệm vụ quốc tế, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc tại nam Su Đăng được bạn bè Thế giới đánh giá cao.

Hiện nay đất nước đang mở rộng quan hệ đối ngoại, tích cực chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức, còn không ít những bỡ ngỡ trên con đường hội nhập. Đặc biệt khi chúng ta ra nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, nhiều vấn đề khó khăn, bất cập đặt ra, Quân đội chúng ta cần nhận thức sâu sắc vấn đề, để từ đó khắc phục mọi khó khăn, vững vàng trước mọi  diễn biến phức tạp, kiên định với chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng. Bên cạnh việc tham gia có hiệu quả vào đường lối đối ngoại, chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, Quân đội còn có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân thấu suốt mục tiêu, quan điểm trong chính sách đối ngoại, trong chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, từ đó tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam trên con đường hội nhập kinh tế thế giới. Chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng, chúng ta chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực ngoài nước để phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Tuy nhiên chúng ta không buông lỏng, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, chúng ta vẫn giữ vững định hướng XHCN, giữ vững mục tiêu, con đường mà đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

N.X.T-H1

 

 

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 20016, tr.151.

[2] .Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H.2002, tr.522.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H.2002, tr.268

[4] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 20016, tr.152.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét