Pages - Menu

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

BIỆN PHÁP NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA GIẢNG VIÊN GIẢNG DẠY CÁC MÔN LÝ LUẬN MÁC - LÊNIN TRONG PHÒNG, CHỐNG “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH”


Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” giảng dạy các môn lý luận Mác - Lênin, nhất là đội ngũ giảng viên các môn lý luận Mác - Lênin có vai trò rất quan trọng. Giảng viên giảng dạy các môn lý luận Mác - Lênin là người trực tiếp và chủ yếu giảng dạy, tuyên truyền Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và phẩm chất chính trị cho người học, giúp cho người học hình thành niềm tin khoa học, từng bước tạo lập, rèn luyện, củng cố phẩm chất và năng lực chính trị, bồi đắp khả năng nhìn nhận, đánh giá khi tiếp cận các thông tin đa chiều. Quá trình giảng dạy đồng thời là quá trình phân tích, đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch có liên quan ở từng môn học, từng bài học, qua đó, người học có đủ sức đề kháng với sự xâm nhập của các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về Đảng, Nhà nước. Giảng viên không chỉ là chủ thể truyền giảng kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp mà còn là chủ thể định hướng về nhận thức, giúp học viên đánh giá, nhận thức đúng về một sự kiện, một sự việc trong thực tiễn của đất nước, của khu vực và thế giới. Vì vậy, vai trò giảng viên được thể hiện trên các phương diện về vai trò của người thầy, người tư vấn, người định hướng.

Trong thời đại ngày nay, thông tin ngày càng lớn, càng đa dạng, đa chiều, đa diện, thông tin chính thống, không chính thống, đúng, sai, mà sự đúng, sai nhiều khi rất mong manh, khó phân định. Việc tìm ra chân lý trong ma trận thông tin, tìm ra thông tin chân thực trong dòng chảy thông tin đòi hỏi giảng viên phải có trí tuệ, bản lĩnh, nhận thức, kiến thức, sự nhạy cảm trong nhận diện vấn đề, đưa ra những đánh giá chính xác, đầy đủ về các sự việc, định hướng thông tin, giải đáp những thắc mắc của học viên về các vấn đề liên quan.

Giảng viên chính là chủ thể giúp cho người học nhận thức được vấn đề, nhận diện được những kết quả tích cực mà đất nước, nhân dân ta đã đạt được. Tư tưởng, niềm tin luôn là những vùng trũng mà dòng chảy tư tưởng, niềm tin khác nhau tìm đến, nếu thiếu sự định hướng, thiếu sự hướng dẫn thì những quan niệm, tư tưởng xa lạ có thể len lỏi vào bất cứ cá nhân nào dẫn đến những sai lầm. Vì vậy, giảng viên cũng là người gieo và củng cố niềm tin của người học vào sự phát triển của đất nước, sự bền vững của chế độ, kỳ vọng của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, giảng viên giảng dạy các môn lý luận Mác - Lênin cũng là một trong những lực lượng trực tiếp tham gia nghiên cứu bổ sung và phát triển lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng làm sáng rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trên con đường xây dựng xã hội; là người có khả năng và thường xuyên tham gia tiếp cận, nhận diện sâu rộng, kịp thời các thông tin, luận điệu, từ đó chia sẻ, viết bài, bình luận, phản biện và đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu sai trái, thù địch hiện nay, nhất là trên không gian mạng.

Để đấu tranh có hiệu quả những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý luận Mác - Lênin cần quan tâm một số nhiệm vụ sau:

Một là, quán triệt và thực hiện tốt các yêu cầu của công tác giảng dạy các môn lý luận Mác - Lênin như: sát thực tiễn, sát mục tiêu, yêu cầu đào tạo và sát với đối tượng người học, đây là nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác, nguyên tắc của công tác lý luận nói chung. Bài giảng có tính thực tiễn sẽ chuyển hóa các nguyên lý, lý luận trừu tượng, khó hiểu, phức tạp thành những vấn đề gần gũi, giản dị, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Cùng với đó, đặc biệt coi trọng định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động cho người học. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện, phương tiện cho việc học tập, nghiên cứu và giảng dạy.

Hai là, thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và phong cách làm việc năng động, sáng tạo đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hoạt động bồi dưỡng, nâng cao nhận thức có thể thực hiện bằng nhiều hình thức sinh động khác nhau: nâng cao hiệu quả học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tôn vinh những điển hình tiên tiến của giảng viên. Cần phải bồi dưỡng cho giảng viên có năng lực, bản lĩnh, giữ vững niềm tin vào sự phát triển của đất nước, những điều tốt đẹp mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang nỗ lực phấn đấu. Giảng viên phải là hiện thân cho trí tuệ, đạo đức của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Điều này đòi hỏi cần phát huy vai trò của người đứng đầu cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong nêu gương, trong thực hành trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp.

Ba là,  mỗi giảng viên lý luận Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh không ngừng tự giác học tập, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, phải xác định được vai trò của mình trong quá trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Một lời nói, một bài giảng không chỉ đơn giản là lời nói, bài giảng mà chính là tiếng nói về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, bài giảng phải là sự chắt lọc của thực tiễn, nói những điều thực tiễn đã kiểm nghiệm, nói những điều đã được sàng lọc, không mơ hồ, không ước đoán, suy đoán với những thông tin không chính thống, những thông tin chưa được kiểm chứng. Nhận thức là một quá trình không đơn giản, cần có bản lĩnh, trí tuệ, biết lựa chọn giữa đúng, gần đúng và sai, biết tìm ra những điều phi lý trong lớp vỏ tưởng chừng hợp lý. Bản thân mỗi giảng viên cũng cần thật sự gương mẫu về nhận thức, bản lĩnh chính trị, có lòng trung thành và tin tưởng tuyệt đối vào Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới; luôn tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, đề cao trách nhiệm, tâm huyết với nghề nghiệp; tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là trình độ, năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Tích cực đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thế giới trở nên “nhỏ bé” hơn, nhưng “biển” thông tin thì ngày càng rộng lớn, phong phú, đa chiều và hết sức phức tạp… Thực tế đó đòi hỏi giảng viên giảng dạy các môn lý luận Mác - Lênin phải kịp thời thích nghi với điều kiện mới; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Không chỉ hiểu biết sâu rộng kiến thức chuyên môn lĩnh vực mình giảng dạy, còn phải tích cực đổi mới, linh hoạt về phương pháp; thường xuyên bám sát thực tiễn, tổng hợp thực tiễn để làm sâu sắc thêm lý luận, gắn lý luận với thực tiễn nhằm tăng cường hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị trong các nhà trường, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đào tạo trong giai đoạn mới.

                                                                            N.T.K.T - H2

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét