Trong suốt chiều dài
lịch sử của cách mạng Việt Nam, mỗi thắng lợi, mỗi bước đi lên của đất nước đều
gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã cống hiến trọn
đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con
người. Hòa trong không khí hân hoan phấn khởi đón chào đầu xuân năm mới, cả nước đang hướng
về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng
sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2021), chúng ta lại nhớ đến công lao to lớn của Chủ
tịch Hồ Chí Minh, nhớ đến cách đây vừa tròn 80 năm Bác Hồ về nước, trực tiếp
lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Người đã mang theo sắc xuân bất diệt cho đất nước, mở đường cho những
thắng lợi của cách mạng Việt Nam sau này.
Ngày 5/6/ 1911, Nguyễn Tất Thành (sau này là Nguyễn
Ái Quốc - Hồ Chí Minh) rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Hành trang mà
Người mang theo chỉ có hai bàn tay trắng với một trái tim đầy lòng nhiệt huyết,
ngập tràn tình yêu nước, thương dân. Sau khi được tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn
Ái Quốc đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, đó chính là con
đường cách mạng vô sản. Từ đây Người trở thành nhà hoạt động cách mạng quốc tế xuất sắc. Những năm tháng hoạt động ở nước ngoài,
Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra
đời một đảng cách mạng tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam. Ngày
3/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Người đã chủ trì hội nghị thành lập Đảng
Cộng sản Việt Nam. Đảng ra đời là bước ngoặt vô cùng
quan trọng của lịch sử cách mạng nước ta, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối
và tổ chức lãnh đạo của phong trào cách mạng Việt Nam.
Trong quá trình hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc luôn canh cánh được trở về nước để sát cánh cùng
đồng chí, đồng bào đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho
nhân dân. Tháng 6/1940 Pháp đầu hàng phát xít Đức, theo
Người: “Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách
về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.
Trong thời gian chuẩn bị về nước, Người đã tổ chức một lớp huấn luyện chính trị
cho 40 thanh niên Việt Nam yêu nước tại Nặm Quang, Ngàm Tảy (Trung Quốc), trong
đó chủ yếu là người Cao Bằng làm hạt nhân cho việc xây dựng phong trào cách
mạng ở địa phương sau này.
Ngày 28/1/1941,
lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng
Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến
Pác Bó (xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng Đến cột mốc biên giới 108, Bác dừng
lại cúi đọc những dòng chữ khắc sâu trên đá rồi đứng lặng hồi lâu hướng tầm mắt
nhìn về phía dải đất Tổ quốc điệp trùng. Đất nước vào
xuân, hoa nở thắm núi rừng. Cả thiên nhiên đất
trời như reo vui:
“Ôi sáng xuân nay, Xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về... Im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...
Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!
Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người
Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ
Mà đến bây giờ mới tới nơi”
(Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên)
Ngày 28/1/1941 Bác Hồ về nước
Trong thời gian đầu mới về nước, Người ở cùng đồng bào Pác Bó, nhưng để
đảm bảo bí mật, ngày 8/2/1941, Người chuyển vào hang Cốc Bó thuộc bản Pác Bó,
nơi có đường sang biên giới, có thể rút lui an toàn khi bị lộ. Tại hang Cốc Bó,
Người đã
sống những năm tháng vô cùng khó khăn, thiếu thốn nhưng luôn tràn đầy niềm tin, lạc quan cách
mạng. Tháng
5/1941, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương
Đảng, hoàn chỉnh chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, giương cao ngọn
cờ giải phóng dân tộc, quyết
định thành lập Mặt trận Việt Minh. Đây là một quyết sách đúng đắn và sáng tạo,
một sự chuyển hướng chiến lược cách mạng kịp thời phù hợp với tình hình
thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới lúc bấy giờ.
Cùng với việc thành lập Mặt trận Việt
Minh, Người đã chỉ đạo xây dựng một vùng căn
cứ địa cách mạng rộng lớn bao gồm 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái
Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang. Ngày
22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội
nhân dân Việt Nam) được thành lập theo chỉ thị của Người, tạo ra một cục diện
mới trên mặt trận đấu tranh vũ trang cách mạng. Ngày 16/8/1945, diễn ra Quốc
dân Đại hội Tân Trào, Người đến dự và chỉ đạo Đại hội. Đây là lần đầu tiên sau khi về nước
trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Người ra mắt đại biểu cả nước với tên gọi Hồ Chí
Minh. Đại hội quyết định toàn dân đoàn kết đứng lên vũ trang khởi nghĩa giành
chính quyền; thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh; bầu Ủy ban dân tộc giải
phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch;
thống nhất quy định Quốc hiệu, Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam mới.
Thực hiện nhiệm vụ do Quốc dân Đại hội
giao, thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi
đồng bào toàn quốc trước giờ tổng khởi nghĩa. Người động viên đồng bào hãy gia
nhập, ủng hộ Việt Minh, đoàn kết xung quanh Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam
để giành lại quyền độc lập cho Tổ quốc. Người thiết tha kêu gọi: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho
vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự
giải phóng cho ta”; “Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy
dũng cảm tiến lên!”. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước
đồng loạt đứng lên tổng khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn, giành chính quyền về
tay nhân dân.
Như vậy, từ khi Bác Hồ trở về nước
ngày 28/1/1941, phong trào cách mạng do Người trực
tiếp lãnh đạo đã lớn mạnh và phát triển nhanh chóng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng
và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa ra đời, là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, tiếp tục
mở đường đi tới những thắng lợi vẻ vang cho cách mạng Việt Nam. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt
Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc.
Nhân ngày kỷ niệm 80 năm ngày Bác Hồ
về nước là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thấm
nhuần và khắc sâu những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Sinh thời, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã thường xuyên quan tâm giáo dục, rèn luyện quân đội ta, làm cho
quân đội ta luôn luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu
hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Đối với Trường Sĩ quan Lục quân 1- trường đầu
tiên của Quân đội đã vinh
dự được Bác Hồ 9 lần về thăm, nhiều lần viết thư căn dặn, động viên. Đặc biệt,
Người đã trực tiếp trao tặng Nhà trường lá cờ thêu sáu chữ vàng: “Trung với
nước, hiếu với dân”. Trong những lần đến thăm
và gửi thư động viên, những lời dạy của Người luôn thể hiện sự quan tâm đặc
biệt đến việc đào tạo cán bộ của Nhà trường. Hơn 75 năm qua, trường Sĩ quan Lục
quân 1 không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp của Quân đội, hoàn thành tốt
mọi nhiệm vụ. Mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sỹ Nhà trường
luôn tích cực đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ
Chí Minh, giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới, xây
dựng Nhà trường chính quy, mẫu mực, hiện đại, góp phần cùng toàn quân và toàn
dân từng bước đưa sự nhiệp cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét