Pages - Menu

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

KHẮC PHỤC ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA QUÂN NHÂN TRONG QUÂN ĐỘI TA HIỆN NAY

 


 

Tôn giáo là một hiện tượng xã hội thuộc đời sống tinh thần của con người, phản ánh hiện thực khách quan một cách hư ảo. Theo lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin: “Bất cứ tôn giáo nào cũng đều chỉ là sự phản ánh hư ảo vào đầu óc người ta những sức mạnh ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh mà trong đó những sức mạnh ở thế gian đã mang hình thức sức mạnh siêu thế gian”[1]. Tôn giáo đã và đang có ảnh hưởng đến cuộc sống một bộ phận con người trong xã hội. Ngày nay, tôn giáo đang là một trong những vấn đề nổi lên rất gay gắt và phức tạp trong cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Việt Nam là một quốc gia có nhiều tín ngưỡng tôn giáo. Tín ngưỡng tôn giáo đã chi phối sâu sắc đến đời sống tinh thần của một bộ phận nhân dân theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Trong những năm vừa qua, nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân ta có xu hướng gia tăng, hoạt động của các tổ chức tôn giáo tiếp tục diễn ra phức tạp, các thế lực thù địch luôn lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta ngày càng thâm độc. Tất cả những tác động đó đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội của nhân dân ta và ngày càng gia tăng trong tình hình hiện nay.

Quân đội ta là một bộ phận của xã hội. Hiện nay, số quân nhân theo các tín ngưỡng tôn giáo chiếm một tỷ lệ đáng kể ở mỗi đơn vị. Hơn nữa, các thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để chống phá, làm giảm sút sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta. Vấn đề đặt ra là phải nhận diện những ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng tôn giáo tác động đến đời sống tinh thần quân nhân Quân đội ta để có các giải pháp khắc phục nó, đây là việc làm cần thiết và cấp bách hiện nay, với một số lý do sau đây:

Tín ngưỡng tôn giáo đã cản trở việc hình thành và phát triển thế giới quan khoa học của quân nhân Quân đội ta.

Thế giới quan tôn giáo là thế giới quan lộn ngược, nó hoàn toàn đối lập với thế giới quan khoa học của chủ nghĩa Mác- Lênin. Theo đó, chức năng chủ yếu và có sức lôi cuốn  của tôn giáo, đó là chức năng đền bù hư ảo. Lênin viết: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Tôn giáo là thứ rượu tinh thần, làm cho những người nô lệ của tư bản mất phẩm cách con người và quên mất hết những điều họ đòi hỏi để được sống một cuộc đời đôi chút xứng đáng với con người”[2]. Tôn giáo sẽ đền bù tất cả những mất mát của tín đồ bằng sức mạnh siêu nhiên. Tôn giáo như là liều thuốc an thần ru ngủ con người, làm dịu bớt nỗi nhọc nhằn đau đớn của con người; sự nguy hại của tôn giáo thông qua chức năng đền bù hư ảo được thể hiện ở chỗ: đối với tín đồ là quần chúng nhân dân lao động (những người bị áp bức bóc lột) thì tôn giáo đã ru ngủ, mê hoặc họ, làm cho họ cam chịu thân phận tôi tớ trong cuộc sống trần gian, kéo họ ra khỏi cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột và tước đi thứ vũ khí mạnh nhất của quần chúng nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh chống các thế lực phản động- đó là ý chí vùng lên đấu tranh.

Tín ngưỡng tôn giáo đã cản trở việc hình thành và phát triển văn hoá, đạo đức của quân nhân Quân đội ta.

Nhiệm vụ trung tâm của việc xây dựng văn hoá, đạo đức quân nhân là bồi dưỡng quân nhân về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, xây dựng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cộng sản, hướng quân nhân tới các giá trị chân, thiện, mỹ; đẩy lùi các tệ nạn xã hội như quan liêu, tham nhũng, mê tín dị đoan; tạo nên các chuẩn mực giá trị đạo đức cơ bản là: Trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa; lao động sáng tạo, tích cực; có lòng yêu nước và tinh thần quốc tế trong sáng; có lòng nhân ái thuỷ chung. Tuy có ảnh hưởng tích cực nhất định, nhưng nhìn chung tín ngưỡng tôn giáo đã cản trở không nhỏ đến sự phát triển văn hoá, đạo đức của quân nhân Quân đội ta.

Tín ngưỡng tôn giáo đã cản trở việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của quân nhân Quân đội ta.

Từ thực tiễn các đơn vị trong Quân đội cho thấy, số quân nhân có tín ngưỡng tôn giáo nhìn chung đều hoàn thành được nhiệm vụ, nhưng mức độ hoàn thành có một bộ phận không cao. Những quân nhân này thường thụ động trong huấn luyện và trong chiến đấu. Họ tiếp thu chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các tri thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học quân sự khó khăn hơn so với quân nhân không theo đạo. Lý do có nhiều nhưng trong đó có lý do có những vấn đề mà không phù hợp với giáo lý, giáo luật của tín ngưỡng tôn giáo, ngay sống theo quan niệm của phật giáo: “Từ bi hỷ xả”, “Không sát sinh”; của Ki tô giáo: “Chớ giết người”, “Sống khổ hạnh”... Do đó, họ có biểu hiện dễ chấp nhận bất công, nhẫn nhục chịu đựng, không dám dùng bạo lực để chống lại cái ác, cái bất công, cầu xin vào sự ban phát may rủi của Chúa trời, Thượng đế, của Đức Phật v.v.. Họ phải đấu tranh tư tưởng giữa các giáo lý, giáo luật, tín điều và lời răn của các chức sắc tôn giáo với các quan điểm, tư tưởng của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng; giữa không sát sinh với tiêu diệt kẻ thù; giữa chấp hành kỷ luật với tham gia những ngày lễ trọng; giữa ăn kiêng với ăn uống đúng, đủ tiêu chuẩn, định lượng để bảo đảm sức khoẻ của bộ đội...Những vấn đề đó đã ít nhiều cản trở quân nhân theo tôn giáo thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

Có thể nói rằng, những ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng tôn giáo tuy chưa đến mức làm biến dạng nền tảng đời sống tinh thần của quân nhân trong Quân đội ta hiện nay, nhưng ở một mức độ nhất định nó đã làm cho thế giới quan khoa học, văn hoá, đạo đức của quân nhân kém vững vàng, thiếu lành mạnh, nó đã ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của người quân nhân cách mạng. Mặc dù chưa phải là vấn đề nóng bỏng như một số tệ nạn xã hội khác, nhưng nếu chúng ta không quan tâm phòng chống đúng mức ngay từ bây giờ thì những ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng tôn giáo sẽ ngày càng gia tăng và gây khó khăn rất lớn cho việc khắc phục sau này.

 Một số giải pháp cơ bản khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng tôn giáo đến đời sống tinh thần quân nhân Quân đội ta hiện nay

Thứ nhất, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nhằm phát triển thế giới quan khoa học, cách mạng cho quân nhân

Tập trung giáo dục quan điểm chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng và Nhà nước. Những vấn đề trên hạt nhân của nó là triết học Mác- Lênin. Chức năng của triết học Mác- Lênin có đa chức năng trong đó chiếm vị trí hàng đầu là chức năng thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng duy vật, chức năng nhận thức, giáo dục, dự báo khoa học, đánh giá, phê phán...Hiện nay, vai trò của triết học trong đời sống xã hội ngày càng tăng biểu hiện: nó là cơ sở thế giới quan, phương pháp luận để phân tích xu hướng phát triển của xã hội hiện đại trong điều kiện cuộc cách mạng và khoa học công nghệ hiện đại đã và đang phát triển mạnh mẽ; là cơ sở lý luận khoa học và cách mạng soi đường cho cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc đang diễn ra trong điều kiện mới dưới hình thức mới; là thế giới quan, phương pháp luận khoa học của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội  của thế giới và sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; là cơ sở khoa học cho đổi mới tư duy lý luận...Mặt khác, triết học đã giúp con người phát triển trí tuệ và phát triển tư duy khoa học. Ăngghen viết: “Một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận”[3]. Trong công tác nghiên cứu khoa học và học tập giúp cho chúng ta hiểu biết sâu thêm về giá trị lịch sử văn hoá nhân loại, để phát huy củng cố niềm tin duy vật triệt để, tin vào triết học Mác xít, tin vào sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác- Lênin. Với tinh thần kế thừa tinh hoa tư tưởng văn hoá nhân loại chúng ta phải biết kế thừa, đồng thời phải biết phát triển, vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác- Lênin, nắm vững chủ nghĩa duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật vào giải quyết các vấn đề trong đời sống xã hội và trong thực tiễn. Giờ đây, triết học Mác không những giải thích thế giới mà vấn đề là cải tạo thế giới: “Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau; vấn đề là cải tạo thế giới”[4]. Triết học Mác- Lênin nó đã trở thành vũ khí đấu tranh tư tưởng lý luận và trong điều kiện hiện nay, đồng thời khắc phục tính chất hạn chế, sai lầm của thế giới quan duy tâm trên cơ sở khoa học và còn là cơ sở cho việc đấu tranh, tìm tòi chân lý, phát triển nhận thức khoa học. Đảng ta khẳng định: trung thành và vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng bổ sung, phát triển lý luận, tổng kết thực tiễn trong điều kiện lịch sử mới. Đảng ta đã vận dụng sáng tạo những tư tưởng cơ bản lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin  để đề ra đường lối đối với sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước. Do đó, phải giáo dục chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng để xây dựng niềm tin cộng sản cho quân nhân Quân đội ta.

Hai là, nâng cao chất lượng công tác quản lý toàn diện quân nhân.

Thực chất giải pháp này nhằm phát huy tối đa thế mạnh tổ chức quân sự. Quản lý mọi mặt quân nhân nó sẽ góp phần hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng tôn giáo và mê tín dị đoan trong đơn vị. Quản lý quân nhân là yêu cầu khách quan đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của Quân đội ta. Công tác quản lý giúp cho người cán bộ nắm chắc tình hình mọi mặt đời sống, hoạt động chính trị tinh thần, nhất là diễn biến tư tưởng của quân nhân, từ đó có phương pháp tổ chức huấn luyện, học tập, vui chơi giải trí thích hợp. Đây là một trong những biện pháp cơ bản, quan trọng để phát huy, nhân rộng mặt tích cực, ngăn ngừa mặt tiêu cực trong đời sống tinh thần của quân nhân, trong đó có mặt tiêu cực của tín ngưỡng tôn giáo. Thực tế cho thấy, đơn vị nào làm tốt công tác quản lý toàn diện quân nhân, đơn vị đó ít xảy ra các vụ việc vi phạm kỷ luật, ít bị ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng tôn giáo và thường xuyên hoàn thành được nhiệm vụ được giao. Ngược lại, đơn vị nào thực hiện công tác quản lý quân nhân không tốt thì đơn vị đó xảy ra vi phạm kỷ luật nhiều và sự ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng tôn giáo có biểu hiện gia tăng.

Ba là, chăm lo nâng cao chất lượng xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức  trong đơn vị cho quân nhân và địa bàn đóng quân.

Theo Mác: “Con người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người đến mức đó”[5].

Xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức đó là tổng hoà những yếu tố, những điều kiện tự nhiên, xã hội và nhân văn hợp thành một chỉnh thể thống nhất tác động qua lại đối với đời sống vật chất và đời sống tinh thần của quân nhân.

Xây dựng môi trường văn hoá trong sạch lành mạnh trong đơn vị và địa phương nơi đóng quân có vai trò to lớn để khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng tôn giáo đến đời sống tinh thần của quân nhân. Bởi vì, con người vừa là chủ thể, vừa là sản phẩm của hoàn cảnh. Môi trường, hoàn cảnh càng trong sạch, lành mạnh, có tình người bao nhiêu thì quân nhân càng phát triển toàn diện và ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng tôn giáo bấy nhiêu. Thực chất của xây dựng môi trường văn hoá là hoạt động cải tạo khách thể để giải quyết nguồn gốc tự nhiên, xã hội của tôn giáo, thông qua đó mà khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng tôn giáo đến đời sống tinh thần của quân nhân. Môi trường văn hoá lành mạnh sẽ tạo những điều kiện thuận lợi để biến quá trình giáo dục, rèn luyện quân nhân thành quá trình tự rèn luyện, tự hoàn thiện nhân cách quân nhân, làm cho quân nhân “miễn dịch” trước những ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo. Con đường đấu tranh khắc phục tôn giáo theo quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin là không được tuyên chiến với tôn giáo, tuyên chiến với tôn giáo là điều dại dột, tuyên chiến với tôn giáo là tự sát mà phải bằng con đường tuyên truyền chủ nghĩa vô thần, truyền bá thế giới quan khoa học cho họ. Lênin đã chỉ ra cách làm cụ thể về công tác tuyên truyền của Đảng là: “Công tác tuyên truyền của chúng ta tất nhiên cũng phải bao gồm công tác tuyên truyền chủ nghĩa vô thần; công tác xuất bản những sách báo khoa học thích hợp với công tác tuyên truyền đó, mà cho đến nay chính quyền nhà nước nông nô- chuyên chế vẫn cấm đoán và truy tố nghiêm khắc, thì nay phải trở thành một trong những ngành hoạt động của đảng ta”[6]. Như vậy, tuyên truyền chủ nghĩa vô thần, thế giới quan khoa học là cách làm chủ yếu của cuộc đấu tranh khắc phục tôn giáo, nhưng đó không phải là cách làm duy nhất.

Bốn là, Nâng cao nhận thức, năng lực tổ chức thực hiện công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong đơn vị.

Theo Mác: “Bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”[7]. Nâng cao nhận thức, năng lực tổ chức thực hiện công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa trực tiếp khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng tôn giáo ngay trong bản thân họ, vừa trực tiếp nâng cao khả năng khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng tôn giáo đối với đời sống tinh thần của quân nhân.

Thực tế cho thấy, ở một số đơn vị do nhận thức chưa đầy đủ và thiếu kiến thức cần thiết về tôn giáo và công tác tôn giáo, nên một số cán bộ có biểu hiện không muốn tiếp nhận những quân nhân có đạo vào đơn vị mình để quản lý giáo dục huấn luyện, ngại tiếp xúc với đồng bào có đạo; lúng túng trong giải quyết những vấn đề liên quan đến tôn giáo. Trong xử lý còn mang nặng mệnh lệnh hành chính, vi phạm tự do tín ngưỡng...dẫn đến hậu quả là gây ra sự mất đoàn kết trong nội bộ quân nhân, mất đoàn kết quân dân, làm cho ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng tôn giáo đến đời sống tinh thần của quân nhân tăng lên. Do đó, việc nâng cao nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong đơn vị là một giải pháp hết sức quan trọng để khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng tôn giáo đến đời sống tinh thần của quân nhân trong tình hình hiện nay.

Đây cũng chính là cơ sở lý luận khoa học để phê phán, đấu tranh bác bỏ các luận điểm sai trái, phản động của chủ nghĩa cơ hội xét lại của chủ nghĩa xã hội  sô vanh, của giai cấp tư sản phản động về vấn đề tôn giáo trong thời đại ngày nay.

Ngày nay, công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải vận dụng và phát triển một cách sáng tạo những nguyên lý phổ biến, những vấn đề có tính nguyên tắc của chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo. Quân đội ta cùng với toàn Đảng, toàn dân tham gia phát triển  kinh tế- xã hội, tuyên truyền chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, đấu tranh chống thù địch, chia rẽ các tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, trong nhiệm vụ xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân phải tiếp tục thực hiện phương hướng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, đó là lực lượng chính trị tin cậy, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với chế độ xã hội chủ nghĩa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống, thực sự là đội quân công tác phòng chống có hiệu quả chiến lược “diễn biến hoà bình” đang lợi dụng vấn đề tôn giáo  để phá hoại đất nước ta. Vì vậy, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề tôn giáo không chỉ có các lực lượng vũ trang nhân dân mà đó là công việc của cả hệ thống chính trị trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt.

N.X.T-H1

[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb CTQG, H.1994, Tập 20, tr 437.

[2] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M. 1979, Tập 12, tr 170.

[3] C. Mác và Ph. Ănghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.1994, tập 20, tr 489.

[4] C. Mác và Ph. Ănghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, tâp 3, tr 12.

[5] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, Tập 3, tr 25.

[6] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M. 1979, Tập 12, tr 173.

[7] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, Tập 3, tr 10.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét