Sinh thời, Chủ
tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, tin tưởng và dành tình cảm yêu thương sâu sắc
cho thế hệ trẻ Việt Nam. Sự dìu dắt ân cần của Người giúp cho thế hệ trẻ, nhất
là thanh niên không ngừng trưởng thành và phát triển. Trong tiến trình cách mạng,
các thế hệ thanh niên Việt Nam luôn xứng đáng với sự quan tâm của Bác, của Đảng,
đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Không phải ngẫu
nhiên khi bắt đầu truyền bá tư tưởng cách mạng cho dân tộc, Bác đã chọn thanh
niên là đối tượng đầu tiên. Từ rất sớm, Người đã nhận thấy rõ vai trò to lớn của
thanh niên: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà
thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”[1].
Trong bài: Gửi Thanh niên An Nam, được viết năm 1925, Người kết luận: “Hỡi Đông
Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người
không sớm hồi sinh”[2].
Do đó, Người rất quan tâm, chỉ đạo sâu sát và trực tiếp tham gia giáo dục thanh
niên.
Từ việc đánh
giá cao vai trò của thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều tâm huyết cho
việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cao cả; rèn luyện ý chí cách mạng kiên cường,
tinh thần sẵn sàng xung phong trong mọi nhiệm vụ và công tác cho họ. Lý tưởng
cách mạng mà Người quan tâm bồi dưỡng cho thế hệ trẻ trước hết là tinh thần yêu
nước. Đây là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng ngàn
năm: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của
ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi,
nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm,
khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[3].
Lý tưởng cách
mạng mà Hồ Chí Minh quan tâm bồi dưỡng cho thế hệ trẻ còn là lý tưởng độc lập
dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người cho rằng: “Những người cộng sản
chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho
Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước
ta và trên toàn thế giới”[4].
Thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng XHCN và xây dựng thành công CNXH là
phương thức duy nhất để củng cố bền vững độc lập dân tộc, bảo đảm cho mọi người
có cuộc sống “ấm no, tự do, hạnh phúc”.
Theo Hồ Chí
Minh, để bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên đạt hiệu quả cao nhất cần kết
hợp chặt chẽ giữa giáo dục lý luận, lý tưởng với hành động cách mạng để thực hiện
lý tưởng, nói cách khác chính là kết hợp giữa lý luận và thực tiễn trong giáo dục. Người
cho rằng: “Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái
đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên”[5]
(tập 5, tr.275). Đồng thời, phải kết hợp gia đình, nhà trường và xã hội trong bồi
dưỡng lý tưởng cho thanh niên. Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của nhà trường: Cốt
nhất là phải dạy học trò biết yêu nước thương nòi, phải dạy cho họ ý chí tự lực,
tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ; Người cũng đặc
biệt coi trọng sự phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội: “Giáo dục trong nhà
trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết
quả cũng không hoàn toàn”[6].
Ngoài ra, để giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên, Người đề cao giáo dục
nêu gương, lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục thanh niên vì: “một tấm
gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[7].
Thấm nhuần lý
tưởng cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí
Minh đã tổ chức các thế hệ thanh niên phát huy vai trò nòng cốt trên mọi lĩnh vực,
góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc, công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Nhiều phong trào cách mạng của tuổi
trẻ, và gần đây nhất, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI (nhiệm kỳ 2017 - 2022)
đã phát động 3 phong trào lớn là: “Phong trào thanh niên tình nguyện”, “Phong
trào tuổi trẻ sáng tạo” và “Phong trào Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” cùng
3 chương trình đồng hành, hỗ trợ thanh thiếu nhi, đã thực sự đi vào cuộc sống,
được các tầng lớp thanh niên tích cực hưởng ứng. Kết quả là, góp phần tạo nên một
lớp thanh niên mới, trong đó có bộ phận thanh niên tiên tiến đi đầu trên nhiều
lĩnh vực, có thái độ, nhận thức tốt và ý thức chính trị cao, có ý chí vượt qua
khó khăn, vươn lên lập thân, lập nghiệp, phát huy mạnh mẽ truyền thống xung
kích của lớp lớp thanh niên đi trước. Qua đó vị trí, vai trò của đoàn viên,
thanh niên ngày càng được khẳng định, góp phần xây dựng một nước Việt Nam xã hội
chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong những năm qua, công tác giáo dục lý tưởng
cách mạng cho đoàn viên thanh niên ở Trường SQLQ1 luôn được chú trọng. Ban
thanh niên Nhà trường đã phát động, triển khai thực hiện nhiều phong trào,
chương trình hành động thiết thực nhằm giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống cho
đoàn viên, như: “Tuổi trẻ Trường Sĩ quan Lục quân 1 phát huy truyền thống xung
kích, sáng tạo, quyết thắng”,“Mái ấm Lục quân - Nghĩa tình đồng đội”, “Đoàn cơ
sở 3 chủ động”, xây dựng và thực hiện “4 Tiêu chí và 4 Quy tắc trong giao tiếp ứng
xử của Người Thanh niên Lục quân”…Qua đó, đoàn viên thanh niên trong Nhà trường
luôn xác định rõ lý tưởng cách mạng, nêu cao tinh thần hăng say trong học tập,
công tác, đạt nhiều thành tích cao trong học tập và nghiên cứu khoa học; sẵn
sàng nhận nhiệm vụ khi ra trường.
Tuy nhiên, việc giáo dục lý tưởng cho đoàn
viên thanh niên ở một số đơn vị chưa đạt được kết quả như mong muốn. Vẫn còn những
đoàn viên là học viên chưa nhận thức rõ động cơ học tập, dẫn tới phấn đấu cầm
chừng, thiếu cố gắng trong học tập và rèn luyện. Điều này biểu hiện qua việc một
số ít có kết quả học tập thấp do thiếu cố gắng, có những đoàn viên chấp hành
các quy định của đơn vị không nghiêm túc.
Chính vì vậy, việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng
cho đoàn viên thanh niên Trường SQLQ1 hiện nay càng trở nên cấp thiết, giúp họ
xác định được mục tiêu lý tưởng đúng đắn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn
sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Bồi dưỡng lý tưởng cho đoàn
viên thanh niên Trường SQLQ1 hiện nay cần giáo dục cho đoàn viên lý tưởng độc lập
dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc và
nhân dân; ý chí vươn lên hoàn thành xuất nhắc nhiệm vụ chính trị. Do đó, cần thực
hiện tốt những vấn đề sau:
Thứ nhất, làm tốt công tác giáo dục Chủ nghĩa
Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng. Đây là nhiệm vụ
có ý nghĩa quyết định tới chất lượng giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên.
Đảng ta xác định: Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng
của Đảng. Lý tưởng cách mạng của người đoàn viên, học viên, người quân nhân
không thể đi ngược với mục tiêu lý tưởng của Đảng. Chính vì thế, để bồi dưỡng
lý tưởng cách mạng cho đoàn viên thanh niên phải chú trọng giáo dục Chủ nghĩa
Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm, đường lối của Đảng.
Do đó, phải giáo dục cho đoàn viên thanh niên
nhận thức rõ bản chất cách mạng, khoa học và phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác
– Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng ta vào cách mạng Việt
Nam. Phải làm cho mỗi đoàn viên nhận thức được tính tất yếu đi lên chủ nghĩa xã
hội, tính đúng đắn của mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, niềm
tin vào thắng lợi của cách mạng. Đồng thời, giáo dục cho đoàn viên hiểu rõ âm
mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với Chủ nghĩa Mác – Lênin,
Tư tưởng Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam; từ đó làm cho họ có nhận thức đúng
đắn, sâu sắc những vấn đề lý luận, thực tiễn xã hội đặt ra.
Việc giáo dục phải gắn liền với chương trình
giáo dục lý luận chính trị của đoàn viên. Điều này đặt ra yêu cầu về tính định
hướng, tính chiến đấu trong mỗi bài giảng, nhất là của thầy cô giáo giảng dạy các
môn KHXHNV. Đồng thời, việc giáo dục Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí
Minh phải thông qua các buổi tọa đàm, các diễn đàn của thanh niên, hội thi, hội
thao để giúp họ củng cố niềm tin vào chủ nghĩa Mác, Tư tưởng Hồ Chí Minh, sự
lãnh đạo của Đảng.
Thứ hai, tăng cường giáo dục truyền thống dân
tộc, Quân đội, Nhà trường cho đoàn viên. Lòng trung thành luôn xuất phát từ niềm
tin và sự yêu mến. Vì vậy, để người đoàn viên trung thành với Tổ quốc, với nhân
dân, với Quân đội và Nhà trường, phải làm cho họ hiểu rõ truyền thống dân tộc,
truyền thống quân đội và Nhà trường. Qua đó, giúp họ củng cố lòng tự tôn dân tộc,
niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, tin tưởng vào sức mạnh của Quân
đội và sự nghiệp giáo dục đào tạo của Nhà trường.
Để thực hiện có hiệu quả việc giáo dục truyền
thống, cần tổ chức cho đoàn viên tham quan bảo tàng, các khu di tích, Nhà truyền
thống. Kết hợp việc giáo dục truyền thống trong mỗi bài giảng của giảng viên;
không chỉ đối với các bài giảng lý luận chính trị, mà còn kết hợp trong các bài
giảng quân sự như chiến thuật, bắn súng, điều lệnh đội ngũ …. Và ngược lại, việc
kết hợp giảng dạy với giáo dục truyền thống sẽ góp phần làm cho bài giảng của
người giảng viên thêm sinh động, lôi cuốn người học. Ngoài ra, tổ chức cho đoàn
viên tham gia các diễn đàn thanh niên, các hoạt động văn hóa văn nghệ nhân kỷ
niệm các ngày lễ, ngày truyền thống và các sự kiện chính trị quan trọng của Đảng,
Nhà nước, Quân đội và Nhà trường sẽ góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục truyền
thống và bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đoàn viên.
Thứ ba, tổ chức tốt các hoạt động thực tiễn trong
giáo dục lý tưởng cho đoàn viên. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: giáo dục lý
tưởng phải sát thực tiễn, gần gũi, không cao xa. Đưa đoàn viên vào các hoạt động
thực tiễn sẽ đánh giá chính xác nhất việc xác định mục tiêu, lý tưởng của họ.
Đoàn viên xác định tốt lý tưởng sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn nỗ lực
trong mọi nhiệm vụ. Chính vì vậy, phải gắn liền việc giáo dục lý tưởng với tổ
chức họ tham gia các hoạt động thực tiễn.
Việc rèn luyện đoàn viên trọng thực tiễn phải
bắt đầu từ rèn luyện họ trong thực tiễn học tập, công tác và sinh hoạt hằng
ngày. Đồng thời, tổ chức đoàn các cấp phải tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống
một cách linh hoạt, sáng tạo, gắn sát với nhiệm vụ của đơn vị. Và đặc biệt, phải
đưa họ vào những nhiệm vụ khó khăn, vất vả để rèn luyện ý chí, nghị lực và bản
lĩnh của họ.
Thứ tư, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở
các đơn vị; ngăn ngừa những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Trong điều kiện nền
kinh tế thị trường, hệ thống thang giá trị xã hội đang có những biến động, thay
đổi. Cùng với sự phát triển tiến bộ, đã xuất hiện những tư tưởng quá coi trọng
phát triển đời sống vật chất thuần túy mà coi nhẹ những giá trị văn hóa, tinh
thần truyền thống. Lối sống thực dụng, mơ hồ, thiếu lý tưởng xuất hiện trong một
bộ phận thanh thiếu niên. Điều này tác động không nhỏ tới tâm tư, tình cảm của
mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên. Chính vì vậy, việc xây dựng môi trường văn
hóa lành mạnh ở đơn vị sẽ góp phần to lớn vào xây dựng lý tưởng cách mạng và tạo
cho họ “kháng thể” chống lại những tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài.
Việc xây dựng môi trường văn hóa ở đơn vị cần
phải được sự quan tâm, chăm lo của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, sự tham gia của tất
cả cán bộ, đoàn viên. Xây dựng môi trường văn hóa, phải thường xuyên chú trọng
xây dựng cảnh quan môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp, có đầy đủ các thiết chế
văn hóa phục vụ cho đời sống của cán bộ, đoàn viên; xây dựng nếp sống chính
quy, tinh thần đoàn kết cho mỗi đoàn viên và trong tập thể đoàn viên. Qua đó,
nhân cách người quân nhân cách mạng từng bước được hình thành, góp phần nâng
cao hiệu quả bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đoàn viên thanh niên.
Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh
niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2021), mỗi cán bộ, đoàn viên thanh
niên Trường SQLQ1 cần ôn lại truyền thống vẻ vang của Đoàn, đồng thời nghiên cứu,
nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên. Từ đó, phát huy tinh
thần “Xung kích, Sáng tạo, Quyết thắng” của tuổi trẻ Nhà trường trong thực hiện
nhiệm vụ, đạt thành tích cao trong học tập, công tác./.
NMH-H1
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2011, tr.216
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2011, tr.144.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,
tr.38
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2011, tr.467.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2011, tr.275.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2011, tr.591.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.284.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét