Pages - Menu

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2021

CẢNH GIÁC VỚI CHỦ NGHĨA DÂN TÚY Ở VIỆT NAM

 



 Chủ nghĩa dân túy với tư cách là một tư tưởng chính trị xuất hiện từ nửa cuối thế kỷ XIX và tiếp tục tồn tại cho đến tận bây giờ. Đó là một hiện tượng chính trị phức tạp và thường hòa lẫn vào trong các phong trào đấu tranh. Nó mang trong mình các đặc điểm chính là dựa trên phương thức huy động đám đông, hướng tới quần chúng nhân dân, hay các tầng lớp yếu thế trong xã hội, chống là giới elite (giới tinh hoa) và có khả năng gây ra những tổn hại lớn cho xã hội. Từ năm 2016, chủ nghĩa dân túy lại trỗi dậy, đặc biệt trở thành những “cơn địa chấn” lên ngôi ở các nước Châu Âu, đã dẫn những kết quả khó đoán, bất ngờ và tác động bất ổn đến nền chính trị ở cấp độ quốc gia và khu vực châu Âu. Những người theo chủ nghĩa dân túy thường dùng những lời hứa “êm tai” nhưng trống rỗng, thậm chí thiếu trách nhiệm đối với tương lai chính trị đất nước, mang nặng cảm xúc nhất thời, thiếu triết lý bền vững cho những mục tiêu chính trị lâu dài và giải pháp hiệu quả cho các vấn đề cụ thể. Họ sử dụng những thủ đoạn chính trị mang tính mị dân, đánh vào tâm lý của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận, quần chúng nhân dân. Họ triệt để lợi dụng những nghịch lý của toàn cầu hóa, sự trì trệ kinh tế đất nước, sự khủng hoảng của các làn sóng di dân, những chính sách an sinh xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, sự quan liêu xa rời và thiếu gần gũi với nhân dân của quan chức cầm quyền... Tất cả điều đó đã làm cho tình hình biến đổi sâu sắc, tình trạng bất bình đẳng gia tăng, kinh tế - xã hội khủng hoảng sâu sắc, đời sống người dân khốn quẫn... Đó là cơ hội để chủ nghĩa dân túy nổi dậy, tạo ra những cơn địa chấn mới hòng lật đổ chế độ, kêu gọi nhân dân đấu tranh chống lại Chính phủ. Nguy cơ của chủ nghĩa dân túy là rất lớn, hệ lụy khôn lường. Vì vậy, thế giới, châu Âu, và cả Việt Nam cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm cảnh báo, chống lại chủ nghĩa dân túy một cách mạnh mẽ, hiệu quả nhất.

Đối với Việt Nam, hiện nay, khi mà đất nước đang chủ động hội nhập sâu rộng và toàn diện vào đời sống quốc tế, trong quá trình toàn cầu hóa, đặc biệt là cả trước, trong và sau khi đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra, đòi hỏi phải thực thi dân chủ đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Trước tình trạng hiện nay, có những địa phương, ở một bộ phận lãnh đạo, đảng viên và nhân dân nhận thức về dân chủ còn hạn chế, có lúc, có nơi, có việc thực hiện dân chủ còn mang tính hình thức, vẫn còn tình trạng lợi dụng dân chủ, gây chia rẽ mất đoàn kết nội bộ. Chính vì vậy, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam có khuynh hướng vẫn tồn tại và phát triển. Điều đó, đòi hỏi chính quyền các cấp phải thực thi dân chủ đầy đủ, minh bạch hóa, giải quyết những vấn đề xã hội một cách hiệu quả, giảm nghèo, giảm chênh lệch giàu - nghèo, đề phòng những phần tử cơ hội chính trị đã lợi dụng tình hình thức mưu đồ cá nhân, phe, nhóm, dẫn đến nguy cơ bộ phận cán bộ, đảng viên, và nhân dân hành đón nhận các cách phát ngôn, kích động dân túy bột phát. Để có thể phòng ngừa chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam, điều quan trọng nhất là cần phải nâng cao nhận thức, phê phán những tác hại của chủ nghĩa dân túy (thông qua những phát ngôn và hành động dân túy), phải hạn chế tối đa “đời sống” của chủ nghĩa dân túy và cần lưu ý một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, phải nhận diện và cảnh giác với những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy trong đời sống chính trị ở Việt Nam. Phê phán những phát ngôn, lời nói, hành động mang tính dân túy, không đúng với chủ trương, đường lối, nguyên tắc của Đảng, bỏ qua những qui định pháp lý, thiếu tính khả thi, vượt qua và không đúng thẩm quyền của những cá nhân viết, phát ngôn trên mạng xã hội nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng vì “lạ khẩu vị”...;

Thứ hai, sở dĩ người dân tin và đi theo phong trào dân túy, ủng hộ các nhân vật dân túy là do sự lãnh đạo, điều hành kém hiệu quả của chính quyền các cấp địa phương trong việc giải quyết những bất bình, bức xúc của người dân, Chính vì vậy, các cơ quan công quyền từ Trung ương xuống địa phương phải có trách nhiệm tìm hiểu, hành động và giải quyết hiệu quả những nguyện vọng, bức xúc, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Thứ ba, tiếp tục kiên định thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo chiến lược đối ngoại trong hội nhập quốc tế, với nguyên tắc đảm bảo lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc theo phương châm “hội nhập là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu, bất lợi". Điều cần nhấn mạnh là, không chỉ vì quá cảnh giác với chủ nghĩa dân túy mà chúng ta lại tự cô lập, đứng ngoài “cuộc chơi” của thế giới. Song cũng không phải chỉ vì muốn quan hệ “làm ăn” mà phải luôn “làm theo đám đông phải chấp nhận, đánh đổi tất cả, và qua đó chủ nghĩa dân túy có điều kiện xâm nhập và nảy sinh ở Việt Nam.

Thứ tư, “tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới, đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà trung tâm là đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong số 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, có những biểu hiện manh nha của chủ nghĩa dân túy, có biểu hiện là “cơ hội" cho dân túy phát triển, lên ngôi, vì vậy, cần nhận thức rõ ràng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thứ năm, phải tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, để người dân thấy rõ những biểu hiện, nguy cơ, tác hại của chủ nghĩa dân túy. Trong nhiều trường hợp, người dân không thể phân biệt được đâu là người theo, hay không theo chủ nghĩa dân túy, dễ nhầm lẫn giữa người vô nguyên tắc, vô chính phủ với người mạnh mẽ đổi mới. Trong khi đó, sự cổ súy từ những cây bút có chủ ý, hoặc do non nớt về chính trị của một số trang mạng xã hội sẽ đem đến sự nhầm lẫn trong đánh giá. Đấu tranh ngăn ngừa và chống chủ nghĩa dân túy xâm nhập là một quá trình bền bỉ, dài lâu của chúng ta hiện nay./.

Như Hải-H3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét