Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII
của Đảng với nhiều nội dung quan trọng, xác định đường hướng phát triển đất nước
trong thời gian tiếp theo. Nghị quyết Đại hội XIII nhấn mạnh mục tiêu tổng quát
là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng;
xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố,
tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ
nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý
chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh
toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng
và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến
giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ
nghĩa. Các Văn kiện và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những mục
tiêu, nhiệm vụ quan trọng về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, về phát triển
kinh tế-xã hội của đất nước không chỉ cho 5 năm tới, mà cho cả thời kỳ
2021-2030 và tầm nhìn đến giữa thế kỷ XXI.
Vây, cần tuyên truyền ngay để đưa nghị quyết vào
cuộc sống không phải chỉ là tuyên truyền về nghị quyết, đưa toàn văn nghị quyết
lên mặt báo hay đọc nghị quyết cho người xem, người nghe. Công tác này cần phải
được hiểu một cách toàn diện là tuyên truyền về nghị quyết, việc triển khai nghị
quyết, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết, việc xây
dựng và triển khai các đề án, dự án, các cuộc vận động, phong trào hành động,
hoạt động của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trên tất cả lĩnh vực từ
chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đến quốc phòng, an ninh, nội chính và đối
ngoại...
Tuyên truyền đưa nghị quyết vào cuộc sống không phải
chỉ là viết về Đảng, về xây dựng Đảng; không phải chỉ có ở chuyên mục “Đưa nghị
quyết của Đảng vào cuộc sống” hay chuyên mục “Xây dựng Đảng” và cũng không phải
chỉ là nhiệm vụ của nhà báo phụ trách các chuyên mục này. Tuyên truyền đưa nghị
quyết của Đảng vào cuộc sống phải được thực hiện ở rất nhiều chuyên mục do các
cấp ủy đảng và từng đảng viên quán triệt, tổ chức thực hiện. Trách nhiệm này
thuộc về lãnh đạo các cấp của các ban ngành từ trung ương tới địa phương.
Trên thực tế quan niệm này hiện vẫn chưa được nhiều
người hiểu và thực hiện đúng. Không ít người vẫn quan niệm đưa nghị quyết vào
cuộc sống là cái gì đó rất chính trị, lớn lao, khô cứng, khó…
Tuyên truyền nội dung của nghị quyết trên từng lĩnh
vực, tập trung cho mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ.
Tuyên truyền trên các lĩnh vực cụ thể: kinh tế, văn
hóa, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh, nội chính và đối
ngoại... Bám sát các chỉ tiêu phấn đấu trong nghị quyết để thông tin về tình
hình thực hiện, kết quả, hiệu quả, những thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm,
các điển hình, ý kiến của nhân dân, các giải pháp, đề xuất, kiến nghị của các tổ
chức, cá nhân được phản ánh.
Phản ánh những tấm gương tập thể, cá nhân điển hình
có những việc làm tâm huyết, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, học tập,
công tác, các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống mới....
Phát hiện những bất cập, hạn chế trong quá trình
triển khai thực hiện Nghị quyết, đưa ra được đề xuất, kiến nghị có tính gợi mở
để cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương tham khảo, điều
chỉnh, rút kinh nghiệm, uốn nắn kịp thời.
Đấu tranh, phê phán các biểu hiện tiêu cực, tệ nạn
quan liêu, tham nhũng, lãng phí, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống;
đấu tranh phản bác các quan điểm chống phá của các thế lực thù địch, phản động
đối với vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và sự phát triển của địa
phương.
Để việc tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc
sống hiệu quả hơn, nhanh hơn thì các cấp ủy, các tổ chức phải dễ hiểu, gần gũi
với số đông công chúng, hình thức phản ánh sinh động, phản ánh đúng các mục
tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết của Đảng đã đề ra. Liên tục có những đổi mới về nội
dung và hình thức để nâng cao chất lượng thông tin. Phải đảm bảo được tính chính
trị đúng đắn, có tính chiến đấu cao, có lợi cho sự phát triển xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc; có sức lan tỏa, làm lay động tình người, đáp ứng được nhu cầu thông
tin của công chúng, được đông đảo công chúng đón nhận.
Ngày 9/3/2021, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị Số 01-CT/TW của Bộ Chính trị
về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Chỉ thị yêu cầu
các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt các nội
dung sau:
Một là: Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt,
tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là công
việc thường xuyên, phải được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, khoa học
trong suốt cả nhiệm kỳ. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021,
là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để mỗi cán bộ, đảng viên đều nắm vững và thực
hiện đúng đắn, sáng tạo Nghị quyết của Đảng, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận
thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận cao trong
nhân dân; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy cao độ
tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thắng lợi Nghị
quyết Đại hội XIII của Đảng. Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là nhằm góp phần tăng cường xây dựng Đảng về
chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn
biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; uốn nắn những nhận thức lệch
lạc; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai
trái, thù địch.
Hai là: Các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu
trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chủ trì và chịu trách nhiệm về chất lượng nghiên cứu,
học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng
chương trình hành động của cấp uỷ.
Ba là: Nội dung nghiên cứu, học tập, quán triệt,
tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bao gồm: Nghị quyết Đại hội lần
thứ XIII; Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về các văn kiện Đại
hội XIII của Đảng; Báo cáo chính trị; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10
năm 2021 - 2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế
- xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
5 năm 2021 - 2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ
Đảng khoá XII.
Bốn là: Công tác tổ chức nghiên cứu, học tập,
quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phải được tiến hành khẩn trương,
nghiêm túc, chất lượng; kết hợp tự nghiên cứu với nghe phổ biến, quán triệt; nhấn
mạnh, làm rõ những vấn đề mới, cốt lõi; nêu cao trách nhiệm của báo cáo viên,
người đứng đầu cấp uỷ trong báo cáo truyền đạt Nghị quyết, cũng như cán bộ, đảng
viên trong học tập Nghị quyết, đặc biệt là sự nêu gương của cán bộ chủ chốt các
cấp.
Năm là: Sau đợt nghiên cứu, học tập, quán triệt
Nghị quyết Đại hội, các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cấp chính quyền, tổ chức
chính trị - xã hội khẩn trương tiến hành xây dựng chương trình hành động thực
hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với
đặc điểm tình hình và điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị, thể hiện
sự quyết tâm, sáng tạo và bảo đảm tính khả thi, thiết thực, hiệu quả. Kết quả
thực hiện chương trình hành động là cơ sở quan trọng để kiểm điểm, đánh giá tập
thể cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị hằng năm và cả nhiệm kỳ. Thời gian
hoàn thành chương trình hành động trong quý II/2021.
Sáu là: Công tác tuyên truyền Nghị quyết Đại hội
XIII của Đảng cần được tiến hành thường xuyên, toàn diện, đồng bộ, thống nhất,
kịp thời, phong phú, sinh động. Nội dung tuyên truyền tập trung về thành công của
Đại hội, về những nội dung cốt lõi của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; nhận
diện đầy đủ những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức trong những năm tới;
chú trọng đấu tranh phản bác các quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch và định
hướng dư luận xã hội theo đúng phương châm "lấy xây làm chính",
"lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực"; phản ánh kịp thời, đầy đủ, toàn diện
việc triển khai thực hiện Nghị quyết tới các tầng lớp nhân dân trong nước và đồng
bào ta ở nước ngoài để góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong thực
hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Bảy là: Việc tổ chức Hội nghị
nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
phải kết hợp với thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị khác, đặc biệt là công
tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV
và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, bảo đảm tính thiết
thực, hiệu quả, an toàn.
Vậy mà, trên
các trang mạng các thế lực thù địch, phản động tung tin bịa đặt, bóp méo, thổi
phồng, xuyên tạc, tung tin xấu độc là một trong những chiêu trò mà các thế lực
thù địch tăng cường sử dụng để chống phá Đảng ta.
Khi Đảng ta công bố toàn bộ dự thảo văn kiện trình
Đại hội XIII trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân góp ý, thông
qua mạng xã hội chúng ra sức xuyên tạc, tung tin xấu độc tác động nhằm hướng
lái dư luận thông qua việc đóng góp ý kiến để gây áp lực với hy vọng làm cho đường
lối, chủ trương của Đảng ta chệch hướng. Hùa theo đó, ở trong nước, bên cạnh những
ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại đa số nhân dân, một số phần tử cơ hội, bất
mãn chính trị thảo ra nhiều tài liệu chứa đựng những thông tin đi ngược lại
quan điểm, đường lối cơ bản của Đảng đã được khẳng định trong Cương lĩnh của Đảng
và Hiến pháp năm 2013; bóp méo, xuyên tạc về công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội
XIII của Đảng rồi tán phát trên mạng.
Một số kẻ tự cho mình là “nhà yêu nước” ra sức
xuyên tạc, công kích nhằm phá hoại Đảng. Việc Đảng ta mở rộng dân chủ để nhân
dân góp ý xây dựng dự thảo các văn kiện chúng trắng trợn xuyên tạc rằng: “Đó chỉ
là chiêu trò mỵ dân, là màn kịch đã được dựng sẵn theo chủ ý của giới lãnh đạo
Việt Nam”. Chúng hồ đồ phán rằng: “Dự thảo văn kiện... chỉ là sự sao chép, biến
tấu từ văn kiện của các kỳ đại hội trước, nội dung không có giá trị gì” hay “dự
thảo văn kiện... chỉ là những vấn đề sáo rỗng, giáo điều, bảo thủ, khư khư ôm
giữ chủ nghĩa Mác - Lênin để duy trì quyền lực của Đảng”...
Các thế lực thù địch còn móc nối, lôi kéo những phần
tử cơ hội, bất mãn chính trị trong nội bộ ta lợi dụng việc góp ý dự thảo các
văn kiện để tung tin bôi nhọ hình ảnh đất nước, phủ nhận thành quả cách mạng;
xuyên tạc sự thật, công kích, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, mục tiêu lý tưởng, vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường xây dựng CNXH.
Qua một vài trang mạng ở chúng kêu gọi rằng: “Đại hội XIII vừa qua là thời cơ để
Việt Nam đổi mới chính trị theo chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”...
Những thông tin xấu độc, sai trái, lệch lạc ấy được
chúng tung ra vào thời điểm này là nhằm gây sự phân tâm trong xã hội, gieo rắc
hoài nghi, tạo rối loạn trong nhận thức của nhân dân, làm suy giảm niềm tin của
nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ, chia rẽ đoàn kết nội bộ, kích động tạo
mâu thuẫn để từ đó dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tạo điểm nóng về
chính trị nhằm phá hoại sự ổn định của Đảng ta. Nhưng bằng chiêu trò gì đi
chăng nữa chúng cũng không thể phủ nhận được sự thật.
Tuy nhiên, bên cạnh sự chống phá của các thế lực
thù địch, có một điều rất đáng lưu tâm là ngay trong nội bộ ta xuất hiện những
cán bộ suy thoái, cơ hội chính trị, tham vọng cá nhân. Họ tìm cách tiến thân
nhưng không bằng sự nỗ lực phấn đấu, cống hiến, không bằng uy tín của cá nhân
mình mà lại tìm mọi cách hạ uy tín đồng chí, đồng nghiệp mình. Chính những con
người này cũng tung tin bóp méo, xuyên tạc sự thật, vu khống, gửi đơn thư nặc
danh, mạo danh hoặc sử dụng mạng xã hội để tạo "sóng" dư luận, nhằm động
cơ cá nhân.
Do vậy, cùng với đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ
đoạn chống phá của các thế lực thù địch, chúng ta cần đẩy mạnh phòng, chống
thông tin xuyên tạc, bịa đặt, xấu độc ngay từ bên trong. Xử lý nghiêm những cán
bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, vu khống, bôi nhọ, tố cáo sai sự thật,
chúng ta cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao khả năng “miễn dịch”
cho nhân dân trước những thông tin xấu độc từ kẻ xấu và các thế lực thù địch.
Đặc biệt, cần phát huy tốt vai trò của báo chí,
truyền thông trong đấu tranh phòng, chống.Thực tiễn đòi hỏi sự chủ động thông
tin và tính định hướng của báo chí chính thống phải rất cao. Báo chí chính thống
phải là một trong những kênh thông tin chủ lực, hữu hiệu để cung cấp thông tin
kịp thời, trung thực, minh bạch, khách quan giúp người dân hiểu biết toàn diện,
đầy đủ về các vấn đề, sự kiện của Đảng, của đất nước để từ đó định hướng dư luận,
vun đắp, xây dựng niềm tin cho nhân dân. Đồng thời góp phần nâng cao “sức đề
kháng” cho nhân dân trước những thông tin xấu độc, xuyên tạc nhằm động cơ chống
phá Đảng và Nhà nước ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét