Cứ dịp Tết đến, Xuân về, mọi người đều mong chờ về quê đón tết
đoàn tụ bên gia đình thì đâu đó vẫn có những luồn ý kiến trái chiều về việc có
nên bỏ đi Tết cổ truyền hay không.
Thi thoảng đâu đó chúng ta lại nghe các
câu nói kiểu như là: “Tết Nguyên đán không còn phù hợp với thời đại,
nên bỏ đi” hoặc "Không bỏ Tết thì nước ta còn nghèo!" và
nhiều ý kiến khác nữa. Vì sao có những
người lại mang suy nghĩ ấy? Nhiều nhận định cho rằng Tết không còn phù hợp với
tốc độ phát triển xã hội nhanh vũ bão như hiện nay. Chúng ta chọn hướng đến là
một đất nước giàu mạnh hay chọn cố chấp giữ truyền thống để cứ phải ngậm ngùi
nhìn các quốc gia khác vượt mặt chúng ta hàng thập kỷ? Chúng ta chọn mở rộng
phát triển kinh tế, giao thương với các nước châu Âu, châu Mỹ hay chỉ quanh
quẩn làm ăn với các nước láng giềng cùng đón Tết như ta? Họ vịn vào việc Nhật
Bản phát triển nhờ bỏ Tết âm lịch mà cho rằng Việt Nam cũng như vậy. Nhiều người cho rằng thực ra cái mà chúng ta đang
nhớ và thiếu đó chính là Tết xưa, những cái Tết có thể là không đủ đầy nhưng
trọn vẹn hương vị Tết. Ngày 23 đưa ông Táo, cả nhà quây quần bên nhau cung kính
thắp hương. Hay cảm giác bên nồi bánh chưng. Ngày đó tuy vật chất không được xa
hoa như bây giờ, nhưng thắm đượm sự ấm áp. Một số lập luận khác cho rằng bỏ Tết là để tránh tốn kém, tệ nạn, thời
gian và vật chất. Đây cũng là một trong những vấn nạn ngày Tết khiến cho phần
lớn mọi người đồng tình với việc bỏ tết, bỏ đi những buổi nhậu nhẹt vô bổ...
Sự thật là hầu hết
người Việt Nam đều mong muốn việc giữ nguyên Tết nguyên đán. Tết trong mỗi
người là một thứ cảm giác khác nhau nhưng lại mang chung một ý nghĩa. Tết là
khoảng thời gian sum vầy quây quần bên gia đình. Phải là những người con xa xứ
cả năm mới có thể thấu hiểu hết ý nghĩa giá trị của cái Tết. Những cuộc mưu sinh ở các đô thị lớn
khiến hàng triệu người rời bỏ làng quê để ra thành phố tìm kiếm việc làm, hay
những thanh niên đến tuổi học đại học cũng phải xa gia đình lên thành phố thì
Tết là dịp để họ trở về nhà. Tết Nguyên đán gần như là dịp duy nhất để chúng ta
trở về, đoàn viên với cả gia đình bên nồi bánh chưng, bên mâm cơm chiều 30 Tết,
ngửi mùi nhang trầm linh thiêng cúng tổ tiên ông bà trước thời khắc Giao thừa
cùng với đó là sự hân hoan chào đón năm mới khi thức dậy vào sáng mùng một Tết.
Những lễ nghi trong ngày Tết Nguyên đán như tục tiễn ông Táo về trời, tảo mộ,
bày mâm ngũ quả, tất niên, cúng giao thừa, tục xông nhà, mừng tuổi… xuất hiện
đã từ rất lâu trong các triều đại phong kiến. Thế nên, không quá khi nói
đây là thành quả của cả dân tộc Việt Nam trong hàng nghìn năm dựng và giữ
nước. Những giá trị truyền thống đó, được cha ông gìn giữ từ bao đời và phát
huy trong những ngày lễ hội này. Đối với một số ít người họ cho rằng sau một
năm dài làm việc vất vả thì Tết cũng là cơ hội hiếm hoi để nghỉ ngơi, để du
xuân khắp mọi miền Tổ Quốc và thậm chí là du lịch nước ngoài. Thế nên mới nói
Tết trong mỗi người có một ý nghĩa riêng và không dễ gì để thay đổi chúng. Những
giá trị văn hóa cũng như những phong tục ngày Tết Nguyên đán còn tồn tại đến
ngày nay đã là sự kế thừa có chọn lọc của nhiều yếu tố bởi thế nhiều người cho
rằng việc chối bỏ Tết Nguyên đán cũng là một hành động góp phần cổ súy cho việc
chối bỏ tổ tiên mình. Đồng thời chính là bỏ đi một bảo tàng lịch sử văn hóa của
dân tộc. Đây là việc phi giá trị văn hóa không thể chấp nhận được.
Những ngày cận Tết Nguyên đán Tân sửu
năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, các địa phương
có dịch đã có nhiều biện pháp quyết liệt để khoanh vùng dập dịch. Tuy nhiên
trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh rất nhiều người đang phải cách ly
tập trung hoặc hạn chế đi lại. Nỗi nhớ một cái Tết bình thường lại càng mãnh
liệt hơn bao giờ hết. Liệu bỏ đi cái Tết của dân tộc có thực sự đưa đất nước đi
lên hay không? Những người thích nhậu nhẹt, thích cờ bạc thì cho dù không có
Tết họ vẫn chơi. Tương tự như những người không bao giờ đụng vào những lá bài
thì dù cho nghỉ Tết dài bao lâu đi nữa họ cũng sẽ không sa và. Nhìn vào đất
nước láng giềng Trung Quốc, dân số của họ chiếm 1/6 dân số toàn thế giới, họ
vẫn nghỉ Tết âm lịch dài ngày như chúng ta thế nhưng nền kinh tế của họ vẫn
phát triển vượt bậc. Vậy nên Tết đâu phải là nguyên nhân làm sa sút nền kinh
tế?
Ngoài ra, dẫu biết rằng, Tết là dịp khiến nhiều người trẻ ở độ tuổi trưởng thành đôi khi cảm thấy rất "nhạt" và mệt nhoài trong những công việc mưu sinh bộn bề và phải kết hợp với rất nhiều công việc nhà. Thế nhưng, như vậy mới là Tết! Có bận rộn, có vất vả, có "mệt bở hơi tai" lo những mâm cỗ thì đó mới là Tết! ! Và Tết đến chỉ diễn ra trong khoảng ít ngày ngắn ngủi. Thiết nghĩ, hội nhập và phát triển là cần thiết thế nhưng, việc bỏ Tết cổ truyền chả khác nào bỏ đi “cái hồn” đất Việt!
NHB-H3
Bài viết hay quá
Trả lờiXóa