Quân đội là công
cụ bạo lực sắc bén của Đảng và Nhà nước. Bản chất cách mạng của Quân đội nhân
dân Việt Nam là những giá trị tinh thần to lớn, được hình thành và phát
triển trong quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng
của quân đội ta. Từ ngày thành lập
đến nay, dù trong gian khổ, chiến đấu hy sinh đầy bom đạn của chiến tranh giải
phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, hay trong học tập, huấn luyện, lao động sáng tạo
khi đất nước hoà bình, quân đội ta luôn luôn phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác
Hồ kính yêu: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu
hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành,
khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
Thông qua lời dạy của Bác Hồ đã toát lên lập
trường, bản lĩnh chính trị và sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta. Lập trường,
bản lĩnh và sức mạnh đó được thể hiện cụ thể ở danh hiệu mà nhân dân đã tặng
cho quân đội ta là: "Bộ đội Cụ Hồ". "Bộ đội Cụ Hồ" là bộ
đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; là một di sản, một giá trị
tinh thần và đạo đức cao quý, một thành tựu tốt đẹp mà lớp lớp các thế hệ cha
anh đã dày công vun đắp, xây dựng. Thế hệ trẻ quân đội ngày nay phải luôn luôn
trân trọng, học tập và phát huy tinh thần truyền thống đó trong thời kỳ mới.
Trong giai đoạn
hiện nay, nhiệm vụ chính trị của quân đội ta có bước phát triển mới. Quân đội
thực hiện các chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân lao động sản xuất, đội
quân công tác và làm nhiệm vụ quốc tế trong hoàn cảnh mới khác rất nhiều với
giai đoạn cách mạng trước đây. Đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, vừa đứng
trước những thời cơ, vận hội, vừa phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Mặt trái của kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế tác động rất
mạnh đến nhận thức, tâm tư, tình cảm của từng người. Sự giao thoa văn hóa giữa
môi trường quân đội với bên ngoài bên cạnh yếu tố tích cực cũng không tránh
khỏi ảnh hưởng tiêu cực từ những dòng văn hóa xấu độc, xa lạ với bản chất,
truyền thống văn hóa của dân tộc nói chung và của quân đội nói riêng. Hơn nữa,
quân đội ta còn là một đối tượng chủ yếu trong chiến lược "diễn biến hoà
bình" của các thế lực thù địch. Âm mưu “phi chính trị hóa" quân đội
của chúng thực chất là nhằm triệt tiêu bản chất, truyền thống cách mạng, vô
hiệu hóa vũ khí chính trị - tinh thần sắc bén, từ đó vô hiệu hóa sức mạnh chiến
đấu của quân đội ta.
Phát huy bản chất
truyền thống của Quân đội, trước những khó khăn, thách thức, những năm qua quân
đội ta vẫn phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của mình, xứng đáng là lực
lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước và
nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ quân đội vẫn luôn luôn có mặt ở những nơi khó khăn,
gian khổ nhất, sát cánh cùng cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân các địa
phương làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch,
cùng nhân dân xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đẩy mạnh sản xuất, xoá đói
giảm nghèo, phòng chống thiên tai, bão lũ,... Những hành động đó đã làm ngời
sáng thêm bản chất cách mạng của “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân. Thế hệ trẻ
trong quân đội đã phát huy được truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xứng đáng là
lực lượng xung kích, thực hiện có hiệu quả các yêu cầu của nhiệm vụ bảo
vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, bên cạnh thực tế
đáng tự hào đó, vẫn còn tình trạng một bộ phận thế hệ trẻ trong quân đội có
những dấu hiệu sa sút ý chí chiến đấu, suy giảm niềm tin, thoái hóa về đạo đức,
lối sống,... làm ảnh hưởng đến bản chất cách mạng trong sáng và uy tín của “Bộ
đội Cụ Hồ”. Trong khi đó, ở một số đơn vị, có lúc, có nơi, việc chăm lo vun đắp
bản chất, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ bị xem nhẹ hoặc thiếu tính hiệu
quả.
Vì vậy, việc chăm
lo xây dựng, bồi dưỡng bản chất cách mạng cho thế hệ trẻ trong quân đội là một
yêu cầu vừa mang tính thường xuyên, lâu dài, vừa là đòi hỏi bức thiết, trước
mắt, mà tổ chức Đảng, người chỉ huy, cơ quan chức năng các cấp đều phải hết sức
quan tâm.
Trước hết, cần
tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị - tư tưởng nâng cao lòng yêu
nước, giáo dục sâu sắc lòng yêu CNXH, đưa tình cảm cao quý đó lên một tầm cao mới
- yêu Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất, XHCN. Giáo dục các quân nhân lòng
trung thành vô hạn và niềm tin không gì lay chuyển được vào con đường mà Đảng,
Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn; giữ gìn và phát huy tinh hoa bản sắc dân tộc.
Đó là quá trình xây dựng làm cho thế hệ trẻ quân đội nắm vững mục tiêu, lý tưởng
chiến đấu của Quân đội nhân dân trong thời kỳ mới; bảo vệ vững chắc độc lập,
chủ quyền, thống nhất toàn vẹ lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế
độ CNXH, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo
vệ lợi ích quốc gia dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
và nền văn hóa; giữ gìn sự ổn định chính trị và môi trường hoà bình, phát triển
đất nước theo định hướng XHCN. Mục tiêu trên đây phản ánh sự thống nhất biện
chứng giữa quyền lợi giai cấp và quyền lợi dân tộc, giữa độc lập dân tộc và
CNXH, giữa dân tộc và quốc tế. Để có được bản chất cách mạng trên, lãnh đạo và
chỉ huy các cấp cần chăm lo giáo dục để thế hệ trẻ quân đội luôn luôn đứng vững
trên nền tảng chính trị của Đảng, bảo vệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh
hiện nay, giáo dục chính trị - tư tưởng phải luôn bám sát sự phát triển mới của
thực tiễn cách mạng, chú trọng đi sâu phân tích để cán bộ, chiến sĩ có nhận
thức đầy đủ hơn về thời cơ và nguy cơ, nhất là những khó khăn, thách thức đặt
ra đối với đất nước, quân đội, trực tiếp là đối với thế hệ trẻ trong quân đội,
từ đó chủ động ngăn ngừa những tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường, cảnh
giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược " diễn biến hoà
bình" của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội ta. Phải
coi trọng đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, phê phán sâu sắc những
quan điểm sai trái, những luận điệu tuyên truyền lừa bịp của các thế lực phản
động, thù địch; đấu tranh, uốn nắn kịp thời những nhận thức lệch lạc, những
hành vi và thói quen không phù hợp với bản chất cách mạng và truyền thống vẻ
vang của quân đội.
Giáo dục bản chất,
truyền thống quân đội phải gắn liền với giáo dục lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng,
lịch sử quân đội, lịch sử và truyền thống đơn vị, đồng thời coi trọng giáo dục
truyền thống địa phương, nơi sinh trưởng của cán bộ, chiến sĩ và nơi đứng chân
của đơn vị. Bởi lẽ quá khứ, hiện tại và tương lai là một dòng chảy liên tục. Tuy
nhiên, giáo dục không phải chỉ để ca ngợi quá khứ, mà như cố Thủ tướng
Phạm Văn Đồng nói, phải làm cho quá khứ sống lại đẹp đẽ hơn bao giờ hết trong
bản anh hùng ca của hiện tại.
Giáo dục truyền
thống cần coi trọng giáo dục gương đấu tranh cách mạng của các đảng viên tiền
bối và gương chiến đấu của các anh hùng, dũng sĩ các lực lượng vũ trang nhân
dân ta. Đặc biệt là cần học tập tấm gương và cuộc đời hoạt động của Bác Hồ, đây
là một yêu cầu cấp thiếp đối với sự nghiệp giáo dục, rèn luyện các thế hệ
cán bộ, chiến sĩ quân đội, phù hợp với nguyện vọng và tình cảm thiêng liêng của
quân đội ta đối với Bác. Vì Người là kết tinh những giá trị tinh thần, văn hóa
của nhân dân ta, dân tộc ta qua suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Ở Bác, tinh
hoa của dân tộc được kết hợp với chủ nghĩa Mác - Lênin - đỉnh cao của tư tưởng
nhân loại trong thời đại mới. Người là tấm gương tuyệt vời về chí khí cách mạng
kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân đạo và yêu mến nhân dân, chí
công vô tư, khiêm tốn giản dị... thực hiện tốt những yêu cầu nội dung giáo dục
đó, mới động viên và khơi dậy được mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc, tình cảm
thiêng liêng gắn bó của thế hệ trẻ quân đội đối với Đảng, với lãnh tụ, với quân
đội và đơn vị mình, từ đó củng cố quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm
vụ được giao.
Cùng với giáo dục
chính trị - tư tưởng, giáo dục lịch sử, truyền thống, phải coi trọng
trau dồi thường xuyên về đạo đức cách mạng cho bộ đội. Bởi lẽ, nhịp sống trong
cơ chế thị trường tác động rất mạnh đến thị hiếu, tác phong, lối sống, đạo đức
của tuổi trẻ. Hiện nay, do cơ cấu giai cấp trong xã hội có sự phát triển, xuất
thân của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội cũng biến đổi theo, vì vậy nhận thức,
tư tưởng của mỗi người cũng đa dạng, phức tạp hơn. Thậm chí, so với trước đây,
ngày nay sự nhìn nhận, đánh giá về nhân cách, phẩm giá của con người cũng có
những thay đổi, phát triển mới. Tuy nhiên, không vì thế những giá trị đạo đức
truyền thống như: chủ nghĩa tập thể, tinh thần sống mình vì mọi người, trọng
danh dự, tình đồng chí đồng đội, "đồng cam cộng khổ", sẵn sàng nhường
thuận lợi cho bạn, nhận khó khăn về mình, v.v., từng được bao thế hệ cán bộ
chiến sĩ trân trọng giữ gìn, lại bị coi nhẹ hay hạ thấp đi. Ngày nay, quân đội
ta vẫn còn khó khăn, thiếu thốn; còn phải tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ
không kém phần gay go, phức tạp, thậm chí phải đổ máu, hy sinh vì lợi ích Tổ
quốc và nhân dân. Để làm được nhiệm vụ đó, cần luôn quán triệt quan điểm"
xây đi đôi với chống"; tích cực đấu tranh với những biểu hiện chạy theo
cuộc sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, coi vật chất, lợi ích cá nhân, cụ bộ
nặng hơn danh dự, nhân cách quân nhân. Kỷ luật quân đội phải được tôn
trọng và duy trì nghiêm túc, tự giác, không dung thứ cho những hành vi
trái với luật pháp và điều lệnh quân đội. Việc giáo dục sâu rộng về đạo đức
cách mạng, phong cách Hồ Chí Minh cần phải được tiến hành một cách rộng
khắp, thường xuyên, sâu sắc đối với thế hệ trẻ trong quân đội.
Để xây dựng bản
chất cách mạng cho thế hệ trẻ trong quân đội, đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp
phải luôn luôn là tấm gương sáng về nhân cách để mọi người noi theo. Thực
hiện những di huấn quý báu của Bác Hồ, người chỉ huy các cấp phải thực sự phấn
đấu để có "trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung", "giàu sang không
thể quyến rũ, uy vũ không thể khuất phục"; người cán bộ chính trị phải
thực sự "thân thiết như người chị, công bình như người anh". Bởi lẽ,
thế hệ trẻ thường học không chỉ trong sách vở, mà chủ yếu học trong đời thường,
nhất là từ đội ngũ đảng viên, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chính trị trực
tiếp tại đơn vị.
Ngoài ra, để bồi
dưỡng bản chất cách mạng cho thế hệ trẻ trong quân đội, các đơn vị, cơ quan,
nhà trường quân đội, dù đóng quân trên địa bàn nào, cũng cần chú trọng thắt
chặt mối liên hệ với cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương, làm
tốt công tác tuyên truyền, giáo dục thanh niên, tăng cường bồi dưỡng lòng yêu
nước XHCN, bản chất, truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, bản chất,
truyền thống của Quân đội nhân dân cho thế hệ trẻ, tạo điều kiện thuận lợi để
thanh niên khi bước vào quân ngũ có nhận thức đúng, tình cảm tốt đẹp về quân
đội, từ đó xác định động cơ tham gia xây dựng quân đội đúng đắn, hoàn thành
xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách
mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.
N.X.T-H1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét