Quan điểm phê phán sở hữu
toàn dân về đất đai, cho rằng sở hữu toàn dân về đất đai không tìm được chủ sở
hữu, rằng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai của Việt Nam hiện nay thực chất là
chế độ sở hữu tư nhân không hợp pháp. Cái sai của quan điểm này là tính phi
thực tiễn trong phê phán, thể hiện ở những luận cứ sau đây:
Một là, về luận điểm sở hữu toàn dân không tìm thấy chủ thể trong các
quan hệ pháp lý về đất đai. Có một điều cần nhớ rằng, chế độ sở hữu thực tế, ở
nước nào cũng vậy, là do hệ thống pháp luật quy định, trong đó Bộ luật Dân sự
và Luật Đất đai có vai trò quan trọng xác định chế độ sở hữu đất đai. Luật Đất
đai năm 2013 đã xác định rõ các căn cứ để phân định quyền hạn, lợi ích và trách
nhiệm của người sử dụng đất (người được giao đất và người thuê đất), người đại
diện chủ sở hữu toàn dân và người quản lý đất (cơ quan nhà nước các cấp). Cụ
thể là:
- Người sử dụng đất, bao gồm tổ chức trong nước; hộ gia đình, cá
nhân trong nước; cộng đồng dân cư; cơ sở tôn giáo; tổ chức nước ngoài có chức
năng ngoại giao; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu
tư nước ngoài. Luật cũng quy định rõ cá nhân nào là đại diện pháp lý trong các
giao dịch đất đai của các chủ thể sử dụng đất nêu trên ở Điều 7 và Điều 8.
- Cơ quan nhà nước, cụ thể là Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên
và Môi trường, chính quyền địa phương đã được Luật Đất đai năm 2013 phân định
rõ ràng các quyền hạn và trách nhiệm với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân
về đất đai (từ Điều 13 đến Điều 21 Luật Đất đai năm 2013).
Vậy ý kiến không rõ chủ thể trong giao dịch đất đai là phi thực
tế. Hơn nữa, trong xã hội hiện đại, các quyền của chủ sở hữu có thể phân chia
cho nhiều thể nhân và pháp nhân khác nhau theo các quan hệ pháp lý khác nhau,
như cho thuê, ủy quyền quản lý, cho mượn,... Hầu hết các quan hệ tài sản này
thuộc sự chế định của nhiều luật khác nhau có thể áp dụng vào quan hệ sở hữu
đất đai. Do đó, khi có các xung đột và tranh chấp xảy ra, rõ ràng là có cơ sở
pháp lý để giải quyết. Việc giải quyết trong thực tế không thấu tình, đạt lý
hoặc thiên vị là vấn đề của hệ thống thực thi pháp luật, không thuộc chế độ sở
hữu đất đai.
Hai là, quan điểm cho rằng với các quyền do Luật Đất đai năm 1993 và
Luật Đất đai năm 2013 quy định, người sử dụng đất ở Việt Nam đã là người sở hữu
tư nhân về đất đai. Sai lầm của quan điểm này là ở chỗ quy các quyền sở hữu đất
đai về các quyền của người sử dụng đất.
Theo Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất, có một số quyền
được xã hội, thông qua Luật Đất đai (từ Điều 166 đến Điều 194) giao cho như
sau:
- Được Nhà nước bảo hộ quyền tài sản đối với quyền sử dụng đất
dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài
sản khác gắn liền với đất.
- Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.
- Có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa
kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất.
- Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi.
Tuy nhiên, các quyền này chỉ được thực hiện trong các giới hạn:
- Sử dụng đất theo đúng mục đích sử dụng đất đã được Nhà nước quy
định khi giao hoặc cho thuê đất và theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Nhà
nước. Người sử dụng đất không được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
- Giao và cho thuê đất có kỳ hạn, trừ đất ở.
- Nhà nước có quyền thu hồi quyền sử dụng đất đã giao có bồi
thường cho người bị thu hồi quyền sử dụng đất
- Nhà nước thu tiền sử dụng đất khi giao lần đầu và thu thuế sử
dụng đất.
Như vậy, không tính đến nội dung quản lý đất với tư cách tài
nguyên quốc gia, môi trường sống chung, rõ ràng trong Luật Đất đai năm 2013 có
sự phân chia quyền của chủ sở hữu giữa người sử dụng đất và các tổ chức nhà
nước, theo đó Nhà nước có một số quyền căn bản của chủ sở hữu, như giao, cho
thuê, thu hồi quyền sử dụng đất, thu địa tô tuyệt đối (thuế sử dụng đất) và địa
tô chênh lệch (thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất và thuế giá
trị gia tăng từ đất không do người sử dụng đất tạo ra). Những quyền này phản
ánh lợi ích của chủ sở hữu toàn dân, chủ sở hữu chung là xã hội, là quốc gia,
không thể giao cho tư nhân. Đây là điểm khác biệt thứ nhất của chế độ sở hữu
toàn dân so với chế độ sở hữu tư nhân.
Người sử dụng đất, mặc dù có nhiều quyền của chủ sở hữu trong lĩnh
vực sử dụng đất như hưởng lợi ích từ sử dụng đất (kể cả địa tô chênh lệch do
đầu tư vào đất) nhưng không có quyền đầy đủ của chủ sở hữu như chỉ được nhận
đất do Nhà nước giao hoặc cho thuê, có nghĩa là không phải người chủ duy nhất
của thửa đất. Điều này còn thể hiện rõ hơn trong trường hợp khi xã hội cần thửa
đất đó cho mục đích khác hoặc giao cho người khác, người sử dụng đất buộc phải
giao lại cho Nhà nước mà không được quyền từ chối; người sử dụng đất (trừ đất
ở) chỉ có quyền sử dụng trong thời hạn được Nhà nước giao. Quyền giao tiếp hay
không thuộc về xã hội do cơ quan nhà nước đại diện quyết định; người sử dụng
đất phải sử dụng đất đúng mục đích Nhà nước giao. Đây là điểm khác biệt thứ hai
của chế độ sở hữu toàn dân so với chế độ sở hữu tư nhân.
Những người phê phán chế độ sở hữu toàn dân nhấn vào điểm là sở
hữu toàn dân về đất đai dẫn đến vô chủ và vì vô chủ nên đất được sử dụng không
hiệu quả. Họ cũng lý giải rằng, pháp luật đất đai, vì dựa trên lập trường sở
hữu toàn dân nên không chính danh, không xác lập được quan hệ dân sự trong các
giao dịch về đất đai nên dẫn đến các giao dịch đất đai của nước ta không giống
với thông lệ quốc tế, gây tranh chấp khi có yếu tố nước ngoài. Ở đây chưa bàn
về việc có cho người nước ngoài tự do sở hữu đất đai hay không, nhất là đất sản
xuất, nhưng người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ luật pháp
Việt Nam. Hơn nữa, các nước trên thế giới đâu có một luật đất đai giống nhau.
Những người này cũng lý sự rằng, Nhà nước ta không đủ năng lực quản lý đất đai.
Chính chỗ này cần bàn và cần nỗ lực xây dựng một Nhà nước có khả năng quản lý
đất đai tốt hơn thì họ lại không muốn bàn, vì họ cho rằng, yếu kém của Nhà nước
trong quản lý đất đai với tư cách đại diện cho sở hữu toàn dân là đương nhiên.
Thực tế không phải vậy. Nếu Nhà nước không thể thay mặt xã hội quản lý tài sản
chung thì đừng nói đến quốc gia xã hội chủ nghĩa, mà quốc gia ổn định cũng
không có. Tuy nhiên, để cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức làm tốt nhiệm vụ
của mình thì cần cải cách, đổi mới cơ chế, bộ máy và cán bộ quản lý, không phải
là thay đổi chế độ sở hữu đất đai. Tham nhũng trong đất đai cũng chẳng khác gì
tham nhũng tiền bạc của Nhà nước trong xử lý các quan hệ tài chính giữa cơ quan
nhà nước và cá nhân, doanh nghiệp. Thực chất của những người đả phá sở hữu toàn
dân về đất đai là muốn Nhà nước thu hẹp vai trò trong đời sống kinh tế, loại
trừ vai trò của Nhà nước với tư cách tổ chức thay mặt xã hội và người lao động
bảo vệ lợi ích chung của xã hội và lợi ích của số đông người trực tiếp sử dụng
đất để phát triển kinh tế.
Những người có ủng hộ quan điểm quan điểm đa dạng hóa sở hữu đất
đai dường như có lý hơn khi lý giải hình thức sở hữu phù hợp với đặc điểm của
các thửa đất sử dụng vì các mục đích khác nhau. Họ cho rằng, đất ở, đất sản
xuất gắn bó với người dân lâu dài, là tài sản của họ nên áp dụng chế độ tư hữu
để khuyến khích bảo tồn, đầu tư và sử dụng hiệu quả theo nguyên tắc thị trường
(nghĩa là lĩnh vực nào giá đất cao thì chuyển đất vào đó sử dụng) và hạn chế sự
lạm dụng của cơ quan nhà nước trong thu hồi, giao đất. Tuy nhiên, họ không tính
đến sự phân hóa giàu nghèo như đã nêu ở trên, vì đất ở và đất sản xuất chiếm
hầu hết diện tích đất tự nhiên của quốc gia và cũng là đối tượng gây tranh chấp
nhiều nhất. Hơn nữa, một đất nước, muốn có ổn định căn bản phải bảo đảm an ninh
lương thực, phải sử dụng tổng quỹ đất theo quy hoạch chung hiệu quả. Khi đó,
đất chỉ có thể giao dịch trong khuôn khổ mục đích sử dụng đất theo quy hoạch.
Mà giao dịch quyền sử dụng đất trên thị trường thứ cấp đã được Nhà nước cho
phép và tạo điều kiện thủ tục hành chính ngày càng thông thoáng hơn theo thông
lệ quốc tế. Nói cách khác, do đất đai là một hàng hóa đặc biệt, quyền của chủ
sở hữu đất bị giới hạn nhiều mặt nên thị trường đất đai không thể điều tiết
việc phân bổ đất đai cho các lĩnh vực một cách hiệu quả như các loại thị trường
khác. Đó là chưa nói đến những khuyết tật nói chung của thị trường làm cho nó
không hoàn hảo như mong đợi của những người ủng hộ thị trường tự do, đả phá sự
can thiệp của Nhà nước. Ngược lại, thị trường đất cần có sự quản lý, điều tiết
của Nhà nước mới có thể hoạt động hiệu quả. Thị trường quyền sử dụng đất trong
khung khổ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai tạo đủ dư địa cho điều tiết thị
trường đối với từng loại đất theo quy hoạch của Nhà nước.
Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai không phủ nhận quyền sử dụng đất
của các pháp nhân, như tổ chức tôn giáo, cộng đồng dân bản, tổ chức chính trị,
xã hội khác. Chế độ sở hữu toàn dân chỉ yêu cầu các chủ thể này sử dụng đất
đúng mục đích được giao cũng như bảo hộ lợi ích của chủ sử dụng đối với tài sản
của họ là quyền sử dụng đất. Những quyền khác của chủ sở hữu, như chuyển mục
đích sử dụng hoặc ngăn cản cơ quan nhà nước thu hồi đất vì mục tiêu chung thì
phải trao cho cơ quan đại diện chủ sở hữu toàn dân là Nhà nước. Cách ứng xử như
vậy không khác là mấy ở các nước duy trì chế độ sở hữu tư nhân nếu xét về hiệu
quả và mục đích xã hội của sử dụng quỹ đất quốc gia. Vậy tại sao lại cần đa sở
hữu khi chế độ sở hữu toàn dân đã giải quyết được các quan hệ đất đai và mục
đích sử dụng đất một cách hợp lý.
NTQ-H3
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét