“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là tác phẩm giữ vị trí đặc biệt trong
kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Những nguyên lý mà C. Mác và Ph.
Ăngghen trình bày trong tác phẩm là kim chỉ nam cho toàn bộ phong trào cộng sản
và công nhân quốc tế, là “khúc ca tuyệt tác của chủ nghĩa Mác”. Đối với Chủ tịch
Hồ Chí Minh, tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” có một ý nghĩa rất quan trọng
trong quá trình tìm đường cứu nước của Người.
Tháng 6/1847, Liên đoàn những người cộng sản ra đời. Tháng 2/1848, tác
phẩm bất hủ “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” do C. Mác và Ph. Ăngghen sọan thảo
theo ủy nhiệm của Đại hội II Liên đoàn những người Cộng sản đã được công bố. “Tuyên
ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời là một sự kiện lịch sử trọng đại. Với sự kiện
đó, các tư tưởng xã hội chủ nghĩa hoàn thành về cơ bản quá trình chuyển biến từ
không tưởng thành khoa học, tức là trở thành chủ nghĩa xã hội khoa học. Cùng với
sự kiện đó, phong trào vô sản ở một số nước trên thế giới vượt qua giai đoạn tự
phát chuyển sang giai đoạn tự giác, có lý luận tiền phong và cương lĩnh cách mạng
soi đường. “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” không chỉ là một tác phẩm lý luận mà
còn là bản cương lĩnh cách mạng đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân
quốc tế.
Từ khi ra đời, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” luôn gắn liền với phong
trào cộng sản và công nhân quốc tế, phog trào đấu tranh cua nhân dân lao động
các nước và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, khi thoái trào cũng như khi
cao trào, lúc khó khăn cũng như lúc thuận lợi. Lãnh tụ V.I. Lênin đã viết: “Cuốn
sách nhỏ ấy có giá trị bằng hàng bộ sách; tinh thần của nó, đến bây giờ, vẫn cổ
vũ và thúc đẩy toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới
văn minh”.
Trong quá trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu
những quan điểm, tư tưởng về tự giải phóng mà Mác, Ăngghen đã nhấn mạnh nhiều lần
trong Tuyên ngôn. Năm 1925, trong “Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp thuộc địa” Nguyễn
Ái Quốc đã viết: “Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em
rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của
bản thân anh em”. Có thể nhận thấy, từ những quan niệm của Mác và Ăngghen về việc
giải phóng giai cấp vô sản và người lao động là sự nghiệp của chính họ, Nguyễn
Ái Quốc đã chỉ rõ chính các dân tộc thuộc địa là lực lượng đào mồ chôn chủ
nghĩa thực dân, để tự giải phóng cho mình. Nguyễn Ái Quốc đã dự đoán cách mạng
thuộc địa, cách mạng Việt Nam có thể thành công trước cách mạng chính quốc,
cách mạng Pháp. Đây là sự vận dụng một cách trung thành và sáng tạo chủ nghĩa
Mác - Ăngghen vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trong cuốn “Những nhận thức cơ
bản về tư tưởng Hồ Chí Minh”, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định, luận
điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm “người ta không thể không ngạc nhiên đến
cao độ”.
Tháng 02/1930, Nguyễn Ái Quốc đã viết nhiều thư, báo cáo gửi Đảng Cộng
sản Pháp, Đảng Cộng sản Mỹ, Quốc tế Cộng sản. Trong đó, Người yêu cầu “cho
chúng tôi một tủ sách các tác phẩm của Mác và Lênin và các sách khác cần cho việc
giáo dục cộng sản chủ nghĩa”. Ngày 18/01/1935, trong thư gửi Ban Phương Đông của
Quốc tế Cộng sản, một lần nữa Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Tôi thấy tuyệt đối cần
thiết là chúng ta phải giúp đỡ các đồng chí của chúng ta… bằng cách tạo điều kiện
cho các đồng chí tiếp thu được những kiến thức sơ đẳng nhất mà mỗi chiến sĩ đều
phải có… Biện pháp duy nhất có hiệu quả là cung cấp một số cuốn sách cơ bản về
chủ nghĩa Mác - Lênin, trước tiên là Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Ngày
12/7/1946, trong cuộc họp báo tại biệt thự Roayan (Pháp), Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã trịnh trọng tuyên bố: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ
nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin”.
Năm 1947, 100 năm sau tác phẩm “Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản”
ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Đời sống mới”. Tác phẩm đã trình
bày 19 vấn đề dưới dạng hỏi - đáp theo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác -
Lênin, một cách cơ bản, ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với trình độ và điều kiện vừa
kháng chiến vừa kiến quốc của nhân dân ta.
Tháng 01/1949, trong Tập san sinh hoạt nội bộ số 13, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã đăng bài “Đảng ta”. Trong phần mở đầu, Người viết: “Năm 1847, Mác và
Ăngghen phát biểu Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Sau 70 năm cách mạng Nga thành
công. Sau 98 năm cách mạng Việt Nam thành công. Hiện nay, nước nào cũng có Đảng
cộng sản… đang hăng hái lãnh đạo hàng trăm triệu người lao động và dân tộc bị
áp bức đấu tranh cho cuộc giải phóng của mình, cho một xã hội mới, cho chủ
nghĩa cộng sản”.
Ngày 23/10/1963, trong bài phát biểu chào mừng các đoàn đại biểu công
đoàn quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Hội nghị này đủ mặt đại biểu của
giai cấp công nhân khắp năm châu, đã nêu cao tình đoàn kết chặt chẽ của giai cấp
công nhân quốc tế, như lời dạy của Mác: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”.
Trung thành với Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi nghiên cứu
chủ nghĩa Mác - Lênin là để vận dụng vào thực tế cách mạng Việt Nam. Người chỉ
rõ: “Chủ nghĩa Mác – Lênin là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh
thánh”.
Kế tục sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã
giữ vững các nguyên tắc bền vững trong mọi hoàn cảnh của cách mạng Việt Nam, đồng
thời vận dụng sáng tạo những giá trị có thể phát triển, bổ sung vào hoàn cảnh cụ
thể, khắc phục những sai lầm, chủ quan, duy ý chí… Tiến hành công cuộc đổi mới
toàn diện, hoàn thiện quan hệ sản xuất, phát triển quan hệ sản xuất, tạo tiền đề
cho sự giải phóng thật sự và toàn diện con người, xây dựng một chế độ xã hội
công bằng, văn minh, theo tư tưởng cốt lõi trong học thuyết của Mác và Ăngghen
đã đề ra: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự
do của tất cả mọi người”./.
NXT-H1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét