Pages - Menu

Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

BÁC HỒ VỚI SỰ NGHIỆP GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn quan tâm đến vấn đề giải phóng phụ nữ. Người đánh giá cao vai trò, vị trí và những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử dân tộc. Tư tưởng của Người về giải phóng phụ nữ không chỉ thấm đượm bản chất nhân văn, nhân đạo sâu sắc mà nó còn trở thành kim chỉ nam cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở Việt Nam trong những năm qua.


 Bác Hồ với các đại biểu dự Hội nghị phụ nữ toàn miền Bắc tham gia công tác chính quyền 

(năm 1960)

Xuất phát từ thực trạng bất bình đẳng  “trọng nam khinh nữ” dưới chế độ phong kiến, thực dân, Người đã cảm nhận sâu sắc thân phận người phụ nữ phải chịu rất nhiều áp bức, khổ đau và thiệt thòi.  Vì vậy, muốn giải phóng họ, muốn chị em được tự do, bình đẳng, hạnh phúc không có con đường nào khác là con đường giành độc lập dân tộc, thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân.

Ngay từ những ngày đầu hoạt động cách mạng, Người đã sớm nhận thấy khả năng to lớn của phụ nữ, vì phụ nữ là một lực lượng cơ bản trong xã hội, sự tham gia của họ là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của cả dân tộc. Trong tác phẩm Đường cách mệnh Người viết: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công, mà nữ giới An Nam muốn cách mệnh thì phải theo Phụ nữ Quốc tế chỉ bảo”[1]. Để giải phóng người phụ nữ thực sự, trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nội dung “Nam nữ bình quyền” thành một mục ngang bằng với các mục “Dân chúng được tự do tổ chức”, “Phổ thông giáo dục theo công nông hoá”… và coi đó là một trong những nội dung quan trọng của cách mạng Việt Nam.

Ngày 08/3/1952, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, nhân ngày Quốc tế phụ nữ. Bác đã gửi thư cho chị em trong nước và chị em kiều bào ngoài nước. Bác viết: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ”[2]. Điều này một lần nữa được Người khẳng định trong sách Lịch sử nước ta: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Ðánh Ðông, dẹp Bắc làm gương để đời”[3].

Chính vì đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong xã hội nên trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề giải phóng phụ nữ. Theo Người, trình độ giải phóng phụ nữ được coi là thước đo của trình độ phát triển xã hội. Bởi, “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội một nửa”[4].  Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đưa ra quan điểm về mục tiêu giải phóng phụ nữ là giải phóng một cách toàn diện. Giải phóng phụ nữ không chỉ là giải phóng thân thể, tư duy, mà chính là giải phóng cho họ về quyền bình đẳng, quyền được tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…. Xác định một trong những nội dung quan trọng để giải phóng phụ nữ triệt để là thực hiện quyền bình đẳng, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng và Chính phủ ta luôn luôn chú ý nâng cao địa vị của phụ nữ. Hiến pháp định rõ “nam nữ bình đẳng” và luật lấy vợ lấy chồng..., đều nhằm mục đích ấy”[5]; “Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”[6].

Để cho phụ nữ có quyền bình đẳng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cần đưa phụ nữ vào các hoạt động chính trị, xã hội, vì đó là hai môi trường thuận lợi để phụ nữ khẳng định, phát huy khả năng vốn có của mình. Muốn làm được như vậy trước hết phải tôn trọng, quan tâm đến phụ nữ, chú ý đến tính đặc thù của phụ nữ. Đồng thời phải thực hiện sự phân công sắp xếp lại lao động xã hội, tổ chức lại đời sống để phụ nữ có thời gian học tập và tham gia công tác xã hội. Tất cả những biện pháp đó phải được thể chế hóa bằng pháp luật.

Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn toàn Đảng, toàn dân: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng,cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”[7].

Hơn 50 năm qua, tuy Bác Hồ đã đi xa, nhưng tư tưởng, tình cảm của Người mãi khắc sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam. Tư tưởng của Người là cơ sở để Đảng, Nhà nước ta đề ra các chủ trương, chính sách có liên quan vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tư tưởng đó không chỉ góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở nước ta mà còn trên bình diện quốc tế. Trong những năm qua, không phụ lòng tin yêu và sự kỳ vọng của Bác, phụ nữ Việt Nam ngày càng nhận rõ vinh dự, vai trò trách nhiệm của mình, không ngừng học tập, rèn luyện, vươn lên khẳng định vai trò và vị thế của mình trong xã hội. Không chỉ là những người vợ, người mẹ đảm đang trong gia đình, nhiều phụ nữ đã đạt được những thành tích nổi bật trong nhiều lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học ...

Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, phụ nữ Quân đội đã tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực, chủ động, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, học tập, lao động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc để cùng với phụ nữ cả nước thực hiện trọn vẹn lời Bác Hồ dạy năm xưa. Cùng với phụ nữ quân đội, trong những năm qua phụ nữ trường Sĩ quan lục quân 1 luôn phấn đấu vươn lên khẳng định năng lực trong học tập và công tác, thực hiện tốt phong trào thi đua“Phụ nữ Quân đội tích cực học tập, lao động sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc” do Ban Phụ nữ Quân đội phát động. Đã xuất hiện không ít phụ nữ tham gia vào công tác lãnh đạo chỉ huy, giữ các chức vụ quan trọng trong các đơn vị. Có nhiều phụ nữ ở các khoa được tạo điều kiện đi ôn và học sau đại học ở các trường, học viện trong và ngoài quân đội, góp phần chuẩn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của Nhà trường. Xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến của phụ nữ ở các đơn vị trong thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ.

Trước đòi hỏi ngày càng cao trong thời kỳ mới, phụ nữ Trường sĩ quan Lục quân 1 dù ở cương vị nào cũng luôn khắc ghi lời dạy của Bác, hoàn thành suất sắc mọi nhiệm vụ được giao, phấn đấu “giỏi việc nước, đảm việc nhà” xứng đáng với truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”  mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng./.

MTD-H1



[1] Hồ Chí Minh Toàn tập,  tập 2, nxb CTQG, H. 2011, tr 315

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập,  tập 7, nxb CTQG, H. 2011, tr 340

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập,  tập 3, nxb CTQG, H. 2011, tr 260

[4] Hồ Chí Minh Toàn tập,  tập 12, nxb CTQG, H. 2011, tr 300

[5] Hồ Chí Minh Toàn tập,  tập 12, nxb CTQG, H. 2011, tr 507

[6] Hồ Chí Minh Toàn tập,  tập 13, nxb CTQG, H. 2011, tr 60

[7] Hồ Chí Minh Toàn tập,  tập 15, nxb CTQG, H. 2011, tr 617

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét